Bàn tay phải bị tật, nhưng ông Mai Thành Lễ (ngụ ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) vẫn đủ sức vác bao lúa nặng cả tạ trên vai đi phăng phăng trên ruộng, bùn lún đến gối. "Tụi tui đầy đủ chân tay nhưng chưa chắc khỏe và thạo việc bằng Lễ "Cụt" - ông Ba Thành nói.
Ở tuổi 40, ông Mai Thành Lễ vẫn xốc vác như ngày nào. |
Bàn tay phải bị tật, nhưng ông Mai Thành Lễ (ngụ ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) vẫn đủ sức vác bao lúa nặng cả tạ trên vai đi phăng phăng trên ruộng, bùn lún đến gối. “Tụi tui đầy đủ chân tay nhưng chưa chắc khỏe và thạo việc bằng Lễ ”Cụt” - ông Ba Thành nói.
* Những đêm không ngủ
Bị tật cánh tay phải lúc mới lên 3 tuổi, Mai Thành Lễ vẫn không sống khép mình, ngược lại còn rất tự tin khi tham gia công tác Đoàn. Ông Lễ cho biết, hồi còn học phổ thông, ông làm thủ lĩnh của trên 30 đoàn viên ấp Thới Sơn, với nhiều mô hình hoạt động tiêu biểu được Đoàn Thanh niên cấp trên chú ý, như: lập nhóm vần đổi công; đoàn kết cùng tiến; sôi nổi tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ… “Để tập hợp thanh niên trong ấp, tôi luôn bắt đầu từ những người bạn cùng chí hướng và lấy lao động làm phong trào” - ông Lễ bày tỏ.
Bình Hòa là xã thuần nông. Những năm 1993-1995, thanh thiếu niên tuổi 16-17 như ông Lễ chẳng thua kém các nông dân địa phương trong việc cày đất, thu hoạch mùa màng. “Lúc ấy, một buổi đi học, một buổi tụi mình ra đồng phụ giúp gia đình. Riêng các đoàn viên nghỉ học sớm đã là những trai làng, thôn nữ giỏi việc đồng áng với những đường cày, đường cấy nức tiếng trong vùng” - ông Lễ kể lại.
Ông Mai Thành Lễ hiện không còn là thủ lĩnh Đoàn ấp Thới Sơn, nhưng nhóm bạn Đoàn ngày trước của ông hiện vẫn sát cánh bên ông duy trì tổ hợp tác. “Hiện tổ hợp tác vẫn duy trì được 15 thành viên nòng cốt và nhận việc làm thuê giờ mở rộng ra nhiều xã và kiêm luôn thu mua nông sản bán lại để kiếm thêm lợi nhuận cho các thành viên” - ông Lễ cho hay. 18 năm tham gia công tác Đoàn, cựu thủ lĩnh Đoàn Mai Thành Lễ từng nhận được bằng khen của Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn. Anh Phùng Thanh Sang, Phó bí thư Huyện đoàn Vĩnh Cửu, cho hay cái tên Mai Thành Lễ luôn là niềm tự hào của đoàn viên trong Chi đoàn ấp Thới Sơn và là thủ lĩnh thanh niên tạo được dấu ấn trong phong trào. |
Sau một ngày lao động vất vả và chuẩn bị xong bài tập cho ngày mai, đêm đến Mai Thành Lễ lại cùng các bạn tập hợp nhau tại sân nhà sinh hoạt, ca hát và bàn chuyện hỗ trợ nhân lực cho các nhà thành viên có nhu cầu. Ông Lễ tỏ bày, ngoài việc vần đổi công cho nhau, Chi đoàn ấp Thới Sơn còn tổ chức nhóm nhận làm công cho các nông dân trong ấp để kiếm thêm thu nhập và tạo kinh phí hoạt động. Vì vậy, mỗi buổi sinh hoạt Đoàn, ngoài trà nước và bánh kẹo, các đoàn viên còn có thêm nồi cháo gà để tạo không khí sinh hoạt sôi nổi của thanh niên.
Đêm Bình Hòa những năm tháng đó không ồn ào tiếng xe máy, ti vi; chỉ có tiếng côn trùng ra rả từ ngoài đồng vọng vào cùng giọng hát, tiếng đàn của các thành viên Chi đoàn ấp Thới Sơn. “Chủ trương của tụi mình là chơi hết mình, làm hết sức…” - ông Lễ tỏ bày.
Trước sự lanh lợi, tháo vát của Mai Thành Lễ, thanh niên trong ấp Thới Sơn không chỉ phục ở vai trò thủ lĩnh Đoàn mà còn nể ông qua các cuộc thi cắt lúa nhanh, vác lúa chạy bạt mạng trên bờ ruộng mà bùn lún tới gối… “Ông bà ta có câu: “có tật có tài”. Tui trông to khỏe vậy chứ công việc đồng áng thua xa Lễ “Cụt” - ông Ba Thành thổ lộ, khi nhóm của ông đang tổ chức thu hoạch lúa thuê cho các hộ dân tại cánh đồng ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa).
* Niềm vui lao động
Để tập hợp thanh niên, ông Lễ đã nâng cấp mô hình vần đổi công trong Chi đoàn ấp Thới Sơn thành tổ hợp tác. Ông Lễ cho biết, tổ vần đổi công chỉ gói gọn trong việc giúp nhau công lao động trong nội bộ Chi đoàn ấp vào ngày mùa, khi gia đình các thành viên cần nhân lực. Trong khi đó, tổ hợp tác sẵn sàng nhận bất cứ công việc gì mà người dân trong và ngoài xã cần thuê mướn. “Chi đoàn với vai trò người nhận việc, các thành viên trong tổ cùng nhau góp công, máy móc để thực hiện công việc mà chi đoàn đã giao kết với nông dân. Phần lợi nhuận sẽ được chia công bằng cho những ai tham gia trong ngày hôm đó. Nhờ tổ hợp tác mà khi vào mùa, bà con nông dân không còn lo lắng chạy tìm người cắt, vác, phóng lúa như trước” - ông Lễ khoe.
Ông Mai Thành Lễ (giữa) cùng các thành viên trong tổ hợp tác nhận công khoán thu hoạch lúa tại cánh đồng ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). |
Từ khi tổ hợp tác của Chi đoàn ấp Thới Sơn ra đời, vào ngày mùa, cánh đồng xã Bình Hòa càng thêm rộn ràng tiếng nói cười của đoàn viên thanh niên. Ông Lễ kể lại: “Hồi đó, bờ ruộng không to được như bây giờ và rất trơn trượt. Để nhóm của mình làm xong công việc trước nhóm khác, các bạn cứ ôm bó lúa to đùng chạy trên bờ ruộng, vấp phải gốc rạ ngã nháo nhào, làm cho mọi người cười hả hê. Nhất là trong lúc làm, nhóm nào xong việc trước thì được phép nghỉ ngơi, nhưng các bạn không chịu ngồi yên một chỗ, lại bày đủ trò chọc ghẹo nhóm khác. Vì lẽ đó, các thành viên trong nhóm tăng tốc hoàn thành công việc. Bà con rất khoái giao khoán công việc cho tụi mình làm”.
Tổ hợp tác của Chi đoàn ấp Thới Sơn do ông Lễ phụ trách mười mấy năm qua, lúc nào cũng có 30 thanh niên khỏe mạnh, giỏi việc. Để các thành viên trong chi đoàn ấp không ai thất nghiệp, ông Lễ ngoài việc giữ vai trò người quản công, chấm công, thủ quỹ…, còn kiêm luôn trách nhiệm liên hệ với các nông dân trong và ngoài xã nhận việc cho đoàn viên của mình làm. “Tôi phải bố trí công việc cho các thành viên thật hợp lý để các bạn khỏi so bì nhau. Đoàn viên là học sinh chỉ tham gia lao động cùng nhóm vào những ngày nghỉ; đoàn viên là nông dân, ngoài góp sức còn huy động máy móc, phương tiện của gia đình vào công việc. Hoàn thành phần việc cũng là dịp để các bạn thể hiện biệt tài của mình” - ông Lễ nói.
Từ những buổi lao động tập thể, những đêm thức trắng tiễn bạn lên đường nhập ngũ, hay hỗ trợ các gia đình thành viên có sự vui buồn…, các đoàn viên thanh niên trong chi đoàn ấp Thới Sơn có điều kiện hiểu nhau và gắn bó với nhau hơn. Nhờ vậy, ông Lễ hiểu được tính tình, sức khỏe, biệt tài của từng người. Nhất là giác quan “thứ sáu” cho ông biết được cặp đoàn viên nào trong chi đoàn ấp “kết” nhau, hoặc gặp chuyện hục hặc trong sinh hoạt…, để có cách xử trí hài hòa. Ông Lễ tâm sự, 18 năm tham gia công tác Đoàn Thanh niên là khoảng thời gian ông yêu đời nhất và hạnh phúc nhất, vì bên ông luôn có những con người cùng chí hướng với phong trào, đoàn kết, sống hết lòng vì tình bạn...
Đoàn Phú