"Gặt xong mấy sào lúa, ai nấy đều mệt nhưng việc bắt chuột để mùa sau không còn cảnh bị chúng phá hại mùa màng thì ai cũng phấn khích. Không chỉ có cánh đàn ông, thanh niên trai tráng, mà phụ nữ, trẻ em cũng tham gia bắt chuột. Thậm chí, nhiều người đi đường cũng nhảy vào bắt" - anh Phạm Văn Đạt (31 tuổi, ngụ tại xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) mở đầu câu chuyện bắt chuột của những nông dân xứ ruộng đồng.
“Gặt xong mấy sào lúa, ai nấy đều mệt nhưng việc bắt chuột để mùa sau không còn cảnh bị chúng phá hại mùa màng thì ai cũng phấn khích. Không chỉ có cánh đàn ông, thanh niên trai tráng, mà phụ nữ, trẻ em cũng tham gia bắt chuột. Thậm chí, nhiều người đi đường cũng nhảy vào bắt” - anh Phạm Văn Đạt (31 tuổi, ngụ tại xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) mở đầu câu chuyện bắt chuột của những nông dân xứ ruộng đồng.
Đầu tháng 4, các xã: Long An, Long Phước (huyện Long Thành); Hiệp Phước, Phước Thiền, Vĩnh Thanh, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch)… bước vào mùa gặt. Những ruộng lúa ngập nước được thu hoạch trước, đề phòng mưa lớn khiến cây lúa bị ngã. Khắp cánh đồng, mọi người ai cũng hăng hái tham gia bắt chuột. Chiến lợi phẩm sau một hồi quần thảo là hàng chục con chuột đồng mập mạp nằm gọn trong bao của mỗi người.
* Niềm vui mùa gặt
“Có nhiều cách bắt chuột, đơn giản nhất là ví cù, để máy cắt lúa chạy xung quanh thành vòng cho đến khi hết lúa rồi bắt chuột; hoặc dùng các biện pháp, như: đào hang, hun khói bằng rơm khô; hoặc đổ nước vào hang khiến lũ chuột ngoi ra” - anh Đạt chia sẻ bí quyết.
Một chú chuột “3 lông” mập tròn bị nông dân tóm gọn. |
Theo anh Đạt, bắt chuột kiểu ví cù hiệu quả nhưng cầu kỳ trong khâu chuẩn bị. Lúa chín vàng đồng, người ta cho máy cắt lúa tạo thành vòng xoáy ốc. Đến khi còn lại phần cù bên trong, đây cũng là khu vực có nhiều chuột “dồn đống”, thì ngưng lại. Lúc này, mọi người chỉ cần quây lưới xung quanh ruộng chờ sẵn, không để con chuột nào chạy thoát.
Đến ruộng lúa ở xã Long Phước, chúng tôi thấy máy gặt đập liên hợp vẫn chạy đều đều, trong khi một số người “thủ” sẵn tư thế để vồ chuột. Mấy chục người lui cui xung quanh cù đất rộng chưa đầy nửa công. Cù đất thu hẹp dần cho đến khi chỉ rộng bằng 2 tấm chiếu thì máy gặt ngừng việc, di chuyển ra xa để lộ ra đám lúa lúc nhúc chuột. Nhóm người chuẩn bị “trận chiến” với “ông đuôi dài”. “Bắt đầu nghe tiếng kêu của mấy ông tý rồi đó, có mọc cánh chúng cũng khó mà thoát. Gậy gộc, đòn gánh sẵn sàng, mọi người bắt đầu chuẩn bị cho những pha rượt đuổi. Có người không cần bủa lưới, khi chuột chạy ra họ chỉ dùng tay không để chụp” - anh Lê Văn Ngọc (21 tuổi, ngụ xã Long An) nói khẽ.
Theo phân chia, vòng trong có 4 người cầm tấm lưới chụp trực tiếp xuống đám lúa, ngăn không cho chuột chạy ra. Thấy động, lũ chuột đồng chạy túa ra rồi chui tọt vào vợt lưới đã đặt sẵn. Gần chục người phục kích vòng ngoài nín thở tiếp tục chờ đợi. Lũ chuột quá đông, 4 người vòng trong bắt không xuể nên chúng chạy ra khá nhiều.
Lúc này, nhóm bắt chuột vòng ngoài mới tỏa ra các hướng để vồ đám chuột vừa thoát. Họ chạy thình thịch dưới nền ruộng khô, thấy chuột ai cũng vồ, chộp đủ mọi tư thế. Một cảnh rượt đuổi chuột nhốn nháo trong tiếng hò reo phấn khích. Đám con nít cũng chạy theo người lớn, vừa vác bao, vừa dắt chó rượt chuột.
* Bảo vệ lúa mùa sau
Nông dân thường tổ chức diệt chuột vào thời gian rảnh cuối buổi chiều, khi các ruộng lúa xung quanh đã thu hoạch xong. Ai cũng mải bắt chuột cho đến khi trời tắt nắng. Chưa đầy một giờ, nhóm người gặt lúa cho ông Võ Văn Bình (40 tuổi, ngụ xã Phước Thiền) đã bắt gần nửa bao chuột đồng. “Bữa nay bắt ít hơn lần trước, nhưng cũng đủ làm mồi nhậu lai rai cho anh em trong nhóm gặt lúa thuê. Món đặc sản chuột đồng được nhiều người ưa chuộng. Cánh đồng nào cũng nhiều chuột, đặc biệt ở xứ này săn chuột trở thành một nghề kiếm thêm nguồn thu nhập cho người dân trong xã. Ở chợ huyện Long Thành, mỗi ký chuột đồng làm sạch được bán với giá 80 ngàn đồng, không rẻ chút nào” - ông Bình chia sẻ.
Hình thức ví cù, chạy theo máy gặt lúa để bắt chuột. |
Theo nông dân, chuột đồng mùa này màu lông vàng óng, thịt thơm ngon vì chúng chủ yếu ăn lúa. Loài chuột mà mọi người tìm bắt nhiều nhất là chuột “3 lông”, con nào con nấy béo tròn nặng gần nửa ký. Gọi là chuột “3 lông” vì ria mép của chúng mỗi bên có 3 sợi lông dài, cứng. Loài này to như chuột cống, nhưng thân ngắn hơn, phá hại lúa rất dữ, đám ruộng nào có chừng 2 ổ chuột này thì mùa đó coi như mất trắng.
“Ở những ô ruộng cao và khô nước, loài chuột đồng tập hợp để làm ổ rất nhiều. Chúng thường đào hang sâu ngoằn ngoèo ngay dưới chân ruộng, hoặc ở hai bên bờ đất. Chuột làm rất nhiều hang, trong đó có một hang chính và những hang phụ để tìm cách tẩu thoát khi bị phát hiện. Do đó, trước khi “đánh” vào hang chính, người bắt chuột phải tìm được các hang ngách phục kích sẵn, chờ chuột nhảy ra là tóm cổ ngay” - anh Lê Văn Ngọc cho hay. |
Trước vụ gặt nửa tháng, ông Bình ra thăm đồng đã phát hiện vết chân chuột đồng chi chít trên nền ruộng. Nhìn những đám lúa to bằng cái thúng bị đổ xuống, ông lặng lẽ lật cỏ, theo dấu chân chuột đi tìm từng cửa hang. Chờ đến khi lúa chín, ông gọi người gặt lúa, đồng thời tiến hành diệt chuột.
Mùa này, lũ chuột khiến 7 sào lúa của ông Hai Thìn (50 tuổi, ngụ xã Phú Đông) mất gần nửa năng suất. “Chuột sinh sản rất nhanh, chưa đầy một tháng chúng đẻ một lứa, mỗi lứa ít nhất 7-10 con nên rất nguy hiểm. Nếu không diệt chuột có nguy cơ mất mùa lúa sau” - ông Thìn nói.
Ông Thìn cho biết thêm, bọn chuột phá hại mùa màng không khác gì đại dịch khiến cho nông dân đứng ngồi không yên. Có nhiều nơi, người ta dùng các biện pháp, như: dùng thuốc hóa học, đánh bẫy…, nhưng không tiêu diệt chuột triệt để mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Cách diệt chuột trực tiếp như: ví cù, đánh vào hang chuột luôn mang hiệu quả cao. “Những ruộng bị chuột phá, người ta thường tập trung gặt một lúc rồi diệt chúng ngay để phòng chúng đến nơi khác phá hại lúa. Phải đồng tâm diệt chuột ngay bây giờ để bảo vệ lúa mùa sau” - ông Thìn tâm sự.
Thanh Hải