Thư pháp, thư họa qua bàn tay của những người trẻ tuổi như chiếc cầu nối giữa nhiều thế hệ, nhiều con người. Đó còn là một “mảnh tình” dân tộc sưởi ấm những người Việt xa xứ.
Thư pháp, thư họa qua bàn tay của những người trẻ tuổi như chiếc cầu nối giữa nhiều thế hệ, nhiều con người. Đó còn là một “mảnh tình” dân tộc sưởi ấm những người Việt xa xứ.
Đặt chân lên căn gác trọ của Nguyễn Thành Nhân (20 tuổi, ngụ tại khu A42, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), sinh viên Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, chúng tôi không khỏi bất ngờ về một không gian nhỏ hẹp nhưng được trang trí bằng những bức tranh thủy mặc, thư pháp tuyệt đẹp với nhiều kích cỡ, chất liệu khác nhau. Nhân nói: “Tất cả đều do tôi viết. Ban đầu tự viết treo chơi, bạn bè thấy đẹp nhờ viết giùm, rồi tôi cũng tụ tập được một nhóm nhỏ để cùng nhau tập viết thư pháp và vẽ tranh. Giờ thì lâu lâu tụi tôi ngồi bày bán tác phẩm của mình ở các vỉa hè, quán cà phê ở Biên Hòa để kiếm chút thu nhập”.
* Chập chờn giấc mộng họa thư
Quê Nhân ở tỉnh Quảng Nam. Những ngày còn nhỏ, thỉnh thoảng được bước chân vào những ngôi nhà cổ, chiêm ngưỡng những bức hoành phi sơn son thếp vàng đã khiến Nhân mê những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Một lần được ông nội cho xem bức thư họa vẽ bằng mực tàu trên nền giấy ố màu thời gian, những nét chữ sắc như gươm, mềm như lụa đã cuốn hút tâm trí của Nhân. “Thậm chí, có lần tôi còn mơ mình được đi vào thế giới của những bức tranh thủy mặc đen trắng, có cây, có núi, có những ông già uống rượu đánh cờ, thích lắm…” - Nhân tâm sự.
Nguyễn Thành Nhân luyện chữ ở nhà trọ. |
Nhân nói thêm, từ ngày bắt đầu mày mò học viết thư pháp, không ít lần Nhân bị cha mẹ ngăn cản, vì cho rằng đó là điều vô bổ, làm ảnh hưởng đến việc học văn hóa của cậu. “Có đêm, tôi canh chừng lúc cha mẹ ngủ rồi mới bắt đầu bật đèn ngủ, mài mực rồi tập viết. Có đêm, mãi viết rồi ngủ quên lúc nào không hay, sáng hôm sau thức dậy thì mực dính đầy mặt và quần áo, nên bị cha mẹ đánh một trận ra trò” - Nhân cười giòn tan khi nhắc lại kỷ niệm thời bé.
Còn Trương Phú Long (20 tuổi, bạn học của Nhân, ngụ phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) thì may mắn hơn Nhân, luôn được gia đình ủng hộ và khuyến khích với niềm đam mê tranh thủy mặc của mình. Đến với tranh thủy mặc từ lúc xem các phim cổ trang, Long tìm tòi trên mạng và các sách trong thư viện tỉnh, rồi tự mua màu, bút lông về viết. Long chia sẻ: “Hầu như tôi vẽ bất kỳ lúc nào, nhiều khi ngồi trong lớp học tôi cũng lấy giấy bút ra vẽ, không có mực tàu thì dùng viết chì, thậm chí vẽ trên bàn, trong sách giáo khoa nữa. Tôi bị thầy cô la hoài, nhưng một ngày không được vẽ, tôi thấy khó chịu lắm”. Hiện là sinh viên năm thứ 2 ngành nội thất Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, cả Long và Nhân đều có điều kiện theo đuổi đam mê của mình. Ngoài vẽ trên giấy, cả hai cũng tự tìm tòi thể hiện trên các chất liệu khác nhau, như: gỗ, đá, vải và thậm chí là tường nhà trọ.
Nhân bộc bạch, những ngày đầu cầm bút lông để viết thư pháp, điều khiến Nhân cảm thấy khó nhất chính là việc học cách cầm quản bút. Cách dùng bút viết thư pháp là phải cầm thẳng đứng quản bút và khuỷu tay không được tì xuống bàn, như vậy những nét sổ mới thẳng và đều được. “Lúc mới học viết, tôi đã tự rèn luyện bằng cách mỗi ngày dùng thanh tre tập viết lên đất, mỏi tay lắm. Phải mất cả năm trời. Khi đã quen cách cầm bút, tôi bắt đầu viết trên giấy, rồi tới các chất liệu khác” - nói đoạn, Nhân cầm chiếc bút lông minh họa ngay cho chúng tôi xem.
* “Lênh đênh” mực tàu, giấy đỏ
Quy tụ được những người bạn cùng sở thích, Nhân và Long lại tìm cách đưa những bức thư pháp của mình đến với mọi người. “Ban đầu, chúng tôi bán ở vỉa hè nhưng không mấy ai chú ý, với lại nhiều lúc mưa nắng thất thường nên tác phẩm dễ bị hư. Giờ thì được người quen giới thiệu để viết trong một quán cà phê nên cũng đỡ phần nào” - Nhân nói. Ngoài ra, vào những dịp lễ, tết, nhóm của Nhân cũng thường xuyên dựng gian hàng để phục vụ những người có nhu cầu. Tuy nhiên, thu nhập từ việc bán tranh cũng chỉ phần nào giúp các bạn trẻ có động lực theo đuổi niềm đam mê, chứ không đủ để trang trải cuộc sống. Khách tìm đến tranh thư họa phần lớn đều là người trung niên, có người đến quan sát các bạn trẻ “múa” trên trang giấy, có người đến để mua về treo, có cả những người nước ngoài mua về làm quà lưu niệm, nhưng ít khi nào thấy người trẻ tuổi ghé lại.
Những bức thư pháp treo trên tường nhà trọ của Nguyễn Thành Nhân. |
Ông Thành Đạt (50 tuổi), một khách thường mua tranh của nhóm bạn trẻ này, cho biết: “Tôi mê tranh thư pháp, nhưng không có khiếu để viết, đành tìm tới tranh những người chuyên viết thư pháp để thỏa mãn sự yêu thích. Thật sự, tôi rất thích thấy những bạn trẻ như Nhân ngồi viết thư pháp, ở những người trẻ thường có những sự sáng tạo, phá cách rất thú vị”. Còn ông Thế Anh (55 tuổi, Việt kiều Úc), mỗi lần về Việt Nam đều tìm đến nhóm của Nhân để đặt chữ, rồi đem về làm quà cho những người Việt sống ở Úc. Đối với ông Thế Anh, thư pháp như một “viên ngọc” của quê hương mà ông muốn đem theo bên mình khi xa xứ.
Ở TP. Biên Hòa, hiện những người yêu thích thư pháp có thể tìm đến Câu lạc bộ thư pháp Việt Thanh Niên (thuộc Hội Liên hiệp thanh niên TP.Biên Hòa, có văn phòng tại Thành đoàn Biên Hòa) để có thể trao đổi về môn nghệ thuật này. |
“Thường thì khách đến mua tranh hay tìm những câu thơ về cha mẹ, chữ hiếu… để treo thành đôi trong nhà, hoặc những chữ đơn về tâm, đức, nhẫn… để đóng khung bên bàn làm việc. Nhiều người còn đem đá đến đặt chúng tôi viết chữ lên để trưng bày theo phong thủy của họ” - Long nói.
Mỗi người khách đến mua, có người mua xong rồi đi ngay, có người ngồi lại quan sát, trò chuyện với các sinh viên này hàng giờ về một nét chữ bay bướm, về một bức tranh sơn thủy hữu tình… Với các bạn trẻ như Long và Nhân, thư pháp đã trở thành cầu nối tri thức, văn hóa giữa nhiều thế hệ. Với người mua tranh, họ tìm về một “mảnh” tâm hồn ngỡ chừng thất lạc từ lâu. Còn với người vẽ tranh, viết chữ, họ cũng trao một “mảnh” tâm hồn cho những người biết trân trọng nghệ thuật. Giữa những con người đó, dường như tìm được sự đồng cảm qua những nét chữ còn thơm mùi mực.
Đăng Tùng