Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăn trâu thuê

10:12, 11/12/2013

Đang lúc bực bội vì 3 con trâu của ông Ba Bom bị lạc bầy, ông Nguyễn Văn Chí (ngụ ấp Vũng Gấm, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) nổi nóng quát tháo vợ con và làm cho bầy trâu 70 con cột ngoài bãi đất trống rống lên inh ỏi.

Đang lúc bực bội vì 3 con trâu của ông Ba Bom bị lạc bầy, ông Nguyễn Văn Chí (ngụ ấp Vũng Gấm, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) nổi nóng quát tháo vợ con và làm cho bầy trâu 70 con cột ngoài bãi đất trống rống lên inh ỏi. “Coi ngó kiểu này lỡ trâu bị lạc mất, hoặc phá hoa màu của người ta thì chỉ có nước móc tiền túi bồi thường” - ông Chí trách vợ con.

Bầy trâu anh Tư Lý đang cầm thuê cho người dân trong vùng.
Bầy trâu anh Tư Lý đang cầm thuê cho người dân trong vùng.

Sau khi được ông Ba Bom động viên, ông Chí mới chịu làm lành với bà Ba Huệ (vợ ông Chí), rồi vào ngồi uống ly trà, trò chuyện với chúng tôi.

* Nửa thế kỷ chăn trâu thuê

Hơn 50 năm chăn trâu thuê cho các chủ trâu trong vùng, ông Chí nếm đủ vui buồn của người giữ trâu thuê. Nhấp ly trà nóng bà Ba Huệ vừa rót, ông Chí chậm rãi kể, mẹ mất khi ông chưa thôi nôi, cha thì lấy vợ khác, giao ông cho ông bà nội chăm nom. Mười tuổi, ông Chí đã biết dắt trâu đi cày. Lớn hơn một chút, ông rành tất cả công việc của nhà nông, đồng thời lùa bầy trâu đi ăn hết đồng này đến đồng khác. “Thời xưa, con trâu chỉ dùng làm sức kéo nên người nuôi chăm sóc kỹ lắm. Ngày nó ăn chưa no thì đêm về lo cắt cỏ tươi để bỏ vào chuồng cho nó ăn. Trâu đói, hay bệnh đều bị chủ la mắng thậm tệ. Người chăn trâu như tui được người ta gọi là kẻ ở, chứ không được trọng vọng như bây giờ” - ông Chí nói.

Hai chữ “trọng vọng” mà ông Chí nói, đó thật sự là niềm an ủi đối gần chục người chăn trâu thuê ở vùng đất Nhơn Trạch, như: Ba Nù (trông giữ 60 con), Bèo (100 con), Hai Chèn Hen (120 con), Bảy Trai (90 con)…

Theo ông Chí, mỗi con trâu được gửi cho ông trông coi, chủ trâu phải trả tiền công 100 ngàn đồng/tháng. Người coi trâu thuê không chịu trách nhiệm nếu trâu bị bệnh chết, hay bị mất trộm. “Theo giao kèo miệng, nếu trâu phá hại hoa màu của nông dân thì người giữ trâu và chủ trâu cùng thỏa thuận bồi thường. Trâu lạc bầy thì cùng nhau đi tìm, nếu lỡ mất thì thôi, chứ chủ trâu không bắt người chăn trâu bồi thường. Người chăn trâu thuê như tui đa phần đều nghèo khó, tiền công coi trâu ít ỏi thì lấy tiền đâu mà bồi thường cho họ” - ông Chí tâm sự.

Thêm một ngày nữa, ông Ba Bom nóng lòng tìm 3 con trâu bị lạc bầy. Nhưng ông cũng không nóng ruột như ông Chí. Ông Ba Bom tỏ vẻ thông cảm nói: “Do trâu tui mới nhập bầy nên nó lạ đường đi nước bước, dẫn đến đi lạc ở đâu đó thôi. Hôm nay, thế nào tụi tui cũng tìm được mà, vì hồi trước đến giờ anh Chí chưa bao giờ làm mất trâu của ai. Hơn nữa, con trâu nó dữ lắm, người lạ không dễ gì lùa và dắt mũi nó đi”.

* Đôi bên cùng có lợi

10 giờ 30, anh Tư Lý cùng anh Hai Nhì (ấp Vũng Gấm, xã Phước An) bắt đầu mở cổng chuồng lùa trâu về khu vực hầm đá để cho ăn cỏ. Cổng chuồng vừa mở, con trâu đầu đàn hồng hộc lao nhanh về phía trước, nhưng bị con chó Luốt cất tiếng sủa inh ỏi làm chùn chân.

