Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa làm thuê

10:01, 12/01/2014

Trong tiết lạnh của rừng Mã Đà (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu), gia đình anh Kim Ri (quê tỉnh Trà Vinh) căng tạm tấm bạt cũ làm chiếc chòi nhỏ để thuận tiện cho việc chặt mì thuê. "Đầu tháng 10, tui đưa cả gia đình về đây tìm việc. Xong mùa mì, cả gia đình lại kéo nhau về quê, hoặc tiếp tục di cư đến các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông tìm việc" - anh Kim Ri bộc bạch.

Trong tiết lạnh của rừng Mã Đà (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu), gia đình anh Kim Ri (quê tỉnh Trà Vinh) căng tạm tấm bạt cũ làm chiếc chòi nhỏ để thuận tiện cho việc chặt mì thuê. “Đầu tháng 10, tui đưa cả gia đình về đây tìm việc. Xong mùa mì, cả gia đình lại kéo nhau về quê, hoặc tiếp tục di cư đến các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông tìm việc” - anh Kim Ri bộc bạch.

* Di chuyển theo những vườn mì

Anh Kim Ri cho biết, đây là chiếc chòi thứ 5 mà gia đình anh dựng tạm để tiện cho việc chặt mì thuê cho ông Tư Mạnh. Mỗi mùa mì, ít nhất anh phải 20 lần tìm khu đất trống để căng bạt làm chòi ở. “Làm xong đám mì này, tui chuyển chòi sang đám mì của ông Ba Thế. Mỗi lần như vậy, tui phải mất một ngày di chuyển đồ đạc” - anh Kim Ri tỏ bày.

Tuy lam lũ nhưng lòng họ vẫn tràn đầy khát vọng cuộc sống đủ đầy.
Tuy lam lũ nhưng lòng họ vẫn tràn đầy khát vọng cuộc sống đủ đầy.

Sau khi cho thằng Sóc (con anh, 2 tuổi) ăn no bụng, anh Kim Ri lật đật đi ra đám mì và hùi hụi nhổ để cho thằng Len (con anh, 16 tuổi) chặt và gom thành đống cho chị Út Phi (vợ anh) bào vỏ, xắt lát. “Tụi tui làm không kể giờ giấc, khỏe thì làm, mệt vào chòi nghỉ. Tính ra, 4 người trong gia đình tui mỗi ngày kiếm được cả triệu đồng tiền công đó” - lơ lớ tiếng Việt, chị Út Phi cho biết.

Cách chòi mì anh Kim Ri đang làm một chòm rừng, chị Ly Na (cùng quê với anh Kim Ri) đang quát tháo thằng Búng (6 tuổi, con chị) uống thuốc. Sợ bị đánh, thằng Búng trợn mắt uống ực mấy viên thuốc, rồi ngồi yên trong chòi chơi với mấy cái lon nước ngọt, để mẹ tiếp tục công việc bào vỏ mì. “Vợ chồng tui không còn người thân ở quê để gửi con, nên bất đắc dĩ phải dắt con theo. Nó quen với cuộc sống rẫy vườn mấy năm nay rồi và ít khi bệnh lắm. Lâu lâu, nó chỉ hục hặc ho vài tiếng và sổ mũi một lần. Mỗi lần như vậy, tui ra chợ mua thuốc về cho con uống thì dứt ngay” - vừa bào củ mì, chị Ly Na vừa nói.

Trong lúc chúng tôi đang chuyện trò với chị Ly Na thì vợ chồng anh Kim Bình (làm chung đám mì với vợ chồng chị Ly Na) cõng bé Thoa (2 tuổi) từ rẫy mì đi vào. Anh Bình bày tỏ, năm nào cũng vậy, đến mùa thu hoạch mì ở Đồng Nai, Bình Phước…, vợ chồng anh và nhiều người khác ở Trà Vinh đón xe về đây tìm việc. Sau đó, mọi người phân nhỏ ra để nhận vườn, căng bạt dựng chòi làm nơi trú ngụ, sinh hoạt. “Chỉ cần một người quen biết với các chủ rẫy ở đây từ mùa mì trước là tụi tui xin đi theo làm. Hết mùa mì này, nếu mình làm tốt thì sang năm sẽ được chủ rẫy gọi điện thông báo thuê tiếp” - anh Kim Bình tâm sự.

* Bám trụ thành công

Là phụ nữ đơn thân, sau bao năm dắt con về xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) làm thuê mướn, bà Đặng Thị Thu (quê Bến Tre) giờ đã có vốn thuê đất trồng 2 hécta thuốc lá ở ấp Cây Điều. Bà Thu cho biết, nhờ cắc củm dành dụm, hiện bà đã mua được lô đất nhỏ để cất nhà ở và dư dả được số tiền trên 100 triệu đồng làm vốn trồng thuốc lá. “Nhờ bôn ba đây đó mà người nghèo như tụi tui có cơ hội đổi đời. Nhất là qua quá trình làm thuê, tụi tui dần nắm bắt được kinh nghiệm trồng thuốc lá, nên tiến đến thuê đất tự làm. Sau vài vụ thuê đất trồng thuốc lá, nếu làm ăn thắng lợi, tụi tui bắt đầu tìm nơi đất rẻ để mua canh tác” - bà Thu bộc bạch.

Từ một người làm thuê mướn, nhờ biết tích cóp, anh Nguyễn Văn Ngoan (ấp 3, xã Mã Đà) đã có được 5 hécta xoài, thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/năm.
Từ một người làm thuê mướn, nhờ biết tích cóp, anh Nguyễn Văn Ngoan (ấp 3, xã Mã Đà) đã có được 5 hécta xoài, thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/năm.

Bên vườn xoài cát Hòa Lộc trĩu quả, bà Ngọc Quyên (ấp 3, xã Mã Đà) thổ lộ, vợ chồng bà vốn là dân Đồng Tháp về Mã Đà làm thuê 20 năm trước. Ngày mới về đây, vợ chồng bà cũng cảnh chòi tranh tạm bợ. Quá trình lao động, vợ chồng bà tích cóp dần mới mua được miếng rẫy 2,6 hécta. “Ngày mới vào đây, vợ chồng chỉ có cái nồi không nắp. Mỗi lần nấu cơm, tui phải lấy lá chuối đậy lại và đốt lửa thật mạnh thì cơm mới chín. Hồi đó, phần cơm bị cháy dưới đáy nồi tui không dám bỏ, mà để dành khi nào hết gạo thì hấp lại ăn. Nay kinh tế ổn định, vợ chồng tui vẫn không quên những năm tháng bôn ba nơi vườn rẫy và cũng vì vậy mà vợ chồng tui sẵn sàng giúp đỡ những người đồng hương mới đến” - bà Ngọc Quyên bày tỏ.

“Đồng Nai có 6 tháng nắng, 6 tháng mưa. Mùa nắng thì thu hoạch mì, hái điều, dọn rẫy. Mùa mưa thì làm cỏ, xịt thuốc, trồng rừng. Riêng những tháng mưa dầm, nắng gắt, tụi tui tiếp tục di chuyển đến những nơi khác làm hồ, làm cầu đường, chịu khó đi làm “thợ đụng” - anh Phùng Văn Bình (đang chặt mía thuê ở ấp 2, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) cho biết.

Trong lúc chờ chuyến đò từ ấp 5, xã Mã Đà sang tỉnh Bình Phước, anh Tám Trí (quê Sóc Trăng) cho hay, nơi anh ở hiện khó tìm việc, hoặc làm thuê bữa được, bữa mất. Trong khi bên huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), các chủ rẫy đang chiêu mộ nhân lực thu hoạch mì, làm cỏ cao su, dọn rẫy… “Ở bên đó họ thuê mướn người làm quanh năm, nếu mình làm giỏi, uy tín và bám chặt các ông chủ rẫy thì không bao giờ thất nghiệp. Dù làm thuê, nhưng nếu mình chịu khó ky cóp dành dụm thì sẽ sớm có nhà, có đất để bám trụ” - anh Tám Trí hy vọng.

Từ chỗ làm thuê mướn, vợ chồng anh Trí Nguyên (ngụ ấp 5, xã La Ngà, huyện Định Quán) đã tích lũy kinh nghiệm chăm xoài và mạnh dạn thuê lại vườn xoài của dân địa phương làm ăn chia. “Căn chòi nhỏ trống huơ trống hoác của những người làm thuê mướn như tụi tui ngày nào, giờ đã là nhà xây kiên cố rồi. Tất cả là nhờ tụi tui kiên trì làm ăn, tích cóp theo năm tháng mới tạo dựng được” - anh Trí Nguyên cho hay.

Sáng tháng Chạp trời lạnh se se, ông Năm Khơi (quê Sóc Trăng, làm mì thuê ở ấp 4, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) phác thảo lịch mùa vụ ngay dưới nền đất để chúng tôi dễ tiếp thu. Ông Năm Khơi tỉ mỉ tỏ bày, tháng Giêng thì rộ thu hoạch mì; tháng 2-3 trời đổ mưa thì cày đất, trồng mì, thu hoạch điều; tháng 4-5 làm cỏ, xịt thuốc; tháng 6-7 trồng cao su, trồng rừng; tháng 8-10 mưa dầm thường thất nghiệp, chỉ làm những việc linh tinh; tháng 11-12 vào vụ thu hoạch mì, mía và các cây trồng khác nên việc rất nhiều, làm không xuể. “Làm thuê, làm mướn mà biết tính toán bao giờ cũng làm được nhiều tiền. Có tiền mà biết tích cóp thì ắt có cơ hội mua đất lập nghiệp, không còn bôn ba đây đó làm thuê mướn nữa” - ông Năm Khơi nói.

Điều ông Năm Khơi bày tỏ cũng là nỗi khát khao của những người di cư làm thuê mướn như anh Kim Ri, anh Kim Bình… Nhưng số phận của họ không chỉ đơn giản qua một câu nói trải lòng, mà phụ thuộc rất nhiều vào những chuyến di cư làm ăn thắng lợi. Và điều đó, chúng tôi luôn nhìn thấy trong ánh mắt thức đêm của những người chặt mì thuê khi xuân về, tết đến.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích