Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui buồn bảo vệ cơ quan

10:09, 09/09/2013

Gần 20 năm làm chân bảo vệ cơ quan L. (huyện Nhơn Trạch), ông Hai Phước đắng lòng xin  nghỉ việc để về nhà phụ quán cơm cho con trai.

Gần 20 năm làm chân bảo vệ cơ quan L. (huyện Nhơn Trạch), ông Hai Phước đắng lòng xin  nghỉ việc để về nhà phụ quán cơm cho con trai. “Khi cô ấy còn là cô bé lớ ngớ cầm đơn xin việc, tui còn nắm tay dẫn vào gặp thủ trưởng trao đổi. Vậy mà, khi lên làm trưởng phòng, cô ta quay lại chê bai tui già, chậm chạp và gây khó dễ, buộc tui phải nghỉ việc” - ông Hai Phước tủi lòng nói.

* Giấc ngủ chập chờn

Từ ngày ở nhà phụ quán cơm cho con trai, đôi mắt ông Hai Phước không còn thâm quầng vì thiếu ngủ. Ông Hai Phước nhoẻn miệng cười nói: “Phải mất gần 3 tháng, tui mới bớt nguôi ngoai nhớ anh em ở cơ quan, quen dần nếp sinh hoạt ở nhà do trước kia suốt ngày bám cơ quan trực, mọi sinh hoạt cá nhân, như: ăn uống, tắm giặt…, tui đều thực hiện ở cơ quan. Hàng ngày, tui chỉ tranh thủ lúc trưa, hay chiều tối tạt về thăm nhà một tí rồi đi ngay, vì cơ quan chỉ có một bảo vệ” - ông Hai Phước tỏ bày.

Anh Nguyễn Văn Minh (nhân viên bảo vệ Tòa án nhân dân tỉnh) với 20 năm làm bảo vệ.
Anh Nguyễn Văn Minh (nhân viên bảo vệ Tòa án nhân dân tỉnh) với 20 năm làm bảo vệ.

Khi trách nhiệm thức đêm canh trộm không còn, ông Hai Phước tăng thêm 10kg, cảm thấy như trẻ được vài tuổi. Ấy vậy mà, mỗi khi có dịp tạt vào cơ quan cũ ngồi uống ly trà Bắc với bảo vệ mới, ông Hai Phước vẫn tỏ ra tiếc nuối công việc bảo vệ đã ăn sâu vào tiềm thức ông qua bao năm tháng. “Tui vừa xin được chân bảo vệ ở gần nhà cho đỡ nhớ công việc” - ông Hai Phước nói.

Vốn là một thợ hàn kỳ cựu, sau khi rời biên chế nhà nước, ông Năm Hùng xin vào làm bảo vệ ở trụ sở Ủy ban MTTQ tỉnh. 13 năm gác cổng cơ quan, ông Năm Hùng cũng một lần bị tai nạn nghề nghiệp. Ông Năm Hùng nhớ lại, khoảng năm 2000, khi ông chân ướt chân ráo vào làm bảo vệ cơ quan thì bị kẻ trộm lẻn vào trộm xe máy của một người trong đơn vị. Thật may mắn cho ông, một tháng sau, cơ quan công an đã bắt được kẻ cắp và thu hồi lại chiếc xe máy trả lại cho chủ cũ. “Trong quá trình chờ kết quả điều tra của cơ quan công an, tui mất ăn mất ngủ cả tháng trời. Đêm về, tui thường ra hành lang trụ sở giăng mùng nằm canh trộm và suy nghĩ mông lung, sụt mất vài ký” - ông Năm Hùng bộc bạch.

Cũng từ dạo ấy và cho đến ngày cơ quan tăng cường thêm một bảo vệ, ông Năm Hùng và đồng nghiệp mới, ngày chia nhau ca trực, đêm mỗi người một đầu cổng nằm gác. Khi ông và đồng nghiệp bận chuyện gia đình, thì trực choàng gác cho nhau.

* Vui, buồn bảo vệ

 Bên hàng ghế đá sân trường, ông Minh Trí (30 năm làm bảo vệ Trường THCS Thống Nhất, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) tỏ bày, công việc bảo vệ trường học hàng ngày luôn tiếp xúc với thầy cô giáo và học trò nhỏ nên đã tập cho ông thói quen ăn mặc tươm tất, nói chuyện mô phạm. “Bảo vệ trường gần giống bảo vệ trụ sở cơ quan nhà nước và rất khác xa với cung cách vệ sĩ là không được phép cầm gậy khi tuần tra canh gác. Đây là môi trường giáo dục, người bảo vệ phải ứng xử theo tác phong ở môi trường giáo dục khi giao tiếp với người khác và nhắc nhở các trò nhỏ” - ông Minh Trí nói.

Phút nghỉ ngơi của ông Năm Hùng (trái) cùng đồng nghiệp.
Phút nghỉ ngơi của ông Năm Hùng (trái) cùng đồng nghiệp.

Đồng nghiệp với ông Minh Trí từ nhiều năm nay là ông Văn Minh (25 năm làm bảo vệ Trường tiểu học Nguyễn Du, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), không giấu giếm chuyện vui buồn nghề bảo vệ. Ông tâm sự, lương nhân viên bảo vệ trường học hiện còn thấp so với lao động tự do, trong khi công việc gần như túc trực tại trường, nhất là trường lớp được đầu tư nhiều trang thiết bị giá trị, trách nhiệm bảo vệ trường rất nặng nề. “Trong quá trình bảo vệ trường học, tui cũng báo cho công an được một vụ trộm cắp từ trụ sở cơ quan khác. Riêng trường tui thì an toàn tuyệt đối từ trước đến nay” - ông Văn Minh vui vẻ cho biết.

Suốt bao năm làm bảo vệ Trường THCS Thống Nhất, điều mà ông Minh Trí nhận được không chỉ là công ăn, việc làm ổn định mà bản thân ông được thầy cô trong trường chọn làm gương tiêu biểu về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để thi cấp trường, cấp phòng. Với ông, đó là niềm tự hào của bản thân khi gắn bó với môi trường sư phạm, dù ông chỉ là một người bảo vệ trường học.

Sau bao năm gắn bó với công việc bảo vệ một trường tiểu học ở gần nhà, ông Ngọc Chúc (đảng viên, nhà ở phường Tân Phong) ngậm ngùi chuyển sang làm công tác bảo vệ tại một trụ sở nhà nước xa nhà. Ông Ngọc Chúc cho hay, trường học nơi ông làm bảo vệ trước kia xuất hiện trình trạng nội bộ mất đoàn kết. Chứng kiến việc hiệu trưởng cho người ngoài vào trường cưa cây xanh không đúng, ông và tập thể giáo viên đứng ra đấu tranh. Điều làm ông đau lòng nhất là trước khi vị hiệu trưởng bị kỷ luật, bà đã gây sức ép đuổi việc ông và đồng nghiệp. “Làm công việc nào cũng phải sống và làm việc đúng lương tâm, trách nhiệm của người đảng viên. Sự ngay thẳng cần có thời gian để mọi người nhìn nhận và ủng hộ. Nếu mình không làm hết mình thì đồng lương nhận được cầm về đưa vợ không đáng tự hào” - ông Ngọc Chúc thật lòng tỏ bày.

Tuy có thâm niên làm công việc gác cổng cơ quan, xí nghiệp, quán ăn…, ông Bảy Tốt (bảo vệ chợ Biên Hòa) vẫn chưa bao giờ trụ việc một chỗ quá lâu. Bởi theo ông Bảy Tốt, phần do bản tính “ăn ngay, nói thẳng” của ông mà hư sự, khiến ông bị sa thải, phần vì ông không chịu được sự ức hiếp kiểu “ma cũ hiếp ma mới” trong công việc. Cũng có chỗ, ông muốn bám trụ lâu, nhưng do ông chủ làm ăn thất bát nên đơn vị giải thể và ông thất nghiệp. “Công việc bảo vệ khổ và tủi thân nhất là khi đơn vị xảy ra mất cắp, mình bị nghi ngờ tay trong tay ngoài, phải trích tiền túi từ đồng lương còm cỏi để bồi thường. Còn điều hạnh phúc nhất là khi cả năm đơn vị không xảy ra chuyện và lương, thưởng thì… cứ đến tháng nhận đều” - ông Bảy Tốt bộc bạch.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều