Người dân sống ven quốc lộ 1 thuộc khu vực phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) từ lâu đã quen với hình ảnh một người đàn ông mỗi khi thấy tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra là chạy đến giúp người bị nạn bất kể giờ giấc, thời tiết. Đó là ông Nguyễn Văn Lý (55 tuổi), Trưởng KP.5, phường Tân Hòa.
Ông Nguyễn Văn Lý theo dõi công báo mới nhận |
Người dân sống ven quốc lộ 1 thuộc khu vực phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) từ lâu đã quen với hình ảnh một người đàn ông mỗi khi thấy tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra là chạy đến giúp người bị nạn bất kể giờ giấc, thời tiết. Đó là ông Nguyễn Văn Lý (55 tuổi), Trưởng KP.5, phường Tân Hòa.
* Lo chuyện thiên hạ
Từ đầu những năm 1980, khi còn là Tổ trưởng bảo vệ dân phố, ông Lý đã thường xuyên giúp đỡ những người bị TNGT trên địa bàn ông phụ trách. Ông Lý tâm sự: “Nhà tôi nằm trên quốc lộ 1 nên thường thấy TNGT xảy ra. Mỗi lần như thế, tôi thường gọi anh em trong tổ bảo vệ dân phố chạy đến kiểm tra tình hình sức khỏe người bị nạn và bảo vệ tài sản cho họ”.
Lúc đầu, khi mới chở người bị thương đi cấp cứu, ông Lý cũng rất sợ. Nhưng nhiều lần thành quen, mỗi khi có tai nạn xảy ra, ông đều chạy ngay đến hiện trường để kịp thời giúp người bị nạn. Đã nhiều lần, vợ con ông can ngăn vì lo ông bị lây nhiễm những căn bệnh qua đường máu, nhưng ông đều nói: “Thấy người bị nạn mà mình không giúp thì hổ thẹn với lương tâm, với bà con lối xóm đã tin tưởng mình…”.
Không chỉ ở KP.5, mà cả những khu phố gần đó, mỗi khi có TNGT xảy ra, người dân đều gọi điện thoại cho ông Lý. Nhiều lần đang ăn cơm với gia đình, nhưng nghe tin báo, ông đều vội vàng chạy đến. Có những lúc nghe tin báo có người bị TNGT ở trước cửa nhà, nhưng do bận đi xa không giúp được, ông gọi điện thoại báo cho những người trong tổ dân phố ra giúp. Đến khi về, ông còn tự mình vào bệnh viện để hỏi thăm người bị nạn.
Đêm cũng như ngày, mưa cũng như nắng, với ông Lý, cứu được người bị nạn là điều quan trọng nhất. Ông tâm niệm: “Họ cũng là người như mình, thấy họ nằm đó mà mình không giúp được gì, tôi thấy cắn rứt lắm. Người nào bị thương thì tôi đưa đi cấp cứu, chẳng may qua đời thì tôi cũng giúp giữ tài sản không bị lấy mất”.
* Ơn nghĩa không màng
Giúp người không một chút vụ lợi, nhưng cũng không ít lần ông Lý bị “ăn đòn” oan vì tính xông xáo, nhiệt tình của mình. Ông kể, cách đây 2 năm, ông đưa một người phụ nữ bị ô tô tông ngất xỉu vào bệnh viện. Khi chồng nạn nhân đến bệnh viện, tưởng ông là người gây tai nạn, người này chẳng nói chẳng rằng đánh liên tục vào mặt ông. Sau trận đòn sống dở chết dở đó, ông Lý phải nhập viện vì nứt xương hàm và cũng chỉ nhận được lời xin lỗi từ phía người chồng kia. “Giận thì có giận, nhưng nghĩ lại lúc đó người ta giận quá mất khôn nên tôi chẳng bắt đền gì. Lần đó, thấy tôi về nhà với khuôn mặt sưng vù, bầm tím, băng bó đầy mình, vợ con cằn nhằn cả mấy ngày liền. Những lần sau, tôi đều lén đi, chứ để vợ con mà biết thì lại khóa cửa, vì sợ tôi lại bị đánh…” - ông Lý cười kể lại.
Ngoài những “sự cố” trên, không ít lần người nhà của nạn nhân đến cám ơn và xin biếu ông Lý một số tiền hậu tạ vì giúp người thân của họ lúc bị nạn. Tuy nhiên, ông Lý luôn từ chối họ, bởi cái ông cần là: “Sự thanh thản của lương tâm khi giúp người, chứ không phải tiền bạc hay quà cáp”.
Đến nay, đã hơn 30 năm trở thành “người cứu nạn” dọc tuyến quốc lộ 1, ông Lý cũng không nhớ mình đã giúp bao nhiêu người và được bao nhiêu người đến cám ơn ông. Nhưng duy nhất có một kỷ niệm làm ông Lý không bao giờ quên được. Đó là vào giữa năm 2010, ông cứu một ông cụ bị xe tải ngã đè lên chân. Sau một hồi lâu cứu nạn, ông cùng mọi người mới bẩy được chiếc xe lên và đưa ông cụ đi cấp cứu. Trên đường đưa ông cụ vào bệnh viện, ông Lý luôn động viên cụ phải cố gắng chịu đựng để tiếp tục sống. Nhưng do bị thương quá nặng, cộng với tuổi già, sức yếu, ông cụ chỉ kịp nói cám ơn ông Lý một tiếng rồi tắt thở. “Đó là giây phút mà cả đời tôi không bao giờ quên được” - ông Lý bùi ngùi nói.
Không chỉ giúp người gặp TNGT, ông còn luôn làm tròn nhiệm vụ của một trưởng khu phố. Không nề hà nắng mưa, nhận được tin báo, dù bất kể ngày hay đêm, ông đều nhanh chóng đến với những người dân đang cần mình. 30 năm giúp đời, giúp người, ông Lý chia sẻ, điều làm ông mãn nguyện nhất là “kéo” được nhiều người thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần”, đó là sự đáp lại cho những nỗ lực quên mình của ông.
Đ.T