Dù bộn bề công việc, Phó bí thư Đảng ủy xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom) Trần Công An vẫn dành cho chúng tôi khoảng thời gian đủ để ghi lại những kỷ niệm, cảm xúc của anh qua những năm tháng gắn bó với công tác Đoàn Thanh niên.
Dù bộn bề công việc, Phó bí thư Đảng ủy xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom) Trần Công An vẫn dành cho chúng tôi khoảng thời gian đủ để ghi lại những kỷ niệm, cảm xúc của anh qua những năm tháng gắn bó với công tác Đoàn Thanh niên. Anh An thổ lộ: “Đang hoạt động phong trào sôi nổi, tôi được điều động sang làm Phó chủ tịch UBND xã. Phải mất một thời gian khá lâu tôi mới hết cảm giác hụt hẫng vì nhớ công việc của Đoàn”.
* “Đổi áo” vì nhiệm vụ
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp THPT, anh An tham gia công tác ở địa phương với nhiệm vụ công an viên kiêm Bí thư Chi đoàn ấp An Bình (xã Trung Hòa). Vốn là bí thư chi đoàn lớp năng nổ thời còn học sinh, anh An tự tin bắt tay vào củng cố lại tổ chức Đoàn ấp An Bình, vốn là chi đoàn yếu nhiều năm liền, phong trào thì buồn tênh, đoàn viên thiếu gắn kết. “Phải làm gì và làm điều gì đầu tiên để vực dậy phong trào, xóa ngay hình ảnh yếu kém mà tổ chức Đoàn cấp trên đã đánh giá đối với Chi đoàn ấp An Bình, đó là những trăn trở của tôi lúc bấy giờ” - anh An bộc bạch.
Anh Trần Công An (trái) truyền đạt kinh nghiệm hoạt động Đoàn cho lớp thủ lĩnh Đoàn Thanh niên trẻ tuổi của xã Trung Hòa. |
Điều đầu tiên anh An bắt tay thực hiện là nhiều tháng liền cọc cạch xe đạp đến gặp gỡ từng đoàn viên thanh niên trong ấp để nắm bắt tâm tư, tình cảm của mỗi người; đồng thời kết hợp với nhiệm vụ công an viên để tuyên truyền, lôi kéo thanh niên chậm tiến vào tham gia sinh hoạt Đoàn. Có ngày, vừa cởi đồng phục công an viên khi xuống địa bàn về, anh An lại thay ngay chiếc áo xanh quay trở lại làm công tác Đoàn để tạo sự gần gũi, thân thiện với thanh niên trong ấp. “Nhiệm vụ công an viên tạo điều kiện thuận lợi cho tôi rất nhiều trong công tác Đoàn, nhưng tôi luôn nhắc nhở mình, việc nào thì áo đó, đừng vì thuận tiện cho mình mà làm mất hình ảnh chiếc áo xanh thân thiện trước thanh niên” - anh An nở nụ cười thật tươi nói.
Sau vài tháng tiếp nhận nhiệm vụ, trên 20 đoàn viên nòng cốt cũ cùng với đoàn viên mới kết nạp của Chi đoàn ấp An Bình, anh An đã tập trung đội hình, bắt tay ngay vào các hoạt động: ra quân dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, thi đấu thể thao, họp nhau sinh hoạt và ca hát… “Mỗi lần tụ họp thanh niên, tụi tôi góp tiền nhau thịt một chú cầy, hoặc đôi vịt xiêm và phân công đoàn viên nữ lo bếp núc, khi tiệc dọn lên thì mời các cô chú trong chi bộ, lãnh đạo ấp, xóm ngồi dự. Những việc làm đó đã giúp các bạn đoàn viên trong ấp phấn khởi, xốc lại tinh thần tuổi trẻ. Riêng các cô chú trong ấp rất hài lòng với công việc chúng tôi làm và bắt đầu tin tưởng giao việc cho đoàn viên thanh niên, kêu gọi chi đoàn cùng phối hợp với các chi hội, đoàn thể ấp trong các công việc chung” - anh An nhớ lại.
Từ chi đoàn yếu kém, dưới sự cầm quân của thủ lĩnh An, sau một năm các đoàn viên trong Chi đoàn ấp An Bình tự tin ngẩng cao đầu đón nhận danh hiệu vững mạnh xuất sắc. Anh An tỏ bày, kỷ niệm đó anh không bao giờ quên và luôn tự hào mỗi khi gặp lại các bạn đoàn viên cũ, những người bạn biết hy sinh việc nhà để cùng anh khuấy động phong trào Đoàn, làm nức lòng các cô, chú trong ấp.
* Ba điều nhắn gửi
Liên tiếp 2 năm sau đó, Chi đoàn ấp An Bình của thủ lĩnh An được tổ chức Đoàn Thanh niên xã Trung Hòa, Huyện đoàn Trảng Bom công nhận vững mạnh xuất sắc và cũng vì vậy anh được cấp ủy, chính quyền xã tin tưởng giao giữ nhiệm vụ Bí thư Đoàn Thanh niên xã. “Đó là năm 2003, khi tôi mới 22 tuổi, trong khi các thành viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên xã đều là những người gạo cội trong công tác Đoàn. Lúc ấy tôi cũng bị “khớp” vì thấy mình còn non trẻ và chưa quen với vai trò thủ lĩnh Đoàn Thanh niên xã với hàng trăm đoàn viên của 2 ấp, 3 trường học và Chi đoàn quân sự” - anh An nói.
Dù bận rộn công tác Đảng, nhưng anh Trần Công An (bìa trái) vẫn luôn sát cánh cùng các bạn trẻ trong các hoạt động Đoàn ở xã Trung Hòa. |
Được cấp ủy động viên, đoàn thể ủng hộ và tin tưởng giao nhiệm vụ, anh An làm quen với nhiệm vụ mới chỉ sau vài tháng. Đến giữa năm 2003, Đoàn Thanh niên xã tổ chức đại hội (nhiệm kỳ 2003-2008) và anh An được 100% phiếu bầu cho chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trung Hòa. Bằng trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh gấp rút củng cố lại tổ chức và nhân sự, chọn những hoạt động bề nổi để tập hợp đoàn viên thanh niên. Vẫn với những phát pháo mà anh từng khơi ngòi hiệu triệu sức mạnh đoàn viên thanh niên ấp An Bình trước đó, nhưng lực lượng đoàn viên của anh bây giờ đa “binh chủng” hơn, như: giáo viên, học sinh, công nhân, dân quân và thanh niên nông thôn, nên hình thức hoạt động cũng uyển chuyển, nội dung đa dạng và phong phú hơn.
Qua 10 năm tham gia công tác Đoàn, anh Trần Công An được cấp ủy, chính quyền xã Trung Hòa cất nhắc nhiệm vụ Phó chủ tịch UBND và nay là Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã. Ngoài ra, anh còn được Trung ương đoàn, Tỉnh đoàn tặng bằng khen thanh niên tiêu biểu qua các hoạt động Đoàn. Anh An khẳng khái bày tỏ, chính môi trường Đoàn đã giúp anh sớm trưởng thành và chững chạc hơn. Bằng kinh nghiệm của mình, anh Trần Công An chia sẻ, cấp ủy và chính quyền địa phương luôn ưu tiên tuyển chọn những thủ lĩnh Đoàn cơ sở tiêu biểu, xuất sắc để bố trí các chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể. Đó là thực tế mà cấp ủy, chính quyền xã Trung Hòa chọn những thủ lĩnh Đoàn, như: anh Phi, anh Hưng, chị Ngọc và bản thân anh trong thời gian qua, để các bạn trẻ nhìn thấy, phấn đấu và cống hiến cho công tác Đoàn. |
Cuối năm 2003, Đoàn Thanh niên xã Trung Hòa đã được Huyện đoàn Trảng Bom gạch tên khỏi danh sách đơn vị yếu kém, công nhận là đơn vị vững mạnh. Anh An kể, sau đại hội đoàn viên thanh niên xuất hiện đều đặn và đông đủ tại các phong trào, hoạt động của xã cùng các hội đoàn thể khác. Màu áo xanh của Đoàn tuần nào cũng có mặt trên các nẻo đường của xã để dọn dẹp vệ sinh, tuyên truyền cổ động các sự kiện của địa phương, giao lưu thể thao - văn nghệ với khu phố, trường học, công nhân lao động… Chuyện đoàn viên thanh niên xã Trung Hòa rồng rắn nhau bằng xe đạp, xe máy mượn, hoặc thuê xe đi dã ngoại, giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các xã trong và ngoài huyện đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện“.
Để có kinh phí hoạt động phong trào, thủ lĩnh An đề ra phương châm “tự thân vận động” trong từng tổ chức Đoàn. Anh quan niệm, có vui chơi thì có đóng góp, tất cả đoàn viên phải cùng chung sức thì vấn đề kinh phí được giải quyết và phong trào cứ thế mà hành động theo lịch trình đã thống nhất. Cho nên, việc thủ lĩnh An tiêu cả tiền lương, tiền làm thêm từ công việc đúc chậu cảnh, bon sai vì phong trào Đoàn, các bạn đoàn viên thanh niên đều biết và nhìn thấy.
“Tôi đã rút ra 3 điều và mong muốn nhắn gửi đến các thủ lĩnh Đoàn. Thứ nhất, thủ lĩnh Đoàn phải có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với phong trào và biết hy sinh thời gian, quyền lợi của bản thân để đạt được mục tiêu phong trào. Thứ hai, thủ lĩnh Đoàn phải giỏi kỹ năng công tác, nói chuyện và sinh hoạt trước đám đông. Thứ ba, thủ lĩnh Đoàn phải có ý chí tự học để đạt một trình độ chuyên môn nhất định, để không bị tụt hậu kiến thức với thời gian và sự bố trí công việc chuyên môn sau này khi hết tuổi Đoàn” - anh An chia sẻ.
Đoàn Phú