Chỉ tay lên màn hình máy tính đang hiển thị bản đồ khu vực Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Trung tá Trần Văn Đấu, Tham mưu trưởng Trung đoàn radar 251 Vùng 2 Hải quân, cho chúng tôi biết những chấm sáng đủ màu di chuyển chậm chạp trên bản đồ chính là những tàu thuyền, máy bay tầm thấp đang hoạt động trong vùng biển này.
Chỉ tay lên màn hình máy tính đang hiển thị bản đồ khu vực Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Trung tá Trần Văn Đấu, Tham mưu trưởng Trung đoàn radar 251 Vùng 2 Hải quân, cho chúng tôi biết những chấm sáng đủ màu di chuyển chậm chạp trên bản đồ chính là những tàu thuyền, máy bay tầm thấp đang hoạt động trong vùng biển này. Hình ảnh được thu về từ các trạm radar sẽ hiện lên màn hình máy tính ở trung tâm chỉ huy trong đất liền, từ đó lực lượng hải quân sẽ có những biện pháp kịp thời ứng phó với tình huống bất ngờ xảy ra.
* Hầm radar bằng… tôn gác tạm
Được mệnh danh là “mắt thần” của lực lượng hải quân Vùng 2, những radar bố trí trên khắp vùng biển phía Nam sẽ quan sát những chuyển động nhỏ nhất của tàu thuyền rồi truyền về sở chỉ huy. Trong lúc đợi tham quan phòng trực máy của Trung đoàn radar 251, chúng tôi đã được nghe những chiến sĩ radar năm xưa kể lại ngày tháng “khai hoang mở đất”, dựng trạm radar ở các đảo vắng bóng người.
Theo dõi hình ảnh tàu thuyền hoạt động ở khu vực biển phía Nam. |
Lục lại trong ký ức hơn 20 năm về trước, Đại úy Nguyễn Văn Huynh, Tiểu đội trưởng radar hướng ánh mắt xa xăm về phía tấm bản đồ Việt Nam treo trên tường sở chỉ huy. Anh nhớ lại: “Hôm đó là đúng ngày 23 tháng Chạp Tết âm lịch năm 1992, khi đó tôi còn là chiến sĩ trẻ của Vùng 5 Hải quân, nhận lệnh phải đi từ đảo Phú Quốc ra Hòn Chuối để dựng trạm radar quan sát. Chúng tôi chuẩn bị tất cả đồ đạc, khí tài và lên đường, từ đảo Phú Quốc di chuyển bằng tàu “há mồm” với tốc độ rất chậm nên mất khoảng 3 ngày mới tới nơi. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về hòn đảo chính là sự hoang sơ đến lạnh người, anh em chúng tôi bắt tay ngay vào việc dựng lán trại, phát cây để chọn vị trí đặt trạm máy và chòi quan sát. Mất thêm 4 ngày “ăn gió nằm sương, gối đầu lên sỏi đá” đúng chiều 30 tết chúng tôi mới nối thông liên lạc được với đất liền” - Đại úy Huynh bước lên gần tấm bản đồ, chỉ cho chúng tôi vị trí của Hòn Chuối và kể lại khoảng thời gian gần 2 năm trời anh cùng các đồng đội sống trên đảo.
Anh Huynh kể thêm, trước đó một năm anh đóng quân xây trạm radar tại Hòn Khoai, trúng mùa biển động nên hơn 2 tháng trời anh và đồng đội không nhận được tiếp tế từ đất liền. Những ngày đó, dù đói khát đến mức nào nhưng mỗi người hàng ngày đều phải gánh 40 viên gạch đi quãng đường hơn 4km từ chân núi lên đỉnh núi để xây trạm. “Tôi nhớ ngày đó đã viết trong thư gửi về nhà mấy câu để nói ra tình cảnh anh em ngoài này: “Hầm máy radar là mái nhà tôn gác tạm, chòi quan sát tận dụng gốc cây rừng”. Đó là những gì mà anh em hải quân chúng tôi trải qua trong những năm tháng thiếu thốn đó. “Tóc thì rụng hết vì lâu ngày không tắm, ăn uống thì chỉ có củ khoai và chuối rừng, nhưng làm việc thì không được trễ biếng” - Đại úy Huynh hồi tưởng lại khoảng thời gian làm nhiệm vụ “khai hoang” trên các đảo ở vùng biển phía Tây Nam Tổ quốc.
* Chiến công nơi hậu tuyến
Đưa chúng tôi vào phòng máy của sở chỉ huy trung đoàn, Thượng tá Đỗ Văn Toàn, Chính ủy Trung đoàn 251 yêu cầu kíp trắc thủ tiếp tục làm việc như bình thường, không được để sự xuất hiện của chúng tôi làm ảnh hưởng việc theo dõi màn hình radar. Thượng tá Toàn giải thích, để đào tạo được một trắc thủ có khả năng làm việc tại phòng máy này thì một người lính sau khi trải qua huấn luyện sẽ đưa đi học lớp trắc thủ sơ cấp 12 tháng, sau đó đưa về đơn vị huấn luyện thực tế thêm 6 tháng rồi kiểm tra trình độ, nếu không đạt trả về nhà trường đào tạo lại.
“Đó là nói về trắc thủ ở trong đất liền, còn cán bộ chiến sĩ ngoài trạm thì có những tiêu chuẩn khắt khe hơn. Anh em ngoài đảo phải đóng quân ở trạm radar tít tận đỉnh núi cao, nước sinh hoạt thì thiếu thốn, cả tuần mới được xuống núi tắm một lần nhưng vẫn phải để dành nước để vệ sinh radar. Sáng thì “tưới sương”, chiều thì lau bụi, không được để cho cánh sóng radar bị nhiễu bởi sương muối và bụi bặm” - Thượng tá Toàn giải thích về công việc của những chiến sĩ radar hải quân.
Những kíp trắc thủ theo dõi từng khu vực biển tại trung tâm điều khiển. |
Hoạt động thầm lặng hơn các đơn vị tàu chiến đấu hay hải quân đánh bộ, dù ở hậu tuyến nhưng những gì các anh đóng góp cho công cuộc bảo vệ biển, đảo quê hương thì không thua kém gì các đơn vị kể trên. Cụ thể như tháng 11-2012, radar của Trung đoàn 251 đã định vị được một tàu cướp biển đang tấn công một tàu chở dầu của Malaysia nằm ở hướng Đông Đông Bắc, cách Côn Đảo 44 hải lý. Tìm lại những hình ảnh chụp radar ghi nhận tình hình vào lúc đó, trên tấm bản đồ được in trên giấy A4 chỉ toàn những chấm đủ màu, Thượng tá Đỗ Văn Toàn bắt đầu giải thích tuần tự việc kíp trắc thủ phát hiện ra con tàu này.
“Hôm đó là vào buổi tối một ngày cuối tháng 11, trước đó anh em chúng tôi có nhận được thông báo về một toán cướp biển đã khống chế một tàu hàng nước ngoài, có khả năng còn trong lãnh hải Việt Nam. Kíp trắc thủ theo dõi khu vực Côn Đảo đã xác định được một tàu chở hàng nước ngoài có hành động rất lạ, đang tìm cách áp sát vào một tàu hàng khác. Cho rằng đó chính là tàu cướp biển mà cảnh sát biển các nước đang truy lùng, anh em chúng tôi liền báo ngay về Sở chỉ huy Vùng 2 và được lệnh tiếp tục theo dõi sát hành động của tàu này. Qua màn hình radar, chúng tôi thấy có 2 tàu của Cảnh sát biển Việt Nam áp sát con tàu tình nghi, sau đó thì biết chiếc tàu tình nghi đó chính là tàu chở dầu của Malaysia bị cướp trước đó” - Thượng tá Toàn kể lại với vẻ điềm đạm của một người lính đã kinh qua nhiều thử thách.
“Một ca trực phòng máy tại sở chỉ huy là 8 tiếng đồng hồ, suốt thời gian đó những người lính ở đây phải căng mắt theo dõi từng chuyển động nhỏ trên màn hình. Nếu không quen là không làm được, ngay cả những người thuộc bộ phận khác ở trung đoàn nếu nhìn những thứ hiển thị trên màn hình cũng chẳng biết là gì cả. Vậy nên ở lực lượng hải quân, trắc thủ phải được đào tạo bài bản và thật kỹ lưỡng” - Đại úy Nguyễn Văn Huynh cho biết. |
Đại úy Huynh lý giải, những trắc thủ ở đây phải là người giàu kinh nghiệm thì mới có khả năng phán đoán và xác định chính xác những con tàu có biểu hiện lạ trên biển. “Những chấm sáng di chuyển với tốc độ từ từ chính là máy bay dân sự, vì tỷ lệ xích của bản đồ khá lớn cộng với tốc độ của máy bay nên chúng ta mới thấy nó di chuyển. Còn những chấm sáng tưởng chừng như bất động này chính là những con tàu đang hoạt động ngoài khơi. Mỗi màu sắc biểu thị cho một loại tàu khác nhau, như: tàu chiến, tàu cá, tàu hàng,… Nhiệm vụ của trắc thủ là phán đoán được chấm sáng đó là tàu loại gì dựa theo hướng di chuyển và khu vực hoạt động của tàu” - Đại úy Huynh chỉ tay lên một chấm sáng di chuyển chậm rãi và khẳng định đó là máy bay dân sự đang tiến vào lãnh thổ Việt Nam.
“Dù hoạt động ở đâu thì những người lính radar luôn tâm niệm một điều rằng chúng tôi là “con mắt thần” của Hải quân nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung. Vậy nên phải luôn mở to mắt nhìn trời, canh biển, không để bất kỳ yếu tố nguy hiểm nào lọt vào địa phận Tổ quốc mình” - Thượng tá Đỗ Văn Toàn tự hào kể về công tác trực chiến suốt đêm ngày của trung đoàn mình.
Đăng Tùng