Báo Đồng Nai điện tử
En

"Bà mập" của nông dân

09:04, 20/04/2014

Cứ thấy thấp thoáng cái bóng tròn trịa của bà Ninh trên bờ ruộng là nhiều người kêu to: "Bà mập, bà mập ơi, tụi tui ở đây!". Đến nay, "bà mập" Nguyễn Thị Ninh (nguyên cán bộ nông nghiệp huyện Xuân Lộc) đã có 34 năm lội ruộng, bàn chân bà đi không thiếu một cánh đồng nào trên khắp các xã Lang Minh, Suối Cát, Suối Cao, Xuân Phú…

Bà Nguyễn Thị Ninh. Ảnh: KIM NGÂN
Bà Nguyễn Thị Ninh. Ảnh: KIM NGÂN

Cứ thấy thấp thoáng cái bóng tròn trịa của bà Ninh trên bờ ruộng là nhiều người kêu to: “Bà mập, bà mập ơi, tụi tui ở đây!”. Đến nay, “bà mập” Nguyễn Thị Ninh (nguyên cán bộ nông nghiệp huyện Xuân Lộc) đã có 34 năm lội ruộng, bàn chân bà đi không thiếu một cánh đồng nào trên khắp các xã Lang Minh, Suối Cát, Suối Cao, Xuân Phú… Giọng cười sang sảng, tính tình vui vẻ nhưng rất “lì”, hễ cách làm nào có lợi cho nông dân, “bà mập” luôn theo tới cùng, thuyết phục bằng được, kể cả những người có tiếng “khó tính”.

Năm 1996, thường thấy đau đau trong người, bà đi khám bệnh thì cả Bệnh viện ung bướu TP. Hồ Chí Minh lẫn Bệnh viện Hùng Vương đều kết luận bà bị ung thư tử cung đã di căn. Tiên lượng sống sót sau phẫu thuật cao lắm cũng chỉ 4 năm là cùng.

* Trời kêu không dạ

“Ngay khi nhận được kết quả, tôi ngồi khóc một buổi trời. Không phải tiếc mạng sống, mà tiếc công mẹ cha sanh dưỡng. Lúc đó, tôi nói với bác sĩ rằng chỉ mong sao tôi mất sau cha mẹ, sau dù chỉ một ngày cũng được, để khỏi mang tội bất hiếu” - bà nói. Khóc chán chê, bà tự nhủ, ai cũng một lần phải chết, ít ra mình cũng còn sống được mấy năm, đủ thời gian để sắp xếp mọi thứ. Rồi bà bắt xe từ TP. Hồ Chí Minh về lại Xuân Lộc.

Sau đó là cả quãng thời gian dài tới 6 năm ròng rã chữa bệnh. Bà làm đủ: phẫu thuật cắt khối u, hóa trị, xạ trị. Sau đợt hóa trị, tóc trên đầu bà rụng sạch, lãnh đạo huyện phải cho bà nghỉ 6 tháng ở nhà dưỡng bệnh. Nằm nhà chán quá, chân nhớ ruộng, tay nhớ lúa bắp, nhớ tiếng cười nói rổn rảng của nông dân, tóc vừa mọc lại, bà xin đi làm lại ngay lập tức. Ngày đầu tiên thò chân xuống ruộng, bà nói thấy nhẹ lòng, thấy mừng đến rơi nước mắt.

Nhưng ám ảnh về cái chết vẫn còn. Ngay sau khi kết thúc các đợt điều trị, bà bắt đầu đếm ngược thời gian, ngược từ cái mốc 4 năm mà các bác sĩ thông báo. Ngày ngày vẫn đi làm, chăm chút từng mảnh ruộng, hướng dẫn nông dân bón phân gì cho lúa, dùng thuốc gì trị sâu bệnh, tỉa mấy hột bắp thì vừa… Cứ thế, niềm vui trong công việc “neo” bà qua những ngày tháng ám ảnh vì bệnh tật, dẫn dắt bà trên những chuyến xe một thân một mình đi TP.Hồ Chí Minh siêu âm, tái khám, lấy thuốc… để kéo dài sự sống. Hết thời gian 4 năm, bà thôi “chơi trò” đếm ngược, bởi với bà kể từ lúc này, sống thêm ngày nào là “lãi” thêm ngày nấy.

