Báo Đồng Nai điện tử
En

Trạm cân lưu động: Kỳ vọng và thực tế

10:04, 25/04/2014

Theo yêu cầu Bộ Giao thông - vận tải (GTVT), từ ngày 1-4,  các tỉnh, thành trong cả nước đồng loạt triển khai trạm cân lưu động đã được Tổng cục Đường bộ trang bị trước đó. Tại Đồng Nai, sau khi trạm cân lưu động được triển khai vào ngày 9-4, đã có hàng ngàn lượt xe tải bị kiểm tra và nảy sinh một số vấn đề cần quan tâm.

Theo yêu cầu Bộ Giao thông - vận tải (GTVT), từ ngày 1-4,  các tỉnh, thành trong cả nước đồng loạt triển khai trạm cân lưu động đã được Tổng cục Đường bộ trang bị trước đó. Tại Đồng Nai, sau khi trạm cân lưu động được triển khai vào ngày 9-4, đã có hàng ngàn lượt xe tải bị kiểm tra và nảy sinh một số vấn đề cần quan tâm.

Để có chỗ đặt trạm cân lưu động, các đơn vị liên quan của tỉnh đã nhiều lần đi khảo sát các tuyến quốc lộ, nhưng để tìm một nơi đặt trạm cân theo đúng quy chuẩn của Bộ GTVT là điều không dễ.

* Lưu động mà không lưu động

Khi nghe thông tin trạm cân lưu động hoạt động đồng loạt trong cả nước, nhiều người dân hy vọng sẽ dẹp được triệt để nạn xe quá tải. Bởi xe quá tải làm hư hỏng đường sá; xe tải phóng nhanh, vượt ẩu, làm rơi vãi đất, đá (xe tải ben) gây nguy hiểm cho người đi đường. Tuy nhiên, từ khi trạm cân lưu động hoạt động trên quốc lộ 51, tình trạng xe quá tải trên quốc lộ này giảm chưa nhiều. Hàng ngày, người dân vẫn phải đối mặt với các “hung thần xa lộ” chở quá tải trên đường. Có lẽ, do trạm cân lưu động đặt quá xa các tuyến trọng điểm nên chưa phát huy hết tác dụng.

Bàn cân xe lưu động mỏng manh, dễ bị hỏng hóc hư hại khi gặp mưa, bị nước dính vào.
Bàn cân xe lưu động mỏng manh, dễ bị hỏng hóc hư hại khi gặp mưa, bị nước dính vào.

Chánh thanh tra giao thông (Sở GTVT) Dương Mạnh Hưng cho biết, nơi đặt trạm cân lưu động phải đạt quy chuẩn của Bộ GTVT. Cụ thể, nơi đặt hệ thống cân phải có 2 làn xe trở lên (mỗi chiều), độ dốc dọc và ngang (độ nghiêng mặt đường) phải dưới 1%, phải có bãi để hạ tải xe vi phạm, nơi đặt bàn cân lưu động phải bằng bê tông cốt thép, chịu lực được gấp 3 lần mức tải trọng giới hạn được phép lưu hành… Đặt trạm cân mà không đạt các yêu cầu này, nếu xảy ra hư hỏng thì đơn vị quản lý (Thanh tra giao thông) phải đền bù (hàng tỷ đồng). Đáng nói, bàn cân lưu động này khá “đỏng đảnh”, trời mưa (dù nhỏ) phải đem cất để đề phòng bị hư hỏng do nước bắn vào.

Để thỏa mãn yêu cầu như vậy, dự kiến phải tốn trên 2 tỷ đồng để gia cố 8 nơi đặt trạm cân đã được khảo sát trên các quốc lộ. Mang tiếng trạm cân lưu động, nhưng phải đặt đúng nơi được gia cố, cố định bằng bê tông cốt thép thì hiệu quả lưu động có được phát huy?

Sau nhiều lần đi lại trên quốc lộ 51, đoàn khảo sát của tỉnh chỉ tìm được 3 vị trí phù hợp để đặt tạm trạm cân (chưa gia cố bệ đặt bàn cân lưu động). Nhưng các vị trí này đều nằm xa các đoạn đường trọng điểm có nhiều xe tải khắp các nơi đổ về, cũng như hoạt động rầm rập của các xe tải ben chở vật liệu xây dựng quá tải. Do vậy, hiệu quả ngăn chặn xe quá tải trên quốc lộ 51 (đợt đầu) hiện phát huy chưa cao. Còn các đợt trạm cân lưu động hoạt động trên các quốc lộ: 20, 1 (theo chỉ đạo riêng của Bộ GTVT), 56 trong thời gian tới chưa biết sẽ phát huy hiệu quả ra sao.

* Cách nào hiệu quả?

Thực tế triển khai hoạt động trạm cân lưu động ở Đồng Nai đã cho thấy có những bất cập, như: nơi ăn nghỉ, sinh hoạt cá nhân của hàng chục cán bộ phục vụ trạm cân hoạt động 24/24… Vì là trạm lưu động nên không thể đầu tư các công trình cố định. Trong khi đó, lực lượng phải hoạt động liên tục 24/24 giờ, khó thể bền bỉ nếu ăn ở vật vạ. Thực tế hoạt động trạm cân lưu động cũng cho thấy, trạm cố định mà còn hư hỏng, có sự cố liên tục, huống gì trạm cân lưu động với các thiết bị mỏng manh (bàn cân và dải băng dẫn đường xe vào), treo gắn tạm bợ…

Xe tải ben cơi nới thùng, chạy trên quốc lộ 51 (tuyến có đặt trạm cân lưu động) ngang qua Trạm cảnh sát giao thông ngã ba Thái Lan (Ảnh chụp lúc 7 giờ 35 ngày 24-4).
Xe tải ben cơi nới thùng, chạy trên quốc lộ 51 (tuyến có đặt trạm cân lưu động) ngang qua Trạm cảnh sát giao thông ngã ba Thái Lan (Ảnh chụp lúc 7 giờ 35 ngày 24-4).

Ông Trần Tiến Dũng, Trưởng trạm cân lưu động Đồng Nai, cho biết những hư hỏng thường gặp là camera ghi hình xe vào cân không hoạt động, đường truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ nhiều lúc chập chờn… Sắp tới mùa mưa, hoạt động trạm cân sẽ bị gián đoạn khi gặp mưa (bất kể to, nhỏ).

Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, hoạt động trạm cân lưu động vẫn chưa là giải pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng quá tải hiện nay. Trong khi đó, có rất nhiều ý kiến thực hiện ngăn chặn tình trạng chở quá tải từ “gốc”.

Cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ban hành Thông tư 35 quy định xếp hàng hóa trên ô tô khi lưu thông trên đường bộ. Theo đó, người vận tải (cá nhân, tổ chức sử dụng xe ô tô để vận tải hàng hóa) phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người lái xe, người áp tải và người xếp hàng hóa lên xe biết đặc điểm của hàng hóa, giới hạn trọng tải cho phép của xe, tải trọng và khổ giới hạn của cầu, đường, hầm trên toàn tuyến vận chuyển. Chủ xe phải bồi thường cho người lái xe, người áp tải, người xếp hàng hóa lên xe nếu những người này bị xử phạt khi vi phạm các quy định về xếp hàng hóa do thực hiện theo yêu cầu của người vận tải. Thông tư này còn quy định nguyên tắc chung về xếp hàng hóa, hàng rời, hàng bao kiện, hàng trụ ống… và trách nhiệm của tài xế, người áp tải, người thuê vận tải, người xếp hàng hóa và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước liên quan. Thông tư 35 có hiệu lực thi hành từ ngày 15-12-2013. Hiện rất cần có hướng dẫn cụ thể thực hiện Thông tư 35 với các mức phạt cụ thể, để qua đó lực lượng xử lý xe vận tải ngay tại gốc sẽ có hiệu quả hơn.

Từ ngày 9-4 đến nay, Trạm cân xe lưu động Đồng Nai (tại km 25 quốc lộ 51, thuộc xã Long Phước, huyện Long Thành) đã kiểm tra tải trọng 1.643 lượt xe tải các loại, qua đó lập biên bản xử lý 95 trường hợp vi phạm (chủ yếu là vi phạm quá tải trọng bánh xe). Bên cạnh đó, lực lượng phối hợp giữa thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành đã tiến hành chốt chặn ở một số tuyến đường để ngăn chặn xe quá tải trốn trạm cân lưu động; qua đó xử lý 13 trường hợp vi phạm (gồm 4 trường hợp xe quá tải thiết kế và 9 trường hợp thiết bị kỹ thuật an toàn không đầy đủ).

Thực tế hoạt động của các trạm cân lưu động trên đường hiện đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông do xe quá tải đậu chờ cơ hội vượt trạm; xe quá tải trốn trạm cân gây hư hỏng đường địa phương; xe quá tải chạy khỏi bến bãi, doanh nghiệp, kho hàng… trên những đoạn đường dài gây hư hỏng đường sá rồi mới bị chặn lại (chưa chắc chặn được 100%) để xử lý.

Trước đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện in ảnh nguyên thủy ô tô trên giấy đăng kiểm. Điều này cần sớm được thực hiện để lực lượng kiểm tra thuận lợi khi xử lý các xe tải đã cơi nới, hoán cải thùng xe để chở quá tải. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần sử dụng cân xe xách tay để phối hợp hoạt động với trạm cân lưu động (cân xách tay cơ động hơn) để xử lý triệt để nạn xe chở quá tải.

Có lẽ, các biện pháp xử lý xe quá tải đã khá đầy đủ, vấn đề là các lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông có áp dụng các biện pháp kiểm tra hiệu quả hay không mà thôi.

Thanh Toàn

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều