Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa nhặt hạt “vàng trắng”

11:11, 04/11/2013

Vào mùa hạt cao su rụng, người dân ở các huyện: Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất… lại tìm đến các cánh rừng cao su rộng lớn để nhặt hạt.

Vào mùa hạt cao su rụng, người dân ở các huyện: Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất… lại tìm đến các cánh rừng cao su rộng lớn để nhặt hạt. Ngoài cái bao tải lớn, người đi nhặt hạt cao su còn mang theo hộp cơm, chai nước. Họ sẵn sàng ăn, nghỉ ngay tại rừng cao su để thuận tiện cho việc nhặt hạt. Với giá 2-3 ngàn đồng/kg hạt, mỗi ngày người nhặt hạt cao su có thể nhặt gần 100kg hạt, thu về vài trăm ngàn đồng.

Ai cũng phải cúi khom người, di chuyển nhiều khi nhặt hạt cao su.
Ai cũng phải cúi khom người, di chuyển nhiều khi nhặt hạt cao su.

Hạt cây cao su chỉ bung nở vào những ngày cuối mùa mưa và kéo dài trong vòng một tháng, cho đến khi cây bắt đầu rụng lá, khép lại một chu kỳ sinh trưởng.

* Vừa nhặt vừa chạy

Thời tiết mùa này, những đợt nắng chói chang như trở thành thứ thuốc “kích thích” quả cao su chín rộ. Ban đầu là những tiếng kêu lách tách rải rác trong rừng cao su, đến khi hạt rụng vương vãi khắp nơi thì nhiều người kéo nhau đi nhặt. Thời gian thu hoạch hạt rụng chỉ kéo dài trong vòng một tháng, nên ai cũng cố gắng nhặt thật nhanh.

“Trời đương sớm, hạt chưa có mấy đâu, em muốn theo chân tụi chị thì phải trang bị “vũ khí” chống lại bọn muỗi trước, không thì có nước bỏ của chạy lấy người. Ngoài mủ cao su được ví như “vàng trắng”, muỗi cũng là “đặc sản” không thể thiếu khi đi vào rừng cao su nhặt hạt. Tụi chị phải ăn mặc kín mít từ đầu tới chân, trừ hai con mắt thôi” - chị Hà Thị Vân (36 tuổi, ngụ ấp 3, xã Suối Trầu, huyện Long Thành) hài hước cho hay.

Chị Vân nói thêm, với những cánh rừng cao su rộng hàng chục hécta, người nhặt chỉ có đau lưng, mỏi chân chứ hạt cao su không bao giờ vơi cạn. Hết chùm quả này tách vỏ lách mình rơi xuống đất thì đến lượt chùm khác. Chậm chạp là quả rụng xuống gặp sương, hơi ẩm rồi chuyển sang màu đen và bắt đầu mọc mầm nên hạt nhẹ, không có ai mua.

Người đi nhặt hạt cao su cứ việc tìm đến những cánh rừng lớn, có cây lâu năm, nghe tiếng nổ lách tách càng lớn là dấu hiệu để biết nơi này có nhiều hạt. Đổ giỏ hạt đầu tiên vào bao tải dựng ở gốc cây to, chị Nguyễn Mỹ Vy (35 tuổi) nói: “Khi tiếng hạt cao su bắt đầu nổ lách tách trong những cánh rừng cao su là dấu hiệu báo mùa nhặt hạt bắt đầu. Đi nhặt hạt cao su rất mệt, nhất là mỏi lưng. Cúi người xuống nhặt và chọn lựa từng hạt, để được một túi đầy không nhanh chút nào, phải mất cả tiếng đồng hồ đấy. Nhưng đi nhặt hạt cao su sẽ rất vui vì chị em vừa nhặt, vừa nói chuyện. Đến cuối ngày, lượng xem ai nhiều nhất để ngày mai còn phấn đấu vượt trước”.

Mùa hạt cao su rụng chỉ kéo dài trong vòng một tháng, người nhặt hạt cao su vừa nhặt, vừa chạy để đón những đợt hạt rơi xuống đầu tiên. Có lẽ vì thế mà người nhặt hạt cao su phải di chuyển nhiều và cúi người suốt ngày, nên ai cũng thuộc dạng trẻ khỏe, có sức khỏe dẻo dai.

Nhóm của chị Vy có 3 người, xuất phát ở nhà lúc 6 giờ sáng. Mất gần 30 phút chạy xe, thì họ bắt đầu đến rừng cao su ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành). Mỗi người mang theo vài cái bao tải, giỏ xách và một ít thức ăn, nước uống. Buổi trưa, họ mắc võng ngay trên cây cao su rồi ăn cơm và chợp mắt ít phút, sau đó tiếp tục công việc nhặt hạt.

Theo chị Vy, thời gian về nhà không lâu, nhưng buổi trưa là lúc quả cao su bung nở nhiều nhất, không tranh thủ lúc này thì khó đầy bao. Buổi sáng, trời còn sương, số quả sót lại chưa kịp bung nở của ngày hôm trước bắt đầu nổ lách tách, đến trưa gặp nắng thì đồng loạt tách vỏ, thi nhau rơi xuống đất. Đi giữa rừng cao su lúc này, tiếng hạt nổ nghe rất vui tai. Có những quả khi rơi xuống tự tách vỏ, hạt bay ra ngoài xa đến vài chục mét, cũng có quả vẫn đang ngậm hạt.

Trong rừng cao su lúc này có rất nhiều người nhặt hạt. Có người đến sớm, có người đến muộn. Chẳng ai tranh giành nhau, mà rất trật tự, nhưng ai cũng thể hiện tác phong nhanh nhẹn. Nhiều người nói vui, phải vừa nhặt vừa chạy để đón đầu những hạt vừa rụng, chất lượng bao giờ cũng tốt và nặng.

 Chị Vy cho biết thêm: “Hạt mới rụng còn tươi nên nặng và chúng chưa bị đổi màu nên rất bóng. Mỗi người, nếu chịu khó nhặt và chạy, chẳng mấy chốc mà bao sẽ đầy”.

* Xóm nhặt hạt cao su

Hạt cao su cứng, vỏ nhẵn bóng, có nhiều vết vằn nâu nhỏ như hạt nhãn lồng, mỗi quả chứa 3-5 hạt. Nhân hạt có nhiều tinh dầu, được các nhà máy thu mua đem về xay rồi tinh chế. Ở ấp 3, xã Suối Trầu, có gần 20 người chuyên nhặt hạt cao su, tiền thu được khoảng 150-200 ngàn đồng/ngày, nên ai cũng thấy vui.

“Mỗi năm cây chỉ cho hạt một lần, mình chỉ bỏ công ra thôi, chứ không phải mất tiền chăm bón, gieo trồng. Công nhân làm nhiệm vụ cạo mủ, còn tụi tôi thì nhặt hạt. Các nông trường, chủ vườn cũng không cấm cản, mình chỉ lo việc nhặt, chứ không phá phách gì cả. Đây thực sự là thứ trời cho, tội gì không nhặt, vừa có tiền, vừa có việc làm” - chị Đỗ Thị Hồng (26 tuổi) bộc bạch.

Cây cao su cũng biết chiều lòng người. Cứ vào đầu tháng 11, quả cao su chín, rụng xuống đất. Đây là khoảng thời gian người dân rảnh rang, mùa vụ năm sau chưa tới, nên rủ nhau đi nhặt hạt cao su. Thời gian thu hoạch hạt chưa tới một tháng. Đến khi cây hết rụng hạt thì mọi người lại vào việc của mình, hối hả chuẩn bị làm đất, trồng hoa, rau màu cho vụ tết trong năm.

Kết thúc một ngày làm việc với những bao đầy hạt cao su.
Kết thúc một ngày làm việc với những bao đầy hạt cao su.

Chị Hồng cho biết, trong xóm chị, mỗi nhà có 2-3 người, hết đi cánh rừng cao su này đến cánh rừng khác nhặt hạt, cho đến khi đầu mối không mua hạt nữa thì thôi. Gặp năm được mùa, phụ nữ, trẻ em ở các xã: Cẩm Đường, Suối Trầu, Bình Sơn… cũng kéo vào rừng nhặt hạt cao su như đi hội. Mỗi ngày, một người nhặt ít nhất được gần 100kg, nhưng không phải năm nào cũng được mùa.

“Cách đây hơn tháng, đi dọc bìa rừng, tôi thấy cây cao su nào cũng đặc quả, nằm xen giữa cành lá xum xuê, chắc mẩm năm nay sẽ nhiều hạt lắm đây. Với giá 2-3 ngàn đồng/kg hạt, mỗi ngày người nhặt chậm lắm cũng được 80-90kg, người giỏi thì trên 100kg. Chị em lại có đồng ra đồng vào chăm lo cho gia đình” - chị Thúy (30 tuổi) vui vẻ tỏ bày.

Trời bắt đầu tắt nắng, theo chân chị Thúy, chúng tôi tìm đến điểm thu mua hạt cao su ở ấp Suối Quýt, xã Cẩm Đường. Toàn ấp chỉ có 4-5 điểm thu mua nên cứ vào cuối buổi chiều, cảnh mua bán ở đây khá nhộn nhịp. Thấy khách mang hạt cao su tới, chị Lê Ngọc Quỳnh (41 tuổi) hớt hải cân đếm hạt. Dù bận rộn thu mua hạt “vàng trắng”, nhưng chị vẫn nở nụ cười khi tiếp chuyện với chúng tôi: “Chỗ tôi và mấy chị em đi nhặt hạt hoạt động trong vòng một tháng này thôi. Hàng sau khi mua về sẽ được phân loại thành 2 thứ tốt và xấu, sau đó bán cho các nhà máy”.

Nói xong, chủ cơ sở thu mua hạt cao su này lại bận rộn với công việc thường ngày, nhanh chóng cân đo, trả giá với người đi nhặt hạt. Ai cũng khẩn trương, hối hả trước khi bóng đêm sắp buông xuống.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích