Buổi sáng, ngôi nhà của vợ chồng Đại úy, cựu chiến binh (CCB) Trịnh Xuân Lấp và Lê Thị Xuây (ấp Trung Nghĩa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) rộn ràng tiếng gà, vịt, chim câu. Ngồi chồm hổm trên nền xi măng băm chuối cho bầy gia cầm ăn dặm, bà Xuây nói: "Bây giờ vợ chồng tôi mới được an nhàn, chứ trước kia khổ lắm…".
Buổi sáng, ngôi nhà của vợ chồng Đại úy, cựu chiến binh (CCB) Trịnh Xuân Lấp và Lê Thị Xuây (ấp Trung Nghĩa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) rộn ràng tiếng gà, vịt, chim câu. Ngồi chồm hổm trên nền xi măng băm chuối cho bầy gia cầm ăn dặm, bà Xuây nói: “Bây giờ vợ chồng tôi mới được an nhàn, chứ trước kia khổ lắm…”.
Vợ chồng ông Lấp hạnh phúc ôn lại những kỷ niệm thời trai trẻ cống hiến cho quân đội. |
Năm 1972, sau ngày cưới, bà được điều về đơn vị vận tải, còn ông Lấp hành quân vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Mãi đến năm 1976, vợ chồng bà mới gặp lại nhau, thật sự được hưởng “tuần trăng mật” sau ngày cưới. Nhưng sau đó vợ chồng họ lại xuôi ngược người Bắc, kẻ Nam vì nhiệm vụ người lính.
* “Bóng ma” trong rẫy mì
Năm 1987, được đơn vị cho nghỉ hưu, bà Xuây khăn gói vào Đồng Nai theo chồng. “Lương hưu đại úy của tôi để lại quê nhà phụng dưỡng cha mẹ chồng già yếu, lương đại úy đương chức của ông Lấp cũng chỉ đủ ngày 2 lon gạo, nấu chung với khoai mì nuôi 7 miệng ăn” - bà Xuây vừa băm chuối, vừa kể.
Ông Lấp nhớ lại, tháng 6-1990, ông được đơn vị cho về hưu. Khi ra quân, ông được đơn vị cấp 3 tấn mì, thủ trưởng cho riêng 20kg gạo và chuyến xe chở gia đình về khu đất hoang ở ấp Trung Nghĩa để dựng chòi khởi nghiệp. “Lúc ấy, vùng đất Trung Nghĩa chỉ có 8 nóc nhà, cỏ hoang cao phủ đầu người. Sau khi dựng được căn chòi nhỏ làm nơi tá túc, vợ chồng tôi bắt tay vào việc khai khẩn đất hoang, tỉa ngay 1,4 hécta đậu xanh. 3 tháng sau, vợ chồng tôi thu hoạch trên 2 tấn đậu. Lần đầu tiên, vợ chồng tôi có được số lương thực lớn trong nhà và thoát cảnh ăn độn nên phấn khởi vô cùng. Đó cũng là động lực mạnh mẽ để vợ chồng tôi cật lực vỡ đất trồng bắp, trồng mì, tỉa lúa cho những mùa vụ sau” - ông Lấp bày tỏ.
Uống một ngụm trà, ông Lấp tiếp tục câu chuyện, vụ rẫy tiếp theo vợ chồng ông thu được 4,6 tấn bắp, 40 tấn mì, 2 tấn lúa, nông sản chất ngoài sân to hơn căn chòi. Thấy vợ chồng ông quần quật cả ngày lẫn đêm, những người hàng xóm tò mò đến hỏi chuyện, lúc ấy, mới biết bà Xuây trước kia là lính vận tải, còn ông là bộ đội thứ thiệt. “Đám mì, bắp tôi vừa thu hoạch xong sáng nay thì tối đến vợ chồng tôi lầm lũi đi dọn rẫy, hoặc tranh thủ trời có trăng đi gặt lúa. Bà con đi chơi đêm thấy bóng dáng vợ chồng tôi làm việc ngoài rẫy cứ tưởng ma, nhất là lúc trời sáng sớm thấy rẫy tôi sạch trơn gốc mì, thân bắp, lúa đã được gặt xong. Quả thật, lúc ấy vợ chồng tôi chẳng khác gì hai bóng ma ngoài rẫy” - ông Lấp tâm sự.
Từ thiếu ăn, chỉ sau một vụ rẫy, vợ chồng ông Lấp đã chủ động được lương thực. Vụ rẫy kế tiếp, họ vỡ hoang được thêm 2 hécta đất, mua được con bò và vụ rẫy thứ 3 thì mua được máy xay xát lúa cho bà con trong vùng. “Chỉ trong 3 năm, vợ chồng tôi đã có heo gần trăm con, còn gà, vịt thì không sao kể xiết. Vợ ở nhà vừa xay xát lúa gạo, bán tạp hóa, chăn nuôi, chăm con ăn học. Riêng tôi, tiếp tục làm “bóng ma” ngoài rẫy suốt năm vẫn không thấy mệt” - ông Lấp tỏ bày.
* Giúp đỡ cộng đồng
Chỉ qua một mùa rẫy, nồi cơm của gia đình ông Lấp không còn độn ngô khoai, trong khi các hộ dân trong xóm vẫn chưa thể có nồi cơm toàn gạo trắng mỗi ngày. Bà Xuây nhìn chồng trìu mến nói: “Lúa gạo dự trữ ăn trong vụ không hết, vợ chồng tôi không ngần ngại cho bà con mượn dùng tạm chứ không bán. Nhất là khi gia đình tôi sắm được máy xay xát thì lúa gạo dư dả nhiều hơn. Bà con cần gạo, tiền thì vợ chồng tôi cho mượn, người muốn mua thiếu heo giống về nuôi, vợ chồng tôi cũng không ngại giúp. Nhớ cảnh trước đây ôm con vừa sinh trong tháng đi mót khoai, xin rau của người dân nơi chồng đóng quân về ăn, tôi không cầm lòng được khi nhà mình dư gạo, đủ tiền mà bà con, đồng đội đang thiếu”.
Dù cuộc sống đủ đầy, ông Lấp vẫn không ngơi nghỉ chuyện rẫy vườn. |
Ông Phạm Văn Hiếu, Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Trường, cho biết: “Lúc khó khăn, vợ chồng chú Lấp thật sự là ân nhân của gia đình tôi và nhiều đồng đội khác. Họ thật sự xứng đáng với lời khen tặng “Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội” của Trung ương Hội CCB dành cho CCB”.
Cũng theo ông Hiếu, qua 23 năm lập nghiệp tại ấp Trung Nghĩa, vợ chồng hội viên Lấp - Xuây đã giúp đỡ tiền vốn, lương thực, cây và con giống… cho các hội viên CCB trong xã số tiền hàng trăm triệu đồng mà không tính lãi. “Họ tham công tiếc việc, nhưng không bao giờ bo bo đồng tiền kiếm được cho riêng mình. Khi cần tiền chăm vườn, lo cho con học, ốm đau…, đồng đội đến mượn, vợ chồng chú Lấp đều vui vẻ giúp đỡ. Nhiều hội viên CCB chúng tôi thoát nghèo, vươn lên khá giả cũng nhờ sự giúp đỡ tận tình của vợ chồng chú Lấp” - ông Hiếu bày tỏ.
“Trong chiến tranh, tôi không ngại cõng đồng đội bị trúng bom bỏ chạy. Nhờ sức khỏe đó mà khi ở tuổi 45, lúc ở cữ, khi sinh nở, tôi vẫn vác từng bao bắp nặng cả tạ từ rẫy vào nhà. 15 năm ròng rã về Trung Nghĩa lập nghiệp, vợ chồng tôi đêm chỉ chợp mắt được vài giờ, nhưng khỏe không ai bì” - bà Lê Thị Xuây cho biết. |
Ông Bùi Văn Tam, Trưởng ấp Trung Nghĩa, bộc bạch 30 năm quản lý cung đường sắt Xuân Trường - Trảng Táo, ông nghe nhiều tiếng thơm khi bà con nơi đây nói về tấm lòng chia sẻ cộng đồng của vợ chồng CCB Lấp - Xuây. Tuy không phải giàu nhất nhì ở đây, nhưng chân tình của họ luôn tỏa khắp xóm làng. “Họ xứng đáng là bộ đội Cụ Hồ trong chiến đấu và khi về với đời thường” - ông Tam nhận xét.
Không than phiền về cuộc sống, hạnh phúc khi con cái thành đạt, cởi mở tấm lòng khi đồng đội đến thăm, lấy lao động để rèn sức khỏe, ý chí, chúng tôi cảm nhận được điều đó từ vợ chồng CCB Lấp - Xuây qua lời kể của các CCB và người dân ấp Trung Nghĩa và từ những bằng khen mà họ trân trọng treo trong nhà.
“Vợ chồng tôi đã trải qua thời gian dài khó khăn nên thấu hiểu hoàn cảnh khốn khó của đồng đội khi mới về đây lập nghiệp. “Một miếng khi đói” mà vợ chồng tôi đã từng nhận, bây giờ vợ chồng tôi muốn trả lại cái tình nghĩa ấy” - nắm chặt tay chúng tôi, bà Xuây tâm sự.
Thành Nhân