Anh Tư Lý giải thích, Luốt là con chó chăn trâu giỏi mà anh đã huấn luyện được. Chỉ cần con trâu nào tách đàn đi ăn riêng là bị nó lùa trở về đàn. “Con trâu đầu đàn cũng phải nể mặt nó, còn đám nghé thì sợ nó thấy rõ. Chỉ cần tui ném cục đất vào con trâu nào, con Luốt liền lao vào cắn đuôi, cắn mông trâu bắt phải đi theo đàn. Nhờ nó mà tụi tui mới rảnh tay khi lùa đàn trâu trên 170 con đi ăn cỏ” - anh Tư Lý tỏ bày.

Mới 32 tuổi, nhưng anh Tư Lý có thâm niên 10 năm chăn trâu thuê cho người dân các xã: Phước An, Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch). Bầy trâu gần 200 con mà anh nhận chăn thuê cho các chủ trâu luôn mập mạp, khỏe mạnh, vì anh chọn được vị trí có nhiều cỏ, đủ nguồn nước cho trâu uống và chỗ nghỉ ngơi. Anh Tư Lý cũng có tính cẩn thận, nên trâu do anh trông giữ chưa bao giờ bị lạc, hay phá hại hoa màu của người khác, nên chủ trâu rất yên tâm. “Tuy chủ trâu không bắt đền mình, nhưng nếu để xảy ra chuyện thì đôi bên đều khó xử” - anh Tư Lý thật lòng bộc bạch.

Khi bầy trâu bắt đầu no cỏ, ít chạy nhảy, ông Chí mới tìm nơi bụi cây mát nghỉ ngơi.
Khi bầy trâu bắt đầu no cỏ, ít chạy nhảy, ông Chí mới tìm nơi bụi cây mát nghỉ ngơi.

Từ con trâu cái mua được sau ngày lấy vợ, nay vợ chồng anh Tư Lý gầy được 5 con trâu thịt. Chính vì vậy, chị Kim Châu (vợ anh Tư Lý) thôi làm công nhân, ở nhà phụ chồng lo cơm nước, thu hoạch phân trâu khi anh Tư Lý và bạn dắt đàn đi ăn. Chị Kim Châu tỏ bày, trâu ăn càng no thì phân trâu càng nhiều. Tiền thu hoạch phân trâu trong tháng cao ngang với tiền công chăn trâu thuê. “Ăn ở cùng trâu tuy dơ bẩn, muỗi mòng một tí, nhưng được cái tự do, tiền công ổn định, có thời gian chăm sóc con cái ăn học. Khi nào rừng không còn, đất khu công nghiệp ở Nhơn Trạch được lấp đầy, thì vợ chồng tui mới thôi không nhận chăn trâu thuê” - chị Kim Châu tâm sự.

Anh Ba Nù cho hay, chăn trâu thuê khác với người nuôi trâu rẽ (nuôi ăn chia) ở chỗ: “Nuôi rẽ thì chủ trâu lời ít, ăn chia đôi bên không sòng phẳng và người nhận nuôi trâu rẽ luôn bị phụ thuộc vào chủ trâu. Chăn trâu theo tháng thì bên nào cũng có lợi, ăn chia rất sòng phẳng, không ai nặng nhẹ ai”.

Theo tính toán của chị Kim Châu, trung bình mỗi hộ chăn trâu thuê kiếm được gần 10 triệu đồng/tháng. Nếu nuôi thêm vài con trâu của gia đình thì họ cũng sống được.

Chờ bầy trâu của anh Tư Lý khuất dạng trong rừng tràm, chúng tôi tiếp tục lên xe máy tìm đến trại chăn trâu thuê của các anh: Ba Nù, Bảy Trai… ở gần đó. Tiếp chuyện chúng tôi khi bầy trâu đang thong thả gặm cỏ tại bãi đất trống gần Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, anh Ba Nù tâm sự, Nhơn Trạch hiện có gần chục hộ chăn trâu thuê. Hộ có đông người thì nhận cầm từ 150- 200 con trâu, còn hộ ít người chỉ nhận chăn vài chục con. Do đất thả trâu ngày càng bị thu hẹp, người chăn trâu thuê ít cố định một chỗ, mà thường xuyên di chuyển trại đến những vùng nhiều cỏ, nhiều rừng để thuê đất dựng trại. “Mùa mưa, người ta gửi trâu cho mình chăn nhiều hơn mùa khô. Lúc ấy tiền công nhiều, nhưng phân trâu thì không lấy được. Còn mùa khô thì phân rất dễ lấy, nhưng thiếu cỏ, chủ trâu sợ trâu gầy nên đem về nhà chăm sóc, làm mình thất thu tiền phân lớn lắm” - anh Ba Nù thổ lộ.

Đoàn Phú  

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều