Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người không tuyệt vọng

09:11, 30/11/2013

Vượt qua nỗi lo sợ và sự mặc cảm khi biết mình nhiễm HIV, nhiều người đã hòa nhập với xã hội, trở thành những đồng đẳng viên tích cực, tuyên truyền cho mọi người cách phòng tránh lây nhiễm HIV.

Vượt qua nỗi lo sợ và sự mặc cảm khi biết mình nhiễm HIV, nhiều người đã hòa nhập với xã hội, trở thành những đồng đẳng viên tích cực, tuyên truyền cho mọi người cách phòng tránh lây nhiễm HIV. Càng làm được nhiều việc thiện, cống hiến hết mình cho cộng đồng, họ càng thấy cuộc đời thật đáng sống dù sự sống đang rút ngắn từng ngày, từng giờ…

Mỗi người trong số họ là một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai cũng cố gắng bước qua mặc cảm để sống đẹp, sống tốt từng ngày.

* Giành giật sự sống

Câu chuyện cuộc đời của chị T.S. (42 tuổi) sau khi nhiễm HIV là cả hành trình giành lại sự sống. Cách đây 3 năm, những cơn đau bắt đầu hành hạ cơ thể chị S., rồi kéo dài liên tục, xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Chị S. được gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi, từ bệnh viện lớn đến các thầy lang, nhưng không nơi nào biết rõ căn bệnh của chị. “Một lần đi bệnh viện, bác sĩ động viên làm xét nghiệm máu. Cầm kết quả xét nghiệm trên tay mà tôi không tin nổi, tỷ lệ hồng cầu chỉ đạt 4/700. Lúc ấy, bác sĩ nói… quá muộn rồi” - chị S. kể lại chuyện lúc mình mới biết tin bị nhiễm HIV mà khóe mắt đỏ hoe.

Chăm sóc, khám sức khỏe cho trẻ nhiễm HIV/AIDS ở Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
Chăm sóc, khám sức khỏe cho trẻ nhiễm HIV/AIDS ở Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Thế nhưng, khi cái chết kề cận, chị S. lại suy nghĩ lạc quan và cảm thấy cần sự sống hơn bao giờ hết. Nhờ điều trị bằng thuốc ARV (điều trị kháng HIV), ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, chị S. dần hồi phục sức khỏe. “Chưa được bao lâu, tôi biết chồng nhiễm bệnh giống mình. Hung tin ấy khiến hai vợ chồng hoang mang, luôn sống trong sự lo âu, tuyệt vọng. Nhưng không thể như vậy mãi được, còn con cái, người thân nữa, nên phải xốc tinh thần lấy lại niềm tin” - chị S. tâm sự.

Bỏ ngoài tai những lời dè bỉu, ánh mắt soi mói của một số người xung quanh, vợ chồng chị S. đã chọn cách sống tích cực. Bởi theo chị, vươn lên trong nghịch cảnh, luôn hết lòng hết sức với mọi người để xã hội thêm tươi đẹp vẫn hơn ngồi đó chờ chết vì nỗi lo bệnh AIDS. Sức khỏe dần hồi phục, họ tiếp tục đi làm và cùng nuôi dạy con cái trưởng thành.

Nhắc đến người chồng đã ra đi vì AIDS, chị T.T. (43 tuổi) chẳng muốn mở “bọc” ký ức mà chị đã khó khăn lắm mới nén chặt trong lòng. Sau khi chồng mất, không chịu được sự kỳ thị, xa lánh của người xung quanh, chị T. rời bỏ vùng quê Ninh Bình, một mình lặn lội vào Đồng Nai mưu sinh.

Nhìn lên di ảnh chồng, chị T. rầu rĩ nói: “Thời điểm năm 2005, sự kỳ thị người bị nhiễm HIV còn nhiều lắm, khiến 3 con trai của tôi phải bỏ học ở nhà. Lúc đó, tôi chỉ biết lao vào công việc để quên đi sự tủi buồn và kiếm tiền nuôi con. Nhưng đêm về lại sợ, nếu mai này mình chết, tương lai các con sẽ về đâu. Chồng tôi không có tội, tôi và những người đang chống chọi với căn bệnh này cũng vậy”.

Rồi một lần, chị T. “liều” đến Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Được sự tư vấn tận tình của bác sĩ, chị T. bắt đầu suy nghĩ tích cực, quan tâm đến việc điều trị và sức khỏe dần tốt lên. “Đến nay, gần 10 năm sống chung với căn bệnh, sức khỏe tôi vẫn ổn, đi làm và tăng ca không thiếu buổi nào” - chị T. cho hay.

34 tuổi, chồng chết, bản thân cũng nhiễm HIV, quãng thời gian đầu với chị T.L. (39 tuổi) tưởng chừng không có lối thoát. Bởi nhiều người mô tả bệnh nhân AIDS như một người đang trượt dốc, sắp xa rời dương gian. Nhưng hàng ngày chị L. vẫn đấu tranh để níu giữ lấy cuộc đời. Làm việc ở các lò mổ bò với mong muốn kiếm tiền nuôi con, bây giờ chị đã quên đi quá khứ, vượt qua mặc cảm để hướng tới cuộc sống tươi đẹp ngày mai. “Tôi sống không chỉ vì mình, mà còn vì 4 đứa nhỏ và mẹ chồng gần 70 tuổi. Khi biết mình và một đứa con bé bỏng bị nhiễm HIV, tôi cũng hét thất thanh, rồi chạy vụt ra ngoài định quyên sinh. Nhưng các con còn quá nhỏ, nên tôi không cho phép mình làm vậy” - chị L. tâm sự.

* Tìm lối đi riêng

Những ngày mới biết mình nhiễm HIV, tuy đau khổ, lo lắng nhưng không phải vì số phận éo le, bất hạnh mà những người bị nhiễm sống tuyệt vọng. Tình yêu thương, sự sẻ chia đã gắn kết họ với nhau, giúp họ xóa bỏ quá khứ, dần quên đi mặc cảm. Nhóm giáo dục viên đồng đẳng Tâm An bắt đầu ra đời từ ý tưởng của chị S., với mục đích chăm sóc cho trẻ em bị nhiễm HIV, những trẻ bị ảnh hưởng bởi “căn bệnh thế kỷ”.

Khi mới thành lập (đã được gần một năm), nhóm Tâm An chỉ có 6 thành viên nòng cốt, hoạt động ở địa bàn TP.Biên Hòa. Đến nay, nhóm đã mở rộng ra khắp các địa phương, đội ngũ tuyên truyền viên đã lên đến hàng chục người, thường tìm kiếm, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn. Sau giờ làm, các chị em trong nhóm đến các chùa, nhà thờ để tìm nguồn tài trợ.

Tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS ở Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
Tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS ở Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Kể về công việc của nhóm, chị S. trở nên hoạt bát, nhớ rõ từng trường hợp bị nhiễm bệnh, bị bỏ rơi mà nhóm đã giúp đỡ ra sao. Với chị, dù bị gia đình, xã hội xa lánh, nhưng người nhiễm, nhất là trẻ em vẫn cần tình thương hơn ai hết. “Trong tỉnh cũng có nhiều nhóm đồng đẳng, nhưng hoạt động không có mục đích cụ thể. Vì vậy, các thành viên trong Nhóm Tâm An quyết định chọn trẻ em, đối tượng cần được bảo vệ nhất. Mỗi tuần, nhóm tề tựu đông đủ để sinh hoạt, kiểm tra, đánh giá tình hình và đề ra kế hoạch hoạt động cho tháng tới” - chị S. cho hay.

Theo số liệu giám sát phát hiện tại Đồng Nai, kể từ trường hợp nhiễm HIV được phát hiện vào tháng 4-1993, đến nay toàn tỉnh đã có 6.419 người nhiễm HIV, có 2.527 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 1.459 người tử vong. Năm 2013, số trường hợp nhiễm HIV mới là 397 người, giảm về số người nhiễm, bệnh nhân AIDS và tử vong so với năm ngoái.

Hàng tháng, nhóm tổ chức trao quà, cung cấp sữa, thức ăn, áo quần cho trẻ nhiễm HIV, hỗ trợ chăm sóc y tế cho trẻ bị bệnh AIDS. “Ngoài việc được nhận quà, chúng tôi còn tổ chức cho các em vui chơi và tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng về giới tính và tình dục, sức khỏe sinh sản… Bởi nhiều em bố mẹ mất sớm, lúc đến tuổi dậy thì không có ai ở bên để tư vấn, hướng dẫn” - nhóm phó N.T. nói thêm.

Đánh giá hiệu quả công việc của các tuyên truyền viên trong nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS, bà Hoàng Thị Mai Liên, Phó trưởng khoa Truyền thông can thiệp và huy động cộng đồng (Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh) cho biết: “Hoạt động của Nhóm Tâm An rất tích cực, dù nguồn tài trợ hiện ngày một hạn chế. Nỗ lực của họ rất đáng ghi nhận, là những người “trong cuộc” nên họ hiểu rõ tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của các trẻ em bị nhiễm HIV. Mong rằng, những hiệu quả hoạt động của Nhóm giáo dục viên đồng đẳng Tâm An sẽ luôn bền vững và được nhân rộng trong toàn tỉnh”.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều