12 giờ, bụng đói cồn cào, 2 anh em Nguyễn Hữu Trung (học sinh lớp 7 Trường THCS Phước Khánh) và Nguyễn Thị Hậu (học sinh lớp 5 Trường tiểu học Phước Khánh) đứng tại bến nước nhà ông Hai Sĩ (ấp 1, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) đợi mẹ là chị Nguyễn Thị Đào chèo xuồng đến đón về.
12 giờ, bụng đói cồn cào, 2 anh em Nguyễn Hữu Trung (học sinh lớp 7 Trường THCS Phước Khánh) và Nguyễn Thị Hậu (học sinh lớp 5 Trường tiểu học Phước Khánh) đứng tại bến nước nhà ông Hai Sĩ (ấp 1, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) đợi mẹ là chị Nguyễn Thị Đào chèo xuồng đến đón về. 13 giờ, chị Đào mới lao mũi xuồng tấp vào bờ, miệng phân trần với các con lý do đón trễ. Bước xuống xuồng, cả 2 anh em chao đảo vì đói.
Đã qua 13 giờ trưa, chị Đào mới chèo xuồng ra đón 2 con Hậu và Trung. ảnh: Đ.Phú |
* Nhốt chữ
Vì mải mê buông lưới kiếm mớ cá làm thức ăn cho cả nhà, chị Đào quên khuấy việc chèo xuồng đón anh em Trung. Chị Đào cho hay, nhà chỉ có duy nhất chiếc xuồng nhỏ làm phương tiện đưa rước chồng và các con đi làm, đi học hàng ngày. Chiếc xuồng cũng là phương tiện để chị thả lưới, vượt kênh rạch đi làm thuê cho người dân trong vùng. “Hôm nào tui không đi làm, cha con nó lấy xuồng chở nhau đi làm, đi học. Xuồng cột nơi bến ông Hai Sĩ, ai về sớm thì lấy xuồng chèo về, sau đó mới chèo ra rước người về sau” - miệng nói, tay chị Đào kèm chặt mái chèo để chiếc xuồng khỏi chòng chành khi chúng tôi cùng anh em Trung bước lên xuồng.
Vì bụng tụi nhỏ đang đói meo, chị Đào mạnh tay khua mái chèo, chiếc xuồng lướt băng băng trên mặt nước. Nắng trưa oi bức chụp xuống đầu, chúng tôi vã mồ hôi vì đầu trần phơi nắng và sợ chiếc xuồng nhỏ quá sức khi chở 5 con người vượt đoạn rạch gần 3km (từ bến nước nhà ông Hai Sĩ đến nhà chị Đào). Dù bụng đang “đánh trống”, bé Hậu vẫn tươi cười động viên chúng tôi ngồi yên, bớt nhúc nhích để mẹ khua mái chèo cho xuồng đi nhanh hơn. “Khi còn học lớp 2, nhiều lần con tự chèo xuồng đi học vì cha mẹ bận đi làm, anh Trung nghỉ học” - bé Hậu nói với chúng tôi.
Gần 20 phút chèo xuồng, chị Đào chỉ tay về ngôi nhà nhỏ nằm cheo leo nơi mé rạch trước mặt thông báo xuồng sắp cập bến. Dù nghèo khó, ít chữ, chị Đào vẫn hài hước ví von: “Cho tụi nhỏ đi học, vợ chồng tui không ham chúng làm ông nọ bà kia, mà chỉ mong chúng chịu khó nhốt con chữ trong đầu thật kỹ, học lớp nào lên lớp đó, đừng như con cá nuôi hoài không lớn”.
Chiếc xuồng chúi mũi vào lớp bùn ven bờ kêu tiếng “soạt”, Trung chụp sợi dây cột mũi xuồng nhảy thót lên bờ rất điệu nghệ. Cô bé Hậu đờ cái mặt vì đói vội lủi nhanh lên bờ, buộc chúng tôi chưng hửng bước theo.
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị Đào hôm nay inh ỏi tiếng chó sủa, tiếng người nói, nhưng vẫn lẻ loi vì xung quanh chẳng có ai. Cô bé Hậu lủi nhanh vào bếp, trong đầu em giờ không bị dồn nén bởi những con số, lời văn của thầy cô trong trường, mà chỉ quan tâm đến tô cơm to tướng cầm trên tay.
* Vượt sông
Khác với anh em Trung, em Dương Thanh Minh (học sinh lớp 5/3 Trường tiểu học Phước Khánh) có thể một mình vượt mặt nước rộng trên 50m bằng chiếc xuồng cũ, hoặc bơi sang bờ bên kia để đi học. Minh cho biết, đường đến trường của em bị con rạch Vàm Mương ngăn cách. Hôm nào nhà dư xuồng, em tự lấy xuồng chèo sang bên kia bờ, hoặc chờ người quen chèo xuồng đi ngang thì gọi lại xin quá giang. “Có hôm tan học sớm, con đứng nơi bến nước đợi mãi vẫn không thấy cha mẹ đánh xuồng qua rước và chẳng có ai đi ngang để quá giang. Vì nóng ruột về nhà, con lấy tàu dừa kết thành chiếc bè nhỏ chở cặp, quần áo cầm trên tay, rồi bơi một mạch sang bên kia bờ” - Minh kể lại.
Em Dương Thanh Minh (học sinh lớp 5/3 Trường tiểu học Phước Khánh) được bạn bè ví là rái cá vì giỏi bơi lội. |
Còn cô bé Phạm Thị Kim Yến (bạn học cùng lớp với Minh) thì cẩn thận mặc chiếc áo phao cứu sinh (được nhà trường tặng), trước khi xuống xuồng băng qua con rạch Bàn (ấp 3) để kịp giờ đến lớp. Yến tỏ bày, tuy bơi không giỏi, nhưng từ năm học lớp 2 Yến đã có thể tự chèo xuồng một mình để sang bên kia bờ đi học. “Ở đây, tụi con ai cũng biết chèo xuồng và bơi lội. Tụi con chỉ cần đi xuồng qua bên kia bờ, sau đó đi tiếp vài cây số nữa bằng xe đạp là đến được trường” - Yến cho hay.
Để các học sinh nhỏ vượt kênh, rạch đến trường an toàn, Trường tiểu học Phước Khánh (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) đã xin hơn chục chiếc áo phao cấp cho học sinh. “Chúng tôi luôn quý trọng các em học sinh ở sự ham học và nghị lực vượt khó. Vì vậy, ngoài việc cấp áo phao, nhà trường còn cấp học bổng, tài trợ xe đạp, hợp đồng xe đưa đón học sinh… nhằm tạo điều kiện tốt nhất để động viên các em bám lớp, bám trường” - thầy Lâu cho hay. |
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Cửu Lâu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Khánh, cho biết sau ngày đập Ông Kèo được hoàn thành, nhiều đoạn đê bao ngăn mặn được tôn cao và đủ rộng để người lớn chạy xe máy, trẻ con thì lộc cộc xe đạp. Cũng nhờ đập Ông Kèo mà các cánh đồng ở các ấp: 1, 2 và 3 (trong khu vực đê bao) xã Phước Khánh không còn chịu cảnh mênh mông nước. Do ruộng đồng khô ráo, thuận tiện cho việc sinh hoạt và sản xuất, không ít hộ dân trong xã kéo nhau vào đây dựng nhà ở. Có dân cư, ắt phát sinh chuyện học hành. Lúc đó, Phân hiệu ấp 3 Trường tiểu học Phước Khánh năm học nào cũng có từ 80-90 học sinh, đi học bằng xuồng là chủ yếu. “Năm 2010, phân hiệu này bị giải thể khi cơ sở vật chất xuống cấp. Vì vậy, nhà trường vận động học sinh ra điểm chính để học tập” - thầy Lâu nói.
Cũng theo thầy Lâu, hiện chỉ còn vài chục học sinh thuộc các ấp vùng sâu của xã Phước Khánh phải vượt qua các con rạch: Bàn, Lá, Vàm Mương để sang bên này bờ đi học. Có 3 điểm mà các em tập kết hàng ngày để qua bên này bờ đi học, gồm: bến Chà Là, bến Vàm Mương và khu dân cư mới. Ngoài vượt sông rạch, các em còn phải đi bộ, hoặc xe đạp vài cây số nữa mới đến trường. “Đập Ông Kèo và hệ thống cầu cống hiện đã thông suốt đến trung tâm xã. Tuy nhiên, để đến trường gần hơn, các em ở trong khu đê bao buộc phải dùng xuồng qua bên này bờ nhằm rút ngắn thời gian. Mùa nắng thì không sao, chứ mùa mưa nhìn các em lấm lem bùn đất đến trường thấy thương lắm” - thầy Lâu bộc bạch.
Đoàn Phú