Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi thay ở các làng dân tộc thiểu số

10:11, 03/11/2013

Trong cái lạnh buổi sớm, già làng Nguyễn Văn Hoằng (khu định canh định cư Chơro, ấp Nhân Hòa, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) vẫn phong phanh chiếc áo mỏng làm việc.

Trong cái lạnh buổi sớm, già làng Nguyễn Văn Hoằng (khu định canh định cư Chơro, ấp Nhân Hòa, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) vẫn phong phanh chiếc áo mỏng làm việc. Chỉ đám lúa đang trổ đòng, già Hoằng nói: “Cán bộ chỉ cho mình yêu hạt gạo là phải biết cách sản xuất thật nhiều lúa gạo, đưa máy móc vào sản xuất, chứ không phải như tập tục của ông bà trước đây, sợ hạt lúa đau nên phải dùng tay tuốt từng bông, rất mất thời gian và lãng phí công sức”.

* Người Chơ - ro quý cán bộ

Để hiểu tình cảm của đồng bào Chơro tại khu định canh định cư (ĐCĐC) ấp Nhân Hòa, Phó chủ tịch MTTQ xã Trung Hòa Đinh Mạnh Tình lấy xe máy đưa chúng tôi vào thăm làng. Chỉ trong 15 phút, chúng tôi đã đến nhà già làng Nguyễn Văn Hoằng với đồi đá, vườn tược, ruộng lúa xung quanh rất hữu tình. Già Hoằng niềm nở nói: “Tấm lòng người dân Chơro của mình luôn hướng về Đảng, về Bác Hồ và mãi khắc ghi điều cán bộ xã, huyện, tỉnh đã giúp đỡ người dân mình suốt thời gian qua”.

Lớp học dành riêng cho con em dân tộc Chơro ở ấp Nhân Hòa, xã Trung Hòa.
Lớp học dành riêng cho con em dân tộc Chơro ở ấp Nhân Hòa, xã Trung Hòa.

Tuy chúng tôi là người lạ, nhưng già làng Hoằng vẫn cởi mở tấm lòng đón tiếp. Già lý lẽ rất thật bụng: “Cán bộ Tình là bạn của làng, là bạn bè của 54 hộ, 171 nhân khẩu của khu ĐCĐC này”. “Khu ĐCĐC của mình ấm no, phát triển, người dân làng mình mừng một, cán bộ xã, huyện mừng hai, vì Nhà nước đầu tư cho từng khu ĐCĐC như nhau, hộ gia đình bằng nhau, nhưng khu ĐCĐC của mình thay đổi, dân mình biết làm ăn thì sao cán bộ không vui, không mừng cho được” - già làng Hoằng thổ lộ.

Sau khi kể chuyện làm ăn của gia đình mình, già Hoằng bắt đầu kể về đời sống của bà con trong khu ĐCĐC: “Trong khu hiện chỉ còn hộ gia đình thằng Kẹn, thằng Khanh nghèo do ham uống rượu hơn làm ăn. Số hộ còn lại đều no ấm vì chịu khó làm ăn, con cái lớn lên biết đi làm công nhân. Tuổi trẻ bây giờ sướng hơn mình gấp trăm lần cán bộ à. Mỗi khi ra đường là có chiếc xe máy cõng đi, giao thông, trường học đều có sẵn” - già Hoằng nói.

Để chúng tôi được nhìn thấy cảnh sung túc, ấm no ở từng nóc nhà trong khu ĐCĐC, già Hoằng dẫn chúng tôi đi thăm một vòng khu để nhìn tận mắt cuộc sống đủ đầy từ những căn nhà xây khang trang, đầy đủ tiện nghi, như: ti vi, máy quạt, xe máy, bếp gas… “Từ khi có đường điện, ở thành thị bán thứ gì, người dân làng mình đều mua để trong nhà sinh hoạt. Riêng cái bằng đại học thì con em mình chưa có ai mang về khoe làng” - già Hoằng tỏ bày.

Thấy chúng tôi chưa hiểu ý câu nói của già Hoằng, cán bộ Tình giải thích: “Hiện trong khu ĐCĐC này chỉ có 2 em đạt trình độ cao đẳng, trên chục em có bằng trung cấp nghề và đang học THPT nội trú trường tỉnh. Thời gian gần đây, người dân trong khu rất quan tâm đến việc học của con em. Vì vậy, tôi tin vài năm tới, trong khu ĐCĐC sẽ có em học đại học thôi”.

* Khởi sắc qua các chương trình

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Tiến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trảng Bom, cho biết khu ĐCĐC của người dân Chơro ấp Nhân Hòa vẫn chưa phải là khu ĐCĐC kiểu mẫu của huyện. Ông Tiến nói: “Nếu nói đến những khu ĐCĐC, vùng đồng bào dân tộc kiểu mẫu, sung túc, phát triển của huyện, phải kể đến các xã, như: Bàu Hàm, Cây Gáo, Bình Minh… Những nơi này, cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người không thua kém gì các hộ người Kinh. Những nông dân là đồng bào dân tộc Hoa, Tày, Chơro… có con em học đại học, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm không hiếm”.

Những nông dân người Hoa (xã Bàu Hàm) trao đổi về kỹ thuật chăm sóc cây tiêu.
Những nông dân người Hoa (xã Bàu Hàm) trao đổi về kỹ thuật chăm sóc cây tiêu.

Theo ông Tiến, những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án ưu tiên đầu tư vùng đồng bào dân tộc với kinh phí hàng chục tỷ đồng, như: tuyến giao thông liên xã Sông Thao - Bàu Hàm, Thanh Bình - Cây Gáo và hệ thống giao thông các xã: Cây Gáo, Sông Trầu, xã Đồi 61; chương trình 135 giai đoạn 2 về đầu tư cơ sở hạ tầng cho 22 công trình mới tại 11 ấp đặc biệt khó khăn của 6 xã khu vực 2 với tổng kinh phí trên 7,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện xây dựng đề án chương trình 134 của Chính phủ về “hỗ trợ sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch”, như: 140m2 đất ở/hộ cho 15 hộ dân, 210 căn nhà xây, 10 cụm nước sinh hoạt cho 332 hộ dân… với kinh phí trên 10 tỷ đồng.

Theo ông Trần Xuân Tiến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trảng Bom, trong công tác dân tộc, phải lấy con người làm trọng tâm. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bao giờ cũng đặc biệt quan tâm, ưu tiên đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. “Theo tôi, việc lo cái ăn, cái mặc đối với đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay tạm ổn. Tuy vậy, để điều đó mang tính ổn định, bền vững và bứt phá thì cần phải ưu tiên đầu tư về con người (học tập, học nghề, tham gia chính trị - đoàn thể…) và văn hóa tinh thần cho 26 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện” - ông Tiến nói.

Huyện Trảng Bom còn triển khai chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại 11 ấp đặc biệt khó khăn bị thiếu đất, hoặc không có đất sản xuất chuyển đổi nghề nghiệp với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng; đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, như: hỗ trợ học phí, cải thiện vệ sinh môi trường với kinh phí hơn 1,5 tỷ/1 ngàn đối tượng… “Từ sự quan tâm đầu tư của huyện, tỉnh cùng với sự nỗ lực của người dân, nhất là vai trò đầu tàu gương mẫu của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng…, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số tại các khu ĐCĐC ngày càng khởi sắc và phát triển rất rõ nét” - ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Lê Kim Bằng, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, cho rằng trong quá trình thực thi các chính sách về dân tộc, huyện luôn quan tâm, theo dõi và chỉ đạo các địa phương trong việc thực hiện các nhóm giải pháp, như: tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện chính sách dân tộc; tuyên truyền chính sách dân tộc đến mọi đối tượng, đơn vị; đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường trong đồng bào dân tộc thiểu số… “Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng đến giải pháp chăm lo giải quyết kịp thời những vần đề nảy sinh trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách dân tộc cần phải xây dựng kế hoạch, bằng chương trình hành động của các cấp, các ngành chức năng thì mới thành công” - ông Bằng khẳng định.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều