28 năm gắn bó với bục giảng, thầy Ngô Quốc Toàn (giáo viên chủ nhiệm lớp 5/3 Trường tiểu học Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) đã đóng góp cho ngành giáo dục 5 đề tài và 25 sáng kiến kinh nghiệm.
28 năm gắn bó với bục giảng, thầy Ngô Quốc Toàn (giáo viên chủ nhiệm lớp 5/3 Trường tiểu học Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) đã đóng góp cho ngành giáo dục 5 đề tài và 25 sáng kiến kinh nghiệm.
“Tôi luôn khai thác triệt để các trang thiết bị, đồ dùng dạy học trong quá trình đứng lớp. Nhờ vậy, học sinh rất thích thú học tập, đồng thời việc tiếp thu bài vở cũng nhanh hơn so với dạy “chay” - thầy Toàn nói.
* Đôi tay thợ mộc
Là con trai của thợ mộc Mười Bổn nổi tiếng ở xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch), nhưng Ngô Quốc Toàn không theo nghề cha, mà lại theo nghề gõ đầu trẻ. Năm 1984, sau khi học xong trung cấp sư phạm, thầy Toàn về dạy tại Trường THCS Cẩm Đường (xã Cẩm Đường, huyện Long Thành). Sáng thầy Toàn vượt đoạn đường trên 20km bằng xe máy đến với các em nhỏ vùng sâu. Chiều thầy lại phụ cha, giúp anh chế tác những thanh gỗ, tấm ván thành những chiếc bàn, giường, tủ xinh xắn. “Đến năm 1987, tôi xin chuyển về Trường tiểu học Phú Thạnh để được dạy học gần nhà. Tại ngôi trường mới, được đồng nghiệp khuyến khích, tôi bắt đầu chế tác những thanh gỗ, tấm ván nhỏ thành những bộ đồ dùng dạy học đơn giản. Những chiếc que tính, thước kẻ do tôi làm luôn được học sinh thích thú, đồng nghiệp khen ngợi” - thầy Toàn nở nụ cười hiền hậu nhớ lại.
Thầy Ngô Quốc Toàn cùng các trò nhỏ chăm sóc cây cảnh lúc ra chơi. |
Rồi thầy dẫn chúng tôi vào phòng làm việc, lôi từ góc phòng ra rất nhiều “bửu bối” và giới thiệu: Cái vali này chứa bộ đồ dùng dạy học âm nhạc; những cái vali kia chứa bộ đồ dùng dạy toán, kỹ thuật, mỹ thuật; còn cái tủ kia là mô hình sử dụng tranh ảnh… “Tất cả đều được chế tạo từ những tấm ván ép, thanh gỗ, sắt, nhôm vụn rẻ tiền. Còn hình ảnh thì tôi sưu tầm từ báo, mạng internet. Khi đem đi dự thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật, phát huy sáng kiến trong lao động và học tập do ngành GD-ĐT và Sở Khoa học - công nghệ phát động, 5 bộ đồ dùng dạy học do tôi thiết kế đều được giải thưởng. Riêng bộ đồ dùng dạy âm nhạc cho khối tiểu học được giải Kova năm 2008 (giải thưởng tôn vinh tấm gương tiêu biểu về khoa học - công nghệ, ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế cho xã hội, cộng đồng) - khép lại chiếc vali chứa đầy những nốt nhạc, thầy Toàn nói.[links(right)]
Để có được những bộ đồ nghề rẻ tiền mà hữu dụng đối với các học trò nhỏ, sau những tiết dạy trên lớp trở về, thầy Toàn cứ lục đục vẽ mẫu, đo, cắt, bào, đục… cho đến tận khuya. Ở nhà thiếu dụng cụ, thầy phải chạy xe máy về xưởng mộc của anh em ở xã Phú Hội mượn đồ nghề. “Có bộ dụng cụ chỉ làm vài ngày là xong, nhưng cũng có bộ, tôi phải mất nhiều năm trăn trở, làm mãi mới hoàn chỉnh mẫu. Trong quá trình dạy học tôi không chấp nhận kiểu dạy “chay”. Điều đó đã thôi thúc tôi sáng tạo, cải tiến đồ dùng học tập tự tạo cho phù hợp với các môn học, đối tượng học” - thầy Toàn bộc bạch.
* Tấm lòng thầy giáo
Năm nay bước vào tuổi 47 và đã có trên 25 sáng kiến kinh nghiệm đạt thành tích cấp quốc gia, tỉnh, huyện, thầy Toàn vẫn sung sức. Thầy Toàn cho hay, suốt 28 năm gõ đầu trẻ, thầy nhận rất nhiều danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp, giáo viên dạy giỏi, rồi bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam... Vì vậy, thầy quyết tâm phấn đấu vì thành tích chung của trường, chứ không vì mục tiêu cá nhân muốn nổi trội hơn người khác. “Bằng lòng yêu nghề, tôi không ngừng làm mới bài giảng để giúp học sinh hiểu bài nhanh, nắm vững kiến thức hơn. Với tôi, niềm đam mê ấy chưa thể tắt ở tuổi 47” - thầy Toàn tâm sự.
Ở tuổi 47, thầy Toàn vẫn nhiệt huyết dạy học như thời trẻ. |
Bên hành lang lớp học với đầy hoa và cây xanh, thầy Toàn cho biết, đó là số cây do thầy chiết cành từ nhà đem vào và do các phụ huynh học sinh tặng. Còn các bức tranh, báo tường treo ngay ngắn trong phòng học là của các học trò vẽ và do thầy sưu tầm được. “Các thầy cô giáo ở đây đều mong muốn cho lớp mình đẹp, thân thiện với thiên nhiên, hòa quyện với vùng Nhơn Trạch sông nước hữu tình. Sau mỗi năm học, tất cả cây xanh, tranh ảnh bày trí trong phòng học vẫn để lại cho lớp khác học, chứ không bỏ đi, hoặc đem về nhà cất. Nếu làm như vậy sẽ lãng phí và không sư phạm lắm” - thầy Toàn nói.
Thầy Trần Tấn Long, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thạnh (xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch), đánh giá rất cao phương pháp giáo dục “lấy người học làm trung tâm” qua các bộ đồ dùng dạy học và tranh ảnh mà thầy Toàn thiết kế. Thầy Long nói: “Nhà trường và Phòng GD-ĐT huyện luôn đánh giá cao các sáng kiến của thầy Toàn trong suốt thời gian qua. Riêng với các đồng nghiệp trong trường, thầy Toàn xứng đáng là đại diện cho lớp thầy giáo có tuổi, nhưng trái tim nghề vẫn trẻ, năng động, sáng tạo”. |
Thầy Toàn cho hay, Trường tiểu học Phú Thạnh không có chuyện giáo viên một buổi cắp cặp đến lớp dạy chiếu lệ rồi về nhà dạy thêm. Mỗi giáo viên đều có phương thức truyền thụ kiến thức cho học sinh khác nhau và luôn bám sát giáo án của mình, cũng như các quy định của phòng, sở, bộ. Bản thân thầy Toàn có nhiều sáng kiến, đổi mới hơn các giáo viên khác là nhờ thầy chịu khó mày mò, thử nghiệm các phương pháp giáo dục tích cực “lấy người học làm trung tâm” mà Bộ GD-ĐT phát động thời gian qua. “Theo tôi, muốn đổi mới phương pháp dạy học, cần biết khai thác triệt để các trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Làm như vậy sẽ giúp học sinh đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn” - thầy Toàn bày tỏ quan điểm giáo dục của mình.
Với quan điểm giáo dục như vậy và để có những tiết học sinh động, hấp dẫn học trò, ngoài việc sáng tạo các bộ đồ dùng dạy học, thầy Toàn còn sử dụng rất nhiều tranh ảnh để minh họa trong mỗi tiết dạy, hoặc chuyên đề giáo dục đạo đức, nhân cách, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội cho các trò nhỏ… Với thầy Toàn, việc sử dụng tranh ảnh trong việc dạy và học hết sức quan trọng và cần thiết, vì nó góp phần đổi mới căn bản về phương pháp dạy học; phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo; mang lại niềm vui, hứng thú cho người dạy lẫn người học. “Việc sử dụng tranh ảnh và dụng cụ dạy học hỗ trợ sẽ giúp học sinh tiếp thu bài học, giải quyết vấn đề một cách dễ dàng, để lý thuyết và thực tiễn xích lại gần nhau hơn” - thầy Toàn nhấn mạnh.
Thành Nhân