Với nghị lực và tình yêu thương, người phụ nữ dân tộc Chơro Thị Tụng (48 tuổi, ngụ ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) đã lần lượt chắp cánh ước mơ cho các con bước vào giảng đường đại học. Để có được "cơ ngơi" như hôm nay, đời bà đã trải qua nhiều gian truân, vất vả.
Với nghị lực và tình yêu thương, người phụ nữ dân tộc Chơro Thị Tụng (48 tuổi, ngụ ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) đã lần lượt chắp cánh ước mơ cho các con bước vào giảng đường đại học. Để có được “cơ ngơi” như hôm nay, đời bà đã trải qua nhiều gian truân, vất vả.
Cuối buổi chiều, nhiều người kết thúc một ngày lao động vất vả, bước thấp bước cao hối hả quay về nhà. Thế nhưng, mẹ con bà Tụng vẫn cố nán lại trên đồng. Lần sạ lúa trước không đạt kết quả, lần này hơn chục ký lúa giống được bà Tụng chuẩn bị cẩn thận hơn. “Mẹ con tôi phải làm đất cho kỹ thì lúa mới lên được. Chục ký lúa giống giá hơn trăm ngàn đồng, nếu hư lấy gì mà bù vào. Ruộng ở đây ít nước nên mỗi năm chỉ gieo được 2 vụ. 5 sào ruộng đủ để 7 người trong nhà ăn dè dặt mới mong qua mùa giáp hạt” - bà Tụng cười hiền cho biết.
* Hy sinh vì con
Trời nhập nhoạng tối, mẹ con bà Tụng mới chịu ra về. Bước vào căn nhà tối om, bà Tụng cùng cậu con trai út loay hoay chỉnh lại bóng đèn. Nhà mới xây nên công trình điện, nước chưa đầy đủ, bà Tụng cho hay: “Gần 3 năm nay, kể từ khi chồng tôi qua đời, mấy mẹ con mất đi sự động viên về tinh thần. Chồng tôi dù bị tai biến nằm một chỗ 16 năm, nhưng ông ấy vẫn là điểm tựa của gia đình”.
Bà Thị Tụng bên đàn bò do chính tay mình chăm sóc, nuôi dưỡng. |
Năm 1996, chồng nằm bất động một chỗ, một mình bà Tụng phải nuôi 5 con nhỏ, lo cho mẹ già bị lẫn trí và gánh nặng chăm chồng. Nếu người ta làm một thì bà phải làm 2-3 mới có đủ tiền trang trải mọi chi phí trong nhà. Sáng sớm, bà đã dậy sớm lên núi chăn bò thuê, đào măng rừng, tối lại đội đèn soi cua, bắt ốc…
“Tôi vẫn còn nhớ khi mang thai thằng út, sắp đến ngày sinh nở vẫn vác bụng bầu bắt cua. Mỗi lần lội qua vũng sình ngấp nghé ngang bụng, cảm giác như tự mình nhấn chìm con vào bùn sâu. Thương con lắm, nhưng vẫn phải làm. Mọi chuyện trong nhà đều một mình tôi gánh vác, vừa làm mẹ, vừa làm cha, làm con. Bây giờ, con út của tôi đã 18 tuổi rồi...” - bà Tụng tâm sự.
Con trai đầu của bà Tụng, anh Thổ Cường (31 tuổi) kể, có lần đi đào măng bà Tụng bị rắn cắn phải nằm viện. Nhà ở xa, không ai lên thăm mẹ được, anh Cường lúc đó mới 12 tuổi nhưng đã biết làm thuê kiếm tiền thay mẹ nuôi các em, nuôi cha và bà ngoại già yếu. “Lúc đó nhà ở giữa đồng, xung quanh hoang vu lắm. Gọi là nhà, nhưng nhà chỉ được cắm bằng mấy cọc tre, lợp lá dừa và chỉ đủ kê 2 chiếc giường cho 8 người nằm. Đêm về, khi mọi người ngủ say, tôi thấy mẹ thao thức với bao giọt nước mắt” - anh Cường nói.
* Niềm tin về tương lai
Bà Tụng kể rằng, động lực lớn nhất với bà khi ấy là 5 đứa con đều ngoan ngoãn, khỏe mạnh và đặc biệt rất ham học. Trong khi nhiều người dân trong xóm chỉ cho con học hết THCS là nghỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ làm đồng áng, bà lại nhất quyết cho con mình vào đại học để thoát khỏi đời sống nông dân cơ cực.
Vào mùa khai giảng năm học mới, người mẹ nghèo đen đúa, ốm yếu Thị Tụng đưa con đến trường, lo cho chúng từng tấm áo, cuốn vở. Ngày người con đầu thi đậu Trường cao đẳng y tế Đồng Nai, cả nhà bà Tụng ai cũng vui mừng, hạnh phúc. Buổi chiều “làm tiệc” liên hoan tin vui ấy, cả nhà quây quần bên mâm cơm có rau lang luộc, mấy con cá vừa được bà Tụng bắt ngoài ruộng và nồi cơm lúa mới thơm lừng. Lúc ấy, người chồng nằm trên giường ứa nước mắt, muốn chia sẻ niềm vui cùng mấy mẹ con bà Tụng nhưng không nói được, chỉ gục đầu như muốn tăng thêm sức mạnh cho bà đỡ vất vả hơn trong những ngày tháng tới.
Mẹ con bà Tụng chăm bón cho vườn cà phê đang chuẩn bị vào vụ mới. |
Đã quen với khó khăn, bà Tụng cố gắng đứng vững để những đứa con trong gia đình được học hành đến nơi đến chốn. Cứ thế, 2 năm một lần, bà vừa vui sướng, vừa âu lo khi nghe tin 2 cô con gái Thị Huệ và Thị Nga báo tin trúng tuyển vào Trường đại học Đồng Nai. Vậy là, cứ sau mỗi mùa tuyển sinh, bà Tụng lại gồng mình với nỗi lo mới.
“Đứa nào có thể học được, giỏi con chữ là tôi động viên học. Cứ thế mà đứa lớn bảo ban, dìu dắt đứa sau… Trong những năm ấy, điều tôi sợ nhất không phải chuyện chạy bữa từng ngày, mà tôi sợ mình bị bệnh, lỡ chết đi thì bỏ tụi nhỏ tội lắm. Chúng đã thiếu may mắn sinh ra khi cha mẹ ốm yếu, giờ phải để các con có cái nghề mà tự lo cho cuộc sống sau này” - đưa tay quệt hàng nước mắt hạnh phúc, bà Tụng nói.
Khi các con của bà Tụng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhiều người ở ấp Bàu Trâm cảm thấy thật khó tin. Không ai nghĩ người phụ nữ nhỏ bé ấy vừa có thể chăm mẹ già, nuôi chồng nằm liệt giường, nhưng vẫn có thể lo cho 5 đứa con ăn học đàng hoàng.
Ông Trương Đình Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bàu Trâm, cho hay: “Trường hợp bà Thị Tụng một mình nuôi mẹ già, chăm chồng và lo cho 5 con ăn học đàng hoàng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào khuyến học của xã, qua đó khơi dậy tinh thần học tập không chỉ trong đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn cả cộng đồng, xã hội”. |
Bà Thị Bẹp (ngụ ấp Bàu Trâm) chia sẻ: “Là phụ nữ, tôi thấy chị Tụng thật đáng nể, đó là kỳ tích của người dân tộc Chơro chúng tôi. Nhìn con cái hàng xóm nên nghề nên nghiệp, tôi cũng noi theo động viên con cháu trong nhà cố gắng học cao. Đến nay, tôi đã có 2 cháu học cao đẳng, một đứa sắp tốt nghiệp THPT”.
Có nhà mới, tiếp đến tin vui anh Thổ Cường đã có việc làm ở Trạm y tế phường Xuân Thanh (TX.Long Khánh), con gái kế Thị Huệ làm cô giáo mầm non ở xã Bàu Quang (TX.Long Khánh) khiến bà Tụng thêm vững lòng. “Khi chồng chưa bị bệnh, vợ chồng về đây khai khẩn được một hécta đất rẫy. Mấy hôm nay, có người vào trả hơn 1 tỷ đồng nhưng tôi không bán, giữ lại để lo cho tương lai con cái sau này. Ngoài ra, nhờ tiền tích góp con cái phụ giúp, tôi xây thêm căn nhà khác rộng rãi hơn” - bà Tụng cười tươi cho hay.
Ba căn nhà, một để mấy bà cháu ở, một cho vợ chồng anh Thổ Cường, một để vợ chồng Thị Huệ sinh sống, mấy mẹ con bà Tụng tự nhủ phải ở gần cạnh, đùm bọc lẫn nhau khi khó khăn. Giờ đây, cây xanh trên đất cằn đã cho quả ngọt. Không hạnh phúc nào so sánh được với công lao của người mẹ được các con đền đáp bằng tương lai rạng ngời ở phía trước.
Thanh Hải