Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện nữ cán bộ tòa

11:10, 20/10/2013

Phó chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Triệu Thị Huỳnh Hoa cho hay, công việc tòa án tuy khô khan, nhưng luôn thấm đẫm tình người.

Phó chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Triệu Thị Huỳnh Hoa cho hay, công việc tòa án tuy khô khan, nhưng luôn thấm đẫm tình người. Rời phiên tòa xét xử, dáng vẻ nghiêm khắc, uy nghi của nữ cán bộ tòa án được thay bằng dáng vẻ dịu dàng, nữ tính. “Rời bàn làm việc với rất nhiều sức ép, nhưng chị em vẫn không quên bổn phận và trách nhiệm làm con, làm vợ, làm mẹ trong gia đình” - bà Hoa thổ lộ.

Trong căn phòng làm việc đơn sơ nhưng khá tươm tất, Chánh án TAND huyện Định Quán Phạm Thị Thanh Thủy trao đổi cởi mở với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề. Bà Thủy cho hay, gần 30 năm tham gia công tác xét xử và đảm nhận công việc quản lý, bà vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”.

* Tận tụy với nghề

Tốt nghiệp Trường đại học luật Hà Nội, năm 1984, bà Thủy được điều về huyện Tân Phú (lúc chưa chia tách thành Tân Phú và Định Quán) công tác. Một năm sau, bà được bổ nhiệm làm thẩm phán, tự tin ngồi vào ghế xét xử khi ở tuổi 24. Bà Thủy tâm sự, thời đó trụ sở làm việc còn tạm bợ, vụ việc không nhiều, điều kiện trau dồi nghiệp vụ xét xử rất hạn chế. Tuy vậy, để mỗi bản án được ban hành khách quan, không để sót người lọt tội, hay oan sai cho người vô tội…, bà không ngại tham khảo ý kiến những người đi trước, đêm chong đèn nghiên cứu hồ sơ. “Ngay cả công việc đi tống đạt quyết định xét xử cho các đương sự trong các vụ án, việc thu thập chứng cứ, xác minh sự việc…, tôi vẫn cùng đồng nghiệp băng rừng, lội suối tìm đến tận nơi” - bà Thủy nhớ lại.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Định Quán (phải), với đồng nghiệp.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Định Quán (phải), với đồng nghiệp.

Năm 1991, huyện Tân Phú chia tách thành 2 huyện Tân Phú và Định Quán, bà Thủy được bổ nhiệm làm Phó chánh án TAND huyện Định Quán. Trên cương vị lãnh đạo, bà càng thấm nhuần lời Bác Hồ dạy đối với người làm công tác tòa án: “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”, đồng thời đúc kết kinh nghiệm cho bản thân rằng, người làm công tác xét xử phải am hiểu nhiều lĩnh vực, cần có tấm lòng bao dung, vị tha. Bà Thủy tâm niệm, khi nhân danh Nhà nước tuyên một bản án, đồng nghĩa bản thân mình mang một trọng trách rất nặng nề. Vì vậy, bản thân bà luôn cân nhắc lý, tình trước khi tuyên một bản án mà mình ngồi ghế chủ tọa.

Sự tận tâm, tận lực của bà Thủy luôn để lại dấu ấn tốt trong đồng nghiệp. Chính vì vậy, năm 1999, bà được bổ nhiệm vị trí Chánh án TAND huyện Định Quán khi ở tuổi 39. “Với gia đình, tôi cảm thấy hài lòng vì các con thành đạt, có công ăn việc làm ổn định và tôi cũng đã lên chức bà nội rồi. Dù giữ vị trí thủ trưởng trong cơ quan, nhưng tôi vẫn không quên phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ, làm bà của đại gia đình 4 thế hệ trong nhà chồng” - bà Thủy nở nụ cười hiền hậu nói.

* Cùng nhau đi làm đẹp

Trong không khí rộn ràng kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, bà Bùi Kim Rết, Phó chánh văn phòng, Chủ tịch Công đoàn TAND tỉnh, càng thêm tất bật với các công việc ngoài chuyên môn. Bà Rết thổ lộ, năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 8-3 và 20-10, Công đoàn và tổ nữ công trong cơ quan bà tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí dành cho phụ nữ, như: thi cắm hoa, múa hát, họp mặt truyền thống...  Đặc biệt, bà còn dẫn chị em trong đơn vị đến các tiệm trang điểm làm đẹp. “Mỗi lần dẫn nhau ra tiệm cắt tóc, trang điểm, chị em ai cũng thích thú. Đặc biệt là khi ngồi vào bàn trang điểm, được thợ tư vấn chi tiết về cách dưỡng da, chăm sóc tóc sao cho sành điệu, chị em cứ nhìn nhau cười và giấu đi nét nghiêm nghị thường ngày khi ngồi ghế xét xử” - bà Rết bày tỏ.

Nữ thẩm phán tại phiên tòa xét xử (ảnh minh họa).
Nữ thẩm phán tại phiên tòa xét xử (ảnh minh họa).

Bà Lê Hồng Hương, Chánh tòa hình sự TAND tỉnh, nói: “Phụ nữ mà, ai cũng thích làm đẹp. Tuy vậy, tôi cũng luôn ý tứ và cho phép bản thân được làm đẹp ở chừng mực vừa phải. Tôi quan niệm làm đẹp là tốt, nhưng không được làm mất đi vẻ uy nghiêm của người thẩm phán đang chủ trì phiên xét xử, hoặc trong công việc thường ngày, từ cung cách ăn mặc đến mái tóc, trang điểm và lời nói”.

Phó chánh án TAND tỉnh Triệu Thị Huỳnh Hoa thổ lộ, công việc tòa án không phân biệt nam, nữ, nhưng luôn đòi hỏi người làm việc phải có sức khỏe tốt. “Với phụ nữ, vấn đề sức khỏe thua kém nam giới, nhưng bù lại ở tính cần cù, chăm chỉ, biết hy sinh cho công việc nên kết quả giải quyết công việc không thua kém gì nam. Tạo thêm niềm vui, hoạt động trong những ngày phụ nữ được tôn vinh, đó luôn là món quà quý mà các nam đồng nghiệp gửi đến cho chị em phụ nữ nhân ngày 20-10 năm nay” - bà Hoa tâm sự.

Ngành TAND tỉnh hiện có 306 cán bộ, nhân viên, trong đó có 176 cán bộ, nhân viên nữ. Riêng đơn vị TAND tỉnh có 80 người, trong đó có 39 nữ. Bà Bùi Kim Rết cho biết, tổ nữ công của TAND tỉnh tham gia các hoạt động phong trào rất khí thế, như: trao học bổng, tổ chức cho con em cán bộ đi xem phim; tổ chức sinh nhật cho cán bộ, nhân viên nữ; thi nấu ăn; thi ca hát… “Những lúc đó, chúng tôi không còn phân biệt với nhau là thủ trưởng, thư ký hay nhân viên, từng nhóm tranh nhau thể hiện hết tài năng để cùng vui, dành nhiều phần thưởng về mình là được” - bà Rết thổ lộ.

Là thủ trưởng đơn vị, dù rất bận rộn trong việc đôn đốc các bộ phận nghiệp vụ làm công tác báo cáo cuối năm, nhưng ông Huỳnh Văn Lưu, Chánh án TAND tỉnh, vẫn không quên đôn đốc Công đoàn cơ quan triển khai các hoạt động chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10. Ông Lưu chia sẻ, với tỷ lệ án xét xử trung bình mỗi thẩm phán 11 vụ/tháng, đó là sức ép công việc rất lớn đối với từng thẩm phán. “Công việc chuyên môn không phân biệt nam nữ, nhưng để hoàn thành khối công việc lớn đó, nữ thẩm phán phải hy sinh rất nhiều và luôn phải biết sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý. Bởi, ngoài công việc, bản thân họ còn phải chu toàn trách nhiệm làm mẹ, làm vợ trong gia đình” - ông Lưu nói.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều