Báo Đồng Nai điện tử
En

Malacca - một lần ghé!

09:10, 21/10/2013

Hiếm có một địa danh xa lạ ở nước ngoài được cả hai quyển “chính sử” của Đồng Nai đều nhắc đến như Malacca. Trong Địa chí Đồng Nai (tập 3 Lịch sử, tại trang 84 và trang 93) cũng như trong  Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành & phát triển (chương II, phần IV Văn hóa Đồng Nai với các vùng lân cận qua các di tích, di vật khảo cổ, tại trang 59) đều có chung cứ liệu: “Giữa thế kỷ VI, biển tiến theo chu kỳ Hôlôxen IV, vùng đồng bằng Nam bộ ngập trong biển nước. Cư dân cổ Óc Eo chuyển dần lên những giồng đất cao ven sông, suối... Thương cảng Óc Eo không còn thế đứng, chuyển về mở hải cảng ở eo biển Malacca và bờ biển Đông”.

Hiếm có một địa danh xa lạ ở nước ngoài được cả hai quyển “chính sử” của Đồng Nai đều nhắc đến như Malacca. Trong Địa chí Đồng Nai (tập 3 Lịch sử, tại trang 84 và trang 93) cũng như trong  Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành & phát triển (chương II, phần IV Văn hóa Đồng Nai với các vùng lân cận qua các di tích, di vật khảo cổ, tại trang 59) đều có chung cứ liệu: “Giữa thế kỷ VI, biển tiến theo chu kỳ Hôlôxen IV, vùng đồng bằng Nam bộ ngập trong biển nước. Cư dân cổ Óc Eo chuyển dần lên những giồng đất cao ven sông, suối... Thương cảng Óc Eo không còn thế đứng, chuyển về mở hải cảng ở eo biển Malacca và bờ biển Đông”.

Trong hành trình “du lịch bụi” từ Singapore qua Malaysia, tôi dự định là chỉ ghé ở lại Malacca một đêm, sáng sớm hôm sau sẽ tìm đường “dzọt” lên thủ đô Kuala Lumpur để bắt đầu vi vu, thưởng ngoạn. Ghé Malacca một chút là nhằm để thỏa mãn tính hiếu kỳ, do lâu nay tôi nghe đồn khá nhiều về eo biển Malacca là địa bàn “làm ăn” của hải tặc quốc tế. Cướp biển Malacca nghe đâu cũng dữ dằn không kém hải tặc Somali hay cướp biển vùng Caribbea... Đọc trên báo thấy chúng còn tỏ ra không kiêng nể với cả tàu treo cờ Liên hiệp quốc.

“HẾT HỒN” VỚI... MALACCA

Ngồi trên xe ca xuất phát từ Singapore, tôi hình dung ra Malacca là một thị trấn đầy các quán rượu với những gã thủy thủ già say mèm vì nốc rượu thay nước. Họ sống những ngày còn lại bằng những cơn say bất tận. Dân làng chài thì đen đúa, mặt mày bặm trợn, xem đánh cá chỉ là... nghề phụ. Đi vào “chốn hang hùm” mà tôi khá tự tin vì bạn đồng hành duy nhất với tôi là... vợ tôi, vừa già lại vừa... dữ, chắc là cướp biển Malacca không dại gì “đụng” đến cho lôi thôi ra.

Từ Singapore đến Malacca chưa đầy 200 cây số, chỉ với hơn 2 giờ ngồi xe chạy êm ru trên đường lộ phẳng phiu, hai bên xanh ngát những vườn cây cọ dầu, giá tỵ... Bến xe của thành phố Malacca rộng lớn đến không ngờ, với bãi xe nhà, xe taxi đậu riêng. Cả hai loại xe này đều có vẻ cũ, chứ không bóng lộn, đời mới và cao cấp như ở Việt Nam. Vừa xuống xe ca để băng qua dãy hành lang rộng ra bãi đậu xe, vợ tôi đã hoảng vì cả chục “giặc lái” taxi, mặt mày đen xì, râu ria xồm xoàm cứ nhìn chằm chặp rồi cười nói hô hố. Họ không mời gọi, lôi kéo gì cả, chỉ cười nói đưa ra hàm răng trắng nhởn. Chỉ một người bước theo chúng tôi hỏi đi đâu và báo giá. Anh tài xế đòi 20 MYR (một ringgit của Malaysia tương đương 8.000 đồng Việt Nam) để đưa chúng tôi đến Ming Hotel ở khu Pusat Bandar, cách đó chừng 4km. Khách sạn này có chủ gốc Hoa, do con gái người bạn tôi đang làm việc ở Singapore tìm thấy trên mạng có giá rẻ nhất, được vợ chồng tôi nhờ “book” trước.

Quản lý Ming Hotel đúng là một ông già người Hoa nói huyên thuyên, nhưng hỏi đến cái gì cũng trả lời không có. Ông mượn passport ghi vào sổ rồi trả lại, kèm theo tờ hóa đơn và thu ngay 88 MYR cho một đêm trọ. Bước vào cái phòng nhỏ trên tầng 2 chỉ kê chiếc giường đôi cũ xì, tủ mất cánh cửa, không dép, không có cả cái phích cắm truyền hình, vợ tôi quá nản kêu lên: “Khách sạn ở đây mắc như quỷ, tính ra hơn 700.000 đồng Việt Nam mình mà cái gì cũng không có!”. Quả tình là tôi cũng không ngờ nó bệ rạc đến mức này, nhưng cũng đành nói lời an ủi: “Thôi kệ nó, mình chỉ ở có một đêm thôi mà. Nhìn mặt tiền nó ngon lành quá, ai biết được là vô trong nó quá tệ như vầy... Khách sạn này chắc là lâu đời lắm không được sửa chữa nâng cấp, nên cái giá này là rẻ nhất ở đây rồi đó!”. Trước đó, nghe tôi nói là giá cả thứ gì bên Mã Lai cũng bằng nửa bên Sing, vợ tôi có vẻ phấn khởi, giờ nằm trong khách sạn tồi tàn mà giá thì bằng với khách sạn 4-5 sao bên nhà, vợ tôi bực bội và thấy lo ra mặt.

MIỀN ĐẤT ĐA SẮC MÀU

Mới 4 giờ chiều (trời Malacca rất lạ, đến 7 giờ tối vẫn còn nắng và khá nóng), tôi hỏi đường để tìm mua tấm bản đồ du lịch. Cô gái vừa đen vừa xấu, được ông già quản lý giới thiệu là chủ khách sạn, chỉ tôi ra chỗ phòng thông tin du lịch với vẻ nhiệt tình: “Muốn biết bất cứ thông tin gì về Malacca ở đó có người cung cấp đầy đủ mà không mất tiền”.

Tôi đi về hướng quảng trường Hà Lan và hết sức bất ngờ trước những dãy nhà màu đỏ có lối kiến trúc vô cùng lạ mắt mà trước đó tôi chỉ nhìn thấy trong phim ảnh. Gom cả xấp tờ bướm sặc sỡ đủ màu quảng bá từng loại sản phẩm du lịch khác nhau ở Malacca, tôi còn bỏ ra 5 MYR để mua bản đồ, cẩm nang du lịch Malacca có tiêu đề khá ấn tượng: “Yours “Must Have” guide when you visit Melaka”. Qua đó, tôi biết ra được tên tiếng Anh của Malacca là Melaka. Malacca là kinh đô cổ xưa nhất của Malaysia, ra đời vào cuối thế kỷ thứ XV, nơi được xem là khởi nguồn của đất nước Malaysia xinh đẹp bây giờ.

Lịch sử Malaysia bắt đầu từ truyền thuyết: Vào năm 1403, hoàng tử Parameswara của xứ Sumatra bị lưu đày sang vùng eo biển hoang vắng này vì tội khi quân (chắc là do phát ngôn bừa bãi như An Tiêm của nước ta từng bị?). Khi vừa đặt chân đến, vị hoàng tử đang ngồi ngán ngẩm dưới gốc cây, thì thấy có chú hươu con đang bị một con chó to đuổi theo, cùng đường con hươu bèn quay lại tận lực húc mạnh làm con chó văng xuống sông, trôi nhanh ra biển. Nhìn cảnh này, Hoàng tử Parameswara “hoát nhiên đại ngộ”, coi là điềm tốt lành đã quyết định xây dựng thành phố nơi đây và lấy tên của loài cây mà ngài ngồi dưới bóng mát xem “cú hồi mã thương” của chú hươu con hiền lành đặt tên là Malacca. Di tích này bây giờ vẫn còn là cây Malacca mọc bên sườn đồi thánh Paul, được rào cẩn thận và gắn tấm bảng bằng đồng.

Xe Trishow đón khách. Ảnh: B.THUẬN
Xe Trishow đón khách. Ảnh: B.THUẬN

Tôi ngắm kỹ cây malacca này, thấy đường kính thân cây chỉ khoảng 20cm, nên nghĩ rằng đây là cây chít, chắt gì đó của cây malacca mà cách đây hơn 600 năm, vị hoàng tử (Quốc tổ của dân tộc Malaysia) đã từng ngồi. Thế rồi, người Trung Hoa kéo đến làm ăn buôn bán, người Bồ Đào Nha đặt ách thống trị suốt 130 năm. Tiếp đến, người Hà Lan cai trị 154 năm; rồi từ năm 1824, đế quốc Anh xâm chiếm, đế quốc Nhật cũng làm chủ được 3 năm... Tất cả đã biến vùng đất nằm trong eo biển Malacca trở thành thương cảng nhộn nhịp trên thế giới, lúc nào cũng tấp nập tàu thuyền của Trung Hoa, Ấn Độ, Ả Rập, các nước châu Âu đến thông thương mua bán. Và thành phố cảng Malacca được ví như “Venice phương Đông”. Nhìn vào hải đồ treo trên chiếc tàu gỗ khổng lồ, giờ đang trở thành Viện Bảo tàng hàng hải thu hút rất đông khách tham quan, tôi nhận ra được rằng: eo biển Malacca là con đường biển ngắn nhất để đi từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Những tài liệu liên quan khác cũng cho rằng, đây là hải trình lớn nhất từ Đông sang Tây, chiếm đến 1/3 lượng hàng hóa lưu thông bằng đường biển của thế giới. Hàng năm, có khoảng 50 ngàn lượt tàu bè qua lại, khi ngang qua eo biển Malacca, được xem như chỗ thắt nút cổ chai, tàu bè đều phải chạy chậm, mà quanh đó lại có đến 3 ngàn hòn đảo nằm rải rác khắp hải phận 3 nước: Malaysia, Indonesia và Singapore. Trong đó, cụm quần đảo Batam gần như bất khả kiểm soát, nên bọn cướp biển quốc tế vẫn cứ lộng hành. Còn Malacca thì mang tiếng, nhưng lại là đất lành, được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Rảo một vòng quanh quảng trường Hà Lan, tôi thấy Malacca quả là nơi tụ hợp đa sắc màu văn hóa. Nó mang dáng vẻ của một thị trấn châu Âu, cổ kính mà yên bình. Bên cạnh công thự bề thế uy nghiêm của nhiều đời Thống đốc Hà Lan (nay được làm Bảo tàng Dân tộc học) là đài phun nước với cột đá kiểu Anh, tưởng niệm Nữ hoàng Victoria. Đối diện là nhà thờ Công giáo sừng sững. Không xa lại là thánh đường Hồi giáo, Cung điện Matek Sultanate bằng gỗ giá tỵ (nay là Bảo tàng văn hóa với tên gọi Serajah Melayu, tức “biên niên sử Malay”), rồi Thanh Vân đường, ngôi đền thờ nữ thần đại dương được xem là lâu đời nhất của cộng đồng người Hoa nằm giữa khu phố Tàu sầm uất, đông vui.  Trên đồi thánh Paul cao nhất Malacca còn có nhà thờ cổ bằng đá xây năm 1521, nay không còn nóc cùng pháo đài Porta De Santiago nổi tiếng của người Bồ Đào Nha...

Bùi Thuận

 

 

 

Tin xem nhiều