Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếng lòng của ngư dân

08:05, 27/05/2014

Tháng 5 trời vẫn chưa chịu mưa, chúng tôi rong ruổi đến các bến chài, xóm câu của lòng hồ Trị An, dọc sông Đồng Nai để trốn cái nóng của phố thị và lắng nghe tiếng lòng ngư dân.

Tháng 5 trời vẫn chưa chịu mưa, chúng tôi rong ruổi đến các bến chài, xóm câu của lòng hồ Trị An, dọc sông Đồng Nai để trốn cái nóng của phố thị và lắng nghe tiếng lòng ngư dân.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường (huyện Định Quán), cho hay những năm đầu hồ Trị An mới tích nước, cá tôm trong hồ rất nhiều. Từ đó, bà con Việt kiều Campuchia di cư về đây hành nghề chài lưới và hình thành nên làng cá Bến Nôm. “Đa số hộ sinh sống tại ấp Bến Nôm 2 đều làm nghề cá. Khi lòng hồ cạn nước là thời điểm họ ăn nên làm ra, các tháng còn lại thì thất thường lắm” - ông Hoàng nói.

* Tháng kiệt

Ngư dân Trần Học cho biết, cha con ông từ khuya đến giờ chỉ đánh bắt được hơn chục ký cá cơm. Với giá cá cơm hơn 8 ngàn đồng/kg hiện nay, tính ra số cá đánh bắt được bán chỉ đủ tiền mua dầu chạy máy. Trước giờ, ngư dân ấp Bến Nôm chủ yếu dựa vào 3 cái ùn lớn, gồm: ùn 30, ùn Vĩnh An và ùn Đồi Khỉ để đánh bắt cá. Vậy mà, vẫn còn lắm người làm ăn gian dối, sử dụng ngư cụ cấm đánh bắt, như: đăng, cào điện, chích điện… để tàn sát tôm cá.

Ngư dân Út Linh (ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, huyện Định Quán) cho xuồng rời bến đi thả lưới. Ảnh: Đ.Phú
Ngư dân Út Linh (ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, huyện Định Quán) cho xuồng rời bến đi thả lưới. Ảnh: Đ.Phú

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ấp Hoàng cho biết thêm, toàn ấp Bến Nôm 2 (khoảng 500 hộ dân) có khoảng 300 ghe te, ghe cào. Số hộ làm nghề chài lưới nay chỉ còn 70%. Từ ngày được chính quyền xem xét cấp hộ khẩu, tạo điều kiện cho vay vốn nuôi trồng, sửa chữa phương tiện đánh bắt và hộ nghèo được cấp đất, tặng nhà…, đời sống của những hộ ngư dân Việt kiều Campuchia đã bớt khó khăn hơn.

Từ quốc lộ 1, chúng tôi theo đường tỉnh 768 về ấp 1, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) để hỏi chuyện làm ăn của ngư dân địa phương. Ngư dân Ba Hùng tỏ bày, cá tôm trên sông Đồng Nai và lòng hồ Trị An giờ có phần cạn kiệt do người ta đánh bắt bằng xung điện, hóa chất (thuốc trừ sâu, diệt cỏ)… Ông ngậm ngùi thổ lộ, 10 năm về trước dù phương tiện đánh bắt chỉ là tay chài, thước lưới, nhưng sau một đêm đánh bắt ngư dân cũng thu hoạch trên chục ký tôm cá. Giờ hết xuôi hạ nguồn, ngược lên thượng nguồn sông Đồng Nai cả ngày lẫn đêm cũng có khi phải về tay không, hoặc chỉ bắt được lèo tèo vài con cá, con tép.

Sau một đêm thức trắng thả lưới, ngư dân Lâm Xuyên uể oải cho biết, tháng nước cạn anh bám vào bãi đá để thả câu, bủa lưới, lặn bắt tôm. Mùa mưa nước đục, thủy điện xả nước thì anh xuôi xuồng về hướng hạ nguồn quăng chài, vây bờ. Trên 20 ngư dân bám riết khúc sông này mấy chục năm qua mà vẫn chưa tìm được sự sung túc. “Khúc sông này, trước kia chỉ có dân địa phương hành nghề chài lưới. Nay có thêm ngư dân nơi khác vào góp mặt, nên họ tranh cạnh nhau trong chuyện làm ăn và luôn tìm mọi cách tận diệt tôm cá đang chui trốn dưới các bãi đá, vùng nước xoáy. Phần lớn ngư dân xứ lạ hành nghề bằng phương thức rà điện, lặn dưới đáy vớt mò nên họ sợ bị địa phương trục xuất, ngăn chặn đường mưu sinh” - chỉ vào mớ cá ít ỏi vừa đánh bắt được, ngư dân Lâm Xuyên nói.

* Nỗi niềm ngư phủ

Lầm lũi thả lưới vật vờ trôi theo dòng nước, ngư dân Bình Triển (ấp 1, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) than thở, độ 10 năm về trước, khúc sông này cá tôm vô số. Giờ đây, do ngư dân dùng phương thức đánh bắt tận diệt nên cá tôm bỏ trốn đâu mất. “Thật tình dân địa phương tụi tui sống đời lãng tử sông nước quen rồi. Vào mùa cá thì phè phỡn làm chơi ăn thiệt, tháng cá tôm kiệt thì nhảy lên bờ làm thuê mướn cũng lây lất sống qua ngày. Sống trên sông nước phải biết tôn trọng thủy thần, cần mẫn mưu sinh thì sông nước mới không phụ mình. Riêng những kẻ tận diệt tôm cá, nếu không bị chính quyền xử phạt thì cũng bị sông nước ngược đãi mà thôi” - anh Bình Triển bực dọc nói.

Anh Trần Minh Long (làng bè Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) đi lặn bắt tôm cá tại bãi Đá Hàn (khu vực cầu Ghềnh, phường Bửu Hòa).
Anh Trần Minh Long (làng bè Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) đi lặn bắt tôm cá tại bãi Đá Hàn (khu vực cầu Ghềnh, phường Bửu Hòa).

Có mặt tại làng bè Tân Mai (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) vào trưa hôm sau, chúng tôi được ngư dân Tám Ninh lý lẽ, tôm cá tuy trốn kỹ, thoát chết bởi lưới điện và thuốc trừ sâu, nhưng nó cũng khó thoát được thước lưới, tay chài của ngư dân. “Vì miếng cơm manh áo, quăng năm hay mười chài trật thì vài chục chài liên tiếp cũng bắt được cá. Cá tôm nay không còn nhiều như trước, nhưng khi ít chúng lại trở thành đặc sản có giá trị gấp chục lần so với trước. Nhờ vậy, dân chài chúng tôi cũng bám trụ được với nghề” - ông Tám Ninh bộc bạch.

Ngồi khoanh chân nhâm nhi chén rượu cùng nhóm bạn trên chiếc bè rộng khoảng 20m2, ngư dân Tám Khỏe tỉ tê giãi bày, đặc sản cá úc, cá chèn bây giờ hiếm lắm và rất khó bắt, mà chủ yếu tóm được mớ cá linh, cá mè, tép… Khi Nhà máy thủy điện Trị An xả nước thì ngư dân bắt được nhiều tôm cá hơn so với những lúc không xả lũ. Ông Tám Khỏe nói: “Nghề hạ bạc càng ngày càng bạc theo con nước lớn, ròng. Ở tuổi tôi bây giờ, nếu không đi chài lưới thì không biết làm gì để sống, cho dù tôm cá ngày càng ít ỏi”.

“Cá tôm ngày càng nhát mồi nên việc làm ăn bữa đực, bữa cái. Tuy vậy, người thả câu ớn nhất là bị các tay cào điện hoạt động gần khu vực ngư dân thả câu. Nghề câu ngày một khó làm ăn, bù lại cá tôm câu được bán được giá hơn nhiều so với trước đây” - ngư dân Chín Lan (xóm câu, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) nói.

Thuê ghe thả xuôi con nước về hướng cầu Ghềnh (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) nghỉ ngơi chốc lát, chúng tôi được ngư dân Chín Lan (xóm câu Bửu Hòa) cho biết, ông thông thuộc tất cả các bãi đá ngầm dưới lòng sông Đồng Nai, trải dài từ Bửu Hòa đến miệt Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), quận 9 (TP.Hồ Chí Minh). Trước kia xóm câu rất nghèo, nhà ở lụp xụp, thuyền ghe cũ kỹ nên thu nhập từ việc thả câu chỉ đủ sống lây lất qua ngày. Qua thời gian, con em xóm câu dần lớn lên, chúng được đi học, đi làm công nhân và một số thợ câu trẻ nhạy bén lên bờ làm hồ, thợ máy…, nên cuộc sống của dân xóm câu mới phát triển, mọi người mới có tiền xây nhà, sắm ghe.

Với đồ nghề thô sơ, anh Trần Minh Long (xóm bè Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) có thể lặn hàng giờ dưới dòng nước sâu hàng chục mét để chỉa (đâm) tôm cá trốn tại các hốc đá, chân cầu. Tiếp chuyện với chúng tôi khi đang cùng bạn lặn tôm cá nơi bãi Đá Hàn (gần cầu Ghềnh), anh Long cho biết cánh thợ lặn như anh hiểu rất rõ các bãi đá ngầm, vì ở đó có nhiều cá tôm trú ẩn. Vì vậy, anh phải bám vào các bãi đá, chân cầu để mưu sinh. “Nghề này hiểm nguy luôn chực chờ. Nhẹ thì bị ù tai, viêm xoang, u đầu, còn nặng thì nằm liệt giường, hay tử vong vì bị mắc kẹt dưới hốc đá hoặc do dây tiếp ôxy bị trục trặc, không ngoi lên mặt nước kịp thời” - anh Long nói.

Rít một hơi thuốc cho đỡ lạnh, anh Long cho biết thêm, nghề lặn tôm cá hiện đang bị mấy tay thuốc tôm cá cắt đứt đường sống, người thợ lặn quần quật mưu sinh nhưng chỉ kiếm đủ ngày 2 bữa. “Bây giờ làm ăn khó quá, nên họ không nhiệt tình đi làm như những năm trước. Trước kia, thợ lặn làng bè tôi có vài chục người, nay họ bỏ nghề gần hết. Hiện chỉ còn vài người chuyên lặn bắt tôm cá, số còn lại “bắt cá hai tay”, như: trục vớt tàu thuyền, hoặc lên bờ tìm việc khác” - anh Long bày tỏ.   

    Thành Nhân

 

Tin xem nhiều