Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầy hiệu trưởng đa cảm

10:05, 11/05/2014

Thỉnh thoảng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Cao (ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) Nguyễn Văn Hạnh lại lặng lẽ đứng trước cửa phòng giám hiệu nhìn đám trò nhỏ nhốn nháo ra về sau tiếng trống tan trường.

Thỉnh thoảng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Cao (ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) Nguyễn Văn Hạnh lại lặng lẽ đứng trước cửa phòng giám hiệu nhìn đám trò nhỏ nhốn nháo ra về sau tiếng trống tan trường. Nói về thói quen của mình, thầy Hạnh nở nụ cười hiền hậu thổ lộ “một cảm xúc rất lạ mỗi khi tôi ngắm nhìn sự thay đổi dù rất nhỏ của học trò và ngôi trường”.

* Ký ức xưa

Thầy Hạnh cho biết, Trưởng tiểu học Nam Cao hiện nay vốn nằm trên khuôn viên Trường THCS Trảng Bom 2 (có trước năm 1975 và đã trải qua nhiều đợt chia tách). Năm 2001, khi đang làm hiệu phó một trường THCS ở xã Cây Gáo, thầy Hạnh được chuyển về làm hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Cao. “Cơ sở vật chất của Trường tiểu học Nam Cao lúc ấy chỉ là một khu đất rộng hơn 3 sào, 2 dãy phòng học cấp bốn xuống cấp nghiêm trọng, được bao bọc bởi hàng kẽm gai xiêu vẹo và sân trường như lòng chảo, nắng thì bụi mù, mưa đến lại lẹp nhẹp nước” - thầy Hạnh nói.

Thầy Nguyễn Văn Hạnh (nam hàng đầu) cùng tập thể giáo viên Trường tiểu học Nam Cao.
Thầy Nguyễn Văn Hạnh (nam hàng đầu) cùng tập thể giáo viên Trường tiểu học Nam Cao.

Ngày khai giảng năm học 2001-2002 cận kề, trong khi ngân sách của trường trống rỗng, nhà lại không có tiền, thầy Hạnh phải mượn tiền 4 giáo viên, mỗi người 1 triệu đồng để buổi khai giảng có phông màn, khẩu hiệu và một bữa cơm đạm bạc đón lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện, chính quyền xã, phụ huynh học sinh... “Sau buổi khai giảng, tập thể giáo viên, đại diện lãnh đạo địa phương, vài phụ huynh học sinh đã ngồi bên nhau bàn chuyện ổn định việc dạy và học, sửa chữa cơ sở vật chất trước khi có kinh phí của huyện rót về” - thầy Hạnh bồi hồi kể lại.

Khi tất cả 9 phòng học của Trường tiểu học Nam Cao đã ê a tiếng trò nhỏ, không chờ có con dấu đỏ, tài khoản riêng hay nguồn kinh phí từ trên rót về, thầy Hạnh mạnh dạn gọi xe chở đất đến lấp ổ gà nơi sân trường, cậy nhờ phụ huynh học sinh đem dụng cụ đến sửa lại những bộ bàn ghế, chắp lại mái tôn, cánh cửa sắp rụng khỏi bản lề...

Tiếng trống tan trường vang liên hồi, thầy Hạnh mời chúng tôi cùng ngắm cảnh học sinh tan trường trong bộ đồng phục quần xanh, áo trắng, đầu đội mũ bảo hiểm màu vàng xinh xắn (do một tổ chức tài trợ), nét mặt thầy đầy cảm xúc. Chúng tôi hiểu được phần nào cái tính đa cảm đáng yêu của thầy, một người thầy, lãnh đạo trường luôn hết lòng vì giáo viên và học sinh thân yêu của mình.

Thầy Hạnh chia sẻ: “Phụ huynh học sinh rất nhiệt tình giúp nhà trường tu sửa bàn ghế, lớp học. Điều đó đã động viên chúng tôi rất nhiều để vượt qua khó khăn, ổn định tổ chức và mạnh dạn đề xuất với ngành, chính quyền địa phương ủng hộ nhà trường từng bước kiên cố hóa cơ sở vật chất bằng phương án xã hội hóa; đồng thời quyết tâm xóa hình ảnh trường “chuồng bò” (như cách gọi của phụ huynh học sinh lúc ấy) luôn làm tủi thân học sinh, thầy cô mỗi khi đến trường”.

Năm học ấy, Trường tiểu học Nam Cao có ngay một dãy phòng học, gồm: 3 phòng trệt, 3 phòng lầu và bàn ghế hoàn toàn mới. Năm học tiếp theo, dãy phòng học cấp bốn còn lại được sửa chữa khang trang; có nhà vệ sinh, sân trường được nâng cao gần 1m. Năm học tiếp theo nữa, tường rào quanh trường được xây dựng kiên cố thay cho hàng kẽm gai xiêu vẹo, bàn ghế cũ hoàn toàn được thay mới, sân trường được tráng bê tông và các thầy cô có phòng riêng để nghỉ ngơi sau mỗi tiết dạy. “Được sự quan tâm của địa phương, ngành giáo dục, các vị phụ huynh học sinh và tập thể giáo viên đồng lòng, từ năm 2001-2003, Trường tiểu học Nam Cao đã xóa sạch hình ảnh trường vùng sâu, vùng xa, lớp học “chuồng bò” trong mắt học trò, phụ huynh học sinh và cả những người qua đường” - thầy Hạnh bộc bạch.

* Người thầy đa cảm

Dưới hàng cây xanh mát rượi trong khuôn viên trường, thầy Hạnh bảo vẫn còn nhớ như in những cái hố sâu dưới chân thầy lúc mới về tiếp quản trường. Thầy Hạnh hóm hỉnh nói: “Tôi được tập thể giáo viên ủng hộ đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa trường lớp phần vì tôi luôn tôn trọng ý kiến tập thể, phần vì tôi là nam duy nhất trong trường, các cô vừa quý, vừa sợ tôi tủi thân”.

Rồi thầy Hạnh dẫn chúng tôi thăm lớp học của các cô: Phát, Thu Phương và Bích Phương, những đồng nghiệp gắn bó cùng thầy suốt những năm tháng trường lớp còn khó khăn cho đến hôm nay.

Học sinh lớp 1B cùng cô giáo chủ nhiệm và cán bộ y tế Trường tiểu học Nam Cao.
Học sinh lớp 1B cùng cô giáo chủ nhiệm và cán bộ y tế Trường tiểu học Nam Cao.

Tiếp chuyện với chúng tôi, cô Bích Phương cho biết, những năm tháng khó khăn của trường, thầy Hạnh động viên các cô làm tốt công tác chuyên môn để thầy có nhiều thời gian làm công tác ngoại giao, tham mưu với các cấp trong việc đầu tư cơ sở vật chất cho trường. “Trước kia, nói đến Trường tiểu học Nam Cao nhiều bậc phụ huynh còn ngại gửi con em đến học. Hiện nay, chất lượng dạy và học của trường luôn được xếp vị trí cao trong cụm thi đua và đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp của tỉnh từ năm 2011”.

Còn cô Phát tự hào khi Trường tiểu học Nam Cao thay đổi từ nỗ lực không ngừng của tập thể giáo viên và vai trò lãnh đạo của thầy Hạnh. Cô Phát bày tỏ, cô đồng tình với quan niệm “mèo bé bắt chuột nhỏ” của Hiệu trưởng Hạnh trong việc tận dụng hết mọi khả năng để từng bước kiên cố hóa trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học; đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng các chương trình học bổng, hỗ trợ học sinh nghèo… “Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ trong trường, thầy Hạnh đều trân trọng và ngắm nhìn nó đến khi cái mới hơn xuất hiện. Tính đa cảm của thầy nhắc nhở chúng tôi thắt chặt đoàn kết theo sự đổi mới của trường” - cô Phát tâm sự.

Những công trình phòng học, nhà vệ sinh, tường rào, cây xanh… của Trường tiểu học Nam Cao không bề thế, nhưng rất thanh thoát, sạch đẹp. Tất cả được đầu tư nâng cấp từng bước bằng nguồn ngân sách, kinh phí đóng góp của phụ huynh cho phù hợp với khuôn viên chung và tính hiệu quả sử dụng. “Trừ các trường được Nhà nước đầu tư mới 100%, Trường tiểu học Nam Cao hiện không thua kém về cơ sở vật chất so với các trường có từ những năm 2001. Nhưng bản thân tôi cũng trăn trở khi trường vẫn còn điểm lẻ Suối Rết (tại ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa), các em ở đây vẫn còn chịu cảnh cơ sở tạm bợ, học lớp ghép, thua thiệt rất nhiều so với điểm chính” - thầy Hạnh đượm buồn chia sẻ.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều