Báo Đồng Nai điện tử
En

Những giáo viên ở ngôi trường đặc biệt (Bài 2)

11:11, 18/11/2013

Trường giáo dưỡng số 4 (thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an, đóng tại huyện Long Thành) là ngôi trường đặc biệt, bởi nơi đây quản lý, giáo dục người chưa thành niên có hành vi phạm pháp thuộc 10 tỉnh, thành miền Đông Nam bộ.

Trường giáo dưỡng số 4 (thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an, đóng tại huyện Long Thành) là ngôi trường đặc biệt, bởi nơi đây quản lý, giáo dục người chưa thành niên có hành vi phạm pháp thuộc 10 tỉnh, thành miền Đông Nam bộ. Các học viên ở đây được giáo viên, quản giáo tổ chức cai nghiện, chăm sóc, dạy dỗ để tự sửa chữa, từ bỏ những suy nghĩ và hành động sai trái.

Luôn kề cận, theo sát các học viên từ những buổi học văn hóa đến giờ lao động công ích là đội ngũ các giáo viên mặc áo lính. Họ không chỉ làm nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện kỷ luật, mà còn có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, lo từng bữa ăn, động viên tinh thần cho hơn 650 học viên.

* Giáo viên “dạy lại”

Lúc mới vào trường, các học viên sẽ có khoảng 3 tuần để học nội quy, nếp sống ở đội mới. Tiếp đó, nếu em nào chưa phổ cập văn hóa bậc THCS sẽ được nhà trường phân lớp cho học, số còn lại sẽ được bố trí cho học nghề tùy theo sở thích.

Một buổi học của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt”.
Một buổi học của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt”.

“Dạy văn hóa để xóa mù chữ và nâng cao kiến thức cho các em là nhiệm vụ quan trọng, nên chúng tôi thấy nghề dạy học của mình thật đặc biệt. Bước chân vào đây, các em phải học lại từ đầu. Phải luyện cho học viên từng con chữ, dạy cách chào hỏi, nói năng phải có đầu đuôi, lễ phép… Chúng tôi thường ví nghề của mình như những giáo viên “dạy lại” - Đại úy Mai Thị Thu, Đội phó Đội Văn hóa (dạy các học viên lớp 8-9), hài hước cho biết.

Trước khi về công tác tại trường, Đại úy Thu đã có 4 năm đứng lớp bậc THCS ở bên ngoài. Hai môi trường dạy học hoàn toàn khác nhau nên phương pháp giảng dạy của cô và các đồng nghiệp cũng phải thay đổi. Trước những buổi lên lớp, 18 thầy cô trong đội đều có góp ý kiến, rút kinh nghiệm từng bài giảng cho nhau, qua đó xây dựng phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng.[links(right)]

“Ở đây không giống như những ngôi trường khác, không chỉ một vài học viên cá biệt, mà đa phần các em đều đặc biệt. Ngoài giờ lên lớp, giáo viên phải tâm sự nhiều để các em hiểu, bộc lộ cảm xúc, qua đó nắm bắt được tâm lý. Nhiều em lúc mới vào thu mình một góc, tự cô lập bản thân, thầy cô phải theo dõi để kịp thời giúp đỡ” - Đại úy Thu cho biết thêm.

Công việc của một giáo viên “dạy lại” đòi hỏi Đại úy Ngô Thị Thanh (dạy lớp 6) phải thường xuyên đi sớm về khuya. Theo chị, nếu không yêu nghề, không quan tâm, sâu sát thường xuyên, thì các em sẽ mất lòng tin, sống khép kín và luôn trong trạng thái muốn trốn trường. “Có học viên năm nay đã 15 tuổi mà chưa biết chữ, nên việc dạy dỗ khó khăn vô cùng. Lại có học viên bỏ học gần 10 năm, giáo viên “dạy lại” như chúng tôi cũng bắt đầu lại như các em. Nếu không kiên nhẫn, yêu nghề thì khó thể dạy được. Cứng rắn, cương quyết rất cần, nhưng không phải bao giờ cũng có hiệu quả” - cô giáo Thanh tâm sự.

Lần giở cuốn nhật ký của một học viên vừa kết thúc thời gian học tập tại trường gửi cho mình, cô giáo Thanh xúc động giải thích: “Sống xa gia đình từ nhỏ, vào đây mất tự do, lại bị kiểm soát nên nhiều em thiệt thòi về mặt tình cảm. Ngoài cương vị giáo viên, chúng tôi luôn xem các em như con cháu của mình, dùng tình thương để cảm hóa, dỗ dành học viên tự biết vươn lên trong nghịch cảnh”.

* Cái riêng của nghề giáo

Gần 20 năm làm giáo viên dạy văn hóa, Thiếu tá Tô Thị Lan không chỉ dạy các học viên học chữ, học kỹ năng sống để biết yêu thương mọi người, mà còn có những buổi tư vấn tâm lý, sức khỏe sinh sản cho các em.

Giáo viên cùng vui chơi ngoài giờ với các em.
Giáo viên cùng vui chơi ngoài giờ với các em.

Phần lớn các em đang bước vào giai đoạn thay đổi tâm sinh lý, có khi chỉ vì một lời nói, cử chỉ vặt vãnh cũng có thể nhảy vào đánh nhau. Những vướng mắc ấy đều có thể khiến học viên rơi vào bế tắc. Học viên ở đây cần chia sẻ và tư vấn về kiến thức giới tính và chuyện tình yêu tuổi “ô mai”. Điều này đòi hỏi giáo viên phải nhạy bén hơn trong công tác giảng dạy” - cô Lan nói.

Nói về Ngày Nhà giáo 20-11, cô giáo Lan không thể quên trường hợp một học sinh tự kết chuỗi hoa dại thành vòng tròn để tặng cô. Hành động giản đơn, đôi chút vụng về ấy trở thành tình cảm đặc biệt của tình thầy trò ở Trường Giáo dưỡng số 4. Ngoài việc được lãnh đạo hỏi han, động viên, chuyện học sinh kết hoa tặng cô giáo là món quà tinh thần vô giá trong Ngày Nhà giáo 20-11. Một lời chúc của các em trong ngày này có lẽ là lời cảm ơn mà người thầy nào cũng xúc động” - cô giáo Lan tâm sự.

Thượng tá Dương Văn Đắp, Phó hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 4, cho biết: “Phần lớn các học viên vào trường đều từng vi phạm pháp luật, mỗi em mỗi hoàn cảnh khác nhau. Vì thế, cán bộ, giáo viên, quản giáo phải đem tình yêu thương của mình để cảm hóa những học sinh đang chông chênh giữa những ngã rẽ cuộc đời”.

Trung tá Đặng Văn Chính, Đội trưởng Đội Văn hóa, là một trong những người gắn bó lâu năm nhất ở Trường giáo dưỡng số 4. Bao năm nay, Ngày Nhà giáo Việt Nam với thầy không hoa, không quà, mà chỉ có ánh mắt trìu mến, sự cảm thông của tình thầy trò. “Một khi các em thấy quý trọng tình cảm thầy trò để biết vươn lên, sửa chữa lỗi lầm thì đó là quà tặng mà người giáo viên nào cũng mong muốn. Nghề giáo có nhiều vinh dự lắm. Như đang vui chơi, rèn luyện thể thao trong sân trường, nhưng khi thấy bóng mình lướt qua, dù xa cỡ nào, các em vẫn cúi đầu và gọi vang “em chào thầy”… Thật hạnh phúc biết bao!” - Trung tá Chính vui vẻ cho biết.

Bên cạnh sự nghiêm khắc, kỷ luật, tình yêu thương của các thầy cô ở đây đã phần nào giúp các em biết ân hận, nhận lỗi với việc mình đã làm để sớm trở thành những công dân sống tốt, hòa nhập với cộng đồng. Đó là trách nhiệm cần thiết của những giáo viên mang cảnh phục công an.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều