Đỉnh triều cao 1,88m, cộng với các hồ chứa xả tràn đã làm một số khu vực trũng của các xã ven sông Đồng Nai, như: Tân Hạnh, Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu)… bị ngập sâu. Nước lên cao liên tiếp những ngày qua không chỉ làm một số công trình chống nước tràn vào ao hồ, ruộng vườn bị vỡ, cuộc sống của người dân bị xáo trộn, mà còn gây thiệt hại đến tài sản của người dân.
Đỉnh triều cao 1,88m, cộng với các hồ chứa xả tràn đã làm một số khu vực trũng của các xã ven sông Đồng Nai, như: Tân Hạnh, Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu)… bị ngập sâu. Nước lên cao liên tiếp những ngày qua không chỉ làm một số công trình chống nước tràn vào ao hồ, ruộng vườn bị vỡ, cuộc sống của người dân bị xáo trộn, mà còn gây thiệt hại đến tài sản của người dân.
* Ôm con thấp thỏm chờ nước rút
16 giờ 30 ngày 21-10, nước từ ngoài kênh bắt đầu tràn tới bờ. Chưa đầy 30 phút sau, nước vượt khỏi bờ rồi chảy dồn dập xâm chiếm hết toàn bộ khu vườn của gia đình bà Trần Thúy Phượng (ngụ ấp 4, xã Tân Hạnh). Trong phút chốc, căn nhà của bà Phượng đã bị nước bủa vây khắp mọi nơi. Nhìn con nước mỗi lúc một lớn, không chịu được cảnh ngập, bà quyết định di tản các thành viên trong nhà ra bờ bao cao nhất gần đó.
Triều cường lên cao, ông Lê Văn Long vất vả lo chống ngập. |
Trong nhà bà Phượng, tài sản có giá trị là chiếc xe máy và cái ti vi được kê lên chiếc bàn gỗ chắc chắn. Ở gian bếp, nước ngập lênh láng, nơi nền thấp, nước lên cao hơn nửa mét, mấp mé tủ đựng thức ăn. “Chồng tui và mấy đứa nhỏ nhanh chóng chèo ghe chuyển bếp, áo quần, nước uống… ra ngoài kia; mọi đồ vật không cần thiết đã được xếp, kê lên cao. Còn tôi và đứa con dâu “cố thủ” trên giường. Đến 21 giờ, cả nhà mới đi ngủ. Nói là ngủ vậy thôi, suốt đêm có ai ngơi nghỉ được đâu. Vất vả nhất là đứa con dâu mới sinh hơn 2 tháng, ai cũng lo” - bà Phượng kể lại.
Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai cho biết, từ ngày 22-10, triều cường trên sông Đồng Nai sẽ xuống. Trong 2 ngày 20 và 21-10, đỉnh triều cường cao 1,86m, cộng với các hồ chứa xả tràn đã khiến một số khu vực trũng của các xã ven sông Đồng Nai, như: Tân Hạnh, Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), Phước Khánh, Đại Phước (huyện Nhơn Trạch), Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) bị ngập. |
Ôm đứa con trên tay, con dâu của bà Phượng với khuôn mặt chưa hết lo lắng cho hay: “Cả tối qua không sao ngủ được, nhìn mọi người phải kê hết đồ đạc lên cao để tránh hư hỏng mà tôi sốt ruột theo. Càng về khuya, nước lên càng cao, đến gần chạm mép giường nằm. Có lẽ vì lạnh mà đứa bé quấy khóc suốt. Hai mẹ con tôi hết chuyền tay người này đến người kia, thấp thỏm suốt một đêm chẳng ngủ, chỉ mong trời nhanh sáng, nước hạ thôi”.
Nhiều hộ dân ở các ấp: Nhất Hòa, Tam Hòa (xã Hiệp Hòa) cũng có một đêm thức trắng với triều cường. Dù “hệ thống” bao cát được đắp lên cao kiên cố, thậm chí nhiều gia đình còn xây gạch bao quanh nhà, nhưng cũng không thoát khỏi cảnh ngập.
Đến sáng hôm sau nước rút bớt, nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Phúc (ấp Tam Hòa) vẫn khuân thêm vài bao tải cát chắn trước cửa nhà đề phòng nước lên lại. Anh Phúc phân trần: “Vợ chồng tôi trọ ở đây đã gần 2 năm. Sống ở vùng trũng, lại gần sông nên đã quen với cảnh ngập, nhưng chưa bao giờ tôi thấy triều cường lớn như năm nay, nước ngập vào nhà hơn 2 tấc. Sau lũ, nhà cửa toàn bùn non, dọn dẹp cả tuần chưa chắc xong”.
Còn ông Lê Văn Đạt (ấp Nhất Hòa) tâm sự: “Tính đến hôm nay là ngày thứ 3 phải “gồng mình” đối phó với triều cường. Nước ngập đến 4 tấc, dù không có thiệt hại về tài sản, nhưng nỗi khổ chạy nước lụt cứ đến hẹn lại lên, khiến người dân vô cùng khổ sở. Quanh đây, nhiều người có điều kiện thì nâng nền nhà, xây tường bao sân kiên cố, còn nhà tôi khó khăn nên chỉ lấy bao cát chắn trước cửa để nước khỏi vào”.
* Chủ động chống ngập
Bì bõm lội nước cao ngang đến đầu gối, anh Lê Văn Long (ngụ ấp 4, xã Tân Hạnh) dẫn chúng tôi ra phía sau vườn. Nhìn những trái đu đủ to tròn mà anh Long rơm rớm nước mắt. Gần 4 hécta cây đu đủ sắp đến ngày thu hoạch bị úng ngập đã chuyển héo úa, chuẩn bị lụi tàn. Hơn 300 gốc mít, 200 cây chanh trong vườn cũng lần lượt chết theo, khiến toàn bộ gia tài của gia đình anh mất trắng. “Nước lên nhanh quá, tôi không kịp trở tay, toàn bộ đu đủ khoảng 8-9 tháng tuổi coi như ra đi. Nhiều người bảo hái trái xanh đem bán, nhưng có biết ai mua đâu, với lại có mua thì lượng trái nhiều như vậy tiêu thụ sao hết, chắc phải chặt bỏ thôi. Chưa kể số cây mít, chanh bắt đầu héo vì ngâm nước suốt 3 ngày. Hồi trước, mỗi cây giống tôi mua với giá 25 ngàn đồng. Sau một năm trồng, cây cao hơn 1m, tươi tốt là vậy nhưng cũng thua trước thiên nhiên” - nhìn vườn cây của gia đình bị ngập trong nước, anh Long cho biết.
Người dân nuôi trồng thủy sản gia cố lại bờ ao. |
Vì quá tiếc số tài sản lớn phút chốc không cánh mà bay, người chủ vườn này cố gắng lấy cọc, thân cây khô chống đỡ những gốc đu đủ ngã rạp xuống nước. Nhưng theo kinh nghiệm của anh Long, nước ngập lâu, rễ cây không hô hấp được. Chỉ vài hôm nữa chúng sẽ thối gốc, héo dần rụng hết lá rồi chết, dù cây còn xanh lắm. “Thấy xót thì chống vậy thôi, chứ số cây này có sống nổi đâu” - anh Long ngao ngán nói.
Ấp 4 và một phần ấp 1 là nơi nuôi trồng thủy sản lớn của người dân xã Tân Hạnh. Đợt triều cường năm 2012, một số bờ bao ở đây vỡ, gây thiệt hại lớn cho rất nhiều hộ dân. Nhiều người rút kinh nghiệm từ đợt lũ trước, giờ đã cho xây dựng lại bờ ao kiên cố nên toàn bộ 15 hécta nuôi các loại cá: lóc, trê, rô phi… được đảm bảo an toàn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, Quản đốc Phân xưởng vận hành Công ty thủy điện Trị An, những ngày tới thủy điện vẫn xả tràn, nhưng với lưu lượng thấp. |
Chủ nhiệm Hợp tác xã Vĩnh Hưng Nguyễn Hoàng Vĩnh chia sẻ: “Năm ngoái nước làm vỡ bờ, ước tính thiệt hại hơn 5 tỷ đồng, trong đó gia đình tôi mất gần nửa. Vậy nên, bước sang vụ mới, ngay từ đầu mùa khô, chúng tôi và bà con trong hợp tác xã đã tiến hành tu sửa lại toàn bộ ao hồ, bờ đê kiên cố. Mấy hôm nay nước lên cao, nhưng nhờ có sự cảnh báo trước nên đa số người dân đã chuẩn bị kỹ, mức độ thiệt hại không có”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hạnh, cho biết: “Ấp 4 có gần 450 hộ dân, trong đó có 25 hộ nuôi trồng thủy sản. Ngay khi có thông tin triều cường đạt đỉnh và các hồ chứa xả tràn, chúng tôi đã kịp thời thông báo đến người dân ở các ấp 1 và 4. So với mọi năm, công tác chống ngập triều cường đã được chủ động thực hiện và hiệu quả hơn, nên thiệt hại không đáng kể, toàn bộ vật nuôi, cây trồng được bảo vệ an toàn”.
Thanh Hải