Báo Đồng Nai điện tử
En

Canh voi phá rẫy

10:11, 24/11/2013

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp bà con nông dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) bước vào vụ thu hoạch xoài, mía, chuối, bắp, đàn voi rừng lại xuất hiện.

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp bà con nông dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) bước vào vụ thu hoạch xoài, mía, chuối, bắp, đàn voi rừng lại xuất hiện. Theo người dân, voi rừng thường chia thành 2 tốp, thường xuất hiện ở ấp 4-5 là voi ngà lệch, còn xuất hiện tại khu vực Lâm trường 3 (thuộc ấp 6) là cả đàn voi rừng với 7-11 cá thể, trong đó có 2 voi con.

Voi rừng xuất hiện ở rẫy mía của bà con nông dân.
Voi rừng xuất hiện ở rẫy mía của bà con nông dân.

Số lần xuất hiện của voi rừng tại khu vực người dân canh tác ngày càng nhiều. Chúng cũng trở nên hung dữ, sẵn sàng tấn công người.

* Trắng đêm đuổi voi

Chiều 20-11, chúng tôi có mặt tại Trạm kiểm lâm địa bàn Thanh Sơn - Ngọc Định khi các cán bộ kiểm lâm đang cấp tốc vào vùng voi rừng xuất hiện để giúp dân xua đuổi. Chúng tôi nghe các anh kể suốt mấy ngày qua, nông dân ấp 4 lại sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi đàn voi rừng xuất hiện. Nhiều đêm thấp thỏm không ngủ để canh chừng voi vào phá rẫy hoa màu, hình ảnh những con voi khổng lồ thi nhau quật ngã, xô đẩy mọi thứ đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân nơi đây. “Khoảng chập tối, đang chuẩn bị đi ngủ thì nghe tiếng động lớn ở mép bờ suối, tôi tưởng thú rừng đi ăn đêm rớt xuống nước. Nhưng sau đó, tôi nghe những tiếng bước chân đi thình thịch cùng với hàng mía gãy ào ào. Nghi có chuyện chẳng lành, tôi xách đèn pin rọi thì tá hỏa phát hiện “ông bồ” đang phá mía. Lấy bình tĩnh, tôi kêu người canh rẫy cùng cầm đèn pin rọi, gõ xoong nồi… thị uy” - ông Tô Văn Tùng (47 tuổi) nói.

Theo ông Tùng, những đêm sau đó đàn voi rừng tiếp tục đến, nhiều người có rẫy hoa màu đang kỳ thu hoạch đều chuẩn bị dụng cụ xua đuổi. Tiếng xoong nồi, trống… vang lên inh ỏi khắp một khu vực. Đèn pin loại lớn có thể rọi xa cả trăm mét chiếu trực tiếp về phía đàn voi rất lâu mới có thể đánh bật được chúng ra khỏi bờ suối.

Voi vào rẫy với nhiều dấu chân để lại.
Voi vào rẫy với nhiều dấu chân để lại.

Vẻ mặt phờ phạc sau một đêm “đối đầu” với đàn voi rừng, ông Tùng cho biết: “Lạ lắm, mấy bận trước chỉ có mỗi con voi ngà lệch về, nhưng đợt này xuất hiện thêm một bầy mới. Không chủ động đuổi voi ngay từ đầu, để chúng vào rẫy mía coi như bó tay. Vì chúng chẳng chịu ra ngay đâu, phải ăn no, nằm nghỉ ngơi đến tận sáng mới kéo nhau chạy về rừng. Mà như thế thì của cải mất hết chứ còn gì!”.

Từ khi có sự hiện diện của voi ở đây, mọi người trong gia đình ông Nguyễn Văn Cao phải “căng mình” tìm cách đối phó với chúng. Không ít lần, mọi người phải bỏ chạy, đành bất lực đứng nhìn “ông bồ” quậy phá, vì nếu làm mạnh chúng có thể quay lại tấn công người.

Ông Ngô Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, cho biết: “Con người đang xâm phạm ngôi nhà của voi rừng nên chúng thường xuyên về nương rẫy để tìm thức ăn. Chúng tôi rất lo, nếu đụng độ giữa voi với dân xảy ra nhiều, hoa màu bị phá sạch, đến lúc nào đó họ sẽ không giữ bình tĩnh mà xung đột với voi. Lúc ấy, hậu quả sẽ rất lớn…”.

Hơn 5 hécta mía, mấy sào xoài đang chuẩn bị thu hoạch ở khu vực này trở thành “bữa tiệc” thịnh soạn mà đàn voi rừng đang nhắm đến. Vậy nên, sau khi “thất thủ” ở rẫy ông Tùng, đàn voi không chịu về rừng, chúng nán lại hồi lâu chờ mọi người đi ngủ rồi quay sang phá rẫy mía nhà ông Cao. “Khoảng 1 giờ sáng, tôi đang ngủ ngon lành thì nghe tiếng động và thấy mình lắc lư. Đứng trên chòi canh nhìn xuống, tôi thấy con voi ngà lệch dùng vòi rút bay mấy thanh nẹp rồi sục sạo tìm muối trong hốc bếp, cảm giác tiếp xúc gần với voi khiến tôi rùng hết cả mình. Cứ tưởng chỉ mỗi lần đó, ai ngờ liên tục mấy ngày sau phải thức canh voi đến tận sáng, đợi chúng kéo nhau bỏ đi mới hết lo”.

Ngoài đợt voi rừng xuất hiện vừa qua, cách đây hơn 1 năm, voi rừng cũng về ấp 7, xã Thanh Sơn với số lượng nhiều, vào tận rẫy của dân để ăn mía, bắp, chuối… “Thời gian hoạt động của chúng kéo dài từ 20 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau, khiến người dân, chính quyền, cán bộ kiểm lâm ai nấy đều mệt mỏi. Ngày ngủ, đêm canh voi, cả ấp như đang vào cuộc chiến với “ông bồ” - ông Nguyễn Thái (ngụ ấp 7) tâm sự.

* Tìm cách sống chung

Voi kéo về rẫy, mọi người tìm đủ cách để xua đuổi chúng. Nhưng lâu dần, voi trở nên lì lợm, xuất hiện thường xuyên nên việc đốt lửa, chiếu đèn, tạo tiếng ồn trở nên vô hiệu. Người dân ở Thanh Sơn chỉ còn biết tìm cách “sống chung” với chúng.

Dẫn chúng tôi ra thăm rẫy mía vừa bị voi phá nát, ông Cao ngao ngán nói: “Voi về riết rồi thành quen, dùng cái gì đuổi chúng cũng không sợ. Giờ chúng tôi không muốn báo chính quyền nữa, vì báo mãi mà voi vẫn phá. Cả gia đình tôi sống ở đây nhờ làm rẫy. Bây giờ, bỏ đất mía thì biết trồng gì đây, phải chấp nhận mất mát thôi. Hơn 5 hécta mía phải bỏ đi 1 hécta vì voi làm tanh bành không còn gì”.

Chòi canh được dựng trên cao để voi không tấn công.
Chòi canh được dựng trên cao để voi không tấn công.

Gia đình bà Lê Thị Lan (61 tuổi, ngụ ấp 6) sau khi bị đàn voi quần nát mấy sào bắp đang tính chuyện chuyển sang trồng quýt với hy vọng: “Nghe người dân kháo nhau, “ông bồ” sợ mùi hắc của vỏ quýt. Chẳng biết đúng không, nhưng quanh đây nhà nào có cây quýt chẳng bao giờ bị voi phá. Nếu không đuổi được voi thì phải chuyển sang trồng loại cây mới thôi”.

Không chỉ thiệt hại về tài sản, những cuộc đối đầu nghẹt thở với voi rừng còn gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Ông Huỳnh Văn Ảnh (67 tuổi, ngụ ấp 4), nhiều năm làm nghề giữ rẫy, canh voi, bộc bạch: “Kinh nghiệm của tôi là khi voi đến, đừng làm chúng nổi giận. Nếu không, chúng sẽ quay lại tấn công người”.

Sau khi voi rừng về rẫy, ông Ảnh đã tiến hành dựng lại căn chòi của mình. Chòi nằm cheo leo trên cao, cách mặt đất hơn 10m, dựng ngay trên thân cây giá tỵ còn sống. Xung quanh, ông Ảnh treo nhiều vật dụng tạo ra tiếng ồn, như: lon sữa, trống nhỏ… “Chòi xây khá kiên cố, chia làm 2 tầng, tầng trên cùng để ngủ, đứng quan sát và treo đèn pha chiếu đến nơi voi di chuyển nhằm đuổi chúng ra xa. Tầng dưới cùng là để các vật dụng cần thiết, ban ngày có thể nghỉ ngơi” - ông Ảnh cho biết thêm.

Ngoài ra, một vật dụng mà bà con ở đây rất coi trọng, hữu hiệu để hạn chế voi từ xa là khí đá (loại gây tiếng nổ lớn bằng đất đèn). Trong đêm tối, nghe tiếng cây gãy, đổ, người dân chỉ biết rọi đèn, tạo tiếng ồn, tạo ra tiếng nổ như quả đạn pháo từ khí đá, chứ chẳng thể làm được gì hơn. “Có lẽ vì hoảng hồn khi nghe tiếng nổ, đàn voi liền kéo nhau chạy trốn vào rừng. Vẫn biết khí đá là dụng cụ mà cán bộ kiểm lâm đề nghị không nên dùng, vì có thể gây ra sát thương, bất ổn về an ninh trật tự, nhưng chúng tôi biết làm gì bây giờ?” - ông Cao lên tiếng.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều