Linh hoạt, và sâu sát, đó là cách mà các cán bộ tuyên truyền thuộc Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.Biên Hòa đã áp dụng trong quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân.
Linh hoạt, và sâu sát, đó là cách mà các cán bộ tuyên truyền thuộc Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.Biên Hòa đã áp dụng trong quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân. Phụ trách một trong những lĩnh vực “nóng”, nhưng với sự khéo léo, các báo cáo viên đã góp phần kéo giảm tình trạng vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực này.
* Cặn kẽ trong từng tình huống
Điều khiển xe tải vượt quá tốc độ cho phép trong khu dân cư, tài xế V.Q.H. (ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đã bị CSGT lập biên bản vi phạm. Đến Đội CSGT Công an TP.Biên Hòa để giải quyết thủ tục vi phạm hành chính, ông H. không chỉ nộp phạt, mà còn được cán bộ tuyên truyền thuộc Đội CSGT nhắc nhở các quy định của pháp luật trong Luật Giao thông đường bộ.
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa chỉ dẫn các quy định của Luật Giao thông đường bộ cho người dân. |
Ông H. cho biết, mặc dù đã học luật trước khi cầm lái, nhưng vì lo làm ăn nên lâu dần ông đã quên gần hết. Khi được CSGT nhắc nhở trực tiếp và cặn kẽ từng tình huống mà Luật Giao thông quy định, ông thấy dễ nhớ và nhớ lâu hơn. “Được CSGT chỉ ra lỗi vi phạm, tôi mới thực sự “ngấm” luật. Nay đến làm thủ tục xử lý, tôi lại được cán bộ CSGT cấp thêm tài liệu hướng dẫn, nên đã nắm rõ hơn các quy định của Luật Giao thông đường bộ trong quá trình điều khiển xe tải” - ông H. nói.
Tạm dừng việc giải thích pháp luật giao thông cho một số người dân đến làm thủ tục xử lý vi phạm hành chính tại Đội CSGT trong giây lát, Trung tá Đỗ Huy Hòa, Phó đội trưởng Đội CSGT Công an TP.Biên Hòa, chia sẻ với chúng tôi, ngoài các buổi tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ tập trung, mỗi khi gặp các tình huống cụ thể, hay những câu hỏi chi tiết của người dân (kể cả người vi phạm), tôi lại rút cho mình một bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền.[links(right)]
Trung tá Hòa kể, một lần tham gia buổi tọa đàm do Thành đoàn TP.Biên Hòa tổ chức, ông được các đoàn viên đặt câu hỏi: “Trong quá trình tham gia giao thông, khi gặp những đoạn đường nhiều ổ gà, ổ voi, người tham gia giao thông có thực hiện được văn hóa giao thông hay không?”; hay như: “Những phụ nữ ăn mặc “mát mẻ” khi ra đường có bị xem là vi phạm về văn hóa giao thông hay không?”… Trước những câu hỏi thú vị, lại sát sườn với cuộc sống như thế, Trung tá Hòa đã không ngần ngại trả lời cặn kẽ cho từng người.
Đối với câu hỏi của các bạn trẻ, sau khi điểm lại các nội dung về văn hóa giao thông, Trung tá Hòa nói thêm: “Văn hóa giao thông không có nội dung nào quy định khi gặp đường hư thì người tham gia giao thông không thực hiện văn hóa giao thông; hay ăn mặc “mát mẻ” là vi phạm văn hóa giao thông. Việc thể hiện hành vi văn hóa giao thông chủ yếu xuất phát từ ý thức của mỗi người. Khi bước ra đường, mỗi người phải tự xem lại mình, đừng để mình làm ảnh hưởng đến sự an toàn cho mọi người, thì đó đã là văn hóa giao thông rồi”.
Theo Trung tá Hòa, trước những tình huống cụ thể, các chiến sĩ CSGT luôn tìm cách giải thích thật cặn kẽ và dễ hiểu để mọi người cùng thấy được trách nhiệm của mình trong quá trình thực thi pháp luật.
Nói về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên lĩnh vực giao thông, Thiếu tá Trần Trọng Thủy, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP.Biên Hòa, cho biết: “Để đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông cho người dân, lãnh đạo đội và các chiến sĩ CSGT khi làm nhiệm vụ, ngoài nắm vững kiến thức pháp luật, còn phải tìm hiểu đặc điểm vùng miền và tập tục, văn hóa của người dân từng khu vực để dễ dàng xử lý tình huống, hướng dẫn pháp luật cho người dân hiểu. Tuy nhiên, để pháp luật đến được với mọi đối tượng, báo cáo viên phải thật sự linh động trong những tình huống cụ thể”.
* Đi sát để người dân tin
Qua công tác đấu tranh, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy Công an TP.Biên Hòa đã phát hiện, đấu tranh triệt phá 206 vụ, bắt 505 đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Lực lượng chức năng thu giữ 64,579g ma túy tổng hợp, 46,68g heroin, 175,16g cần sa khô, 213 cây cần sa tươi, 1 súng bút, 5 viên đạn, 106 điện thoại di động, 51 xe máy và hơn 33 triệu đồng tiền mặt. Qua điều tra, Công an TP.Biên Hòa đã khởi tố 102 vụ, 131 đối tượng; xử phạt hành chính 103 vụ, 237 đối tượng; số còn lại đang xử lý.
Thường xuyên làm công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, đồng thời cũng gắn bó với việc tuyên truyền trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm ma túy, Thiếu tá Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.Biên Hòa, chia sẻ: “Lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy là một trong những lĩnh vực “nóng”, nếu công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy cũng nóng vội thì khó có thể thành công”. Theo Thiếu tá Hải, việc tiếp cận với đối tượng vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy và những người thân của các đối tượng này phải kiên trì và sâu sát thì mới có thể tuyên truyền, vận động họ chấp hành tốt pháp luật.
Anh L. (ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), một trong những người đã được cảnh sát phòng chống ma túy cảm hóa bằng cái tình để thoát khỏi “cái chết trắng”, chia sẻ: “Ngày đó (cách đây khoảng 2 năm), nếu không được mấy chú công an giúp đỡ, động viên và cả răn đe, thì có lẽ bây giờ cuộc sống của tôi cũng đã chấm hết trong nghiện ngập”.
Trong 11 tháng của năm 2013, Đội Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa đã tổ chức được 73 đợt tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông cho hơn 64 ngàn lượt người tham dự. Các đối tượng được phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật về giao thông đủ thành phần, như: tài xế, công nhân, học sinh, sinh viên… Ngoài ra, lực lượng báo cáo viên còn cấp hơn 18 ngàn tài liệu, băng đĩa về Luật Giao thông đường bộ cho người dân và những người đã từng vi phạm giao thông nghiên cứu, tìm hiểu. |
Anh L. cho biết, trong một lần mua ma túy để sử dụng, anh bị công an bắt, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Quá trình làm việc với công an, anh được công an hướng dẫn, giải thích rõ việc vi phạm pháp luật, đồng thời chỉ ra những giải pháp để giúp anh cai nghiện. Cùng với sự bảo lãnh của gia đình, anh L. quyết định về cai nghiện tại nhà. Với quyết tâm của bản thân và sự theo sát của các chiến sĩ công an, sau một thời gian, anh L. đã từ bỏ ma túy, hòa nhập với cộng đồng.
Theo Thiếu tá Hải, những trường hợp như anh L., ngoài làm công tác tư tưởng, các cán bộ công an thường tìm cách tiếp cận với người thân của họ để hướng dẫn, thông báo các quy định của pháp luật. Nếu vi phạm lần đầu mà họ không có quyết tâm sửa chữa, cơ quan công an sẽ có những biện pháp mạnh hơn. Trên cơ sở đó, nhiều người đã rất thiện chí phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết tốt việc giáo dục con em họ.
Thiếu tá Hải cũng cho biết, quá trình thực thi nhiệm vụ, cán bộ công an làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng không ít lần gặp phải những trường hợp “hết thuốc chữa”, như đối tượng bất hợp tác, gia đình cũng hết cách. Thế nhưng, với quyết tâm đẩy lùi tội phạm, cán bộ tuyên truyền đã kiên trì bám sát để vận động, thuyết phục, tạo niềm tin cho những người lầm lỗi tìm kiếm cơ hội để hòa nhập cộng đồng.
Trần Danh