Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiếm tiền mùa du lịch

10:05, 04/05/2014

Nếu các điểm du lịch sinh thái của huyện Nhơn Trạch và Long Thành thu hút du khách gần xa bằng các loại cây trái đặc sản, như: dừa nước, dâu da, sầu riêng... thì núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) có các sản phẩm làm từ trái chuối, rễ cây cỏ phơi khô làm bài thuốc dân gian.

Nếu các điểm du lịch sinh thái của huyện Nhơn Trạch và Long Thành thu hút du khách gần xa bằng các loại cây trái đặc sản, như: dừa nước, dâu da, sầu riêng... thì núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) có các sản phẩm làm từ trái chuối, rễ cây cỏ phơi khô làm bài thuốc dân gian. Dịp nghỉ lễ, mùa du lịch về, người dân địa phương đã biết tận dụng những thứ đặc sản để bán cho khách du lịch thập phương.

Các điểm bán đặc sản dọc tỉnh lộ 25B (huyện Nhơn Trạch) được nhiều du khách ghé mua.
Các điểm bán đặc sản dọc tỉnh lộ 25B (huyện Nhơn Trạch) được nhiều du khách ghé mua.

Vào các ngày nghỉ lễ, hay cuối tuần, khách đổ về các điểm du lịch sông nước ở Nhơn Trạch đông nườm nượp. Ngoài chuyện vui chơi, du khách còn được thưởng thức các món ăn, nước uống, trái cây đặc sản. Những chiếc ghe “hàng rong” không bị cấm, mà các nhà làm du lịch còn cho phép người dân bày bán.

* Ghe “hàng rong”…

Theo lời chị Nguyễn Thị Thắm (ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch), người có nhiều năm bán trái cây trong các điểm du lịch sinh thái, để thu hút khách nhiều điểm du lịch sinh thái cho người dân vào bán các loại đặc sản, nhưng tuyển người rất cẩn thận. Buôn bán ở đây phải trật tự, không được chèo kéo khách. Hàng ngày, chị dậy sớm đưa hàng đi bán, đến tối mịt khi khách không còn một bóng người mới dọn gánh.

4 giờ sáng, chị Thắm đã tất bật chuẩn bị mọi loại trái cây để đến Khu du lịch Bò Cạp Vàng (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) bắt đầu công việc mua bán trái cây. “Hàng bán cho khách phải tươi ngon và thật đặc biệt. Tôi phải lên xã An Phước (huyện Long Thành) lấy dâu da rồi vòng qua Phú Hội, Phước Thiền lấy sầu riêng. Còn trái dừa nước thì ở đây có sẵn, người bỏ mối đem đến tận nơi” - chị Thắm vui vẻ nói.

Khoảng 6 giờ, chị Thắm dọn hàng lên chiếc xuồng ba lá, theo nhánh sông nhỏ chèo đến địa điểm đã “đặt chỗ” từ trước. Chiếc xuồng nhỏ xíu, chất đủ các loại trái cây lướt nhẹ trên sóng nước một cách êm ái. Sửa sang cẩn thận các món hàng xong, chị Thắm quay sang tâm sự với chúng tôi: “Sáng sớm chưa có khách mua, nhưng ở bên khu du lịch nói mình phải có mặt đúng giờ để tạo không khí, cảnh quan thêm hấp dẫn. Bán hàng ở đây không mất tiền mặt bằng, nhưng mình ăn mặc phải chỉnh chu, chất lượng trái cây phải an toàn… và đôi khi phải làm theo sự sắp đặt của khu du lịch”.

Dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay kéo dài ngày, nên vợ chồng ông Phạm Xuân Tiến (ngụ ấp 4, xã Phước Khánh) thường tranh thủ có mặt ở Khu du lịch Bằng Lăng Tím (huyện Nhơn Trạch) từ rất sớm để bán hàng. Những ngày này, công việc buôn bán của ông bà có phần suôn sẻ, khách hàng nhiều và khá hào phóng khi mua đặc sản đem về làm quà. Nhờ thế mà hôm nay, vợ chồng ông Tiến thu tiền bán hàng về gần 500 ngàn đồng, bù lại những hôm ế khách.

“Chèo xuồng suốt ngày, hai tay mỏi nhừ nhưng tôi thấy vui vì đôi lúc khách du lịch còn đề nghị mình cho họ chụp hình chung để mang về làm kỷ niệm. Điều quan trọng nhất để có thể sống khỏe với nghề này là nhã nhặn, ân cần và không được chèo kéo khách, hay chặt chém giá. Nếu để chủ khu du lịch nhìn thấy, họ đuổi ngay” - ông Tiến cho biết.

Vợ ông Tiến cười tươi rói, chia sẻ: “Ông chồng tui nhìn vậy chứ nhát lắm. Ngày đầu khách nhờ tạo dáng chụp ảnh, ổng lóng ngóng thế nào mà ngã xuống sông khiến họ được một trận cười sảng khoái… Bán hàng cho khách là vậy, phải biết tạo tiếng cười suốt ngày mới thu hút được người ta. Như hôm nay khách mua liên tục, đến giờ chưa được ăn cơm. Bù lại, 2 vợ chồng không lo ế hàng”.

* Dựng chòi bán đặc sản

Khách du lịch từ TP.Hồ Chí Minh hay các tỉnh miền Tây, nếu mỗi lần sang Bến phà Cát Lái để đến các điểm du lịch ở Đồng Nai, Vũng Tàu khi về có thể mang theo những món đặc sản ở vùng sông nước Nhơn Trạch. Những chòi lá nằm bên các cánh rừng cao su dọc tỉnh lộ 25B chuyên bán khổ qua rừng, măng rừng muối, lá chùm bao, rau bình bát, rau dớn, ớt rừng… khiến các du khách thích thú. Ngày cuối cùng dịp nghỉ lễ, hàng trăm xe máy, ô tô dừng lại trải dọc cả con đường để chọn mua những thứ đặc sản của Nhơn Trạch mang về làm quà. “Có lẽ những thứ rau mọc hoang dại trong tự nhiên nên người ta ưa chuộng vì không lo nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu. Họ ăn một lần là ghiền. Người bán như chúng tôi chỉ bỏ công thu hái, rồi về gói lại cho đẹp mắt” - bà Lê Thị Lèn (người bán hàng ở đây) cho biết.

Nhiều khách du lịch thích mua dừa nước để giải khát tại các điểm du lịch sinh thái.
Nhiều khách du lịch thích mua dừa nước để giải khát tại các điểm du lịch sinh thái.

Bà Lèn nói thêm, sau những cơn mưa nặng hạt đầu mùa, mặt đất ẩm ướt, tơi xốp là điều kiện lý tưởng cho giống rau dớn sinh sôi nảy nở. Buổi sáng, chỉ cần vài giờ dạo quanh vườn, một mình bà có thể kiếm được 3-4kg rau dớn, mỗi kg bán với giá 30 ngàn đồng. Cùng với khổ qua rừng, rau dớn là đặc sản ở Nhơn Trạch được các du khách ở TP.Hồ Chí Minh yêu thích mua về.

Những người bán hàng ở các khu du lịch sinh thái cho biết, điều kiện được các chủ khu du lịch đưa ra là người bán phải học nội quy bán hàng, như: giữ gìn vệ sinh, không chèo kéo khách, không lấy giá cao… Và những hình ảnh này dần trở thành nét đẹp riêng ở các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Anh Đỗ Văn Tuấn (ngụ TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, mỗi khi có dịp đi ngang đây, anh đều ghé lại mua rau đem về ăn. Ở nhà anh ai cũng thích ăn, rau chủ yếu được chế biến thành các món luộc, nấu canh và xào với nhiều nguyên liệu khác. “Các món này ăn vừa ngon, vừa lạ miệng, giá cả không quá đắt vì người trồng không mất tiền giống, bón phân…” - anh Tuấn giải thích.

Ngoài địa điểm trên, những chòi lá chất đầy trái dưa gang vàng rộm ở khu vực ngã ba quốc lộ 51 vào huyện Nhơn Trạch (xã Long An, huyện Long Thành), hoặc thắng cảnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) có các hàng quán dọc đường lên núi bán các loại đặc sản từ chuối với nhiều sản phẩm, như: chuối sấy, chuối hột, hay rễ cây cỏ phơi khô... luôn thu hút hàng ngàn lượt khách lựa chọn sau khi đã tham quan, lễ chùa xong.

Nhiều năm nay, công việc này đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương khi mùa du lịch đến. Còn du khách thích thú với việc vừa dạo chơi, vừa có thể ngồi lại đâu đó để thưởng thức những món đặc sản, ngắm nhìn cuộc sống của người dân bản địa và lúc ra về không quên mua theo một vài món đem về làm quà cho người thân.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều