Định cư ở 2 xã Xuân Hòa, Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) hàng chục năm nay, cộng đồng các dân tộc thiểu số người Chăm, Chơro, S'tiêng hiện đã có những thay đổi lớn về đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục, đồng thời góp phần không nhỏ vào sự phát triển của huyện Xuân Lộc nói riêng và của tỉnh Đồng Nai nói chung.
Định cư ở 2 xã Xuân Hòa, Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) hàng chục năm nay, cộng đồng các dân tộc thiểu số người Chăm, Chơro, S’tiêng hiện đã có những thay đổi lớn về đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục, đồng thời góp phần không nhỏ vào sự phát triển của huyện Xuân Lộc nói riêng và của tỉnh Đồng Nai nói chung.
Bà Lý Thị Liễu bóc vỏ hạt điều thủ công tại nhà. |
“Tôi là người Kinh, lấy vợ người S’tiêng và định cư ở đây từ năm 1995. Ngày trước, người S’tiêng định cư ở ấp 4, xã Xuân Hòa, giáp ranh với tỉnh Bình Thuận. Sau này, theo Chương trình 372 (phủ xanh đất trống đồi núi trọc) của Nhà nước, chúng tôi di dời đến ấp 2 lập làng, lập ấp ở đến bây giờ” - ông Phạm Văn Minh (58 tuổi, ngụ ấp 2, xã Xuân Hòa) giới thiệu nhanh về mình trước khi đưa chúng tôi vào thăm làng dân tộc S’tiêng.
* Những người trên miền đất cát
Trên đường vào làng, ông Minh kể ngày trước người S’tiêng chủ yếu làm nghề đi rừng, nhặt củi, không được học hành nên đời sống người dân rất lạc hậu. “Năm 2001, điện được kéo đến từng ấp, chúng tôi còn được Nhà nước xây nhà gạch, khoan giếng, chứ trước đây người dân ở nhà lá, nhà cây, ăn uống, sinh hoạt thì sử dụng nước suối. Mùa mưa còn đỡ, mùa khô thì suối cũng cạn trơ, người còn “khô héo” chứ đừng nói đến cây cỏ” - ông Minh vừa nói, vừa dẫn đường cho chúng tôi đi khắp làng. Nhà nào cũng được xây gạch chắc chắn và có điện sử dụng.
Cộng đồng người S’tiêng nơi đây hiện có 36 hộ, 145 nhân khẩu, chủ yếu làm nông, làm công nhân, hoặc nhận gia công các sản phẩm đan lát… Từ năm 1995, cộng đồng người S’tiêng đã được xóa mù chữ hoàn toàn, tuy đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng đây là một bước tiến lớn trong cộng đồng người dân tộc thiểu số nơi đây.[links(right)]
Tiếp tục đến làng Chơro (ấp 3, xã Xuân Hòa), chúng tôi tìm gặp già làng Lý Thị Kiển (58 tuổi), người từng len lỏi giữa những cánh rừng làm giao liên cho cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Đưa chúng tôi đi trên con đường đang được đổ bê tông của làng, già làng Kiển cho biết: “Vùng này toàn đất cát khô cằn, chỉ có những loại cây chịu được hạn mới sống nổi, giống như người Chơro ở đây vậy, gian khó không khuất phục được chúng tôi. Còn nhớ hồi những năm 1960, thanh niên trai tráng trong làng tham gia cách mạng hết, ở làng chỉ còn toàn người già và trẻ em, nhưng chúng tôi không sợ. Ngay như tôi, hồi đó chưa tới 10 tuổi đã đi làm giao liên rồi bị bắt cả năm trời, địch thả ra tôi lại đi làm giao liên cho đến ngày miền Nam được giải phóng”.
* Đổi thay trên căn cứ xưa
Trước đây, cả khu vực xã Xuân Hòa là căn cứ cách mạng Rừng Lá, người Chơro bản địa chủ yếu làm nghề đốn củi, làm rẫy. Đến nay, cộng đồng người Chơro với 27 hộ, 112 nhân khẩu, đời sống đã có bước tiến rất lớn.
“Năm 2001, Nhà nước cho mỗi gia đình 6 triệu đồng để xây nhà gạch, đồng thời kéo đường điện, đào giếng cho chúng tôi. Đến năm 2002, người Chơro ở đây chính thức xóa mù chữ. Nhiều gia đình có con học đại học, cao đẳng, giờ về công tác tại các cơ quan trong huyện, tỉnh, người dân ai cũng ý thức về việc cho con đi học để có điều kiện sống, làm việc tốt hơn” - bà Kiển tâm sự khi đưa chúng tôi đi thăm hỏi những gia đình có người lớn tuổi, những gia đình bà mẹ Việt Nam anh hùng ở trong làng.
Ông Mohamed Nooru Deer tìm kiếm tài liệu trên internet. |
Bà Lý Thị Liễu (42 tuổi, người Chơro) cho biết, gia đình bà làm nông nhưng còn nhận thêm hàng gia công về làm. Mỗi tháng, thu nhập từ việc bóc vỏ hạt điều của mẹ con bà cũng thu về 3 triệu đồng, từ đó tích lũy đầu tư cho con bà được học cao hơn. “Bây giờ, biết đọc biết viết cũng chưa đủ, tui hy vọng gia đình tích lũy được số vốn cho con tui lên thành phố học. Chẳng cần tới kỹ sư, bác sĩ đâu, chỉ cần con tui có việc làm ổn định trong cơ quan Nhà nước là tui mừng rồi” - bà Liễu nói.
Còn với cộng đồng người Chăm ở ấp 4, xã Xuân Hưng, đời sống văn hóa, tinh thần có phát triển hơn. Kể về quá trình định cư của người Chăm ở đây, Trưởng ấp 4 Mohamed Nooru Deer cho biết, làng được hình thành từ những năm 1970, quy tụ người Chăm từ các nơi về đây. Ngày trước, người Chăm chủ yếu khai thác rừng, chăn gia súc, làm lúa và các nghề truyền thống. Hiện làng Chăm có gần 430 hộ và hơn 2 ngàn nhân khẩu, người dân sinh sống tập trung dọc tuyến quốc lộ 1 và chủ yếu sống bằng nghề nông, đan lát thủ công, hoặc làm công nhân cho các xí nghiệp trong vùng. Năm 1988, Nhà nước xây dựng cho làng hệ thống thủy nông để làm lúa nước 3 vụ, đầu tư các công trình hạ tầng, xóa đói giảm nghèo.
Ông Trần Đình Lai, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết cuộc sống của các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở vùng đất này dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết của người dân, đời sống của họ đang ngày một đi lên. Nhiều người đã vươn lên làm nông dân sản xuất giỏi, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. |
“Trong 15 năm trở lại đây, huyện đã xây dựng trên 100 căn nhà cho người dân, đổ bê tông các tuyến đường giao thông, kéo điện và nước sinh hoạt cho bà con. Công nghệ thông tin cũng được người Chăm tiếp thu rất nhanh, nhiều gia đình đã mua được máy vi tính để đọc báo, học tập và giải trí… Từ đó, đời sống trong làng dần khởi sắc, tiến bộ, văn minh, 100% trẻ em đến tuổi được đi học, không còn tình trạng mù chữ trong cộng đồng người Chăm” - đưa chúng tôi đi tham quan những công trình đã được Nhà nước xây dựng cho làng, ông Deer tự hào nói.
Ông Deer cho biết thêm, công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng được thực hiện rộng rãi. Ngoài việc họp tổ nhân dân định kỳ, khi có chuyện gấp thì trước giờ hành lễ tại thánh đường, ông Deer tranh thủ truyền đạt đến người dân.
“Bây giờ có nghề thủ công gỡ rối lưới cá đưa về cộng đồng chúng tôi, cho thu nhập cũng khá lắm, chủ yếu dành cho phụ nữ lớn tuổi, trẻ em. Lưới cũ, lưới rối được người ta đem tới, mình nhận rồi gỡ những chỗ rối ra, một ký lưới được 3 ngàn đồng” - đưa chúng tôi đi xem một hộ gia đình làm nghề gỡ lưới cá, ông Deer nói.
Tiễn chúng tôi ra khỏi làng để chuẩn bị vào giờ làm lễ, ông Deer nắm chặt tay chúng tôi dặn dò quay lại vào ngày tết cổ truyền của người Chăm sắp tới, khi đó ông sẽ có điều kiện đưa chúng tôi đi thăm từng nhà dân ở đây. “Phải ăn cùng người Chăm, ở cùng người Chăm thì mới hiểu được người Chăm” - nói đoạn, ông Deer chào chúng tôi và quay vào nhà chuẩn bị trang phục để làm lễ.
Đăng Tùng