Khoảng đầu tháng 5 hàng năm, khi các đầm sen đầy ắp nước cũng là lúc người trồng sen bước vào mùa thu hoạch. Năm nay, ngó sen, gương sen, hoa sen… giá bán cao hơn mọi năm, nên người dân phấn khởi chuẩn bị cho mùa sen mới.
Khoảng đầu tháng 5 hàng năm, khi các đầm sen đầy ắp nước cũng là lúc người trồng sen bước vào mùa thu hoạch. Năm nay, ngó sen, gương sen, hoa sen… giá bán cao hơn mọi năm, nên người dân phấn khởi chuẩn bị cho mùa sen mới.
Sen là loại cây dễ trồng, chi phí ít, lại thích hợp phát triển trên vùng đất phèn, ngập lũ. Chính nhờ những điều kiện thuận lợi này mà ở các xã: Phú Hội, Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch), cây sen được trồng nhiều và gắn bó với người nông dân từ mấy chục năm qua.
* Vất vả thu hoạch ngó sen
Trời mưa lớn, khắp các ao đầm ngập nước, ngó sen thập thò dưới bùn sâu bắt đầu ngước lên cao, báo hiệu mùa thu hoạch sen bắt đầu. Ở xã Phú Hội, nơi có diện tích sen lớn, cây sen được trồng ở các đầm sâu giữa cánh đồng Xã Quế. Muốn ra đây thu hoạch, người ta phải chèo xuồng.
Bà Lê Thị Tám đang buộc sen thành bó lớn để bán cho khách. |
“Bây giờ diện tích sen đã thu hẹp, nhưng những gia đình còn giữ lại các đầm sen đều phấn khởi, bởi mấy năm nay giá luôn cao so với trước đây. Mùa sen này trúng giá, ngó sen bán tại đầm 35 ngàn đồng/kg, gương sen gần 30 ngàn đồng/kg. Tôi có đầm sen rộng gần 2 hécta, nhưng vì trồng xa nên phải thuê người hái, mỗi ngày thu về gần 15kg ngó sen” - ông Lê Văn Lũy (ngụ ấp Đất Mới, xã Phú Hội) cho hay.
Theo kinh nghiệm của ông Lũy, sen trồng một tháng là có ngó đợt đầu; gương sen cũng được thu hoạch sau khi trồng khoảng 3 tháng. Nhiều năm nhận hái sen thuê cho ông Lũy, vợ chồng anh Dương (ngụ xã Hiệp Phước) không mấy khó khăn trong việc hái ngó sen.
Muốn ngó sen ngon, ngọn mập, người hái phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, khi trời còn nhiều sương; canh đúng thời điểm đầu ngó sen chưa mọc mầm (người trong nghề gọi là ngó chân vịt) thì mới bán được giá cao và nặng ký.
“Coi vậy chứ việc bẻ ngó sen khó lắm. Người cúi khom, hai chân mò mẫm dưới bùn tìm ngó, còn tay thì bẻ, nếu không quen sẽ giẫm lên chúng. Ngó sen dài quá sẽ già, ăn dai; còn nếu ngắn quá thì người bán lỗ, nên phải bẻ ngó chừng 30-40cm là được. Đầu mùa mưa, nước không quá cao nên bẻ ngó sen dễ hơn; chứ khi nước đã ngập bằng đầu người thì chịu, lúc đó chuyển sang hái gương sen thôi” - anh Dương nói.
Ngâm cả thân mình trong nước, lúc ra về chỉ còn duy nhất tóc trên đầu khô, tay chân của anh Dương trắng bệch, môi thâm tím, 2 hàm răng thì va lập cập vào nhau. Vợ chồng anh hái ngó sen từ sáng sớm, kết thúc lúc 8 giờ rồi nhanh chóng giao lại cho chủ đầm để họ kịp mang ra chợ.
Với phụ nữ, công việc hái sen thuê không mấy nhàn nhã. Ngâm mình trong nước cả ngày nên chuyện bị nhiễm những căn bệnh da liễu và đau nhức xương khớp là điều bình thường. Chị Nguyễn Thị Nguyệt (ngụ ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội) kể: “Nước ruộng nhiều phèn, lắm bùn non, nếu không quen thì ngứa ngáy khó chịu lắm, có khi gãi đến tróc da. Chuyện giẫm mảnh sành, gai góc chảy máu cũng nhiều lắm. Ấy vậy mà vẫn phải cắn răng làm”.
Tiền công chị Nguyệt được chủ đầm trả khoảng 90 ngàn đồng cho 4 giờ ngâm mình dưới nước. Sau khi hái ngó sen xong, chị quay sang làm những việc khác và đến sáng sớm thì trở lại các đầm sen để tiếp tục công việc. “Sau cơn mưa lớn, ngó sen từ dưới nước nhú lên chi chít. Đôi khi, vì mải hái mà tôi quên vào bờ. Nhưng gặp khi nước lớn, nếu ai không kiên nhẫn thì người sẽ bị lạnh, không thể ngâm mình được quá 2 giờ” - kéo chậu nhựa có nhiều ngó sen trắng muốt ra trước mặt, chị Nguyệt nói thêm.
* Kiếm tiền từ sen
Không chỉ bán ngó sen, gương sen, các bộ phận khác của sen, như: hoa, tâm, nhụy, hạt... cũng có thể bán được, đem lại lợi nhuận cao cho nông dân. Hai năm trở lại đây, hoa sen luôn có giá cao mỗi khi mùa cưới, hay ngày rằm, lễ Phật đản... Giá hoa các năm trung bình 2 ngàn đồng/bông, nay đã lên 3 ngàn đồng/bông mà vẫn không có để bán.
Nông dân Lê Thị Tám, người có diện tích sen thuộc loại lớn ở ấp 1, xã Hiệp Phước, cho biết mấy năm nay nguồn thu từ các đầm sen không chỉ có ngó sen, gương sen, mà việc bán bông cho các tiệm hoa tươi cũng khá hơn. Đôi khi khách hàng còn tìm đến tận đầm sen để chọn bông. Dịp cuối tuần hay ngày rằm, bà Tám có thể kiếm được hơn 200 ngàn đồng tiền bán bông.
Việc thu hoạch ngó sen khá vất vả vì phải ngâm mình lâu trong nước. |
“Bông sen không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, mà còn được thương lái đưa lên TP.Hồ Chí Minh bán. Một bó 10 bông giá khoảng 30 ngàn đồng, một đầm rộng 2-3 sào gặp dịp nở rộ không dưới 100 bông. Nhưng việc bảo quản để chúng không bung nở và còn tươi nguyên hơi vất vả vì loài này không có nước nhanh héo lắm, muốn bông đẹp phải hái từ sáng sớm” - bà Tám nói.
Nhiều đầm sen gần đường lớn ở các xã: Hiệp Phước, Phú Hội luôn có nhiều bạn trẻ tìm đến chụp ảnh làm kỷ niệm, hay chụp ảnh cưới. Những đầm sen rộng lớn với lá to xòe, xanh biếc được tô điểm thêm các búp sen hồng, trắng còn khiến nhiều người yêu thích, chọn làm điểm đến thư giãn vào mỗi dịp cuối tuần. |
Từ khi cây sen có giá, một số chủ đầm ở đây bắt đầu biết làm dịch vụ từ sen. Trong đó, việc dựng chòi, mở điểm câu cá giải trí theo giờ phổ biến nhất. Kiếm tiền từ dịch vụ gắn với cây sen nhàn nhã hơn so với thu hoạch ngó sen, gương sen… Nhưng để có một địa điểm thuận lợi mở chòi kinh doanh hơi khó bởi các đầm sen thường ở ngoài đồng xa.
Anh Vũ Ngọc Tuấn, chủ một đầm sen ở xã Phú Hữu, cho hay đây là dịch vụ mới ở vùng này. Trước mỗi mùa sen, anh mua các loại cá nước ngọt về thả xuống đầm rồi để chúng tự tìm thức ăn ở trong đầm. Sau đó, anh xây các chòi lá ở ven bờ cho khách thuê ngồi câu.
“Khách tìm đến quán ngoài chuyện thư giãn vì không khí ở đây yên tĩnh và mát mẻ, còn có cá mang về thưởng thức. Thời điểm đông khách nhất là khoảng một tháng nữa, khi sen nở nhiều, dồn dập hơn bây giờ. Tôi còn lấy tim sen phơi khô pha trà bán cho khách, để họ vừa nhâm nhi vừa ngồi câu cho đỡ buồn. Nếu khách có nhu cầu, tôi sẽ làm vài món ăn liên quan đến sen xem như đặc sản mời gọi họ khi đến đây” - anh Tuấn hồ hởi nói.
Thanh Hải