Báo Đồng Nai điện tử
En

Người giữ hồn dân tộc Chơro

09:11, 06/11/2013

Từ thuở người Chơro còn ở nhà sàn, sống bằng việc đốt rẫy, săn thú thì chiếc nỏ đã trở thành "cánh tay phải" của những người đàn ông Chơro giữ đất, giữ làng.

Từ thuở người Chơro còn ở nhà sàn, sống bằng việc đốt rẫy, săn thú thì chiếc nỏ đã trở thành “cánh tay phải” của những người đàn ông Chơro giữ đất, giữ làng. Cho đến hôm nay, đồng bào dân tộc Chơro đã có cuộc sống khá hơn trước, nhưng chiếc nỏ vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa - tinh thần.

Xuyên màn đêm sương xuống lạnh, băng qua những lô cao su bạt ngàn của các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, chúng tôi tìm đến nhà ông Điểu Chung (55 tuổi, ngụ ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất), một trong số rất ít người còn giữ được nghề làm nỏ của đồng bào dân tộc Chơro. 

* Chuyện kể bên bếp lửa

Khơi lại bếp lửa để ủ nóng vò rượu, ông Điểu Chung chậm rãi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về chiếc nỏ đã theo chân người Chơro qua bao thế hệ. Xưa người Chơro sống trải dài khắp các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ, phải đối mặt với thú dữ nên khi họ dựng nhà sàn, đi rừng, đi rẫy đều luôn mang theo rìu và nỏ để phòng thân và săn thú. Với người Chơro, cây nỏ là một vật hết sức thiêng liêng, tượng trưng cho khả năng chinh phục thiên nhiên và sức mạnh của người đàn ông. Từ những ngày còn bé, những đứa trẻ Chơro 5-6 tuổi đã được chơi với mũi tên, cây nỏ và được người lớn đưa đi rừng làm quen với việc đi săn sau này.

Ông Điểu Chung thử nghiệm chiếc nỏ.
Ông Điểu Chung vót tên cho chiếc nỏ mới làm.

“Năm 1940, cha mẹ tôi theo chân người làng đến đây phá rẫy khai hoang, đốt rừng, săn thú. Cây nỏ trên tay cha tôi là vũ khí bảo vệ gia đình và săn bắn thú rừng cải thiện bữa ăn. Hàng ngày, cứ xẩm tối ông lại cùng vài người xách nỏ, xà gạc đi vô rừng. Dường như con mắt người Chơro sinh ra đã có khả năng nhìn thấu bóng đêm, nên lần nào đi săn cha tôi cũng đem về một vài con thú nhỏ cho gia đình” - ông Điểu Chung hồi tưởng lại.

Khi ấy, rừng núi còn hoang vu, dân cư thưa thớt, thú rừng lại thường xuyên vào nương rẫy ăn hoa màu của người Chơro, nên ngày nào cũng có một số thanh niên cầm nỏ túc trực ở đó để đuổi thú. “Nào là khỉ, chồn, thậm chí cả voi rừng. Có lần, cha tôi dùng tên tẩm thuốc hạ được một con voi nhỏ. Nó chỉ bị thương, chứ không chết liền, ông lần theo dấu của nó đến tận Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) mới bắt được về. Chuyến ấy, nghe mọi người kể lại, cha tôi đi ngót nghét nửa tháng mới bắt được voi về” - nhấm nháp ly rượu nóng với vẻ khoan khoái, ông Điểu Chung kể. 

Cũng như những đứa trẻ trong làng, năm 14 tuổi, ông Điểu Chung được cha cho tập bắn nỏ lần đầu tiên. Không có bất kỳ sự chỉ dẫn nào, cha ông đưa cho ông 1 chiếc nỏ, 10 mũi tên rồi dẫn ông đi vào rừng. Ông kể, hai cánh nỏ dài hơn 1m, dây gai thì cứng tưởng như không thể kéo căng ra được, khiến ông lúng túng một lúc mới có thể lắp được mũi tên vào nỏ. Học cách sử dụng nỏ rồi ông lại phải học cách sửa nỏ, vì nếu đi giữa rừng mà nỏ bị hư thì phải biết cách xử lý. Phải mất hơn 2 tháng sau ông mới có thể “hạ” được con thú đầu tiên của mình.

“Con sóc nhỏ tôi bắn hạ được chiều hôm ấy, đối với tôi nó giống như tấm giấy khen của lũ trẻ bây giờ vậy. Tuy nó chỉ là con thú nhỏ, nhưng cũng đủ để chứng minh với cả làng rằng từ giờ phút đó tôi đã trở thành một người thợ săn thực thụ” - nói đoạn, ông Điểu Chung cầm chiếc nỏ lên diễn tả lại cảnh ông lần theo dấu con mồi trong rừng.

Câu chuyện cứ thế diễn ra cho đến hết đêm. Tiếng nổ tí tách của than củi bên trong bếp lại càng làm cho những lời kể của ông Chung thêm phần sinh động. Cứ thế, đến khi vò rượu vơi dần, cũng là lúc chúng tôi chìm vào giấc ngủ.

* Giữ gìn cội nguồn dân tộc

Sáng hôm sau, ông Điểu Chung đưa chúng tôi đến xưởng gỗ, nơi ông cất những chiếc nỏ, cùng với những dụng cụ đi rừng, đi rẫy của những thế hệ trước trong gia đình ông để lại.

Nỏ của người Chơro thường có hai loại, phân biệt dựa theo chiều dài của cánh nỏ, cũng dựa vào đó mà sẽ có mũi tên thích hợp cho từng loại. Thân nỏ được làm gỗ cứng như: rọi, cẩm lai. Cánh nỏ thì sử dụng các loại gỗ có tính đàn hồi như gỗ cau. “Ngày xưa, để làm một cây nỏ phải mất hàng tháng. Phải vào rừng tìm cây, rồi đánh dấu lại, đến một thời gian nhất định trong tháng mới đến đốn, vì khi đó chất gỗ sẽ săn chắc hơn. Gỗ sau khi đốn được đem về đẵn ra thành từng bộ phận riêng biệt, rồi dùng một con dao mác nhỏ bằng ngón tay đẽo kỹ lại, công đoạn này phải mất ít nhất cả tháng. Giờ thì tiện lợi hơn, có máy móc nên chỉ mất khoảng một tuần là tôi làm xong một chiếc nỏ” - nói đoạn, ông Điểu Chung đưa cho chúng tôi xem chiếc nỏ ông vừa làm xong.

Ông Điểu Chung vót tên cho chiếc nỏ mới làm.
Ông Điểu Chung thử nghiệm chiếc nỏ.

Đến bãi tập bắn sau xưởng gỗ, ông Điểu Chung đem chiếc nỏ còn thơm mùi gỗ mới ra thử nghiệm với những loại tên khác nhau để kiểm tra lần cuối trước khi giao cho khách hàng. Tên dùng cho nỏ được làm bằng gỗ tre, nứa, lồ ô, còn đuôi tên thì dùng lông chim. Sau này, mọi người đổi sang dùng bìa nhựa cứng làm đuôi tên, vừa bền vừa định hướng bay cho tên tốt hơn. “Nỏ của mỗi dân tộc đều có sự khác biệt về một số chi tiết chính, về kích thước, tư thế bắn… nên mỗi lần có dịp tham gia hội thi bắn nỏ với các dân tộc bạn, tôi thường quan sát thật kỹ để khi về áp dụng những khác biệt đó cho nỏ của mình” - ông Điểu Chung vừa kiểm tra độ bền của dây, vừa nói.

¬“Nỏ không chỉ sử dụng trong thi đấu thể thao, nhiều người từ khắp nơi trong tỉnh (và các tỉnh khác) tìm đến tôi đặt hàng một chiếc nỏ đem về trưng trong nhà. Nhờ đó, tôi vừa có nguồn thu nhập, vừa góp phần quảng bá nền văn hóa dân tộc Chơro đến với đồng bào các dân tộc anh em khác” - ông Điểu Chung bộc bạch.

Trong xưởng gỗ của ông Điểu Chung, ngoài các loại nỏ của người Êđê, Tày… còn có những chiếc xà gạc mà theo ông nói đã có 4 thế hệ trong gia đình ông dùng nó để phát rẫy. Ngoài việc làm đồ gỗ mỹ nghệ, trang trí nội thất, ông Điểu Chung còn là một vận động viên bắn nỏ của huyện Thống Nhất với hơn 10 chiếc huy chương của các cuộc thi thể dục - thể thao trong và ngoài tỉnh. Tuy không được truyền nghề làm nỏ, nhưng qua nhiều năm săn bắn, quan sát những người làm nỏ trong làng, ông đã rút ra được những kinh nghiệm, để bây giờ có thể làm ra những chiếc nỏ tốt cho dân tộc Chơro.

Ông Điểu Chung tâm sự: “Người Chơro chúng tôi tự hào về chiếc nỏ, nên tôi tự thấy mình có trách nhiệm bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa này. Ngày xưa, nhà nhà đều xài nỏ nhưng cũng không phải ai cũng có thể tạo ra được những chiếc nỏ tốt. Tôi may mắn được những người đi trước truyền nghề, nên cũng cố gắng góp sức bảo tồn truyền thống dân tộc”.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều