Báo Đồng Nai điện tử
En

Miền đất hiếu học (Bài cuối)

09:04, 21/04/2014

Ngoài sự nổi tiếng về những loại trái cây đặc sản thơm ngon, TX.Long Khánh còn được biết đến là miền đất hiếu học. Tinh thần hiếu học ở đây đã trở thành phong trào và lan ra rộng khắp.

Ngoài sự nổi tiếng về những loại trái cây đặc sản thơm ngon, TX.Long Khánh còn được biết đến là miền đất hiếu học. Tinh thần hiếu học ở đây đã trở thành phong trào và lan ra rộng khắp. Với thế hệ sinh ra sau ngày đất nước thống nhất, đạo học luôn được người lớn truyền lại bằng cả tình thương, hy vọng: học để làm người và xây dựng quê hương giàu mạnh.

* Vượt khó “nuôi” chữ

Mẹ mất, cha lâm trọng bệnh rồi qua đời khi Phạm Công Khanh (34 tuổi, ngụ ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân) vừa tròn 18 tuổi. Người anh cả của 6 đứa em ấy trở thành trụ cột của một gia đình sớm thiếu sự bảo bọc của người lớn. Nợ nần, cuộc sống khó khăn khiến ngôi nhà vốn nghèo, lại thêm buồn hiu hắt; những đứa trẻ đang tuổi đến trường bỗng dưng mất phương hướng.

Khiếm thị, tai không nghe rõ, nhưng mỗi ngày ông Nguyễn Hữu Hiền vẫn cùng vợ bán cháo để nuôi 2 con ăn học thành tài.
Khiếm thị, tai không nghe rõ, nhưng mỗi ngày ông Nguyễn Hữu Hiền vẫn cùng vợ bán cháo để nuôi 2 con ăn học thành tài.

“Lúc bấy giờ, tôi phải thay cha mẹ nuôi dạy các em. Bỏ học giữa lớp 12, tôi phải làm lụng vất vả nuôi các em, lo từng miếng cơm, manh áo, sách vở để chúng được đến trường đầy đủ. Tội nhất là đứa em út mới 3 tuổi đã thiếu hơi ấm, tình yêu của cha mẹ” - anh Khanh tâm sự.

Thương em, muốn cho các em ăn học đến nơi đến chốn để thoát cảnh nghèo, anh Khanh cố gắng làm lụng, dành tiền “nuôi chữ” cho em. Làm ở Đội thuế của xã được một thời gian, anh chuyển sang phụ xe, bốc vác, làm thuê ở các rẫy điều, khoai mì… “Có lẽ bao khốn khó, vất vả của anh em chúng tôi đều lột tả hết qua mâm cơm. Đến giờ tôi vẫn không quên những bữa cơm đạm bạc ngày ấy. Người trước nhường cơm và thức ăn cho người sau như một dây chuyền” - anh Khanh nói thêm.[links(left)]

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn tình cảm, lẫn vật chất nhưng mấy anh em Khanh luôn bảo ban nhau vươn lên trong học tập. Các em của anh lần lượt ra trường và có việc làm ổn định, cùng gửi tiền cùng anh lo cho các em sau ăn học.

“Gần 20 năm trôi qua, giờ tôi đã yên tâm khi các em đều khôn lớn. 3 em tốt nghiệp đại học sư phạm hiện đang làm giáo viên tại các trường trong xã. Một đứa đang làm kỹ thuật viên ngành điện lạnh, 2 đứa nhỏ sắp tốt nghiệp đại học” - chỉ về bức tường nhà treo đầy giấy khen, chứng nhận học bổng của các em, anh Khanh tỏ bày.

Năm 2012, Hội Khuyến học TX.Long Khánh đã công nhận 2.634 gia đình, 3 dòng họ và 3 cộng đồng khuyến học. Đến năm 2013, con số này đã tăng lên 6.262 gia đình, 7 dòng họ và 32 cộng đồng hiếu học. Trong 15 xã, phường tham gia vào phong trào khuyến học trên địa bàn TX.Long Khánh, xã Bảo Vinh có số gia đình hiếu học cao nhất là gần 3.200.

Chiều về, nơi góc đường Nguyễn Du giao với đường Lê Lợi (gần công viên TX.Long Khánh), quán cháo dinh dưỡng của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thùy Trang (ngụ tại phường Xuân An) luôn tấp nập khách. Người chồng Nguyễn Hữu Hiền bị điếc và mù lòa (sau một cơn bạo bệnh) lúi húi kê lại chiếc xe chở cháo cho khỏi bị nghiêng.

Bà Trang kể, hơn 20 năm nay, hành trình đi tìm chữ cho các con của vợ chồng bà luôn đong đầy mồ hôi và nước mắt. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống càng trở nên chật vật khi phải chạy vạy khắp nơi kiếm tiền chữa bệnh cho chồng. Nhưng bệnh tình không giảm, đôi mắt ông Hiền bị mờ dần và không thấy được gì. Nhanh tay đảo nồi cháo, bà Trang nói tiếp: “Gia đình nhiều lần rơi vào cảnh bế tắc, nhưng khi thấy 2 con chăm ngoan, học giỏi vợ chồng tôi động viên nhau cố gắng lo cho con ăn học nên người”.

Ngày cô con gái lớn Thùy Dung mang tháng lương đầu về đưa cho mẹ, bà Trang mừng rơi nước mắt. Sau đó không lâu, tin đứa gái út Thùy Liên thi đậu Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh khiến cả gia đình như vỡ òa trong sự sung sướng. “Hai vợ chồng vừa thay chiếc xe đẩy mới, quán cháo giờ cũng có tên “Lọ Lem”, như ngụ ý câu chuyện cổ tích ngày xưa giờ đã có thật với gia đình tôi” - bà Trang vui mừng cho hay.

Mỗi tối, trên con phố nhỏ ở phường Xuân An, người vợ nhỏ bé ấy đẩy chiếc xe hàng cồng kềnh, người chồng mù vịn tay vợ rướn người hợp sức đưa chiếc xe qua đoạn đường dốc. Mồ hôi tuôn ra ướt áo, cả hai đều thấm mệt, nhưng họ vẫn cười nói, chỉ cho nhau hướng đi tránh đoạn đường xấu.

* Khơi dậy tinh thần hiếu học

Ở TX.Long Khánh, từ nhiều năm nay, Hội Khuyến học thị xã đã phát động phong trào “gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học và cộng đồng khuyến học” rộng khắp các địa bàn dân cư. Các tổ chức khuyến học trên địa bàn ấp, khu phố đã liên kết, hỗ trợ nhau hoạt động thường xuyên, đồng bộ tạo thành phong trào thi đua chăm lo cho sự học của con em. Khuyến học trong dòng họ, cộng đồng là một mô hình, nét văn hóa tinh thần tiêu biểu trong phong trào thi đua khuyến học. Nhiều dòng họ đã có quỹ khuyến học riêng, luôn quan tâm giúp đỡ con cháu ăn học thành tài. Rất nhiều nhà ở TX.Long Khánh có 3-4 người con cùng đậu đại học, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Các gia đình tham dự Đại hội gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng hiếu học năm 2013.
Các gia đình tham dự Đại hội gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng hiếu học năm 2013.

Đã thành thông lệ, vào dịp giỗ tổ cuối tháng 12 hàng năm, họ Bùi ở phường Xuân Bình đều tiến hành gặp mặt, trao thưởng các cháu đậu đại học, cao đẳng. Theo ông Bùi Đình Đông, họ Bùi ở TX.Long Khánh có 5 chi, chi nào cũng có thành tích trong phong trào khuyến học. “Hiện chúng tôi đã có 5 gia đình cử nhân. Với trách nhiệm của mình, tôi mong “ngọn lửa” hiếu học sẽ được tiếp nối từ đời này sang đời khác. Học không chỉ để thay đổi số phận, mà còn mang kiến thức giúp ích cho xã hội” - ông Đông phấn khởi cho biết.

Ngoài dòng họ hiếu học phát triển rầm rộ, cộng đồng khuyến học cũng là một mô hình độc đáo, mang đậm truyền thống Việt Nam. Nhiều hội đồng hương ở TX.Long Khánh đã liên kết với nhau tạo thành cộng đồng khuyến học. Trong đó, Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định, Thừa Thiên - Huế… (sống tập trung ở các xã: Bảo Vinh, Xuân Tân…) có quỹ hoạt động hàng trăm triệu đồng, nhiều gia đình có con cháu vào đại học, tạo thành gia đình cử nhân.

Theo bà Nguyễn Thị Lái, Phó chủ tịch Hội Khuyến học TX.Long Khánh, với phương châm học để làm người, học để xóa đói giảm nghèo và xây dựng quê hương ngày càng phát triển, Hội Khuyến học đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các gia đình, các dòng họ khắc phục khó khăn vươn lên xây dựng gia đình ấm no, chăm lo nuôi dạy con cháu.

“Tin vui mỗi gia đình có con em đậu đại học, cao đẳng lan nhanh sang gia đình khác, lâu dần khơi dậy tinh thần học tập cho các thế hệ trẻ sau này. Trong thời gian tới, các cấp hội khuyến học sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, chú trọng chất lượng hơn là số lượng” - bà Lái cho biết thêm.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều