Trong lần diễn tập bắn đạn thật cuối năm 2013, các loạt pháo của Lữ đoàn Pháo binh 75 (thuộc Quân khu 7) được ví như "tiếng voi gầm" vang rền trên trường bắn. Theo lời Thượng tá Phạm Hùng Cường, Lữ đoàn phó Lữ đoàn Pháo binh 75, để có được lời khen đó, ngoài việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phải nhắc đến công tác bảo dưỡng trang thiết bị, vũ khí được cán bộ, chiến sĩ đơn vị tuân thủ nghiêm ngặt suốt năm.
Trong lần diễn tập bắn đạn thật cuối năm 2013, các loạt pháo của Lữ đoàn Pháo binh 75 (thuộc Quân khu 7) được ví như “tiếng voi gầm” vang rền trên trường bắn. Theo lời Thượng tá Phạm Hùng Cường, Lữ đoàn phó Lữ đoàn Pháo binh 75, để có được lời khen đó, ngoài việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phải nhắc đến công tác bảo dưỡng trang thiết bị, vũ khí được cán bộ, chiến sĩ đơn vị tuân thủ nghiêm ngặt suốt năm.
Những ngày đầu tháng 4-2014, chúng tôi theo chân Đại úy Phạm Xuân Dưỡng, Trợ lý tuyên huấn Lữ đoàn Pháo binh 75, để tìm hiểu công tác bảo dưỡng vũ khí của đơn vị. Tại khu kỹ thuật, bên trong kho chứa xe Zil 130 và pháo BM14 (còn gọi là Kachiusa), các chiến sĩ của Trung đội 1, Đại đội 7, Tiểu đoàn 3 đang điểm danh và phổ biến công việc cần làm trong giờ bảo dưỡng.
* Bảo dưỡng “huyền thoại” Kachiusa
Đưa chúng tôi đi xem những khí tài mà Trung đội 1 quản lý, Trung úy Nguyễn Viết Xô, Trung đội trưởng Trung đội 1, cho biết: “Đơn vị của tôi có 2 khẩu đội pháo BM14 đặt trên xe Zil 130. Vì là loại pháo đã sử dụng nhiều năm nên công tác bảo dưỡng, kiểm tra phải thực hiện liên tục, không được buông lỏng một ngày nào, kể cả các ngày lễ, tết nhằm mục đích đảm bảo khả năng cơ động, chiến đấu 24/24 giờ của đơn vị. Nếu có việc cần, trung đội sẽ ngay lập tức lên đường làm nhiệm vụ mà không cần chuẩn bị nhiều”.
Các pháo thủ của Tiểu đoàn 3 đang bảo dưỡng pháo BM14. |
Pháo phản lực BM14 được sử dụng tại Việt Nam từ hàng chục năm qua nên việc kiểm tra, bảo dưỡng phải tiến hành liên tục, nếu phát hiện bất kỳ hư hỏng nào phải được sửa chữa ngay. Một tân binh sau khi trải qua 3 tháng huấn luyện sẽ được đưa về các khẩu đội, và ở đó mỗi người lính lại phải mất thêm 3 tháng nữa mới thành thục các bước bảo dưỡng loại pháo này. Mỗi khẩu đội BM14 được biên chế 7 chiến sĩ, nên phải luôn đảm bảo khi có người xuất ngũ vẫn không làm ảnh hưởng đến công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và bảo dưỡng vũ khí.
Giúp chúng tôi trèo lên xe Zil 130, Trung úy Xô thực hiện động tác thông nòng pháo cho chúng tôi xem. “Mỗi loại pháo có một cách bảo dưỡng khác nhau. Với dòng pháo phản lực này thì thông thẳng tay, với các dòng pháo nòng xoắn, như: 105mm, 130mm thì sử dụng cây thông nòng khác và cách thông nòng cũng khác; đặc biệt các trục xoay trên pháo phải đảm bảo đủ dầu mỡ để hoạt động trơn tru. Ngoài những khí tài trên thân pháo, BM14 còn sử dụng kính ngắm là loại khí tài quang học nên được bảo quản theo cách riêng” - nói đoạn, Trung úy Xô đưa cây thông nòng cho 2 chiến sĩ của khẩu đội 1, rồi hướng dẫn chúng tôi quan sát công tác bảo dưỡng.
* “Nàng” Kachiusa cất tiếng
Pháo phản lực BM14 có tầm bắn xa khoảng 10km, nhưng do luồng lửa phản lực quá lớn, rất dễ bị lộ vị trí, nên được bố trí trên xe tải quân sự Zil 130 hoặc Zil 131. Vì tính cơ động cao nên đòi hỏi sự hoạt động trơn tru của các bộ phận, chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
“Trong thực tiễn chiến đấu, thao tác của pháo thủ phải kết hợp đồng bộ, nhanh, chính xác, chắc chắn. Mỗi viên đạn BM14 nặng đến 40kg và phải nạp hoàn toàn thủ công, nên công tác huấn luyện thể lực của cán bộ, chiến sĩ rất được coi trọng. Mỗi buổi sáng, các chiến sĩ phải chạy bộ 3km quanh đơn vị; hàng tuần đều tổ chức hành quân trên đoạn đường dài 12km và đem theo ba lô 25kg. Bên cạnh đó là các bài tập thể lực để rèn sức bền trong chiến đấu. Ngoài ra, sau giờ huấn luyện mỗi ngày, chúng tôi dành cho các khẩu đội một giờ để kiểm tra, bảo dưỡng vũ khí của mình” - Trung úy Xô cho biết.
Binh nhất Nguyễn Thanh Tuấn kiểm tra thước ngắm của pháo. |
Lấy cho chúng tôi xem quy định các nội dung bảo dưỡng pháo, Đại úy Dưỡng giải thích, mỗi ngày dành ra một giờ, mỗi tuần 3-4 giờ, mỗi tháng lại có 4-5 giờ để xem xét, đánh giá tình trạng vũ khí và công tác bảo quản vũ khí. Bao gồm các nội dung cơ bản, như: kiểm tra độ ổn định của các trục quay, thông nòng pháo, xiết ốc vít, tra nhớt vào các khớp. Các giờ bảo dưỡng đều có cán bộ trung đội xem xét, đôn đốc và xử lý tình huống khi phát hiện ra hư hỏng. BM14 là pháo sử dụng hệ thống điện để khai hỏa, nên yêu cầu kỹ thuật cũng được chú ý hơn các loại pháo sử dụng kim hỏa.
“Thường thì trong nòng pháo và một vài bộ phận khác sẽ có một ít dầu nhớt để tránh bị gỉ sét, nhưng khi đưa vào bắn đạn thật sẽ được lau khô để tránh tình trạng bụi bám làm lệch hướng đi của viên đạn. Không những thế, những vết dầu quá nhiều ở các khớp, trục xoay cũng có thể dẫn tới bụi đóng một lớp dày, ảnh hưởng đến việc thao tác” - nói rồi, Trung úy Xô thao tác nâng, hạ giàn pháo, xoay giàn pháo sang các hướng để chúng tôi hiểu được cơ chế hoạt động của loại pháo phản lực này.
Lữ đoàn Pháo binh 75 là đơn vị có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật dành cho pháo phản lực BM14, như: thiết bị kiểm tra mạch điện giàn phóng, giá nạp đạn… Tất cả đều được áp dụng vào thực tiễn và đang tiến hành sản xuất trang bị cho toàn đơn vị. |
Ngoài bảo dưỡng thân pháo, chiếc xe tải Zil 130 cũng rất được coi trọng. Các pháo thủ phải kiểm tra sơ bộ độ căng, độ mòn của bánh xe, máy móc bên trong… để kịp thời báo cho bộ phận chuyên trách sửa chữa ngay lập tức. “Ngày xưa, xăng dầu, phương tiện vận tải hạn chế nên còn dùng sức người để kéo pháo. Giờ được trang bị đầy đủ rồi, chúng tôi phải biết bảo quản, giữ gìn” - vỗ nhẹ lên xe tải Zil 130, Trung úy Xô nói với chúng tôi.
Đại úy Dưỡng tự hào cho chúng tôi biết, mỗi khi diễn tập bắn đạn thật, pháo BM14 luôn gây ấn tượng với những binh chủng khác, khi chỉ trong vài giây, 16 viên đạn được phóng ra rất nhanh, gây thiệt hại trên diện rộng cho mục tiêu. “Pháo thủ gắn liền với khẩu pháo của đơn vị mình, phải “chăm sóc” nó thật kỹ thì khi có chuyện bất ngờ xảy ra, nó mới hoạt động hết khả năng, giúp lực lượng pháo binh giành chiến thắng được” - Đại úy Dưỡng bộc bạch.
Đăng Tùng