TP.Biên Hòa đã có quy định cấm chăn nuôi heo trong các khu đô thị, khu dân cư (KDC) từ năm 2007, nhưng đến nay việc chăn nuôi heo trong thành phố vẫn tiếp diễn khiến môi trường sống của người dân ngày càng ô nhiễm.
TP.Biên Hòa đã có quy định cấm chăn nuôi heo trong các khu đô thị, khu dân cư (KDC) từ năm 2007, nhưng đến nay việc chăn nuôi heo trong thành phố vẫn tiếp diễn khiến môi trường sống của người dân ngày càng ô nhiễm. Hàng ngàn người dân đã nhiều lần kêu cứu, nhưng các cấp chính quyền vẫn chưa thể đưa ra một giải pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng này.
Nhiều trại heo vẫn mọc lên tại KP.5, phường Long Bình. |
Bất chấp việc cấm chăn nuôi trong các KDC, khu đô thị từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân tại nhiều phường, xã của TP.Biên Hòa vẫn lập trại nuôi heo khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Bên cạnh các trại heo là hàng ngàn hộ dân phải chịu cảnh “sống chung với ô nhiễm”, thậm chí phải… bỏ nhà ra đi.
* Trại heo “bao vây” nhà dân
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng người dân lập chuồng trại nuôi heo trong KDC tại một số phường, xã của TP.Biên Hòa diễn ra khá nhiều. Đặc biệt, tại các phường Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân có hàng trăm hộ lập chuồng trại chăn nuôi với số lượng từ hàng chục đến hàng trăm con heo, có hộ nuôi đến hàng ngàn con heo.
Tại phường Long Bình (ở các KP.2, 5, 5A, 8…), có hàng trăm trại heo, mỗi trại có hàng trăm con nằm xen lẫn giữa các KDC đông đúc. Việc xuất hiện các trại heo trong KDC đã làm cho môi trường sống của hàng ngàn người dân bị ô nhiễm trầm trọng, do mùi hôi thối bốc lên từ phân heo, nước thải tắm heo và rửa chuồng trại. Dạo qua một số tuyến đường ở các KP.2, 5, 8… phường Long Bình, đi đâu chúng tôi cũng ngửi thấy mùi hôi thối của phân heo. Đặc biệt, dọc các con suối nhỏ chảy len lỏi giữa KDC, mùi hôi lại càng nồng nặc hơn.
Ông Đinh Quang Bằng, Phó trưởng KP.2, phường Long Bình, cho biết hiện trong khu phố còn khoảng 120 hộ nuôi heo. Trong đó, hộ nuôi ít nhất cũng có khoảng 30 con, nhiều nhất hơn 1 ngàn con, số còn lại chủ yếu nuôi từ 500-600 con. Với diện tích khoảng 116 hécta, hơn 2.200 hộ dân sinh sống như địa bàn KP.2, các trại heo hình thành dày đặc như vậy đã gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường sống trong khu vực.
Theo lộ trình ngưng chăn nuôi gia súc trên địa bàn TP.Biên Hòa, bắt đầu từ năm 2007, UBND TP.Biên Hòa đã ban hành phương án ngưng chăn nuôi gia súc trên địa bàn kèm theo Quyết định số 220/QĐ-UBND ngày 12-2-2007. Theo đó, việc ngưng chăn nuôi gia súc trên địa bàn TP.Biên Hòa đến năm 2008 phải được thực hiện trên tất cả các phường, xã. |
Tương tự, tại các KP.4 và 5 của phường Trảng Dài, nhiều hộ dân đã vô tư mở các trại nuôi heo tự phát. Việc chăn nuôi heo của các hộ này khiến không ít hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng do môi trường sống bị ô nhiễm. Theo nhiều người dân KP.5, phường Trảng Dài, bên cạnh các trại heo thành lập trước đây, hiện có một số hộ gia đình đầu tư xây dựng mới chuồng trại để nuôi heo. Dù họ chỉ mới xây dựng chuồng, nhưng nhiều hộ dân xung quanh đã rất lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhiều người cho biết, nếu chăn nuôi ở khu vực này, nước thải từ việc tắm heo, rửa chuồng chắc chắn sẽ gây ô nhiễm môi trường sống xunh quanh, vì không có lối thoát nào khác ngoài việc thải ra môi trường.
Anh N. (ngụ tổ 23A, KP.4, phường Trảng Dài) cho biết, nằm xa trung tâm phường nên địa bàn KP.4 đã tồn tại rất nhiều trại heo. Tại đây, chỉ trong một tổ dân phố đã có hàng chục hộ nuôi heo, khiến cho hầu hết các hộ dân trong tổ phải chịu đựng mùi phân heo hôi thối nồng nặc.
Ông Đỗ Hữu Đạt, cán bộ phụ trách thương mại dịch vụ phường Trảng Dài, cho biết trên địa bàn phường có 236 hộ nuôi heo với tổng đàn gần 18 ngàn con, tập trung chủ yếu tại các KP.3, 4, 5,… Đó là con số thống kê của phường, còn trên thực tế, số hộ nuôi và số heo nuôi có thể cao hơn, vì có nhiều trường hợp khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, họ đã tìm cách chống đối, cơ quan chức năng không thể làm việc.
* Bỏ nhà vì… mùi phân heo
Quan sát thực tế tại KP.3 và 5, phường Long Bình, chúng tôi thấy hàng trăm hộ dân sống dọc 2 bên con suối nhỏ qua địa bàn mỗi ngày vẫn phải chịu trận mùi phân heo hôi thối do những cơn gió hắt thẳng vào nhà. Mặc dù đã xây bức tường cao gần 2m chắn trước cửa nhà để ngăn cách với dòng suối, trong nhà anh Minh (ngụ KP.5) vẫn còn ngửi thấy mùi phân heo nồng nặc từ con suối bốc lên.
Theo anh Minh, do lượng nước thải từ các trại chăn nuôi và cả những lò mổ heo lậu ở đây đổ ra quá nhiều, nên mấy năm trở lại đây con suối luôn đặc quánh một màu đen kịt và bốc mùi khó chịu. Xác định sẽ phải sống chung với mùi hôi thối, gia đình anh Minh và một số hộ dân sống hai bên suối đã hùn nhau xây bức tường cao cạnh con suối để che chắn bớt mùi ô nhiễm. Nhưng do mùi hôi đã lẫn vào trong không khí, nên có che chắn kiểu gì các hộ gia đình này vẫn chìm trong bầu không khí ô nhiễm.
Trại heo của ông H. tại tổ 15, 16, KP.2, phường Long Bình hàng ngày vẫn thải phân heo ra môi trường. |
Anh Minh cho biết thêm, mỗi khi mùa mưa đến, nước đổ về nhiều thì mùi hôi đỡ hơn. Còn vào mùa khô, nước suối rút xuống khiến chất thải đọng lại gây ra mùi hôi thối nồng nặc. Bên cạnh mùi phân heo, nhiều hộ nuôi heo (và lò mổ lậu) còn vứt cả heo chết và nội tạng heo xuống dòng suối, gây ô nhiễm nặng dòng nước và môi trường xung quanh.
Do sinh sống trong bầu không khí ô nhiễm từ nhiều năm nay nên gia đình anh Minh và nhiều hộ khác phải tập làm quen với mùi hôi thối. Cách đây không lâu, một số người bà con của anh Minh từ quê vào xin ở nhờ để đi làm công nhân, do không thể chịu được mùi hôi đành phải chuyển đi chỗ khác. Nhiều người trong số này cứ mỗi lần đến giờ ăn đều bị nôn thốc, nôn tháo vì không quen chịu đựng mùi phân heo cứ xộc thẳng vào mũi.
Cùng cảnh với gia đình anh Minh là câu chuyện “ly tán” của gia đình anh Hà - chị Huyền ở KP.4, phường Trảng Dài. Do sống gần trại heo của một số hộ dân trong tổ dân cư nên sau khi chị Huyền sinh con, vợ chồng anh Hà đành phải sống “ly tán”, vì sự an toàn cho đứa con mới sinh. Anh Hà cho biết, khi vợ chồng mới cưới, anh đến KP.4 mua đất xây nhà. Nhưng khi dọn đến ở, vợ chồng anh luôn phải chịu đựng mùi hôi thối từ phân heo, nước thải rửa chuồng trại của các hộ lân cận. Trước tình cảnh này, anh Hà và một số hộ dân đã phản ảnh lên phường, nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Sau ngày sinh con, chị Huyền đành phải bế con về quê ngoại ở TP.Hồ Chí Minh tá túc để tránh ô nhiễm cho đứa con mới sinh.
Trần Danh