Giữa trời nắng nóng, những người thợ sửa chữa đường sắt vẫn làm việc. Trên tuyến đường xe lửa Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Đồng Nai, khi con tàu kéo hồi còi báo hiệu di chuyển an toàn, những người thợ mới vỡ òa sung sướng để hòa cùng niềm vui của người lái tàu.
Giữa trời nắng nóng, những người thợ sửa chữa đường sắt vẫn làm việc. Trên tuyến đường xe lửa Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Đồng Nai, khi con tàu kéo hồi còi báo hiệu di chuyển an toàn, những người thợ mới vỡ òa sung sướng để hòa cùng niềm vui của người lái tàu.
Họ là các kỹ sư, công nhân của Công ty Quản lý đường sắt Thuận Hải (thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam), có nhiệm vụ quản lý, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt, đảm bảo an toàn cho tàu chạy.
* Băng rừng, xẻ núi
“Vị trí sửa chữa thường nằm giữa rừng núi hoang vu, cách biệt với khu dân cư, hoặc nơi có địa hình hiểm trở, mọi nhu yếu phẩm, nước sạch, điện sáng đều thiếu thốn. Những ngày ấy, một công trường dã chiến hình thành, con người, máy móc hối hả suốt ngày đêm. Sau mỗi đợt như vậy, nhiều người không nhận ra chúng tôi vì nhìn quá lam lũ. Nhưng cho dù ở đâu, chúng tôi cũng có mặt” - ông Lê Văn Nam (51 tuổi, quê tỉnh Thái Bình) hồ hởi mở đầu câu chuyện.
Làm việc bên những bờ đất cao và dễ bị lở ở khu gian Hố Nai (huyện Trảng Bom). |
Có hơn 30 năm gắn bó với nghề sửa chữa đường sắt, ông Nam bảo gian nan nhất vẫn là những đợt băng rừng, xẻ núi sửa đường sau mưa bão, lũ lụt. Núi lở, nước chảy xiết cuốn bay hết đá rồi lột phăng từng đoạn chân ray. Phương án cứu đường khẩn cấp là phải bắc hai cầu qua đoạn bị xói lở, bằng cách chèn khối bê tông vào chỗ bị cuốn trôi hay xê dịch. Mọi việc phải thật khẩn trương, mau lẹ để đường thông càng nhanh càng tốt. “Khổ nhất là việc mang vác đồ nghề vừa nặng, vừa lỉnh kỉnh. Đường khó đi, anh em phải luồn lách, leo trèo hàng giờ mới tới địa điểm. Tiếp cận mục tiêu đã khó, bắt tay vào việc cũng không hề dễ thở chút nào, vì ở đây cái gì cũng thiếu, mưa gió không ngừng… Đấy là đợt đi sửa đường ở huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) vào mùa mưa năm ngoái” - ông Nam kể lại.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Đội trưởng Đội Quản lý đường sắt Sông Mao (Công ty quản lý đường sắt Thuận Hải), cho biết: “Đến tháng 3-2014, chúng tôi sẽ hoàn thành đợt đại tu tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Hàng ngày, lực lượng gồm 70 kỹ sư, công nhân sửa chữa đường sắt chúng tôi vẫn say sưa làm việc bất chấp điều kiện thời tiết nắng nóng. Chúng tôi cố gắng làm việc hết trách nhiệm để những đoàn tàu vận hành, di chuyển an toàn trên từng cây số”. |
Sau tiếng cuốc xẻng vang lên chát chúa, mồ hôi ai cũng túa ra, hồi hộp chờ đoàn tàu chạy qua đoạn đường vừa sửa. Tàu chạy một đoạn rồi kéo còi báo hiệu đoàn qua an toàn, những người thợ đường sắt trong bộ quần áo bảo hộ lao động lấm lem dầu mỡ hò reo, sung sướng hòa cùng niềm vui của hành khách, người lái tàu.
“Mùa mưa bão đất đá từ núi đổ về, chắn ngang một đoạn dài hơn 10m, anh em tay cuốc tay xẻng xúc lia lịa. Mình phải xẻ từng mảng đất, đóng cọc vào tường tạo nên những đoạn kè vững chắc để ngăn đất lở. Công việc nặng nề, thiếu trang thiết bị nên cần huy động nhiều người mới hoàn thành công trình” - công nhân Nguyễn Văn Tín (41 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) tâm sự.
Theo anh Tín, người thợ sửa đường sắt không chỉ lo thông đường nhanh, bảo đảm kỹ thuật được an toàn, mà còn sợ nhất là khi làm việc ở những cung đường một bên vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm cheo leo trên biển. Nhưng chất thợ đã nhào nặn bản thân họ thành con người dũng cảm, yêu nghề và theo tới cùng công việc.
Xẻ hai bên vách đất cao vút, anh Tín tếu táo nói thêm: “Ai biết khi đang làm, đất có lở nữa hay không, thiên tai ập đến không lường trước được đâu. May mắn là từ đó đến giờ chưa xảy ra những trường hợp như vậy. Đời người thợ là vậy đấy, có mặt ở khắp các nẻo đường, lo từng con ốc, thanh ray, bờ kè… Lúc nào cũng gian khó, hiểm nguy rình rập, nhưng phải về đích trước thời gian”.
* Vui vì gần dân
Có mặt ở hầu hết các nẻo đường, công trình nơi đâu là nhà ở đó, các kỹ sư, công nhân sửa chữa đường sắt sẵn sàng sống trong những lán trại tạm bợ. “Chúng tôi làm việc không quản nắng mưa, bất chấp mọi khắc nghiệt của thời tiết để “huyết mạch” giao thông được đảm bảo thông suốt. Đợt này may mắn, chúng tôi nhận công tác và đóng “quân” ở TP.Biên Hòa” - anh Đỗ Ngọc Thành (26 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) chia sẻ.
Vào đợt sửa chữa kéo dài đến 5 tháng, hàng ngày các anh phải liên tục làm việc từ 6-17 giờ. Trời nắng, những khuôn mặt thợ sửa đường sắt cháy xạm, đen đúa, quần áo ai cũng ướt sũng mồ hôi. Đó là cái vất vả thường thấy của mỗi người thợ, nên tiêu chuẩn đặt ra cho công việc này phải là những nam thanh niên trẻ khỏe.
Chỉ vài động tác xoay người hòa cùng tiếng hò lấy sức “1-2-3”, những người thợ đã rút ra, thay mới những khối bê tông nặng trịch một cách nhẹ nhàng mà không gặp chút khó khăn nào. Ai cũng trẻ khỏe, rắn rỏi với nắng gió khô khan trên từng cây số của công trường xe lửa.
Nghỉ giải lao ngay trên đường ray. |
Vén áo lau vội những giọt mồ hôi đang lăn dài trên mặt, thợ trẻ Thành láu lỉnh nói: “Nghề này không dành cho phụ nữ, chỉ có phái mạnh mới làm nổi và chịu chinh chiến hết nơi này đến nơi khác. Muốn vào nghề, điều kiện ban đầu là sức khỏe, tiếp nữa phải học qua lớp sơ cấp về ngành đường sắt”.
Dù công việc vất vả nhưng những người thợ sửa chữa đường sắt vẫn tìm được niềm vui riêng. Với họ, dù xa cách trung tâm nhưng được sống gần, được tiếp xúc với dân thì khó khăn sẽ nhanh chóng tan biến. Để đảm bảo đúng tiến độ, nhiều ngày lễ, tết, họ chẳng được nghỉ, khi xảy ra sự cố lại lập tức lên đường.
“Biết là thiệt thòi, nhưng bù lại đi đâu chúng tôi cũng được dân yêu thương. Thợ sửa đường sắt như người lính bởi mọi người làm việc ngay trong lòng dân, thân dân như bộ đội. Mấy đợt sửa đường xa bệnh viện, có trường hợp công nhân bị bệnh, nếu không có những bài thuốc dân gian của bà con thì chẳng biết ra sao. Hay mỗi lần thiếu nước sạch, lương thực chưa đến kịp, mình có thể mượn của dân mà không gặp khó khăn gì” - ông Châu Văn Hợp (44 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) tâm sự.
Trời trở tối, hàng chục công nhân trở về lán trại đóng gần Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Với họ, nghề sửa chữa đường sắt luôn có những thử thách, hiểm nguy, nhưng họ lúc nào cũng yêu đời, lạc quan và làm việc đầy trách nhiệm.
Thanh Hải