Cuộc sống riêng tư của “bà mập” cũng khá đặc biệt. Bà là một trong những lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp chính quy ngành sinh học của Đại học khoa học Sài Gòn (Trường đại học khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh ngày nay). Nhiều năm sau, cộng với kinh nghiệm thực tế, bà rất “có giá” với lời mời của một số viện khoa học, doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, phần nặng gánh gia đình, nuôi đàn em phụ mẹ cha, rồi nuôi dưỡng cha mẹ khi về già, chăm chút cho người em trai mắc bệnh tự kỷ, thêm một phần gắn bó với nông dân, bà đi không đành. Bà cũng lựa chọn cuộc sống độc thân, không lập gia đình, toàn tâm toàn ý cho gia đình và công việc.

* “Bà mập” bắp lai

Nhiều người biết đến “bà mập” với vai trò là người đầu tiên triển khai thực hiện mô hình bắp lai thành công tại huyện Xuân Lộc. Vào năm 1992, huyện Xuân Lộc được chọn làm thí điểm chương trình bắp lai quốc gia. Lúc đó, huyện nhận về 2kg bắp lai và giao cho bà làm mô hình điểm. Bà chọn xã Suối Cát để thực hiện và vụ đó cây bắp lai cho năng suất 6,5 tạ/sào, cao gấp hơn 2 lần năng suất bắp của cả tỉnh lúc bấy giờ. Ngay vụ sau, huyện Xuân Lộc ứng vốn mua giống bán trả chậm để nông dân trong huyện chuyển đất lúa sang trồng bắp. Và chỉ sau 3 năm, huyện Xuân Lộc đã thành “thủ phủ” bắp lai của tỉnh.

Cây bắp là một trong số ít loại cây đã giúp “cứu” vùng đất xám bạc màu Xuân Lộc. Để năng suất bắp lên đến 10 tấn/hécta, có một phần công lao của “bà mập” Ninh. Bà là người đầu tiên tìm ra cách trồng bắp thành hàng kép áp dụng cho Xuân Lộc, sau đó nhân rộng khắp tỉnh. Trước đây, nông dân trong huyện thường trồng xen vụ bắp, vụ bông. Để tránh hạn cuối vụ cho cây bông, bà chọn cách trồng bắp hàng kép để “gối” vụ bông. Kết quả, bắp trồng hàng kép tăng được thêm hơn 20 ngàn cây/hécta so với trồng hàng đơn và cây có đủ ánh sáng phát triển tốt hơn. Sau này, đến năm 2000, sự chuyển đổi quyết liệt từ lúa vụ đông-xuân sang trồng bắp với kỹ thuật hàng kép, năng suất được đẩy lên hơn 10 tấn/hécta, cá biệt, có nơi đến 12-13 tấn/hécta.

* Lội ruộng có gì cực đâu?

“Nhiều người nói lội ruộng có gì vui đâu? Nhưng không phải vậy, có những niềm vui mà một, hai câu không kể hết được. Vui không phải chuyện lội ruộng, mà vui vì được yêu thương. Có lẽ nhờ tính tình quyết liệt, dữ dằn mà tôi được nông dân quý cũng nên” - “bà mập” kể.

Có lần, dịch cào cào bùng phát ở Sông Ray, bà tất tả xuống giúp nông dân xử lý. Bà hết lời khuyên rằng sau khi diệt phải gom xác cào cào vào, chôn  lấp để tiêu hủy mầm bệnh, nhưng không ai chịu làm vì thấy… không cần thiết. Thuyết phục mãi, cả 2 bên đều… nổi khùng, bà bị nông dân đuổi ngay tại ruộng. Cũng ấm ức bỏ về, nhưng hôm sau bớt giận lại ra thuyết phục tiếp, đến khi bằng được mới thôi.

Sau 5 năm, thấy bà vẫn sống khỏe, cả ê kíp bác sĩ chữa trị cho bà đều ngạc nhiên trước điều kỳ diệu: mọi tế bào ung thư đã ngừng di căn. Bà nói những ngày bệnh, nông dân biết tin tìm đến an ủi, người mang cho ít trái cây trong vườn, người mang ít gạo ngon, thức ăn để bà tẩm bổ, có người tìm cả loại thuốc dân gian đến cho bà uống... Sau hơn 1 tháng nằm dưỡng bệnh, bà “ngộ” ra một điều, cuộc sống còn rất ngắn, phải tranh thủ sống thật vui vẻ và gắng giúp bà con nông dân thêm được chút nào hay chút đó. Bà cũng không đi cầu xin ở chùa này, đình nọ. Vì bà nghĩ “ai cũng cầu xin điều tốt thì điều xấu dành để cho ai?”.

Là “chủ xị” của lối gieo bắp kép, bà hướng dẫn nông dân tuy gieo 2 hàng gần nhau, song mỗi lỗ chỉ nên gieo một hạt để tránh cạnh tranh dinh dưỡng. Có anh nông dân ở Lang Minh nhất định không nghe, gieo 2 - 3 hạt cho “chắc cú”. Có lần bà đến nhà ngay giữa bữa cơm, cười cười: “Sao anh không cho 2 đứa nhỏ ăn chung cái chén, phát 2 cái muỗng để khỏi mất công rửa 2 cái chén”. Anh kia trợn mắt: “Đâu được, tụi nó đánh nhau sao?”. Chị “lụm” liền: “Thấy chưa, anh tỉa bắp cũng vậy thôi, gieo 2-3 hạt 1 lỗ, tụi nó cạnh tranh dinh dưỡng nên cây nào cũng còi cọc, anh gieo 1 hạt thôi, lỗ tui bù !”. Anh nông dân phì cười, lắc đầu trước “bà mập” lì lợm.

“Bị chửi là bình thường, có lão nông còn chỉ mặt: Ê, tao làm ruộng từ hồi ông nội bay còn sống nghen, bay biết gì, học dăm ba chữ mà về đây bày đặt chỉ dạy tao?” - bà kể, cười sảng khoái. Với bà Ninh, kinh nghiệm 34 năm gắn bó với ruộng đồng cho bà biết, phải “thuộc” tánh nết người nông dân như anh em, chú bác trong nhà mới được. “Đừng nghĩ mình là “thầy” của họ, phải sẵn sàng tranh luận và học hỏi họ. Tôi học được rất nhiều điều từ họ. Chẳng hạn, có dạo tôi theo “sách vở”, chỉ nông dân bón thuốc vào lá bắp bằng cách tay đeo găng, tay rắc thuốc, ngày bỏ được 1 sào. Trong khi đó, hai mẹ con chị nông dân nọ, cho thuốc vào chai nước suối, đục vài lỗ rồi rắc đều đặn theo hàng, mỗi ngày làm được đến 5 sào” - bà vừa kể, vừa cười rổn rảng.

Năm 2007, “bà mập” đến tuổi nghỉ hưu, nhưng ở nhà mới vài bữa, nhớ từng cái bánh ít, củ khoai lang của nông dân, bà lại xin ký hợp đồng đi làm cán bộ nông nghiệp tiếp. Gần 20 năm trôi qua từ khi phát hiện ra căn bệnh hiểm nghèo, bà nói mình đã quá “lãi” so với cái hạn 4 năm, vì vậy nên “mắc mớ gì buồn, buồn thì giải quyết được gì?”. Người đàn bà tuổi 63, sau khi đã hoàn thành trách nhiệm người chị, người con trong gia đình nay vẫn đều đặn sáng vô văn phòng, chiều đi lội ruộng cùng nông dân, bất kể mưa nắng. Ngọn lửa cuộc sống mà “bà mập” truyền đi không chỉ có những người nông dân thụ hưởng, mà những ai từng tiếp xúc với bà đều thấy mình được tiếp thêm động lực sống vui, sống tích cực và cống hiến.

Kim Ngân - Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều