Từ ngày vợ và các con xuất ngoại, định cư ở nước ngoài, ông Nguyễn Việt Giàu (tức Hai Giàu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) vẫn tràn đầy hạnh phúc bên mẹ già gần 80 tuổi, cùng những lo toan bao chuyện cho nhiều cảnh đời khốn khó quanh mình.
Từ ngày vợ và các con xuất ngoại, định cư ở nước ngoài, ông Nguyễn Việt Giàu (tức Hai Giàu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) vẫn tràn đầy hạnh phúc bên mẹ già gần 80 tuổi, cùng những lo toan bao chuyện cho nhiều cảnh đời khốn khó quanh mình.
Ông Hai Giàu (thứ tư từ phải qua) cần mẫn với công tác Hội Chữ thập đỏ. |
“Người làm công tác vận động cứu trợ không phải là kẻ bần hèn, bám người giàu có để ngửa tay xin tiền dai như đỉa. Tôi vận động xin quà, tiền cho người khó, ngoài việc luôn biết cách giữ thể diện cho Hội, cho mình còn không quên giữ thể diện cho người nhận, người được tặng. Bởi, quà tiền cứu trợ ngoài giá trị vật chất, còn phải có thêm giá trị tình cảm sẻ chia, cảm thông giữa người cho và người nhận. Chính vì vậy, đêm về, tôi thật hạnh phúc khi cô đơn một mình trên chiếc võng trước sân nhà, nghĩ về những giọt nước mắt, niềm hân hoan trên khuôn mặt của mọi người khi được Hội nối vòng tay nhân ái trong những chuyến đi từ thiện” - ông Giàu vừa chăm chút bữa cơm chiều cho mẹ già, vừa thổ lộ.
* Tôi không mua nhà Hai Giàu
Ông Hai Giàu vốn là con em của người dân Bửu Hòa, có trên 20 năm tham gia công tác địa phương, rành rọt từng khu nhà, xóm trọ. Ông Giàu tâm sự, năm 1985 sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, ông tham gia công tác phường đội. Đến năm 1987, ông được điều về làm cán bộ tư pháp phường, được người dân Bửu Hòa đặt cho cái tên “Giàu tư pháp”. Ông Giàu nói: “Ngoài chuyện hướng dẫn bà con làm đúng thủ tục khai sinh, khai tử, kết hôn, tui còn cùng đoàn thể, chính quyền tham gia hòa giải, giải quyết các tranh chấp trong dân nên bà con quen miệng gọi vậy. Trong quá trình làm công tác tư pháp, tui đã tham mưu cho chính quyền rất nhiều trong việc giúp bà con tháo gỡ vấn đề làm khai sinh cho các em nhỏ đi học”.
Ông Hai Giàu bày tỏ, để bày tỏ tấm lòng người con Bửu Hòa với đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng của bão số 10, nhất là quê hương Quảng Bình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những ngày qua, ông và hội viên trong Hội đã triển khai công tác quyên góp để chung tấm lòng với Hội cấp trên để thực hiện những chuyến đi Quảng Bình khi hay tin Đại tướng mất. “Chúng tôi muốn bày tỏ lòng thương mến, cảm phục Đại tướng bằng việc làm cụ thể khi nhiều nơi ở tỉnh Quảng Bình bị bão tàn phá, bằng việc quyết tâm vận động nhân dân, hội viên đóng góp càng nhiều càng tốt và phải vượt chỉ tiêu trên giao” - ông Hai Giàu nói. |
Ông Giàu nhớ lại, một lần ông đi dự đám giỗ của nhà người dân trong xã. Trong lúc đang vui vẻ với gia chủ thì có một người đàn ông lạ, dáng dấp khắc khổ lại gần vỗ vai, hỏi: “Có phải ông là Giàu tư pháp không? Mời ông qua bàn kế bên cho tui giãi bày chút chuyện”. Nghe người đàn ông nói vậy, ông Giàu chột dạ nhưng vẫn đứng dậy đi theo lời mời của ông ta. Khi ngồi vào bàn, được người đàn ông nói rõ ý định của mình thì ông Giàu mới thở phào nhẹ nhõm. Ông Giàu nhớ lại, người đàn ông là Năm Hoàng, người dân Bửu Hòa có thời gian bỏ xứ đi nơi khác làm ăn. Một thời gian sau, Năm Hoàng dắt vợ con quay lại Bửu Hòa, dựng tạm lều trong một ngôi đình bỏ hoang để sinh sống. Hộ khẩu của Năm Hoàng tại địa phương đã bị cắt, các con ông đến tuổi đi học không làm được giấy khai sinh, nên ông ta mới ra xã tìm đến ông giúp đỡ. “Thủ tục thời ấy rất nhiêu khê, nếu làm thì cán bộ phải quyết tâm, còn muốn né tránh thì cứ đổ thừa cho thủ tục rườm rà, không ai bắt lỗi mình. Tuy vậy, trước hoàn cảnh đáng quan tâm của gia đình ông Năm Hoàng, tui xin ý kiến của lãnh đạo và được chấp nhận. Nhờ vậy, 3 người con ông Năm Hoàng và hàng trăm trẻ em khác trong phường được tui hướng dẫn đăng ký khai sinh trễ hẹn. Ông Năm Hoàng khoe trước đám tiệc làm tui nở lỗ mũi, rằng nhờ tui mà con lớn của ông học 12, con kế lớp 10, đứa tiếp theo lớp 6” - ông Giàu nói.
Sau khi dọn cơm riêng cho mẹ ăn tối, bên khay trà ông Giàu kể chuyện buồn của đời ông. Năm 1996, ông làm đơn xin nghỉ công tác tư pháp ở phường, về nhà làm thợ mộc để phụ vợ trả nợ, nuôi con khi gia đình xảy ra biến cố. “Tui xin nghỉ việc vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan chứ không phải vi phạm. Làm sao mà tui an tâm công tác khi bị ngân hàng siết nhà bán đấu giá để thu hồi khoản nợ vay. May mắn cho tui là họ không phát mãi được, vì người mua khi đến tìm hiểu, biết là nhà của “Giàu tư pháp” nên họ từ chối mua. Nhờ vậy, vợ chồng tui mới có điều kiện kéo dài thời gian trả nợ cho ngân hàng, nhà vẫn giữ được. Lúc này, tui mới thấu hiểu được cái tình mình đã trao, giờ người ta quay lại giúp mình” - ông Giàu nhìn mẹ già thầm lặng ngồi ăn, rươm rướm nước mắt tâm sự.
* Giàu Chữ thập đỏ hôm nay
Nợ đời chưa dứt, nợ xã hội được trả xong, năm 2004, ông Giàu được địa phương “ấn” cho chức danh Trưởng KP.3 và “bắt” ông phải nhận vì uy tín ông rất lớn. Sau 2 năm làm trưởng khu phố, ông được điều về làm Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường, một thời gian ngắn thì ông được “ấn” làm Chủ tịch Hội và kiêm thêm chức danh Chủ tịch Hội Khuyến học, cán bộ chuyên trách giảm nghèo phường. Cũng từ đây, ông Giàu không ngần ngại lăn xả với công việc. “3 giờ sáng tui dậy để chat online với vợ và các con. Sau đó đi thể dục, lo cơm nước cho mẹ. 7 giờ sáng là đi làm đến 17 giờ về. Thời gian ở nhà giúp mẹ cơm nước, đọc báo, xem đài hoặc giải quyết các công việc đột xuất địa phương cần” - ông Giàu kể với chúng tôi về lịch làm việc trong ngày của mình.
Ông Hai Giàu cùng các hội viên thực hiện những chuyến cứu trợ ra ngoài tỉnh. |
Để những cảnh đời khó khăn trên địa bàn không bị lãng quên, ông Giàu không ngần ngại phối hợp cùng đoàn thể, chính quyền tìm đến các địa chỉ từ thiện vận động gạo, tiền, sách vở... giúp cho người nghèo. Mỗi năm, Hội của ông vận động được trên 1, 2 tỷ đồng cho công tác cứu trợ khẩn cấp, trợ giúp nhân đạo, chăm sóc sức khỏe, nhà tình thương... “Hiện tại, Hội của tui có trên 800 hội viên, 7 chi hội cơ sở. Kho gạo lúc nào cũng có trên 2 tấn dự trữ để dành cứu trợ đột xuất cho những gia đình nào gặp hoạn nạn. Quan điểm của tui và địa phương rất rõ, tiền quà mạnh thường quân đóng góp để cứu trợ người nghèo thì để tại Hội phát cho họ khi có cơ sở đề xuất hỗ trợ. Còn tiền, quà nào thuộc chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì giao cho các bộ phận khác quản lý. Có như vậy, người tặng mới biết cụ thể tiền, quà mình tặng có đúng đối tượng không và người nghèo không phải chờ xét duyệt nhiêu khê mới được hỗ trợ” - ông Giàu thổ lộ.
Việc ông Giàu sắm máy ảnh để chụp hình làm thẻ cho hội viên không thu phí, khi ông quay lại tham gia công tác địa phương, càng khẳng định tấm lòng với người nghèo của ông. “Những tấm bằng khen, giấy khen của tỉnh, TP.Biên Hòa, phường ghi nhận thành tích của ông, xứng đáng những gì ông đã đóng góp với tinh thần vì người dân nghèo trên địa bàn” - bà Vũ Thị Ngân, Trưởng khối vận phường Bửu Hòa, bày tỏ. |
Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Ngân, Trưởng khối vận phường Bửu Hòa, tỏ bày sau sự cố gia đình, khi ông Giàu có điều kiện quay trở lại công tác, ông như một người mới: “ông Giàu tích cực, nhiệt huyết và xông xáo với công tác địa phương giao. Phương tiện làm việc ở cơ quan khó khăn, ông Giàu tự lấy tiền túi ra đầu tư máy móc, thiết bị để phục vụ công tác cho mình và tập thể. Nhiều hộ nghèo vay vốn không có tiền trả gốc và lãi cho ngân hàng thì ông Giàu lấy tiền túi ra giúp họ tháo gỡ. Qua hoạn nạn ông Giàu càng sống nghĩa tình, chí khí hơn trước. Đó cũng là điều mà chúng tôi tự hào khi gọi ông quay lại công tác và tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ” - bà Ngân bộc bạch.
Đoàn Phú