Trong lúc đàn ong mải mê tìm mật nuôi tổ, Nguyễn Văn Chấn và nhóm bạn nuôi ong (tạm trú tại ấp 3, xã Phú Tân, huyện Định Quán) cũng cố tìm cho mình chút thảnh thơi nơi những xóm làng heo hút để nhẹ vơi cô đơn trong thời gian dưỡng đàn. Để rồi đến tháng Chạp, Chấn và đàn ong tiếp tục di chuyển đến những vùng quê xa xôi khác để tìm hoa thơm, cỏ lạ.
Trong lúc đàn ong mải mê tìm mật nuôi tổ, Nguyễn Văn Chấn và nhóm bạn nuôi ong (tạm trú tại ấp 3, xã Phú Tân, huyện Định Quán) cũng cố tìm cho mình chút thảnh thơi nơi những xóm làng heo hút để nhẹ vơi cô đơn trong thời gian dưỡng đàn. Để rồi đến tháng Chạp, Chấn và đàn ong tiếp tục di chuyển đến những vùng quê xa xôi khác để tìm hoa thơm, cỏ lạ.
Tuy là thời kỳ dưỡng ong, nhưng việc thường xuyên thăm thùng, kiểm tra sức khỏe ong đối với người nuôi rất quan trọng. |
Vừa tìm được chỗ lưu trú cho đàn ong được vài ngày, Chấn bị những người dân trồng lúa ở ấp 2, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) dứt khoát buộc phải di dời đàn ong đi nơi khác. Những người trồng lúa ở đây cho rằng, chính đàn ong của Chấn đã hút hết phấn của đám ruộng và là nguyên nhân làm mùa màng thất bát. “Dì Tư Hạnh còn bắt mấy con ong bỏ vào bịch để làm bằng chứng, tất tả mang đến trại em mắng vốn. Dì Tư Hạnh dứt khoát cho rằng, ong là côn trùng có hại đối với mùa màng, buộc em phải di chuyển đàn đi nơi khác. Với những người không hiểu chuyện, em có thể giải thích, thuyết phục để bà con hiểu, cảm thông cho đặt thùng. Riêng với những người cố tình gây khó dễ, em đành bấm lòng chuyển đàn đi nơi khác nhằm tránh xung đột, đàn ong bị đánh thuốc” - Chấn thổ lộ sau khi thuê xe di cư đàn ong về ấp ấp 3, xã Phú Tân tốn kém hết 5 triệu đồng.
* Mùa dưỡng ong
Thêm một lần nữa, Chấn thật sự lo lắng khi đàn ong của mình đốt (chích) một nông dân vườn cà phê kế bên (do người này sơ ý khuấy động bầy ong trong quá trình dọn vườn). Chấn tâm sự, ong bản tính vốn rất hiền, chúng chỉ đốt những ai nghịch ngợm chọc phá tổ của chúng mà thôi. Tuy nhiên, đôi lúc chúng cũng trở nên hung dữ khi ai đó cố tình phá tổ chúng hoặc tìm cách bắt, đuổi chúng khi chúng đang hút mật. “Mỗi lần di chuyển đàn ong em phải tốn thêm vài triệu đồng. Trong quá trình tìm chỗ cho ong cư trú, chẳng may ong của mình đốt người ta thì gặp rắc rối đủ điều, như: bị kiện ra chính quyền, buộc phải bồi thường và chuyển ong đi nơi khác. Với điều kiện nuôi hiện tại, nếu phải di chuyển đàn đột ngột rất chật vật” - Chấn trần tình.
Anh Nguyễn Trường Sơn (người dân ấp 1, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) cho hay, nếu sinh hoạt không tử tế với dân địa phương, người nuôi ong dễ bị trục xuất đi nơi khác bởi các lý do, như: xung đột với dân địa phương vì chị em phụ nữ; ong đốt người khác; nợ nần và rượu chè, cờ bạc bê tha. “Người nuôi ong chẳng khác nào con ong khi mượn bóng mát trú ngụ, không bao giờ cố định mãi một chỗ” - anh Sơn nói. |
17 tuổi, Chấn đã rời Quảng Nam theo người thân vào Đồng Nai làm rừng. Trong quá trình làm rừng, Chấn thấy người ta nuôi ong vừa lãng tử, thu nhập lại cao nên mạnh dạn xin được làm công việc nuôi ong thuê cho một người tên Thành ở Định Quán. Sau vài năm nuôi thuê, tích lũy cho mình được ít kinh nghiệm và vốn, Chấn mạnh dạn đề xuất với chủ ong tên Thành nhường lại cho mình 50 thùng ong (với số tiền vào thời điểm năm 2008 là 60 triệu đồng), dù trong tay chỉ có được hơn 20 triệu đồng làm vốn. Để khởi nghiệp từ 50 thùng ong, Chấn phải huy động nhiều nguồn từ người thân và vay bên ngoài. “Phần lo cho ong thì em đã trù tính đủ cho đến mùa khai thác mật. Riêng chi phí cuộc sống hàng ngày thì em phải biết lấy ngắn nuôi dài. Chính vì vậy, đi đến đâu em cũng tranh thủ hỏi thăm người dân địa phương để tìm việc làm” - Chấn chia sẻ.
Công việc làm thêm của Chấn trong thời kỳ di cư đàn ong về ấp 3, xã Phú Tân là làm cỏ bắp, hái cà phê, chặt mía... “Giờ em đã nhân đàn lên được 150 thùng rồi, em phải tự túc từ đây cho đến tháng Chạp. Hết thời kỳ dưỡng ong và bước vào thời kỳ thu mật thì mọi khó khăn của em lập tức được đàn ong chia sẻ. Việc di chuyển đàn ong về các vùng mật giờ gặp khó khăn hơn trước rất nhiều, như: đã có người khác chiếm chỗ, bị dân địa phương phản đối, chi phí vận chuyển cao hơn trước. Chính vì vậy mà em phải tính toán thật kỹ, tìm vùng nhiều mật để dưỡng ong và nơi có việc làm để tự nuôi sống mình các anh à” - Chấn vừa kiểm tra đàn ong, vừa tâm sự.
* Phiêu bạt cùng ong
Cùng nhóm bạn nuôi ong của Chấn tại xã Phú Tân có 6 người gồm: Năm Vĩnh (200 thùng), Dũng Lùn (250 thùng), Hùng Râu (300 thùng), Chín Lệ (270 thùng), Sáu Te (250 thùng), Dương Chí (300 thùng). Mỗi người tự chọn một hộ dân để xin đặt thùng. Anh Hùng Râu cho biết, để cho đàn ong đủ mật rừng, mỗi đàn phải đặt xa nhau trong phạm vi bán kính 2 km. Trước khi tìm địa điểm cư trú cho ong, nhóm phải cử người đi khảo sát địa bàn, liên hệ với người dân địa phương và chính quyền địa phương để người cùng ong tá túc. “Cánh thanh niên còn khảo sát thêm cho mình nơi nào có gái đẹp, đàn bà góa để tán tỉnh, cốt cho vơi nỗi cô đơn trong những tháng ngày xa nhà, vợ con” - anh Hùng Râu nửa đùa nửa thật nói.
Tuy mỗi người một quê, đặt thùng xa nhau hàng cây số nhưng người nuôi ong luôn tìm đến nhau để trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau khi khai thác mật. |
Là người nuôi ong có tiếng ở tỉnh Đắk Lắk, Dương Chí sau khi di cư đàn ong về xã Phú Tân (nơi có nhiều cà phê, tiêu, điều, thuốc lá mùa dưỡng đàn) ông cứ nhẩn nha tìm các chị sồn sồn góa chồng tán gẫu. Dương Chí vốn là người nuôi ong rất mát tay, đàn ong trên 300 thùng của ông mỗi vòng quay mật luôn đạt xấp xỉ gần 3 tấn mật (từ 7 - 12 ngày/lần). Vậy mà Dương Chí luôn điện thoại về nói dối vợ, nuôi không lãi, chỉ dư giả được vài chục triệu đồng sau mỗi lần quay, chỉ đủ trang trải cho sinh hoạt và tái đầu tư. “Mình chỉ gửi tiền về cho bà xã đủ nuôi mấy đứa nhỏ và có thêm chút đỉnh để chi tiêu hàng ngày. Hơn nữa, ở nhà bả còn 2 hécta cà phê nên dư giả nuôi con khi chồng đi xa. Con ong nó cũng như người nuôi vậy, không chịu ở cố định một chỗ để tìm mật, thích đi đây đó” - Dương Chí tỏ bày với chúng tôi.
Hai người bạn nuôi ong Đặng Quốc Hòa, Nguyễn Văn Thắng (dưỡng ong tại ấp 2, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) bức xúc tỏ bày: “Không biết từ đâu rộ lên thông tin ong là thứ côn trùng phá hại mùa màng nên khi chúng tôi di ong về dưỡng gặp sự phản đối của rất nhiều nông dân. Chính vì vậy, người nuôi ong chúng tôi rất mong được chính quyền hỗ trợ, tuyên truyền để nhân dân hiểu ong là côn trùng có lợi, giúp mùa màng bội thu chứ không phải là loài côn trùng gây hại như tin đồn”. |
Cũng theo ông Dương Chí, nghề nuôi ong mật buộc phải bôn ba đây đó, không thể ở cố định một chỗ quá lâu. Kết thúc mùa đánh mật (từ tháng 12 năm cũ đến tháng 4 sang năm mới) thì phải di chuyển đàn về những nơi có nhiều hoa: tràm (bạch đàn), lúa, bắp, cà phê, cao su, điều, cây ăn trái... để dưỡng ong (từ tháng 5 đến tháng 11). Người nuôi ong chỉ quay lại nơi đặt thùng cũ chỉ khi nơi đó không có ai đưa ong đến đặt trước mình hoặc nơi cũ vẫn còn nhiều hoa cỏ như năm trước. Ông Dương Chí nói: “Thường tụi tôi đi theo nhóm, vừa để hỗ trợ kinh nghiệm, ong chúa, công lao động cho nhau. Đồng thời, chia sẻ nhau những lúc khó khăn và cả chuyện tình cảm”.
Bên đàn ong đang vo ve hút đường, phấn hoa (để trong các thùng nuôi), ông Hùng Râu tâm sự với chúng tôi, người nuôi ong lãng tử như con ong vậy. Nay chỗ này, mai chỗ khác và rất khó cố định một phương. Chuyện gia đình, chăm sóc con cái đều giao cho vợ ở quê nhà. “Đâu phải người nuôi ong nào tính tình cũng lả lơi ong bướm với các bà các cô góa chồng khi xa vợ. Vì đàn ong là cả tài sản của mình, chăm không khéo thì đổ nợ, vợ con ở nhà nheo nhóc. Tuy vậy, người nuôi ong cũng có nỗi buồn thầm kín khi vợ ở nhà sinh chuyện xa mặt cách lòng. Ngày về thăm nhà nghe lắm điều thị phi về vợ nên tụi này cũng chán chường lắm, đành đón xe quay lại với đàn ong, rẫy vườn” - ông Hùng Râu đượm buồn tâm sự.
Đoàn Phú