Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Xuân Lộc được coi là vùng "đất lửa" vì đã bao lần bị bom đạn của giặc tàn phá nặng nề. Từ ngày 9 đến 21-4-1975, Chiến dịch Xuân Lộc diễn ra đã đập tan "cánh cửa thép", mở rộng cửa ngõ Đông Bắc để quân ta tiến vào giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Xuân Lộc được coi là vùng “đất lửa” vì đã bao lần bị bom đạn của giặc tàn phá nặng nề. Từ ngày 9 đến 21-4-1975, Chiến dịch Xuân Lộc diễn ra đã đập tan “cánh cửa thép”, mở rộng cửa ngõ Đông Bắc để quân ta tiến vào giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn. 39 năm sau, Xuân Lộc trở thành huyện đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, cuộc sống người dân dần ổn định, đời sống tinh thần được nâng cao.
Những vườn xoài trĩu quả ở Xuân Hòa không thua kém gì so với các xã: Xuân Hưng, Xuân Định… |
Sau chiến tranh, vùng “đất lửa” Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) còn sót lại bom mìn nhiều vô kể. Nhưng ngày nay, vùng đất này gợi lên sự bình yên, vùng đất khô cằn ngày nào giờ đã phủ một màu xanh trù phú.
Vào mùa khô, Xuân Hòa là nơi “khát” nước nhất của huyện Xuân Lộc. Tuy nhiên, người dân nơi đây đã biết tận dùng nguồn nước từ các khe suối, ao hồ để chung tay ngăn đập, dẫn nước tưới tiêu đến tận ruộng vườn.
Những người mới…
Mỗi năm, vùng đất Xuân Hòa chịu ảnh hưởng khô hạn từ 4 tháng trở lên. Phần lớn diện tích đất của xã bị thiếu nước trở nên khô cằn, cây trồng năng suất không cao. Suốt một thời gian dài, nơi đây đúng nghĩa là vùng “đất lửa” với rừng thiêng nước độc, cộng thêm bom mìn sót lại, nên không ai dám đặt chân đến khai phá.
Đứng trước những dãy đồi cây cối um tùm, những con người tiên phong khai mở vùng đất năm xưa đã dùng sức người, mồ hôi và nước mắt để làm mềm lòng miền đất lạ. Những con đường “xương cá” dẫn vào 4 ấp của xã dần được mở ra. “Thấy đất ở đây rộng, mọi người rủ nhau đi lập nghiệp. Những ngày đầu gian khổ lắm...” - ông Huỳnh Văn Bảy (55 tuổi, ngụ ấp 3) kể lại.
Theo ông Bảy, hồi ấy chuyện rừng thiêng nước độc hay bệnh tật không làm người khai hoang ngán sợ bằng việc thiếu nước. Lúc khai khẩn xong, những khoảnh đất tươi tốt dần lộ ra, nhưng không ai biết phải trồng cây gì vì thiếu nước tưới. Gieo bắp năng suất chẳng thấm vào đâu, trồng điều thì lâu cho trái, cả ấp ai cũng “đuối” bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên.“Mùa bắp đầu tiên, sau khi trừ mọi chi phí, số tiền dư còn lại của gia đình chỉ đủ mua 5 gói mì tôm. Một lần sang xã bên chơi, thấy rẫy xoài, vườn nhãn sum suê trái, tôi mới nhận ra “đáp số” của mình là đây” - ông Bảy nói.
Quê ông Bảy ở miền Cai Lậy (Tiền Giang), gia đình có nghề trồng cây ăn trái nên chẳng mấy chốc mà vườn xoài gần 2 hécta gia đình ông bỏ công chăm sóc ở vùng đất mới Xuân Hòa bắt đầu xanh tốt. Ông đưa tay chỉ một vòng quanh vườn xoài tiếp lời: “Hồi cuối những năm 1990, số tiền 50 triệu đồng thu hoạch vụ đầu lớn lắm và cũng nhờ nó mà tôi mua máy dầu hút nước từ suối lên tưới cây. Từ đó, năng suất cây trồng mỗi năm một tăng, bây giờ ước đạt 32 tấn/hécta, tôi đã trở thành người trồng xoài cho năng suất cao nhất của Xuân Hòa”.
Cùng với ông Bảy, ông Nguyễn Văn Long (55 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh) và những người di dân đến Xuân Hòa sau này đã góp phần làm xuất hiện những vườn cây ăn trái, cây cao su với cả ngàn hécta. Phong trào trồng cây ăn trái với các loại quả đặc trưng, như: xoài cát Hòa Lộc, nhãn nhị quý, bưởi da xanh, quýt đường… đã làm thay đổi cả vùng “đất lửa”.
“Nói thật, so với xã Xuân Hưng, xã Xuân Hòa thiệt thòi hơn nhiều. Chỉ cách có 5km mà đất ở đây khô như rang, nên sản lượng xoài đạt 32 tấn/hécta với chúng tôi là hãnh diện lắm rồi. Bởi từ tháng 2 trở đi, nước khắp các ao, suối đều khô cạn, mọi người thuê máy khoan vài chục mét đất mà chẳng thấy nước đâu. Nước với người dân nơi đây còn quý hơn cả vàng” - ông Long tâm sự.
Giờ đến đây ai cũng ngỡ ngàng, căng mắt nhìn những vườn cây trái trĩu quả, rừng cao su bạt ngàn đang mùa lên lá mới. Bên những khoảnh đất mới vừa san ủi xen kẽ với hàng trăm hécta cây cao su ngang tầm người, những ngôi nhà xây vững chãi đứng bên nhau trông thật tươi mắt.
“Ở đây lâu rồi nên chẳng muốn đi xa vì lo vườn xoài chẳng ai tỉa cành, lô cao su không kịp bón phân để chuẩn bị cho mùa vụ tới. Nếu nguồn nước tiếp tục được cải thiện và chủ động hơn, tui tin Xuân Hòa sẽ không thua nơi nào khác” - ông Liền A Phú, ông chủ trẻ của vườn trái cây rộng gần 9 hécta ở Xuân Hòa tâm sự.
* Xây dựng nông thôn mới
Chủ trương xây dựng nông thôn mới đang vẽ nên những bức tranh đổi thay trong đời sống của người dân. Từ chỗ chỉ biết quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, người dân Xuân Hòa hôm nay còn biết kết hợp mô hình làm kinh tế mới.
Ông Hồ Sơn Tư (54 tuổi, ngụ ấp 2) hiện đang làm chủ một công ty kinh doanh hàng nông sản, gỗ gia dụng có tiếng ở huyện Xuân Lộc. Từ 2 hécta xoài, chăn nuôi bò năm 1978, đến năm 1995 ông Tư đã có trên 30 hécta chuyên trồng cây cao su. Ngoài ra, ông còn mở xưởng sản xuất gỗ mỹ nghệ, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động trong xã.
Xã “cửa ngõ” Xuân Hòa của huyện Xuân Lộc nằm phía Đông Nam của tỉnh Đồng Nai, diện tích toàn xã 8.731 hécta, trong đó cây lâu năm chiếm 1.355 hécta, với xoài, cao su là cây chủ lực. Dự kiến tháng 6-2014, Xuân Hòa hoàn thành đầy đủ các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. |
“Ngày xưa, tôi cũng là một nông dân, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng nên hiểu được những khó khăn vất vả khi người dân đến làm ăn ở đây. Khi có điều kiện, cuộc sống ổn định, tôi quay sang giúp đỡ cộng đồng. Ở đây nhiều đường vào ấp nhỏ, lại bị chia cắt bởi các dòng suối nên người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa không thuận lợi. Tôi đã hiến 3 ngàn m2 đất cùng với 16 hộ dân ở ấp 3 xây đường” - ông Tư chia sẻ.
Trong khi các xã: Xuân Phú, Xuân Định… đã “về đích” sớm mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới, thì Xuân Hòa vẫn còn một tiêu chí về giao thông chưa đạt được. Khó khăn hiện nay của xã là chưa thể xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường giao thông nông thôn, vẫn còn nhiều con đường chưa được bê tông hóa, nhiều cây cầu tạm bắc qua suối chưa kiên cố khiến việc vận chuyển nông sản của người dân bị ảnh hưởng.
Nhưng theo Chủ tịch UBND xã Trần Đình Lai, điểm xuất phát thấp nhưng Xuân Hòa không ngừng cố gắng, nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Tinh thần đoàn kết, đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao là tiêu chí hàng đầu làm nên sức mạnh của Xuân Hòa. “Chúng tôi không thổi phồng, tô hồng sự việc, nhưng với điều kiện thiên nhiên ít ưu đãi thì kết quả diện tích cây xoài, khoai mì, cao su luôn đứng vị trí cao trong huyện là cú hích để Xuân Hòa đi lên hơn nữa” - ông Lai nói.
Theo ông Lai, hiện toàn xã Xuân Hòa đã đạt 18/19 tiêu chí nông thôn mới, tập thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đang chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành tiêu chí còn lại. Số lượng là thế, nhưng điều quan trọng nhất là có thể đong đếm được thành quả mang lại bằng chính sự sung túc về đời sống vật chất, phong phú tinh thần của người dân...
Thanh Hải