Báo Đồng Nai điện tử
En

Anh Lợi thích "chuyện bao đồng"

11:04, 05/04/2014

Sau 2 lần bị chủ doanh nghiệp sa thải trái luật, công nhân Trịnh Văn Lợi (tạm trú phường An Bình, TP.Biên Hòa) đã đi tìm lẽ phải cho mình và thắng kiện.

Sau 2 lần bị chủ doanh nghiệp sa thải trái luật, công nhân Trịnh Văn Lợi (tạm trú phường An Bình, TP.Biên Hòa) đã đi tìm lẽ phải cho mình và thắng kiện. Anh Lợi thổ lộ, giờ anh là trợ thủ đắc lực của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) khi tham gia nhóm công nhân nòng cốt. Từ đây, anh rất “máu lửa” trong việc nhận lời làm người đại diện (theo ủy quyền) không công cho những người lao động bị giới chủ chèn ép, sa thải trái luật.

* “Vô phúc đáo tụng đình”

Sau khi bán một tạ thóc làm lộ phí vào TP.Biên Hòa tìm việc, anh nông dân Trịnh Văn Lợi (43 tuổi, quê tỉnh Nam Định) xin vào làm việc tại Công ty K. (Khu công nghiệp Amata) với khát vọng sớm thoát cảnh “ruộng lúa, bờ ao” mỗi năm chỉ thu vài tạ thóc. Đang làm công nhân yên lành thì công ty xảy ra đình công, anh Lợi bị công ty ghép lỗi cầm đầu nhóm công nhân đình công, nên tìm mọi lý do để chèn ép và sa thải anh. “Từ công nhân làm mộc, tôi bị chuyển sang làm công việc nạo vét cống, quét rác. Thậm chí, phía công ty không cho tôi làm việc, bắt ngồi yên một chỗ tại văn phòng với điều kiện chỉ được đi vệ sinh 15-30 phút trong ngày” - anh Lợi kể lại.

Những ngày thất nghiệp, anh Trịnh Văn Lợi đóng cửa phòng trọ, bám chặt chiếc laptop để tìm hiểu pháp luật, soạn đơn cho công nhân.
Những ngày thất nghiệp, anh Trịnh Văn Lợi đóng cửa phòng trọ, bám chặt chiếc laptop để tìm hiểu pháp luật, soạn đơn cho công nhân.

Chỉ học hết lớp 9, nhưng anh Lợi vẫn hiểu được mục đích công ty bắt ép anh làm việc trái với thỏa ước lao động là trái Luật Lao động. Nhưng vì miếng cơm manh áo và lời hứa với mẹ già ở quê ngày vào Nam tìm việc, anh vẫn kiên nhẫn tuân thủ sự điều động của công ty; đồng thời khôn khéo lên tiếng phản đối, đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của bản thân. “Rồi tôi cũng bị sa thải sau gần 4 năm làm việc tại Công ty K. mà không nhận được một đồng trợ cấp nào. Vì vậy, tôi quyết kiện công ty ra tòa với lý do sa thải công nhân trái luật khi được cán bộ Công đoàn của tỉnh và TP.Biên Hòa hỗ trợ pháp lý” - anh Lợi nói.

Rời Công ty K. trong tâm trạng ấm ức, anh Lợi chấp nhận làm đủ thứ việc mang tính thời vụ, như: phụ hồ, thợ hàn, khuân vác… để theo đuổi vụ kiện kéo dài gần 3 năm với hàng sấp hồ sơ gửi đi các cơ quan chức năng trong tỉnh, Trung ương cầu cứu. Và sau 6 lần tòa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, lẽ phải đã thuộc về anh. “Tôi chấp nhận làm đủ thứ công việc ngắn hạn cốt để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, chi phí in ấn tài liệu và đi lại. Tranh thủ những ngày thất nghiệp, tôi tìm đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh nhờ các chuyên gia, luật sư tư vấn pháp lý để đủ kiến thức khi tham gia tranh tụng với công ty” - anh Lợi nói.

Trước thế mạnh của công ty cùng đội ngũ luật sư hùng hậu, anh Lợi vẫn bền bỉ ngày bán sức lao động, đêm về co ro một mình trong phòng trọ nghiên cứu các quy định về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội… Anh còn vác hồ sơ đi gõ cửa các cơ quan tiếp dân, cơ quan truyền thông để tìm sự đồng thuận và ủng hộ. “Vụ đó, tòa tuyên buộc công ty chi trả đầy đủ các khoản bồi thường theo tinh thần Luật Lao động khi sa thải công nhân trái pháp luật. Điều tôi mừng và tự hào nhất là lẽ phải luôn đứng về phía người lao động yếu thế trước những tuyên bố hùng hồn của giới chủ nhiều tiền, nhiều mối quan hệ muốn biến đúng thành sai” - anh Lợi nói.

* Thích chuyện bao đồng

Thắng kiện Công ty K. được hơn một năm thì anh Lợi được Công ty C. (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) nhận vào làm việc. Yên ổn công việc ở công ty mới được khoảng 5 năm thì anh Lợi lại lâm vào cảnh “lông bông” khi công ty thay đổi người quản lý. Một lần nữa, anh Lợi vác đơn đi kiện Công ty C. vì người quản lý mới sa thải anh trái pháp luật.

Nở nụ cười hiền lành, anh Lợi bày tỏ: “Lần này tôi cũng thắng kiện, tòa tuyên buộc Công ty C. bồi thường cho tôi trên 60 triệu đồng. Có số tiền lớn trong tay, tôi mua một chiếc laptop cũ để mỗi ngày lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật lao động, nhằm nâng cao kiến thức cho bản thân, giúp đỡ các công nhân khác đấu tranh đòi quyền lợi khi họ bị công ty hành xử trái luật”.

Anh Trịnh Văn Lợi là người khá quen thuộc của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh và cơ quan tố tụng TP.Biên Hòa.
Anh Trịnh Văn Lợi là người khá quen thuộc của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh và cơ quan tố tụng TP.Biên Hòa.

Với vốn kiến thức pháp luật lao động tự tìm tòi, nhất là sau 2 vụ tranh chấp lao động thắng lợi, đồng thời được Công đoàn tỉnh tập huấn khi tham gia nhóm công nhân nòng cốt, anh Lợi tự tin nhận làm người đại diện theo ủy quyền cho người lao động, mỗi khi họ gặp vấn đề pháp lý cần tháo gỡ.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh, cho hay anh Lợi là một trong 618 công nhân nòng cốt, thuộc 4 nhóm công nhân nòng cốt tại 14 xã/4 huyện do tổ chức Công đoàn xây dựng. “Những công nhân nòng cốt như anh Lợi chính là “cánh tay” nối dài giữa các công nhân nòng cốt với  nhau, giữa các công nhân nòng cốt với người lao động và với chúng tôi” - luật sư Hà nói.

Anh Lợi cho biết, hiện anh đang giúp 8 công nhân tham gia tố tụng và ngoài tố tụng với chức năng đại diện theo ủy quyền để thay mặt họ tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp lao động. Đồng thời, anh thực hiện tư vấn pháp luật về lao động cho trên 100 trường hợp trong những năm qua… “Hiện kiến thức pháp luật của tôi chỉ đủ khả năng làm nhiệm vụ tham vấn pháp luật cơ bản, đơn giản cho công nhân lao động. Còn đi sâu vào từng vụ việc, tình tiết pháp lý cụ thể, tôi phải hướng dẫn họ đến gặp các luật sư, chuyên gia của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh” - anh Lợi nói.

Nhờ 2 lần “vô phúc đáo tụng đình”, tiếp xúc nhiều với các cơ quan pháp luật và các mánh khóe lách luật của công ty mà anh Lợi tự tin và nhiệt huyết nhận lời làm người đại diện theo ủy quyền cho người lao động trong các vụ tranh chấp lao động.

Anh Lợi chia sẻ, công nhân lao động vốn nghèo khó, nếu mất việc và vụ kiện kéo dài thì họ làm gì có tiền để trả thù lao cho anh. Nhớ lại tình huống trớ trêu của mình lúc trước và tình cảnh của người lao động bị công ty ức hiếp trong lúc làm việc, anh Lợi vẫn vui vẻ chấp nhận công việc lao động thời vụ để có điều kiện và thời gian tốt nhất làm “chuyện bao đồng” mà anh cho rằng đó là niềm vui. “Luôn đứng sau tôi và những người lao động nghèo là các luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh. Họ mới là những người giúp người lao động nhiều nhất trong việc đòi quyền lợi chính đáng cho người lao động khi bị giới chủ xâm phạm. Còn tôi, chỉ làm vai trò phụ khi thay mặt người công nhân trình bày sự thật trước các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc mà thôi” - anh Lợi khiêm tốn tâm sự.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều