Báo Đồng Nai điện tử
En

Đam mê điêu khắc đá mỹ nghệ

06:04, 29/04/2014

Các xóm đạo ở các xã: Hố Nai 3, Bắc Sơn, Quảng Tiến (huyện Trảng Bom); Gia Tân 1, Gia Kiệm (huyện Thống Nhất)… có truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ từ mấy chục năm nay.

Các xóm đạo ở các xã: Hố Nai 3, Bắc Sơn, Quảng Tiến (huyện Trảng Bom); Gia Tân 1, Gia Kiệm (huyện Thống Nhất)… có truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ từ mấy chục năm nay. Nhiều gia đình có đến 2-3 đời gắn bó với nghề tạc tượng đá mỹ nghệ. Điểm khác biệt là mỗi cơ sở chuyên điêu khắc tượng đá về một chủ đề riêng.

Nghệ nhân Lê Hữu Tới say mê với từng chi tiết trên sản phẩm.
Nghệ nhân Lê Hữu Tới say mê với từng chi tiết trên sản phẩm.

Theo thời gian, để đa dạng nguồn hàng cung cấp cho thị trường, các cơ sở đã pha trộn nhiều phong cách tượng khác nhau, không phân biệt loại hình cụ thể nào. Hàng làm ra xuất đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước, trải dài từ Nam ra Bắc. “Dù tiền vận chuyển khá cao, nhưng khách hàng ở miền Trung, miền Bắc lại ưa chuộng hàng chúng tôi làm ra, vì tay nghề người thợ cao và đảm bảo đúng chuẩn, đẹp từng chi tiết” - anh Lê Hữu Tới (34 tuổi, chủ Cơ sở đá điêu khắc Sài Gòn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cho biết.

* Xóm đạo điêu khắc đá

Theo anh Tới, gọi là xóm đạo điêu khắc đá vì ở đây tập trung nhiều nhà thờ, gia đình Công giáo cần những bức tượng Chúa để thờ tự. Khi nhu cầu cao, hàng không đủ, nhiều gia đình sẵn có nghề tạc tượng đá mới tập hợp lại, mở xưởng chế tác đá. Từ chỗ chỉ một vài cơ sở chế tác đá đã lan dần ra nhiều cơ sở nằm rải rác dọc quốc lộ 1.

Về xóm điêu khắc đá mỹ nghệ ở xã Quảng Tiến, nơi có nhiều xưởng sản xuất đá mỹ nghệ của huyện Trảng Bom, đâu đâu cũng thấy những khối đá cẩm thạch trắng. Từ một khối đá vô tri, dưới đôi bàn tay tài hoa, khéo léo và óc sáng tạo của nghệ nhân đã dần nên hình nên dạng. Những bức tượng đá đã được hoàn chỉnh bóng loáng trưng bày hai bên đường của cơ sở này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều khách qua lại.

“Hiện tại, nguồn đá phải lấy từ các tỉnh Nghệ An, Bình Định và TP.Đà Nẵng. Mỗi cơ sở đều có bí quyết và chuyên về mỗi dòng tượng riêng. Nghề điêu khắc đá vất vả so với mấy nghề khác, lại đòi hỏi người thợ phải có óc sáng tạo, con mắt thẩm mỹ, đức tính kiên trì, tỉ mỉ nên không phải ai cũng làm được. Giữ được nét độc đáo ấy là yếu tố sống còn của mỗi cơ sở” - nghệ nhân Nguyễn Đình Vân (61 tuổi, chủ Cơ sở đá Nguyễn Đình, xã Quảng Tiến), cho biết.

Ông Vân có hơn 40 năm trong nghề. Ban đầu, ông chỉ làm thợ phụ việc, nhưng khi tay nghề đã “cứng” hơn, ông quyết định ở lại địa phương lập nghiệp, mở xưởng kinh doanh chế tác. Mỗi năm, cơ sở của ông Vân cho ra đời hàng chục sản phẩm đá mỹ nghệ tinh xảo. Ông là một trong số ít người có tuổi nghề lâu nhất ở xóm đạo điêu khắc đá.

Nghệ nhân Vân hồ hởi kể: “Sản phẩm đầu tiên tôi hoàn thành là tượng một người mẹ đang bế hài nhi trên tay. Phải cầm dùi, cầm đục trầy trật mấy lần mới xong, nhưng vui không kể xiết. Từ đó, tôi đam mê nghề điêu khắc đá cho đến tận bây giờ”.

Theo ông Vân, một bức tượng hoàn chỉnh, dù cỡ nhỏ, cỡ vừa hay cỡ lớn cũng cần từ 3-5 thợ thay phiên nhau hoàn thiện dần. Bởi nó là một khối đá cứng, mài đến đâu, người thợ phải xối nước lên bề mặt đá để tăng độ liên kết với mũi mài, đồng thời giảm bớt lượng bụi xộc vào người.

* Yêu nghề truyền thống

Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ vất vả, đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, nhưng bù lại công việc không phụ thuộc mùa vụ và cho thu nhập khá. Ngày trước, nhà nào có nghề tạc đá đều có đời sống sung túc. Từ năm 2005 trở đi, nghề này bắt đầu chững lại, nhưng không vì thế mà ít người làm. Lúc này, các gia đình chuyển sang đầu tư nhiều vào chất lượng đá, mỹ thuật, cách tạo màu… Tuy đơn hàng không nhiều, nhưng ổn định quanh năm.

Một bức tượng đá được hoàn thành đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều người.
Một bức tượng đá được hoàn thành đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều người.

“Mọi người ở đây đều chăm chỉ làm ăn. Trong làng, nhiều người vừa làm chủ, vừa kiêm thợ. Hầu hết họ là anh em trong nhà, ít khi có người ngoài vào làm. Trung bình ngày công đối với thợ học việc khoảng 150 ngàn đồng, thợ làm thô khoảng 200 ngàn đồng và thợ có kỹ thuật tinh xảo là hơn 300 ngàn đồng” - anh Đinh Văn Ngôn, chủ một xưởng đá ở xã Gia Tân 1, chia sẻ.

Anh Ngôn cho biết thêm, mấy năm nay, nhiều thanh niên có xu hướng quay lại với nghề tạc tượng đá, khi mà nhiều nghề khác trở nên khó kiếm việc. Hiện tại, cơ sở của anh Ngôn có 7 người làm, trong đó có 2 thợ trẻ đang học việc lại từ đầu. “Các thợ trẻ này sinh ra trong nhà có truyền thống làm đá mỹ nghệ, nhưng bỏ lâu quá giờ phải học lại. Nghề nào cũng có lúc thịnh lúc suy, nhưng nếu yêu nghề thì mọi khó khăn sẽ qua” - anh Ngôn nói.

Nghệ nhân Nguyễn Đình Vân tâm sự: “Tôi mê nghề điêu khắc đá mỹ nghệ từ thời niên thiếu. Tôi quan niệm, mỗi sản phẩm làm ra phải thể hiện tay nghề, tính cách của người thợ. Khi truyền nghề cho thế hệ trẻ, mình phải tuân thủ theo một nguyên tắc bất thành văn là không chấp nhận những sản phẩm thiếu tính hoàn mỹ”.

Công việc điêu khắc đá kéo dài và liên tục gần như quanh năm suốt tháng, hiếm dịp nghỉ ngơi. Gạt vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt lấm bụi, anh Tuấn (25 tuổi), thợ điêu khắc đá nói: “Tôi bắt đầu cầm cái máy cắt khoảng 3 năm nay thôi. Bài học đầu tiên là vẽ khung tượng, rồi đến xẻ đá, ra phôi và cuối cùng là đi vào chi tiết”.

“Kiến trúc sư” trẻ Tuấn bộc bạch, học nghề này rất khó, nếu nhanh trí cũng phải mất hơn 4 năm, để nắm được những kỹ thuật hết sức sơ đẳng. Nghề này cần phải có tố chất của người nghệ sĩ, thể hiện sức sáng tạo của người làm trên các sản phẩm. Điều này sẽ dần tự hoàn thiện theo tuổi đời, tuổi nghề.

Nhóm của anh Tuấn có 3 người trẻ quyết định quay lại với công việc điêu khắc đá sau khi trải qua nhiều nghề. “Lúc mới học khó lắm, chỉ muốn bỏ nghề thôi, nhưng càng làm càng say mê, đến khi có tác phẩm đẹp thì thích thú không thôi. Nét độc đáo của sản phẩm làm ra từ hình dáng cho đến các chi tiết đều toát lên sự sinh động, mềm mại, đồng bộ, hài hòa và nó như cuốn hút mình với sản phẩm, với nghề này” - anh Tuấn nói.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích