Báo Đồng Nai điện tử
En

Lời xin lỗi qua nét chữ

09:11, 11/11/2013

Viết về mình đã khó, kể về những sai lầm, hành động thiếu suy nghĩ của bản thân lại càng khó khăn gấp bội phần.

Viết về mình đã khó, kể về những sai lầm, hành động thiếu suy nghĩ của bản thân lại càng khó khăn gấp bội phần. Nhưng chính những chia sẻ trong phong trào viết thư “Gửi lời xin lỗi” do Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII, Bộ Công an) tổ chức đã giúp các em học viên ở Trường Giáo dưỡng số 4 (thuộc Tổng cục VIII, đóng tại huyện Long Thành) trút bỏ được những day dứt, trăn trở, ân hận để bắt đầu làm lại cuộc đời.

Chúng tôi may mắn khi được Trường Giáo dưỡng số 4 tạo điều kiện ngồi suốt một ngày tại Phòng Giáo vụ - hồ sơ để đọc lại những lá thư xin lỗi của các học viên. Có lá thư với dòng chữ rõ ràng, trau chuốt, nhưng cũng có nhiều lá thư có nét chữ nguệch ngoạc, lời diễn đạt mộc mạc và đơn sơ.

* Ngàn lời xin lỗi

Mỗi lá thư của học viên khi gửi đến gia đình của các em, thân nhân người bị hại hay người bị hại… đều rất chân thành, tâm huyết và chạm đến trái tim người nhận. Bao đêm thao thức không ngủ, những lời nói chứa chan ý nghĩa sâu sắc cứ chực tuôn trào, nhưng khi đặt bút thì chẳng thể nên câu. “Có lẽ, em nên dành hết trang giấy này để viết hai từ xin lỗi, vì chỉ như thế mới nhẹ lòng và vơi bớt sự ân hận…” - học viên N.T.N. (quê tỉnh Lâm Đồng) mở đầu câu chuyện trong thư với tâm trạng day dứt.

Bà nội căn dặn, động viên cháu tiến bộ trong học tập.
Bà nội căn dặn, động viên cháu tiến bộ trong học tập.

N.T.N. vào trường vừa được 2 tháng, thời gian ấy chưa đủ để em tự tin hòa nhập với cuộc sống mới, nó khác hẳn với mọi thứ bên ngoài và trong suy nghĩ non nớt của tuổi 15. Trong bức thư viết nắn nót nhưng nhòe đi vì nước mắt, em tâm sự với người bị hại: “Cô chú thân mến, con là N.T.N., người đã đe dọa tiệm vàng của cô chú… Bây giờ, con muốn nói ra một ngàn câu “ước gì thời gian quay trở lại”, con sẽ không làm như vậy để giờ đây phải xa gia đình, cách ly với cuộc sống tự do của xã hội suốt 2 năm…”.

N.T.N. nghẹn ngào chia sẻ, từ lúc vào đây, em chưa một lần được gia đình ghé thăm. Cha mất khi em còn nhỏ, 2 chị gái lấy chồng xa, chỉ còn mẹ già năm nay đã 62 tuổi đang mong ngóng em từng ngày. “Con biết, bây giờ gia đình và đặc biệt là mẹ, sẽ rất buồn phiền và đau khổ khi đứa con trai lại làm một việc trái với đạo đức, lương tâm và pháp luật…”.

Thiếu tướng - Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục VIII, cho biết: “Cuộc vận động viết thư “Gửi lời xin lỗi” nằm trong các hoạt động giáo dục, hướng thiện cho các em học viên. Qua đó, nhằm giáo dục các em nhận rõ lỗi lầm, hối hận về hành vi vi phạm pháp luật của mình để quyết tâm học tập, cải tạo và sớm trở về hòa nhập cộng đồng”.

Lúc cầm bút viết thư, hay khi có ai gặn hỏi về nguyên nhân vào trường là mỗi lần P.H.M (15 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang) cảm thấy tự ti, muốn quên những gì đã diễn ra trong quá khứ. Ban đầu em còn e ngại, nhưng càng tâm sự, M. càng muốn trút bớt lỗi lầm ấy. Có lẽ, đây là cơ hội duy nhất để em được nói lên những suy nghĩ của mình.

“Hình ảnh khủng khiếp khi bà cụ đang nằm trên vũng máu cứ ám ảnh con. Trời ơi! Tại sao con chính là người gây ra cảnh tượng đó chứ… Sao con có thể cướp đi mạng sống của một người hàng xóm chứ. Đầu óc, lương tri của một con người đâu mất rồi” - M. nhắc lại những dòng chữ gửi cho gia đình bị hại rồi xót xa, dằn vặt với hành động điên dại của mình. Tất cả chỉ vì em quá ham chơi, muốn có thật nhiều tiền để đua đòi theo đám bạn xấu. Những trò chơi điện tử mang tính bạo lực vô bổ luôn ám ảnh, hiện diện trong suy nghĩ của em. Hồn nhiên, M. chia sẻ: “Đón 2 cái tết ở trong này buồn lắm, chỉ còn 2 tháng nữa em được về nhà…”.

Trong hơn 630 lá thư “gửi lời xin lỗi” của các học viên Trường Giáo dưỡng số 4 gửi đi, có 10 lá thư của các em không biết chữ. Chưa một lần uốn trọn nét chữ nhưng khi nghĩ về gia đình, bạn bè các em vẫn tập tành viết, hoặc nhờ bạn viết thay.

V.H. (quê tỉnh Lâm Đồng) bộc bạch trong thư: “Mẹ ơi, hơn 14 tuổi con mới được đi học. Vì vậy, bây giờ con mới biết chữ, biết cầm sách mà đánh vần, biết cộng - trừ - nhân - chia. Đây là niềm hạnh phúc và sung sướng nhất của đời con. Chữ con còn xấu, hẹn thư sau con sẽ tự viết bằng chữ của mình… Con xin lỗi nhiều lắm!”.

* Nẻo về tươi sáng

Tại buổi lễ sơ kết phong trào viết thư “gửi lời xin lỗi” của Trường Giáo dưỡng số 4, nhiều giọt nước mắt đã rơi khi người viết đọc lại lời phản hồi từ phía người nhận.

Ông P.V.M. (ngụ tỉnh Bình Phước) gửi thư cho con trai P.V.C. với lời nhắn nhủ dung dị, nhưng giàu tình thương: “Con ạ! Cuộc đời con người không thể tránh khỏi những lần mắc lỗi. Dù lời xin lỗi của con nói ra lúc này có hơi muộn, nhưng cha rất vui vì con đã biết nhìn lại chính mình… Hãy dũng cảm lên con nhé, cha mẹ luôn chờ đợi và hy vọng vào con rất nhiều”. Hay thư động viên của UBND phường Bình Hưng Hòa A (TP.Hồ Chí Minh) gửi cho học viên P.M.Q: “Các cô chú trong UBND phường rất mừng vì sự tiến bộ của em và mong em hãy thể hiện sự tiến bộ của mình bằng hành động cụ thể”.

Nẻo về luôn rộng mở vì người thân luôn quan tâm, kề cận.
Nẻo về luôn rộng mở vì người thân luôn quan tâm, kề cận.

Chúng tôi tiếp tục đọc lá thư của học viên N.C.K. (14 tuổi, ngụ TP.Hồ Chí Minh) gửi cho bà nội của mình, với nội dung: “Con sinh ra và lớn lên đã chịu nhiều thiệt thòi, ba mẹ của con đều gây tội ác cho xã hội và đều mất sớm khi con còn rất nhỏ. Chính bà nội là người chăm sóc, nuôi dưỡng con trưởng thành, nội như người mẹ thứ hai của đời con, tình cảm của nội dành cho con không gì sánh bằng… Vậy mà, con đã làm nội buồn…”.

Gặp nhau tại buổi lễ hôm ấy, hai bà cháu K. tíu tít nói chuyện liên hồi. Hơn ba tháng, bà mới ghé thăm cháu, nên họ có quá nhiều chuyện để tâm sự. Từ việc thăm hỏi sức khỏe của bà nội thế nào? Ăn nghỉ ra sao? cho đến việc bà xuống thăm cháu bằng phương tiện gì?...

Nhìn chiếc áo của bà nội K. thấm đẫm mồ hôi, đôi mắt rướm lệ hạnh phúc vì lá thư của cháu nội bà được trao giấy khen, chúng tôi không khỏi vui lây. Cụ bà 73 tuổi dặn dò cháu nội: “Bà già rồi, không lên thăm nom như đợt trước mày vào đây nữa. Lần này cố gắng học tập, tu sửa để sớm về nhà nha. Bà không bỏ con đâu, chỉ sợ con lại trốn nhà như mấy bận khác. Nếu đã biết hối hận, mai mốt về, con thích học nghề gì thì bà sẽ lên kiến nghị với chính quyền tạo điều kiện cho con ăn học nghe hông…”.

Biết đứng dậy sau vấp ngã, xác định con đường phục thiện, chắc chắn các em sẽ sống có trách nhiệm hơn đối với chính bản thân mình, gia đình, cộng đồng. Hãy tự tin vì nẻo về của các em luôn thênh thang và tươi sáng…

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều