Ngọn núi Gia Lào (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) sừng sững thách thức bước chân du khách bởi hàng trăm bậc thang. Nhưng với những người hành nghề gánh, vác hàng thuê cho du khách và người dân trên núi, những bậc thang kia đã quen thuộc với những bước chân họ hàng ngày.
Ngọn núi Gia Lào (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) sừng sững thách thức bước chân du khách bởi hàng trăm bậc thang. Nhưng với những người hành nghề gánh, vác hàng thuê cho du khách và người dân trên núi, những bậc thang kia đã quen thuộc với những bước chân họ hàng ngày.
Bước chân lên bậc thang đầu tiên, chúng tôi gặp ngay quán hàng nhỏ của gia đình bà Năm Trẻ. Bà Năm Trẻ trước kia là dân hành khất ở ngọn núi này. Khi chính quyền địa phương và Ban Quản lý di tích - danh thắng núi Gia Lào cấm hoạt động ăn xin, bà Năm Trẻ chuyển qua nghề gánh hàng thuê.
* Nhọc nhằn…
4 giờ sáng, bà Năm Trẻ đã gánh chuyến hàng thuê đầu tiên, gồm: cây nước đá và vài thứ lặt vặt khác lên núi giao cho mối quen. Bà Năm Trẻ cho biết, gia đình bà hiện có 3 người, gồm: bà, con trai và con rể làm nghề gánh, vác hàng thuê. Mỗi ngày, bà gánh thuê được 160-200 ngàn đồng. Để có được số tiền đó, bà phải gánh 4-5 chuyến hàng lên núi, mỗi chuyến hàng nặng từ 40-50 kg. Có ngày, bà kiếm được trên 500 ngàn đồng, cũng có nghĩa việc phải gánh hàng lên núi nhiều lần hơn so với ngày ít tiền.
Sự dẻo dai của những người gánh, vác hàng thuê ở núi Gia Lào. Ảnh: T.Nhân |
Gánh xong chuyến hàng đầu tiên lên tới đỉnh núi giao cho khách, bà Năm Trẻ đi một mạch xuống núi mà không cần ngơi nghỉ. “Mỗi chuyến, tui chỉ gánh 40-50kg hàng thôi. Cũng thấy mệt, nhưng tui gánh cả chục năm nên quen rồi. Vì vậy, từ chân núi đến chùa Lớn (Bửu Quang tự), tui chỉ cần nghỉ chân 3 chặng” - bà Năm Trẻ vừa thở hổn hển, vừa nói.
Chồng bà Năm Trẻ mất cách đây 6 năm. Khi còn sống, ông cũng là dân gánh hàng thuê và quang gánh của ông đã đỡ đần cho bà rất nhiều trong việc nuôi 3 con và tậu khu đất nhỏ ở chân núi làm nơi trú ngụ. Sau ngày chồng mất, lực lượng gánh, vác hàng cho du khách tại chân núi Gia Lào bổ sung thêm người con rể, con trai của bà Năm Trẻ. Người con rể tên Tâm của bà Năm Trẻ là người gánh hàng khỏe nhất, được nhiều mối gánh nhất núi Gia Lào.
Tiếp chuyện với chúng tôi tại quán nước anh Năm Vũ, anh Tâm cho hay, anh có thể vác 2 bao gạo nặng 100kg đi một mạch lên tới đỉnh núi để giao cho du khách cúng chùa. Những tháng lễ hội, có ngày anh kiếm hơn 3 triệu đồng nhờ vác hàng lên núi. “Để có được số tiền đó, tui phải gánh hàng lên, xuống núi liên tục từ 4 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Cứ 50kg hàng, tui được du khách và bà con trả tiền công 40 ngàn đồng” - anh Tâm thổ lộ.
Cũng theo anh Tâm, anh và những người cùng làm nghề còn nhận gánh người già, cõng trẻ con lên, xuống núi. Giá cõng người thường cao hơn gấp nhiều lần gánh, vác hàng. “Tùy theo người mập hay ốm mà tụi tui lấy tiền công từ 600-800 ngàn đồng cho cả đợt lên và xuống núi. Nếu người mập, tụi tui cần 2 người để khuân lên bằng võng. Trẻ con dưới 50kg, chỉ cần một người cõng trên lưng nên giá cả mềm hơn” - anh Tâm cho biết thêm.
* Ngày ế khách
Núi Gia Lào hiện có trên 70 người làm nghề gánh, vác hàng thuê. Anh Ba Còm (một người gánh hàng thuê) cho biết, vào các tháng lễ hội, như: tháng Giêng, tháng 2, 7, 9 âm lịch, công việc tấp nập. Những tháng còn lại công việc ế ẩm, có khi ngồi chờ mấy ngày cũng không có người thuê làm. Không có việc, nhiều người chuyển sang làm thợ hồ, làm rẫy, bắt ong, hái thuốc về bán. “Công việc của tụi tui phụ thuộc vào du khách viếng cảnh nhiều hay ít. Không có du khách, tụi tui phải ngồi ngáp dài chờ người thuê” - anh Ba Còm nói.
Anh Tâm là người vác hàng thuê khỏe nhất, giỏi nhất và có nhiều việc nhất ở núi Gia Lào. |
Hai ngày liền, Ty (20 tuổi) vẫn kiên nhẫn ngồi ở quán nước anh Năm Vũ đợi người thuê vác hàng. Tiếp chuyện chúng tôi với vẻ mặt buồn thiu, Ty cho biết, học hết lớp 9 Ty đã thay mẹ ra đây gánh hàng thuê. Những tháng không phải lễ hội, nhưng các ngày lễ trong năm, hoặc thứ bảy, chủ nhật vẫn có nhiều khách thuê hơn ngày thường. “Ngày nào em không nhận được mối làm thì các anh chia cho một chuyến để bù vào tiền cà phê, cơm sáng. Hai ngày nay em không gánh được chuyến nào, vì các anh khác kẹt tiền, nên không nhường” - Ty giải thích khi nhìn các anh: Khanh, Tâm, Ba Còm liên tục vác những bao gạo, bó củi lên núi.
Anh Ba Còm cho biết, giá gánh, vác hàng thuê cho du khách thường cao hơn 10 ngàn đồng/chuyến so với gánh, vác thuê cho bà con trên núi. “Nhóm của mình chuyên gánh, vác hàng thuê cho bà con trên núi và nhóm có khoảng 20 người. Còn nhóm ở bến xe đông hơn, với trên 70 người. Nhóm này đón khách từ “đầu nguồn” nên có nhiều việc hơn. Khi nào làm không hết việc, họ mới điện thoại nhờ nhóm ở chân núi tăng cường và đòi chia hoa hồng bắt mối” - anh Ba Còm nói. |
Tuy ế khách dài ngày, Ty vẫn kiên nhẫn ra quán anh Năm Vũ chờ khách. Ty cũng từng tính đến việc làm phụ hồ, làm công nhân cho ổn định hơn. Nhưng rồi sức hấp dẫn, tự do tự tại từ công việc gánh hàng thuê cho du khách nhanh chóng làm Ty xóa đi ý nghĩ đó. Ty nói: “Công việc vác hàng thuê tuy nặng nhọc nhưng thoải mái anh à. Chỉ cần vác 2 chuyến hàng lên tới đỉnh núi là thu nhập bằng cả ngày làm phụ hồ. Có hôm, chỉ trong buổi sáng em đã có tiền triệu sau vài chuyến hàng”.
Vai vác giỏ xoài chỉ nặng 12kg, nhưng ông Nguyễn Thư (55 tuổi) như thấy quá sức, bước từng bước trên bậc thang để giao cho du khách viếng chùa. Ông Nguyễn Thư thở dốc cho biết, công việc thường ngày của ông là bán kem dạo dưới chân núi. Do buôn bán ế ẩm, ông nhận vác vài thứ lặt vặt cho du khách lên núi để kiếm thêm vài chục ngàn đồng. “Tui vừa bán kem, vừa nhận vác thuê vài thứ lặt vặt mà những người nhận vác chê ít tiền nhường lại. Tui giờ yếu lắm, nhưng vì nhà nghèo nên cố bắt chước người ta leo núi để kiếm thêm ít đồng nuôi con” - ông Nguyễn Thư lập bập nói.
11 giờ trưa, Ty vẫn nấn ná nơi quán nước anh Năm Vũ đợi khách và bà Năm Trẻ giờ có thêm chuyến hàng thứ 2 lên núi cùng với người bạn Tư Kiều. Trong khi đó, anh Ba Còm và anh Tâm thì mồ hôi nhễ nhại vì trúng được 4 bao gạo và 1 xe củi. Anh Tâm chia sẻ, hôm nay chỉ 8 người có việc làm. Số người còn lại đang ngồi tụm năm tụm ba dưới bến xe, chân núi chờ khách. “Dù ế khách, nhưng mọi người vẫn kiên nhẫn ngồi chờ. Chỉ cần có một chiếc xe 24 chỗ ngồi chở khách ghé núi thì ít nhất 5 người có việc để làm” - anh Tâm cho hay.
Thành Nhân