Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngổn ngang làng gốm Tân Vạn

08:09, 05/09/2013

Dù cuộc sống công nghiệp luôn tất bật, ở phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) vẫn phảng phất mùi đất nung từ những khu sản xuất gốm ven sông.

Dù cuộc sống công nghiệp luôn tất bật, ở phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) vẫn phảng phất mùi đất nung từ những khu sản xuất gốm ven sông. Cán bộ phụ trách công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ phường Tân Vạn Ngô Văn Minh cho hay, nghề gốm Tân Vạn vẫn còn gắn bó với những lớp người lớn tuổi. Riêng giới trẻ không còn mặn nồng với gốm sứ, vì thu nhập từ nghề không bằng làm việc ở các công ty.

* Mai một làng nghề

Trong quá trình chờ di dời vào khu quy hoạch làng nghề gốm sứ Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa), các lò gốm ở Tân Vạn vẫn đỏ lửa. Tuy vậy, để tồn tại với nghề, chủ Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Phát Thành Nguyễn Ngọc Tấn phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm các hợp đồng sản xuất từ các đầu mối xuất khẩu. Khi hết đơn hàng, doanh nghiệp của ông vẫn cố gồng mình nổi lửa, giữ chân thợ bằng cách làm gia công cho các đầu mối nhỏ, lẻ khác. “Những năm về trước, khung cảnh làm việc của các lò luôn nhộn nhịp. Ngoài lao động là những người thợ chính, còn có con em họ đi theo để phụ việc vặt, bưng bê. Nhờ vậy mà kỹ thuật làm gốm được truyền từ cha mẹ sang con trẻ, hết thế hệ này đến thế hệ khác” - ông Tấn nói.

Những người làm công nhân cho các lò gốm sứ ở Tân Vạn ngày càng khó tìm.
Những người làm công nhân cho các lò gốm sứ ở Tân Vạn ngày càng khó tìm.

Chỉ tay vào người thợ đang mình trần ngồi vẽ hoa văn trên những chiếc chậu xinh xắn, ông Tấn tỏ bày trong tâm trạng nặng trĩu: “Hồi trước, để giữ bí quyết tạo mẫu khuôn, màu men, chúng tôi phải cách ly người thợ trong phòng kín, không cho người lạ lai vãng gần. Còn giới chủ thì không dám quen mặt nhau, vì sợ chơi thân sẽ làm lộ bí quyết nghề; đồng thời người chủ lò còn tìm mọi cách để chiêu dụ thợ giỏi lò khác về làm cho mình. Bây giờ, điều đó không còn nữa, tất cả bí quyết đều phô bày ra trong quá trình sản xuất. Vậy mà, lớp trẻ bây giờ chẳng còn mấy ai hứng thú với nghề này”.

Các làng nghề gốm sứ, lu, sành… ở các xã, phường: Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An có gần 100 xưởng gốm mỹ nghệ lớn, nhỏ. Gốm mỹ nghệ Biên Hòa chỉ trong ba phần tư thế kỷ đã lan tỏa thành gốm Bình Dương, gốm TP.Hồ Chí Minh, gốm Vĩnh Long và đi khắp nơi, góp phần tô điểm cho đời thêm đẹp. Hiện tại, TP.Biên Hòa đang hoàn chỉnh quy hoạch làng nghề gốm sứ rộng 52 hécta tại xã Tân Hạnh để di dời các làng gốm trên địa bàn thành phố về đây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Minh cho hay, hiện trên địa bàn phường Tân Vạn có 11 DNTN sản xuất gốm sứ và 15 hộ cá thể đang hoạt động. Riêng các dạng hoạt động nghề, như gia đình tự làm nghề trong dịp tết, nhận hàng về nhà gia công… cũng còn vài chục hộ gia đình. “Hơn 15 năm trước, các hoạt động tiểu thủ công nghiệp gốm và gạch đóng góp cho ngân sách địa phương rất lớn. Nay thì hoạt động này chỉ sống cầm chừng, tồn tại được ngày nào hay ngày đó, cho đến khi di dời hết qua xã Tân Hạnh” - ông Minh nhấn mạnh.

Cùng tâm trạng, chủ DNTN Thái Vinh (KP.4, phường Tân Vạn) Huỳnh Đức Thơ thổ lộ, lò của ông hiện đang duy trì, nhưng cũng chỉ giữ việc làm ổn định cho 15 thợ gốm có tay nghề, vì đơn đặt hàng khan hiếm. Những lúc không có đơn hàng, lò của ông Thơ và nhiều lò khác phải tìm cách giữ chân thợ bằng những đơn hàng nhỏ, lẻ, chứ không dám để lò nguội lạnh. “Bởi, thợ gốm có tay nghề bây giờ ngày càng mai một. Người còn trụ nghề chỉ toàn người già, còn người trẻ tuổi giờ không theo nghề gốm, mà thích làm công ty hơn” - ông Thơ tỏ bày.

* Ký ức xưa

Theo lời kể của các bậc cao niên ở làng gốm Tân Vạn, nghề làm gốm, lu xuất phát từ những thợ gốm người Hoa ở Biên Hòa. Nửa cuối thế kỷ XIX (1875), nhiều lò gốm gia dụng ở Tân Vạn đã bắt đầu hình thành. Một trong những lò gốm thành lập sớm nhất là Tú Hiệp Thái, sau đổi thành Quảng Thuận Long, rồi Quảng Phát Long, Lò Cũ. Những lò gốm cũ của người Hoa chuyên làm đồ gia dụng với những loại sản phẩm, như: lu, hũ, chậu, ghè… bằng gốm sành. Nguyên liệu chủ yếu là đất sét đỏ pha cát, nung ở nhiệt độ cao tạo cho xương sành dày, chắc và cứng. Quá trình tạo ra sản phẩm gốm, lu còn mang tính thủ công cổ truyền, kỹ thuật chế tác chủ yếu bằng phương pháp dải cuộn và qua nhiều công đoạn.

Người thợ tạo hình luôn lấm lem bùn đất.
Người thợ tạo hình luôn lấm lem bùn đất.

Bên cạnh các lò gốm, lu, nhiều cơ sở làm gốm mỹ nghệ hiện nay cũng được hình thành và phát triển khá mạnh ở Tân Vạn và Bửu Hòa. Đầu thế kỷ XX, nghề gốm đã phát triển khá mạnh ở Biên Hòa, nhưng chủ yếu là sản phẩm gốm gia dụng, như: nồi, lu, hũ, chậu, ghè, ấm, chén, đĩa… để sử dụng, chưa mang yếu tố trang trí mỹ thuật. Các lò sản xuất gốm mỹ nghệ thịnh hành kể từ khi Trường bá nghệ Biên Hòa được thành lập (năm 1903).

Quy trình sản xuất, tạo mẫu, pha chế men màu, đặc biệt là khâu cải tạo nguyên liệu gốm… được nghiên cứu và thử nghiệm thành công. Năm 1923, các nghệ nhân Biên Hòa đã chế tạo thành công “gốm mỹ nghệ Biên Hòa”. Từ đó, nhiều sản phẩm gốm đa dạng được sản xuất dùng trong sinh hoạt, trang trí, thờ cúng… Hiện nay, sản phẩm gốm Biên Hòa được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Dù đã có lịch sử phát triển cả trăm năm, nhưng nghề làm gốm ở Tân Vạn không còn được như xưa và các nghệ nhân tên tuổi làm nên gốm sứ, lu, sành Tân Vạn giờ chẳng còn được mấy người. Có chăng, nghề gốm sứ ở Tân Vạn chỉ còn thấy ở những người chủ lò tâm huyết, giữ nghề vì muốn nối tiếp đời cha ông để làm nghề.

Ông Hứa Văn Chiêu, chủ DNTN Phong Sơn (KP.1, phường Tân Vạn), nói: “Gốm Tân Vạn được nung bằng củi, tạo ra màu đen đặc thù khi đất kết tạo với khói. Công nghệ nung lò gas, hay than, tuy rút ngắn thời gian nung, nhưng cũng làm mất đi màu sắc đặc thù của gốm sứ Tân Vạn nổi tiếng một thời”.

Thành Nhân      

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều