Cuộc sống xứ người bấp bênh khiến nhiều Việt kiều Campuchia phải trở về quê hương và tìm đến vùng đất Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) làm ăn. Lúc đầu chỉ về rải rác vài chục hộ, đến nay họ đã sống tập trung thành những tổ, ấp. Trong số họ, ai cũng mong được nhập tịch để có thể mưu sinh ổn định, lâu dài ngay trên quê hương mình.
Cuộc sống xứ người bấp bênh khiến nhiều Việt kiều Campuchia phải trở về quê hương và tìm đến vùng đất Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) làm ăn. Lúc đầu chỉ về rải rác vài chục hộ, đến nay họ đã sống tập trung thành những tổ, ấp. Trong số họ, ai cũng mong được nhập tịch để có thể mưu sinh ổn định, lâu dài ngay trên quê hương mình.
Ngày trước, người Việt sang Biển Hồ (hồ nước ngọt rộng lớn ở Campuchia) với bao dự định, nhưng khi trở về quê hương, họ chỉ có một ao ước được an cư. Về với quê hương, tuy điều kiện hiện tại còn thiếu thốn, nhưng họ không phải lo sợ cảnh sống bất trắc như trước kia.
Những căn lều tạm bợ, cao không quá đầu người là nơi tá túc của nhiều gia đình Việt kiều Campuchia ở xã Mã Đà. Ảnh: T.Hải |
Xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) là một trong những nơi ở Đồng Nai có đông Việt kiều Campuchia chọn làm điểm dừng chân sau những năm tháng tha hương chẳng mấy khấm khá.
* Ấp Việt kiều
Hơn 20 năm gắn bó ở vùng sâu của xã Mã Đà, lâu lắm mới gặp người “ngoài” nên khi thấy chúng tôi, ông Đinh Văn Tiền (60 tuổi, ngụ ấp 4) mừng rơn bước đến bắt chuyện. Ông Tiền theo gia đình sang Campuchia từ những năm 1950, lấy vợ cũng là Việt kiều Campuchia và sinh ra hơn chục người con nối tiếp cái nghiệp tha phương. Bây giờ, ông chỉ nhớ mang máng quê mình ở đâu đó của tỉnh Long An, nhưng cũng chưa một lần về.
Theo ông Tiền, khi ở nước bạn, hầu hết các gia đình Việt đều có truyền thống làm nghề chài lưới, đánh bắt cá hoặc buôn bán nhỏ. Với chiếc ghe vừa là phương tiện làm ăn, chuyên chở hàng hóa, vừa làm nhà ở của gia đình.
“Ngày trước Biển Hồ cá tôm nhiều vô kể, nhưng mấy năm nay không còn nhiều nữa. Người Việt xoay xở đủ kiểu mong có bữa cơm lót bụng, vậy mà chẳng lo nổi nên nhiều người phải về nước. Về đây, mình không có đất đai hay bất cứ nghề ngỗng gì khác ngoài “úp mặt” xuống hồ Trị An. Cả gia đình chỉ trông chờ vào những mẻ lưới của tôi” - ông Tiền cho hay.
“Ở đây, nếu có việc cần thì trưởng ấp phải đi thông báo đến từng nhà. Quan trọng nhất là việc học của các cháu nhỏ bị ảnh hưởng, tụi nhỏ phải thắp đèn dầu, hay soi đèn pin mò mẫm từng con chữ một, thấy thương lắm. Người dân muốn an cư lập nghiệp, nhưng còn thiếu thốn nhiều thứ, xem ra thật khó” - Trưởng ấp 4 Đặng Ngọc Tài tâm sự. |
Sau ông Tiền, nhiều gia đình khác lũ lượt quay về định cư quanh bờ hồ Trị An. Những căn lều lá mọc lên mỗi lúc càng nhiều, họ sống quây quần bên nhau tạo thành làng Việt kiều. Trước năm 2000, bà con chỉ về lác đác, có gia đình về neo lại vài tháng rồi đi đâu không rõ. Nhưng từ năm 2003, lúc xã Mã Đà thành lập, Việt kiều từ Biển Hồ kéo về ngày một đông, không chỉ tập trung ở ấp 3-4, mà giờ trải rộng cả 7 ấp trong xã.
“Tôi sinh ở Việt Nam, sống được vài năm thì theo cha mẹ sang bên đó. Tôi về nước hơn 4 năm nay, sống trên sông nước quen rồi nên bây giờ cũng ở trên ghe cho tiện. Nhưng một số người dân có đất rộng ở đây khuyên chúng tôi lấy gỗ dựng căn lều mà ở, tránh cảnh mưa gió. Đời cha tôi đã đi ở đậu nhà người khác, giờ tôi cũng thế, chắc đời con tôi rồi cũng thế thôi” - anh Võ Văn Sển (32 tuổi) chép miệng cho hay.
Căn nhà của vợ chồng anh Sển nhỏ và thấp, chúng tôi phải khom mình hết cỡ mới bước vào được. Trong căn nhà ấy, 6 con người sống co cụm với nhau hơn 10 năm nay. Cơn mưa đầu mùa không kéo dài, nhưng tấm tôn chắn bên hông nhà anh thỉnh thoảng rung lên từng hồi vì gió, nước từ trên dội xuống ướt hết mấy tấm chiếu nằm lộn xộn trên nền nhà.
Kéo lại tấm lưới đánh cá bị rách nhiều chỗ, anh Sển trầm ngâm cho biết: “Hồi ở Campuchia, cá tôm ở Biển Hồ nhiều hơn, nhưng bị chính quyền sở tại đuổi quá nên tôi phải bỏ về. Tôi không có giấy tờ tùy thân, nếu bị bắt và thu giữ chiếc ghe hay tấm lưới là đủ chết rồi. Về đây từ lúc sinh đứa đầu, nay nó 11 tuổi mà tôi vẫn đang loay hoay chưa biết những ngày tới sẽ ra sao, làm gì để gồng gánh nuôi 6 miệng ăn”.
* Vùng “trắng” thông tin
Cuối tháng 5, trời đã sang mùa mưa nhưng cái nắng ở đây vẫn như đổ lửa. Dưới lòng hồ Trị An, nước mỗi ngày một dâng cao, hàng chục thanh niên làn da đen bóng hò nhau khiêng chiếc lều lên bờ đất cao hơn để tránh nước ngập. Làng Việt kiều lại bước sang mùa mới, mùa chuyển lều “cao cẳng”. “Mưa rồi, phải chuyển lều thôi. Đêm về không có điện, trời mưa to gió lớn khổ lắm. Đêm đến, một màu đen tĩnh mịch, hoang vu đến lạnh người trùm lên quanh đây, bởi ấp 4 không có điện” - ông Lê Văn Dễ (55 tuổi, ngụ ấp 4) nói.
Đan lưới, chuẩn bị cho một ngày ra khơi đánh cá. |
Mã Đà có 7 ấp, chỉ riêng 2 ấp 3 và 4 bao năm qua chịu cảnh sống trong bóng tối khi đêm về. Ánh sáng từ nguồn điện vẫn là giấc mơ của cả ngàn con người ở đây. Toàn ấp 4 có 424 hộ, hơn 2 ngàn nhân khẩu, trong đó có 384 hộ thường trú, 40 hộ tạm trú và dân Việt kiều Campuchia chiếm tới 99%. “Mong ước thiết yếu nhất của người dân ấp 4 là có điện sinh hoạt, tiếp cận được thông tin xã hội, có điện tăng gia sản xuất để thoát cảnh nghèo đói” - ông Dễ nói giọng buồn thiu.
Mỗi tháng vài lần, người dân ở đây lại dồn các bình ắc quy cũ rồi cắt cử người thuê xe ba gác chở ra trung tâm xã nạp bình. Nhà nào cũng có 2-4 chiếc bình ắc quy loại lớn, nhưng chỉ dám dùng tiết kiệm cho việc thắp sáng trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ 18-20 giờ. Thời gian còn lại, tất cả trông chờ vào ánh sáng trời chiếu vào để sinh hoạt.
“Chúng tôi có nhiều nỗi lo lắm. Nếu ngày trước lo không làm được giấy tờ nhập tịch, thì nay phải vất vả để tìm được ánh sáng điện. Trời nắng thế này mà chỉ phe phẩy chiếc quạt nan, nóng không chịu nổi. Điện, đường, trạm y tế là giấc mơ của chúng tôi” - bà Miễn Thị Nhạn (48 tuổi, ngụ ấp 3) cho hay.
Ở đây điện không có, ti vi không có, sóng điện thoại di động lúc có lúc không, khiến nơi này trở thành vùng “trắng” thông tin. Đôi lúc muốn xem tin tức đó đây, các chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng không thể. Mọi công việc, từ làm rẫy, kéo lưới đánh cá đến chuyện học hành của trẻ em đều phải kết thúc trước khi mặt trời tắt bóng.
Thanh Hải