Để đảm bảo khoảng không an toàn cho những chiến đấu cơ Su 30 - MK2 đa năng, hiện đại trong lúc cất, hạ cánh, tổ bắn xua đuổi chim được thành lập do Thượng úy Xa Văn Cầu, Trung đội trưởng Trung đội Phòng cháy, chữa cháy (PCCC), sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện bay (thuộc Đại đội công binh, Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật sân bay,Trung đoàn 935) làm tổ trưởng.
Để đảm bảo khoảng không an toàn cho những chiến đấu cơ Su 30 - MK2 đa năng, hiện đại trong lúc cất, hạ cánh, tổ bắn xua đuổi chim được thành lập do Thượng úy Xa Văn Cầu, Trung đội trưởng Trung đội Phòng cháy, chữa cháy (PCCC), sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện bay (thuộc Đại đội công binh, Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật sân bay,Trung đoàn 935) làm tổ trưởng. Trước và sau khi máy bay cất, hạ cánh, anh Cầu và đồng đội có nhiệm vụ nổ những phát súng thị uy hoặc tiêu diệt lũ chim bắt muỗi, chim cu, chim lửa... “Ngoài bắn, xua đuổi và tiêu diệt các loại chim trong phạm vi sân bay, đội chúng tôi còn có nhiệm vụ bẫy bắt, tìm đến tận ổ của chúng ”- Thượng úy Cầu nói.
Các thành viên trong tổ bắn xua đuổi chim nhận nhiệm vụ và kiểm tra súng. |
Chim “sắt” rất sợ chim trời, điều này tưởng chừng như vô lý đối với những chiến đấu cơ dũng mãnh Su30 MK-2 của Trung đoàn 935 đang ngày đêm huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển phía Nam Tổ quốc. “Không vô lý đâu, khi một vật ngoại lai, kể cả khi chim trời dù rất nhỏ bị hút vào động cơ máy bay sẽ đe dọa trực tiếp đến an toàn bay. Máy bay là tài sản lớn, hàng chục triệu USD chứ ít đâu. Điều đó đã từng xảy ra đối với đơn vị, đặc biệt là sự an toàn tính mạng của phi công” - Thượng úy Trịnh Xuân Hùng, Đại đội trưởng Đại đội công binh, giải thích.
* Chim “sắt” sợ chim trời
Tổ bắn, xua đuổi chim của Trung úy Cầu có 5 thành viên được lựa chọn kỹ, ngoài phẩm chất đạo đức, năng lực còn đòi hỏi về kỹ năng bắn súng giỏi, mọi người gọi các anh là lính “đặc nhiệm”, gồm: Trung úy Nguyễn Xuân Ngát, Thiếu úy Hoàng Phạm Bình, Trung úy Trần Ngọc Hoài, Trung úy Hoàng Văn Hưng. Với anh em trong tổ, việc bắn tiêu diệt hoặc xua đuổi chim không khó, cái khó là phải am hiểu đặc tính bay liệng của từng loài, để mỗi phát đạn rời nòng xác suất trúng mục tiêu phải cao, bảo đảm an toàn tuyệt đối. “Đơn vị cấp cho tổ 2 loại súng: súng kíp bắn đạn hoa cải để tiêu diệt, súng ngắn bắn đạn nổ 2 lần (lần 1 rời khỏi nòng, lần 2 lên trên không nổ tiếp) nhằm thị uy xua đuổi chúng đi nơi khác” - anh Hoài cho biết.
Năm 2005 và 2008, trong lúc bay huấn luyện, 2 máy bay Su-27 của trung đoàn đã bị chim lọt vào động cơ, dẫn đến việc máy bay bị trục trặc kỹ thuật. Trước tình huống đó, các phi công được lệnh của chỉ huy bay phải nhảy dù để bảo toàn tính mạng. Tuy nhiên, trước tinh thần không sợ hy sinh và bảo vệ máy bay, các phi công đã bình tĩnh xử lý tốt tình huống, đưa máy bay hạ cánh an toàn, được cấp trên phong quân hàm vượt cấp trước niên hạn. |
Chỉ tay về phía những con chim bắt muỗi đang chao liệng trên đầu khi những chú chim “sắt” Su30 đang ngủ ngon trong hầm ụ, Trung úy Cầu chậm rãi nói về đặc tính bay của từng loài chim mà anh đúc kết được từ nhiều năm nay: “Chim bắt muỗi có kiểu bay tăng tốc rồi xòe cánh dừng - tăng tốc, xòe cánh - dừng nên phải bắn đón đầu. Chim cu khi nghe tiếng xe máy thì bỏ chạy như gà, chờ chúng vừa nhón chân khỏi đường băng 30-50cm thì bóp cò. Chim lửa khi phát hiện người thường phát tiếng kêu quét, quét, quét... liên hồi. Chúng bỏ chạy rồi bay vòng trở lại trên đầu mình nên rất dễ siết cò tiêu diệt hoặc xua đuổi” - Thượng úy Cầu nói.
Khi còn là cậu học sinh THPT, Thượng úy Cầu nổi danh là tay “xạ thủ” súng kíp (loại súng của đồng bào dân tộc Tày quê anh hay dùng) và nỏ (ở tỉnh Hòa Bình). Nhập ngũ, anh được đào tạo tại Trường sĩ quan công binh, chuyên ngành bom, mìn và sửa chữa xe - máy công trình. Vừa quản lý bộ đội nhưng khi được phân công làm tổ trưởng tổ xua đuổi chim của đơn vị, anh đã bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu đặc tính của các loài chim lưu trú tại khu vực sân bay Biên Hòa để có được những phát súng trúng mục tiêu. “Khi nhận nhiệm vụ này, mình được các anh dẫn đi thực tế 3 lần. Từ đó, mình mới đúc rút được ít nhiều kinh nghiệm. Giờ đây thì đâu đã vào đấy, mình chỉ việc ngồi sau xe máy cho đồng đội chở và tận dụng thời cơ mà siết cò. Mỗi phát súng mà mình và đồng đội bắn ít ra phải trúng một con, nhiều thì 4-5 con. Để viên đạn rời nòng, trúng đích thì người bắn và người cầm lái phải phối hợp với nhau thật ăn ý, bởi đứng một chỗ bắn thì dễ, còn đằng này xe đang chạy, chim đang bay, ban đêm lại khó hơn nhiều...” - Thượng úy Cầu thổ lộ.
* Mệnh lệnh thầm lặng
Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Trịnh Xuân Hùng, Đại đội trưởng Đại đội công binh, Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuât sân bay (Trung đoàn 935) cho biết: tổ bắn, xua đuổi chim là một bộ phận trực thuộc Trung đội PCCC. Cán bộ, chiến sĩ trong tổ ngoài nhiệm vụ chuyên môn chính là trực PCCC 24/24, lái xe, quét dọn đường băng, sân đỗ máy bay... Do yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị được giao thêm trách nhiệm bắn, xua đuổi và tiêu diệt chim khu vực cất, hạ cánh trong quá trình bay huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. “Trước đây đơn vị đã dùng lưới bằng sợi ny-lông giăng, bẫy chim, bước đầu khá hiệu quả nhưng về sau hiệu quả giảm dần do loài chim đã thích nghi, tốn thời gian, công sức bộ đội. Từ khi triển khai tổ bắn, xua đuổi chim, ngoài việc thường xuyên duy trì các đợt bắn xua đuổi, tiêu diệt, còn cùng đơn vị tích cực triển khai công tác cắt cỏ, phát quang bụi rậm, diệt tổ chim, đến nay thì lượng chim vào sân bay cư trú, làm tổ giảm đi rất nhiều, góp phần đảm bảo cho những chuyến bay huấn luyện an toàn, thắng lợi” - Thượng úy Hùng nhấn mạnh.
Xạ thủ Xa Văn Cầu ngồi sau xe đồng đội với “bách phát bách trúng”. |
Để giúp chúng tôi hiểu thêm thực tế về nhiệm vụ của anh em trong tổ, Thượng úy Hùng tập hợp các thành viên giao nhiệm vụ. Hai khẩu súng được lấy từ kho ra (một ngắn, một dài) trang bị cho 3 thành viên: Thượng úy Cầu, Trung úy Ngát và Trung úy Bình. Sau các thao tác kiểm tra an toàn, toàn tổ lên xe máy làm nhiệm vụ. Riêng Trung úy Hoài và Thiếu úy Hưng thì được giao nhiệm vụ đi tìm phá tổ chim. “Tuy không phải là mùa chim đẻ nhưng tổ vẫn thường xuyên tổ chức các buổi đi lùng tìm nơi sinh sản của chúng trong các lùm cây, bụi rậm để tiêu diệt. Để tìm ra nơi làm tổ của chúng, anh em chúng tôi thường lần theo bóng dáng chim bố mẹ tha cỏ, mồi về cho con. Để đến nơi chim làm tổ, chúng tôi phải đạp cỏ, dọn gai mà đi. Với tổ chim trên cây cao thì dùng sào phá, cây cao quá thì mới dùng súng” - Thiếu úy Hoài bật mí.
6 tháng mùa mưa là mùa chim làm tổ, đây là giai đoạn mà các thành viên trong tổ bắn xua đuổi chim bận rộn nhất để triển khai công việc bắt tổ chim song song với bắn, xua đuổi chim. “Chúng tôi làm việc tất cả đều trên tinh thần góp phần đảm bảo cho những chuyến bay huấn luyện của đơn vị được an toàn” - Trung úy Nguyễn Xuân Ngát cho hay. |
Sau vài giờ cùng Thiếu úy Hoài và Trung úy Hưng đi phá tổ chim, chờ đến khi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi mới chạy xe gắn máy cùng Thượng úy Cầu và Trung úy Ngát đi bắn tiêu diệt chim trên các đường băng. Nhìn thấy đàn chim bắt muỗi đang bay liệng trên đầu, Trung úy Ngát rà thắng và khẩu súng từ tay Thượng úy Cầu siết cò, 3 chú chim bắt muỗi cùng với vô số chiếc lông màu nâu sẫm rơi xuống đường băng. “Trời tối mình không nhìn thấy được chim trời có lông màu nâu sẫm, chỉ nhìn thấy ánh mắt chúng phản quang qua ánh đèn với những chấm tròn đỏ rực và siết cò. Chỉ có chim bắt muỗi là xuất hiện vào ban đêm để săn mồi. Các loài khác thì xuất hiện buổi sáng sớm hoặc lúc trời chưa tắt nắng nên dễ dàng nổ súng tiêu diệt, xua đuổi” - Thượng úy Cầu vừa nhặt chim vừa nói.
Gần 2 giờ đi cùng tổ bắn xua đuổi chim, chúng tôi mệt nhừ. Còn các anh trong tổ bắn, xua đuổi chim vẫn tiếp tục nhiệm vụ của đơn vị giao. Với các anh, khi nào loài chim nguy hại này còn tìm đến sân bay trú ngụ thì các anh vẫn tiếp tục nhiệm vụ thầm lặng nhưng rất tự hào bởi đã góp một phần nhỏ của mình để cho những chú chim “sắt” Su30 - MK2 luôn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ...
Đoàn Phú - Viết Bính