Trong số hàng trăm công nhân đang ngày đêm dọn vệ sinh trên các tuyến đường TP.Biên Hòa, có không ít người làm việc thời vụ. Họ đảm nhận công việc bằng những bản hợp đồng “miệng” với công nhân chính thức để tìm kế sinh nhai.
Trong số hàng trăm công nhân đang ngày đêm dọn vệ sinh trên các tuyến đường TP.Biên Hòa, có không ít người làm việc thời vụ. Họ đảm nhận công việc bằng những bản hợp đồng “miệng” với công nhân chính thức để tìm kế sinh nhai. Môi trường lao động khắc nghiệt, nhưng số công nhân này không có bất kỳ chế độ bảo hiểm, bảo hộ lao động nào, khoản thu nhập ít ỏi từ công việc vất vả cũng bấp bênh. Trong khi đó, “nhà tuyển dụng” buộc họ phải có những cam kết chấp nhận những quy định này trước khi vào làm việc.
Dù đã bám trụ với công việc quét rác 5 năm, nhưng bà T. vẫn không có hợp đồng lao động. |
Mang tiếng làm công nhân cho một công ty môi trường, nhưng nhiều người chỉ làm công cho công nhân chính thức. Công việc vất vả, nhưng thu nhập chỉ đủ giúp họ sống qua ngày.
* Công nhân không hợp đồng
Nói đến 2 từ công nhân, nhiều người nghĩ ngay đến đó là những người lao động đang làm việc trong các công ty, xí nghiệp… có hợp đồng với người sử dụng lao động. Thế nhưng, những trường hợp công nhân vệ sinh mà chúng tôi gặp, họ không có bất kỳ bản hợp đồng lao động nào với người sử dụng lao động. Có chăng chỉ là những “hợp đồng miệng” với “người chủ” thuê họ mà thôi.
4 giờ 30, trời vẫn chưa sáng hẳn để nhìn rõ mặt người, trên một tuyến đường ở TP.Biên Hòa chúng tôi nhận ra người công nhân quét đường đang ngồi tựa lưng vào gốc cây ven đường nghỉ mệt. Tiếp chuyện với chúng tôi dưới ánh sáng mập mờ, bà T. (ngụ TP.Biên Hòa) nói bằng giọng đứt quãng, vì vừa trải qua một đêm vật lộn với đoạn đường gần cả cây số. Bà T. bảo mình nhận công việc quét đường được 5 năm nay, nhưng do đã lớn tuổi nên bà không được nhận làm công nhân chính thức của công ty. Vì vậy, bà đành nhận lại phần đường do một người quen (người này làm công nhân chính thức trong công ty vệ sinh) để làm.
Bà T. cho biết, mang tiếng làm công nhân vệ sinh môi trường, nhưng bà chẳng có bất kỳ bản hợp đồng lao động nào với công ty. “Sau khi người quen chia cho tui phần đường này, coi như tui đã “hợp đồng miệng” với họ để nhận lương hàng tháng” - bà T. chia sẻ. Mỗi tháng, sau khi nhận lương từ công ty, người quen này trích ra một phần để “trả lương” cho bà T. Làm công việc quét đường vất vả là thế, nhưng mỗi tháng bà T. cũng chỉ kiếm được gần 3 triệu đồng.
Cùng cảnh với bà T. là vợ chồng anh L. (ngụ TP.Biên Hòa). Vợ chồng anh L. nhận quét dọn đoạn đường gần 1km từ một người quen chia cho. Do không xin được vào làm chính thức từ công ty nên vợ chồng anh L. được người quen cho “thầu” lại đoạn đường này để họ kiếm sống. Đã hơn 2 năm, đêm nào vợ anh L. cũng gửi con cho bà nội trông để cùng chồng đi quét đường. Nói làm công nhân, nhưng vợ chồng anh L. chưa bao giờ biết mặt những người trong công ty của mình. Khoản lương ít ỏi hàng tháng vợ chồng anh nhận đều do người quen chia lại. “Không có hợp đồng lao động nên tụi tui làm được tháng nào thì biết tháng đó thôi” - anh L. chia sẻ.
* Không bảo hiểm, bảo hộ…
Không chỉ làm việc bằng những bản “hợp đồng miệng” với những công nhân khác, những người làm việc kiểu “thời vụ” hoàn toàn không có một chế độ nào khác ngoài những đồng lương ít ỏi kiếm được bằng công việc dọn dẹp vệ sinh đường phố khá vất vả.
Bà T. cho biết, ngoài mỗi tháng nhận được gần 3 triệu đồng tiền công từ công việc quét đường, bà chẳng có bất kỳ khoản tiền nào khác. Thế nhưng, điều khiến bà băn khoăn nhất là, làm việc trong môi trường độc hại và nguy hiểm, nhưng bà chưa bao giờ biết đến chế độ phụ cấp độc hại, hay bất kỳ loại bảo hiểm nào. “Ốm đau xoàng thì không nói, nhưng lỡ đổ bệnh thì mình cũng phải tự lo lấy” - bà T. bộc bạch. Cũng gắn bó với công việc quét đường nhiều năm, nhưng chỉ làm “công nhân” cho công nhân, nên chẳng có năm nào bà được nhận một khoản tiền thưởng lễ, tết đúng nghĩa. Mỗi lần tết đến, khoản “tiền thưởng” mà bà T. nhận được chỉ là phần trích lại tiền thưởng của người quen nhận được từ công ty.
Vợ chồng anh L. cũng chưa một lần biết đến các khoản tiền thưởng vào các ngày lễ, tết từ công ty. Anh L. bộc bạch, dù rất muốn được công ty nhận vào làm chính thức để có cơ hội được hưởng các chế độ, chính sách từ công ty, nhưng điều đó thật quá xa vời. “Tôi cũng biết có nhiều người mong muốn kiếm được công việc quét rác như thế này, nhưng để kiếm được chỗ làm chính thức trong công ty rất khó” - anh L. chia sẻ. Biết phận “làm ké”, nên anh L. không mơ đến món tiền thưởng xa xỉ, mà chỉ băn khoăn về các chế độ bảo hiểm tai nạn, y tế và chế độ độc hại trong môi trường khắc nghiệt này.
May mắn hơn bà T., anh L. là trường hợp của anh A. (ngụ TP.Biên Hòa), đang lái xe chở rác cho một người tên T. (làm trong Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai). Hàng ngày, từ 4-14 giờ, anh được ông T. thuê lái xe đi thu gom rác thải trên một số tuyến đường ở TP.Biên Hòa. Đã bám trụ công việc này được 5 năm, nhưng hiện anh A. vẫn chỉ làm công cho chủ. Ngoài khoản tiền lương mỗi tháng, cuối năm ông chủ “phóng khoáng” thưởng thêm cho anh 1 tháng lương. Đó cũng là khoản tiền ngoài lương duy nhất mà anh A. có được từ công việc vất vả, nguy hiểm và độc hại này.
Theo anh A., những trường hợp làm thuê như anh rất nhiều, họ không có điều kiện làm chính thức cho công ty, nên phải đi làm thuê cho các công nhân khác. Với đủ loại công việc, những công nhân chính thức có thể đứng ra thầu thêm đường để quét; thu gom rác sinh hoạt ở các khu phố, đường hẻm; hoặc chăm sóc cây xanh trên một số đoạn đường… Những người thầu lại như vậy chỉ làm “công nhân của công nhân”, nên mọi chế độ họ đều thua thiệt hơn những công nhân chính thức...
Trần Danh