Lâu lắm rồi, trên gương mặt và ánh mắt những ngư dân xã Phước Thái (huyện Long Thành) sống ven sông Thị Vải mới lại rạng rỡ trong niềm vui vỡ òa. "Hết lo rồi, không phải tha phương cầu thực nữa! Cá đã trở về!" - ngư dân Nguyễn Văn Cường (46 tuổi) ngụ ấp 1A, xã Phước Thái reo lên trong niềm vui dâng trào.
Lâu lắm rồi, trên gương mặt và ánh mắt những ngư dân xã Phước Thái (huyện Long Thành) sống ven sông Thị Vải mới lại rạng rỡ trong niềm vui vỡ òa. “Hết lo rồi, không phải tha phương cầu thực nữa! Cá đã trở về!” - ngư dân Nguyễn Văn Cường (46 tuổi) ngụ ấp 1A, xã Phước Thái reo lên trong niềm vui dâng trào.
Anh Nguyễn Đình Hiếu bên con cá hường mà anh vừa đánh được. Loài cá này từng biến mất khi sông Thị Vải bị ô nhiễm và nay đã trở lại. |
Những con tàu to, những chiếc ghe nhỏ ngày nào nằm “vật vờ” trên bãi giờ đây đã được sửa sang, nâng cấp, được “khoác” lên màu sơn mới. Khắp các con đường thôn, khắp các bến sông lại nhộn nhịp tiếng người gọi nhau í ới ra khơi.
* Quá khứ… “chết”
Nhấp vội ngụm trà, ngư dân Nguyễn Văn Tháo (68 tuổi) ngụ ấp 1A, xã Phước Thái quay về với phần việc vá lưới quen thuộc của mình. Tuổi cao, sức yếu đã không cho ông vươn ra sông, biển như những ngày còn trai trẻ nhưng không vì thế mà “máu” ngư nghiệp trong ông đông lạnh. Đưa nhanh con thoi thắt những mắt lưới, ông tâm sự: “Tôi cứ tưởng nghề cá sẽ không bao giờ quay trở lại. Cha mẹ tôi làm nghề chài lưới và đến đời tôi, con tôi cũng mưu sinh bằng nghề này. Khoảng những năm 2000, Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (đóng tại huyện Long Thành) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải đã làm cá, tôm và hàng loạt thủy sinh khác bị “tuyệt diệt”. Sông không còn cá cũng đồng nghĩa với việc nguồn gạo, bát cơm của chúng tôi bị hủy hoại”.
Cá, tôm và các loài thủy sinh khác biến mất đã khiến hàng trăm gia đình hành nghề chài lưới ven sông Thị Vải rơi vào đói khổ cùng cực. Những ngày tháng không có nguồn thu từ sông nước, nhiều ngư dân đành chấp nhận bán ghe, bán tàu lấy tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Người dùng tiền bán ghe tàu để lên bờ buôn bán, kiếm kế sinh nhai, cũng có người dùng tiền ấy trang trải nợ nần. Nghĩ về những ngày ấy, mắt của bà Huỳnh Thị Đẹp (60 tuổi) lại đỏ hoe, ngân ngấn nước. Bà kể lại, vì không có ai làm nghề chài lưới nữa nên việc bán ghe, tàu cũng là điều vô cùng nan giải, bán cũng chẳng ai mua. Giá bán ngư cụ chỉ bằng 1/3 nhưng nếu không bán thì cũng chẳng để làm gì.
Tháng 8-2008, Cục Cảnh sát môi trường kết hợp cùng đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường đã kiểm tra, phát hiện và bắt quả tang Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (đóng tại huyện Long Thành) đấu nối hệ thống đường ống thoát nước để xả nước thải từ các bồn, bể chứa dịch sau lên men chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Nguồn nước sông Thị Vải bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến nhiều loài thủy sinh bị chết. Trước thực trạng đó, tháng 7-2010, nông dân thuộc các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh kiện Vedan lên các ngành chức năng và yêu cầu Vedan phải bồi thường thiệt hại. Năm 2011, Vedan chấp nhận bồi thường 100% thiệt hại theo yêu cầu cho người dân thuộc 3 tỉnh, thành: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh với số tiền gần 220 tỷ đồng. Bộ Tài nguyên - môi trường cũng xử phạt Vedan trên 267 triệu đồng về hành vi vi phạm bảo vệ môi trường. |
Để tìm con đường sống, nhiều ngư dân đành chấp nhận bỏ nghề, bỏ quê đi tìm “miền đất hứa”. Họ mang theo niềm hy vọng và chút ít tiền bạc còn lại lên TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương… với khát vọng ở đó họ sẽ kiếm được chút ít cơm gạo. Nhưng đổi lại, nghề mà họ được chấp nhận, họ có thể xin được việc chỉ là phụ hồ, rửa chén bát hoặc bốc vác trong những kho hàng với tiền công ít ỏi. Ông Trương Như Ước (55 tuổi) cho hay: “Trai, gái trẻ tuổi thì còn làm công nhân ở các khu công nghiệp. Những người trên 40 tuổi, không được nhận vào các công ty thì đụng nghề gì làm nghề đó. Không có việc thì chấp nhận đói khổ”. Ông Ước cho biết thêm, bản thân ông cũng phải lăn lộn khắp TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa suốt nhiều năm liền để kiếm sống. Những ngày từ giã nghề cá, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đối với ông luôn hiện hữu và nặng nề hơn bao giờ hết. Gia đình mỗi người mỗi nơi tìm việc làm kiếm sống qua ngày.
* Hồi sinh
Sau những năm tháng chìm trong cái “chết”, mấy năm gần đây dòng Thị Vải lại trong xanh trở lại, đón tôm, cá trở về. Trên những bờ sú ven sông lại bắt đầu xuất hiện đàn ba khía sặc sỡ sắc màu. Để hiểu được cảm xúc, niềm vui của những ngư dân, chúng tôi bước lên chiếc ghe nhỏ có gắn động cơ dầu của anh Nguyễn Văn Cường và cùng anh rẽ nước ra sông đánh cá. Anh Cường đánh ghe về khúc sông sát phía sau Khu công nghiệp Gò Dầu, hòa cùng hàng chục ghe lớn nhỏ để giăng lưới, thả câu. Nhìn những chiếc ghe, anh Cường nở nụ cười rạng rỡ rồi nói: “Lâu rồi trên khúc sông này mới có cảnh đông vui như thế. Họ là những người cùng thôn xóm với tôi, thân quen của tôi… nay đã trở về với nghề. Chúng tôi hò nhau ra sông, cùng đánh cá thâu đêm suốt sáng”.
Ông Nguyễn Văn Tháo đang vá lưới giúp những người con của ông để họ kịp ra sông đánh cá. |
Tuy cá, tôm chưa hồi phục được 100% như trước đây nhưng những ngư dân bắt đầu có việc để làm và họ lại có nguồn cơm, nguồn gạo. Những hộ dân trong vùng từng “lang bạt” khắp nơi kiếm việc thì nay đã trở về. Họ lại đầu tư hàng chục triệu đồng để mua lưới, tân trang lại ghe, tàu và lại bắt đầu ra khơi. “Càng ngày cá tôm xuất hiện lại càng nhiều. Ngoài những loại cá thường gặp thì nhiều ghe còn đánh được cá chìa vôi (loại cá có hiệu quả kinh tế cao, mỗi kg có giá khoảng trên 1 triệu đồng - PV), cá hường, tôm hùm, tôm tít. Mỗi ngày, một ghe lưới nhỏ cũng có thể kiếm được trên 200 ngàn đồng tiền tôm cá. Số tiền ấy tuy không cao nhưng đó là sự mong đợi suốt chục năm trời của những ngư dân như chúng tôi. Những đồng tiền ấy đã giúp chúng tôi thoát cảnh tha phương cầu thực” - anh Cường cho biết.
Cảnh gia đình tan tác, chia ly vì sự nghèo đói cũng không còn diễn ra với người dân ven sông. Họ lại có thể sống gần nhau, cùng nhau vun đắp cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương. Bế đứa cháu nội 11 tháng tuổi trên tay, bà Huỳnh Thị Đẹp không giấu được cảm xúc: “Bốn người con của tôi đều nối nghiệp cha ông làm nghề chài lưới nên mọi sự đều trông chờ vào con cá, con tôm. Bây giờ cá, tôm sống lại nên con tôi đều về quê tiếp tục hành nghề. Cha, mẹ, con, cháu tối hôm lại được quây quần bên nhau”.
Sông Thị Vải hồi sinh không những đem lại niềm vui, sự sống cho những ngư dân hành nghề chài lưới mà còn mở ra cơ hội sống cho những hộ dân nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Văn Hùng (42 tuổi), ngụ ấp 1C, xã Phước Thái cho biết, khi sông Thị Vải bị “đầu độc”, những người nuôi trồng thủy sản ven sông cũng lâm vào cảnh trắng tay do tác động bởi nguồn nước. Từ đầu năm 2013 đến nay, nguồn nước sông được cải thiện rõ rệt nên việc nuôi tôm, cua, sò lại bắt đầu. “Tôi vừa đầu tư lại 3,3 hécta diện tích đầm và bắt đầu nuôi tôm sú. Hiệu quả tuy chỉ đạt khoảng 60% so với trước kia nhưng đang có chiều hướng tích cực, hứa hẹn cuộc sống no đủ. Hy vọng sự ô nhiễm sẽ không bao giờ trở lại!” - ông Hùng tâm sự.
Những ngư dân xã Phước Thái (huyện Long Thành) sống ven sông Thị Vải trở lại với nghề đánh bắt cá. |
Theo UBND xã Phước Thái, những năm gần đây, nguồn nước sông Thị Vải đã được cải thiện rõ rệt. Chất lượng nước đạt yêu cầu cho bảo tồn động, thực vật thủy sinh. Nhiều loài tôm, cua, cá đã có trở lại, ngư dân vùng ven sông cũng quay lại với nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Đơn cử như ấp 1A, hiện có khoảng 30% tổng số hộ tiếp tục làm nghề đánh bắt cá, ấp 1C có khoảng trên 40 hộ dân làm nghề nuôi trồng thủy sản. Hàng chục hộ dân khác từng bỏ nghề nay lại sắm sửa ngư cụ để tiếp tục ra khơi.
Minh Hậu