Sống trong bầu không khí ô nhiễm bởi mùi phân heo hôi thối, hàng trăm hộ dân đã nhiều lần kêu cứu nhưng bất thành. Hàng ngày, họ vẫn phải gồng mình chịu đựng ô nhiễm, chống chọi với bệnh tật, để chờ một câu trả lời, một giải pháp hiệu quả từ các cơ quan có trách nhiệm.
Sống trong bầu không khí ô nhiễm bởi mùi phân heo hôi thối, hàng trăm hộ dân đã nhiều lần kêu cứu nhưng bất thành. Hàng ngày, họ vẫn phải gồng mình chịu đựng ô nhiễm, chống chọi với bệnh tật, để chờ một câu trả lời, một giải pháp hiệu quả từ các cơ quan có trách nhiệm.
Trao đổi với chúng tôi, rất nhiều người dân tỏ thái độ bức xúc về việc cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi heo trong khu dân cư (KDC) tồn tại nhiều năm nay.
* Nhiều lần kêu cứu nhưng bất thành
Theo ông N.V.L. (ngụ KP.3, phường Long Bình, TP.Biên Hòa), trước đây có nhiều hộ dân trong khu phố xây dựng chuồng trại nuôi heo kiếm sống. Những năm gần đây, tình trạng nuôi heo thường thua lỗ nên nhiều người đã dẹp chuồng, chuyển sang làm ăn ở lĩnh vực khác. Tuy nhiên, có không ít hộ kinh tế khá giả vẫn tiếp tục nuôi heo. Những hộ dân này, thậm chí còn đầu tư lớn để mở rộng chuồng trại. Việc để các trại nuôi heo ngay tại KDC nhiều năm qua đã khiến không ít người dân bức xúc kêu cứu các cấp chính quyền sớm giải quyết, nhưng đến nay tình trạng nuôi heo vẫn ngang nhiên tồn tại.
Nước thải từ phân heo đổ thẳng ra môi trường ở KP.5, phường Long Bình. |
Theo ông Đinh Quang Bằng, Phó trưởng KP.2, phường Long Bình, người dân phản ảnh tình trạng chăn nuôi heo gây ô nhiễm trong KDC từ nhiều năm nay thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, những phản ảnh trực tiếp, bằng đơn thư cho các cấp chính quyền... Thế nhưng, sau các cuộc kiểm tra, lập biên bản xử phạt, kể cả việc cho các hộ nuôi heo viết cam kết không tái phạm, mọi việc lại diễn ra như cũ.
Theo ông Bằng, để tình trạng nuôi heo gây ô nhiễm trong KDC tồn tại là do các cấp chính quyền chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm. Việc một số cơ quan có đề xuất phối hợp với công ty điện lực tiến hành cắt điện các hộ dân cố tình nuôi heo trong KDC hiện vẫn chưa được thực hiện, nên các hộ này vẫn ngang nhiên hoạt động.[links(right)]
Theo một số người dân, việc các cấp chính quyền lập các đoàn kiểm tra, xử phạt các hộ nuôi heo chỉ là hành động “đánh trống bỏ dùi”. Sau các cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng, tình trạng nuôi heo lại tái diễn như cũ, thậm chí còn mạnh hơn.
Cách đây khoảng 2 tháng, UBND phường Long Bình đã ban hành 60 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi heo tại KP.2 với số tiền hơn 1,2 triệu đồng/trường hợp. Trước đó, UBND TP.Biên Hòa cũng đã ban hành một số quyết định xử phạt các hộ vi phạm (12,5 triệu đồng/lần). Tuy nhiên, sau khi nhận quyết định xử phạt, các hộ dân nuôi heo vẫn hoạt động bình thường.
* Phải có chế tài đủ mạnh
Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND phường Long Bình Nguyễn Quốc Vương cho biết, trước phản ảnh của người dân, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động và cho các hộ nuôi heo viết cam kết chấp hành các quy định của Nhà nước về việc ngừng chăn nuôi trong khu đô thị, KDC. UBND phường Long Bình và UBND TP.Biên Hòa đã nhiều lần ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi heo trong KDC, nhưng mọi việc vẫn chưa thực sự có hiệu quả. Theo ông Vương, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, các ngành chức năng cần phải có giải pháp đồng bộ, cứng rắn, nếu cần thiết phải dùng đến biện pháp cưỡng chế, thì mới có thể chấm dứt được tình trạng nuôi heo gây ô nhiễm.
Phân heo chảy tràn lan ở KP.2, phường Long Bình, nhiều người vớt để làm phân bón. |
Cũng theo ông Vương, sau khi có Quyết định số 36/2013/QĐ-UBND ngày 14-4-2013 của UBND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh di dời vào vùng khuyến khích phát triển và văn bản hướng dẫn của UBND TP.Biên Hòa, địa phương đã cho rà soát lại các hộ nuôi theo đúng đối tượng và điều kiện quy định. Nhưng trên thực tế, nhiều hộ dân chỉ tận dụng các điều kiện tại chỗ để nuôi heo nhỏ lẻ kiếm thêm thu nhập, nên việc buộc họ di dời đi nơi khác sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cùng quan điểm này, cán bộ phụ trách thương mại dịch vụ phường Trảng Dài Đỗ Hữu Đạt cho biết, dù địa phương đã có nhiều biện pháp, từ tuyên truyền đến xử phạt hành chính (qua nhiều đợt kiểm tra, đã có hàng trăm hộ bị xử phạt), nhưng tình trạng nuôi heo trong KDC trên địa bàn phường chưa thể chấm dứt. Theo ông Đạt, để chấm dứt tình trạng này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và sự vào cuộc của các cấp, ngành.
Ông Đặng Văn Minh, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa, cho biết theo quy định của UBND tỉnh, các hộ nuôi heo được hỗ trợ di dời phải có số lượng heo nái từ 30 con, heo thịt từ 100 con trở lên. Trên thực tế, có nhiều hộ chỉ nuôi vài chục con heo thịt, khoảng chục con heo nái…, khó được hưởng chính sách hỗ trợ khi di dời chỗ nuôi heo, nhưng đây cũng là những cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải loại bỏ. Bên cạnh đó, quy định của UBND tỉnh cũng nêu, phải là các cơ sở chăn nuôi có đăng ký với cơ quan quản lý mới được hỗ trợ di dời. Thế nhưng, hầu hết các cơ sở nuôi heo bị người dân phản ảnh gây ô nhiễm đều hoạt động tự phát.
Trước thực trạng này, ông Minh cũng cho biết, thời gian qua, các cấp, ngành liên quan đã nhiều lần họp bàn để đề ra biện pháp giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế cụ thể, nên tình trạng nuôi heo trong KDC, khu đô thị vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Theo ông Minh, các ngành liên quan phải có một chế tài cụ thể, đủ mạnh mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Được biết, sau khi nhận được kiến nghị của UBND TP.Biên Hòa, UBND tỉnh đang phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu để ban hành giải pháp hiệu quả hơn, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi heo trong KDC, khu đô thị trong thời gian sớm nhất.
Trần Danh