Trong những ngày tháng 4 cách đây 39 năm, TX.Long Khánh là chiến trường khốc liệt. Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, bộ đội ta mới mở được "cánh cửa thép" ở vùng Đông - Bắc Sài Gòn, giành vị trí quan trọng trên con đường tiến về giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Trong những ngày tháng 4 cách đây 39 năm, TX.Long Khánh là chiến trường khốc liệt. Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, bộ đội ta mới mở được “cánh cửa thép” ở vùng Đông - Bắc Sài Gòn, giành vị trí quan trọng trên con đường tiến về giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Từ thời còn chiến tranh, chính quyền cách mạng đã thành lập tỉnh Long Khánh (năm 1963) và TX.Long Khánh thuộc tỉnh Bà Rịa - Long Khánh (năm 1967). Lúc bấy giờ, việc thành lập TX.Long Khánh không chỉ do yêu cầu của cuộc kháng chiến, mà sâu xa hơn còn vì tương lai của địa phương có vị trí trung tâm của cả vùng phía Bắc tỉnh Đồng Nai.
* Khởi đầu mới nơi chiến trường xưa
TX.Long Khánh mới được thành lập ngày 2-1-2004, với tổng diện tích 195km2, gồm 6 phường và 9 xã. Những năm đầu thành lập, sản xuất nông nghiệp ở Long Khánh gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất thường, dịch bệnh xảy ra. Hoạt động sản xuất công nghiệp lúc bấy giờ chậm phát triển với giá cả nguyên liệu đầu vào không ổn định, nên thị xã bắt tay ngay vào quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Hoạt động kinh tế hợp tác cũng bắt đầu hình thành với 8 hợp tác xã, một số câu lạc bộ năng suất cao và các tổ hợp tác sản xuất.
Một góc TX.Long Khánh nhìn từ quốc lộ 1. |
Theo ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh, qua 10 năm hình thành và phát triển, đời sống người dân thị xã hiện đã có những bước tiến đáng kể. “Hướng phát triển của TX.Long Khánh là cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Năm 2013, có 5 xã của Long Khánh được công nhận nông thôn mới, dự kiến năm nay có 4 xã hoàn thành các tiêu chí còn lại để được công nhận xã nông thôn mới. Sắp tới, một số xã cũng sẽ được nâng lên thành phường để xứng tầm với mục tiêu Long Khánh trở thành đô thị loại III vào năm 2015 và đô thị loại II thuộc tỉnh vào năm 2020” - ông Hoàng nói.
Sau hơn 10 năm hình thành, TX.Long Khánh đã có 2 khu công nghiệp (Suối Tre và Long Khánh), với tổng diện tích gần 600 hécta và đã có 11 doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Lĩnh vực nông nghiệp ở TX.Long Khánh phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Chôm chôm và sầu riêng Long Khánh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể và có mặt ở các siêu thị trong nước. Mới đây, trái ổi xã Bảo Quang và chôm chôm xã Bình Lộc được công nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng là cơ hội để trái cây Long Khánh vươn ra các thị trường mới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đông đảo khách hàng trong và ngoài nước.
* Trên miền đất anh hùng hôm nay
Chúng tôi tìm đến xã Bảo Vinh (được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2012), một trong những xã sẽ nâng lên phường theo kế hoạch phát triển của TX.Long Khánh. Bảo Vinh cách trung tâm hành chính TX.Long Khánh khoảng 3km, dân số gần 18 ngàn người, với 10% là đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Chơro, Hoa, Tày, Khmer… sinh sống.
Ngày xưa, người dân Bảo Vinh sống bằng nghề nông, đường đi chủ yếu là đường đất. Còn hiện nay, xã Bảo Vinh đang gấp rút hoàn thành đường giao thông nông thôn; các tuyến đường chính của xã đã nâng cấp thành đường nhựa; các tuyến đường giữa các ấp đang dần được đổ bê tông. Với công tác vận động người dân hiến đất, ngày công, chung tay với địa phương làm đường, các con đường nội bộ của các ấp: Bảo Vinh A, Bảo Vinh B, Ruộng Hời… đã được làm rộng rãi, khang trang, thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản, đi lại an toàn vào mùa mưa.
Ngày 21-4-1975, Chiến dịch Xuân Lộc giải phóng Long Khánh thắng lợi, mở “cánh cửa thép” cho quân ta tiến về Sài Gòn. Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng bộ và quân dân TX.Long Khánh được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý, như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho TX.Long Khánh, thị trấn Xuân Lộc, xã Xuân Lập, xã Xuân Tân, Nông trường cao su An Lộc, Nông trường cao su Bình Lộc, Đội du kích Bình Lộc, Đội du kích Bảo Vinh, liệt sĩ Lê A và liệt sĩ Hồ Thị Hương. |
Anh Trần Văn Phát (30 tuổi, ngụ ấp Ruộng Hời, xã Bảo Vinh) cho chúng tôi biết, kể từ những năm chưa kéo được điện vào đây, gia đình anh đã sản xuất máy bơm nước chạy bằng dầu để phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đến nay, ở những vùng sâu, vùng xa, hoặc vào mùa khô thiếu điện, nông dân ở nhiều nơi vẫn tìm đến anh đặt hàng máy bơm nước. Từ đó, gia đình có nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, đóng góp vào các hoạt động của địa phương.
Hiện nay, không chỉ ở xã Bảo Vinh, mà tất cả các xã, phường của TX.Long Khánh đều đã xây dựng được nhà văn hóa, một số ấp đang triển khai dự án xây dựng nhà văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số. “Đời sống người dân tộc thiểu số chúng tôi đã thay đổi rất nhiều so với những năm trước đây. Từ nhà cây, vách đất, bây giờ chúng tôi đã có ruộng vườn, nhà gạch để an cư lạc nghiệp. Xã Bàu Trâm vừa mới tổ chức lễ hội Sayangva, quy tụ rất nhiều người Chơro tham dự và tìm hiểu về cội nguồn tổ tiên, gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Không chỉ có thế, người dân tộc thiểu số chúng tôi sau khi tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học… đều được chính quyền địa phương tạo điều kiện làm việc” - anh Võ Thành Sĩ (ngụ xã Bảo Vinh) tự hào kể cho chúng tôi nghe những nét mới trong đời sống của người Chơro.
Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND xã Bảo Vinh Nguyễn Khắc Anh cho biết, khi Bảo Vinh trở thành phường sẽ tạo điều kiện cho phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của địa phương. Một số ấp tách ra từ xã Bảo Vinh sẽ nhập vào các xã khác, cũng góp phần hình thành những khu vực tập trung sản xuất nông nghiệp theo định hướng phát triển của thị xã, từ đó sẽ nâng cao chất lượng đời sống người nông dân.
Đăng Tùng