Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngỡ ngàng phố núi Pleiku

11:09, 06/09/2013

Có một cách đi bằng đường bộ từ Đồng Nai lên Tây Nguyên xa khoảng 500km trên đường 13, 14 đang lồi lõm “ổ voi”, “ổ trâu” mà rất… khỏe. Đó là ra Bến xe Biên Hòa vào lúc 18 giờ, rồi lên xe giường nằm cao cấp có giá vé 300 ngàn đồng/người đi Gia Lai.

Có một cách đi bằng đường bộ từ Đồng Nai lên Tây Nguyên xa khoảng 500km trên đường 13, 14 đang lồi lõm “ổ voi”, “ổ trâu” mà rất… khỏe. Đó là ra Bến xe Biên Hòa vào lúc 18 giờ, rồi lên xe giường nằm cao cấp có giá vé 300 ngàn đồng/người đi Gia Lai.

Đánh một giấc “thẳng cẳng” trong chiếc xe có trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ, mờ sáng hôm sau, khoảng 6 giờ, tôi đã đến TP.Pleiku.

* ĐI DĂM PHÚT ĐÃ… BỊ LẠC!

Nói vậy chứ, khó mà “đánh một giấc” cho được. Tôi là người “dạn dày” trên những chuyến xe đêm có giường nằm trên các tuyến: Bắc - Nam, Hà Khẩu - Côn Minh (Trung Quốc), Chiangmai - Bangkok (Thái Lan), Attapeu - Vientiane (Lào), Siem Reap - Phnom Penh (Campuchia)…, vậy mà mỗi khi xe lắc lư, cố gầm rú vượt qua liên tiếp nhiều đoạn hư hỏng, tan nát trên đường 14, tôi cũng phải nhổm người lên, gồng mình chịu trận.

Tượng Bác Hồ ở Quảng trường TP.Pleiku.
Tượng Bác Hồ ở Quảng trường TP.Pleiku.

Pleiku đây rồi! Một đô thị khang trang, với nhiều khu nhà cao tầng, trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại, các ngôi chợ truyền thống nhộn nhịp đông vui, những con đường tráng nhựa láng bóng với hệ thống cây xanh, lề đường rộng mát, nhiều quán cà phê vườn bày trí công phu, độc đáo...

Cảnh quan của TP.Pleiku nằm trên cao nguyên Gia Lai - Kon Tum bây giờ khác một trời một vực với hình ảnh về chốn: “Phố núi cao, phố núi trời gần. Phố xá không xa, phố núi tình thân… Đi dăm phút đã về chốn cũ” mà một nhà thơ đã viết cách nay hơn 40 năm.

Chuyện này cũng phải thôi, nhưng tôi bị huyễn hoặc bởi câu thơ của thời quá xa “Đi dăm phút đã về chốn cũ”, nên trong đêm đầu tiên vừa đặt chân lên phố núi Pleiku đã cùng một người bạn mải mê dạo ngắm phố phường, đến quên cả đường về khách sạn. Sau một hồi loay hoay, cuối cùng bạn tôi đành phải gọi điện nhờ người quen lái xe đến chở chúng tôi về.

Quả thật, Pleiku bây giờ không còn là phố núi quạnh quẽ, hắt hiu của ngày nào, mà đã là thành phố cao nguyên sinh động nằm trên trục giao thông quan trọng giữa quốc lộ 14 với quốc lộ 19, quốc lộ 25. Đặc biệt, đô thị núi ở phía Bắc Tây Nguyên này còn nằm trên cung đường Hồ Chí Minh và khá gần với… ngã ba Đông Dương, nên ra Bắc vào Nam, vô miền Đông đều thuận tiện, mà qua Campuchia, Lào cũng không xa.

Pleiku bây giờ chỉ còn đúng với câu thơ cũ: “Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”. Nằm trên độ cao gần 1 ngàn mét so với mặt nước biển, lại được hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ bao quanh, Pleiku quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm chỉ dao động ở mức từ 21-25oC. Do đó, việc dạo chơi ngoài trời hay ngồi quán cà phê ở Pleiku rất thú vị, nhất là đối với khách đến từ phương xa.

* ĐÔI MẮT PLEIKU BIỂN HỒ ĐẦY

Hầu như du khách đến Pleiku đều tìm tới Biển Hồ, một thắng cảnh độc đáo mang tầm cỡ quốc gia của tỉnh Gia Lai. Ngay trong số những sáng tác về Tây Nguyên đã làm nên tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Cường, có bài hát Đôi mắt Pleiku thể hiện niềm cảm xúc trước một hồ nước mênh mông nằm trên miệng ngọn núi lửa cao chót vót, quanh năm soi bóng mây trời cao nguyên.

Việc một hồ nước trong xanh, bốn mùa không thay đổi nằm trên ngọn núi cao hàng ngàn mét đã là một sự lạ. Vì theo nguyên tắc bình thông nhau, không một giọt nước nào có thể tồn tại được trên đỉnh núi cao như vậy. Đã thế, nhìn thấy mực nước cũng không hề thay đổi, kể cả trong 6 tháng mùa khô khốc liệt ở Tây Nguyên, trời không một giọt mưa...

Bà con người dân tộc Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng và ngay cả người Kinh ở các bản, làng quanh đó, còn cho rằng cái hồ nước trên núi không có đáy, nước Biển Hồ thông ra tận… biển Đông, cùng với nhiều câu chuyện kỳ bí, huyền thoại chung quanh Biển Hồ.

Một góc TP.Pleiku.
Một góc TP.Pleiku.

Thực ra, từ lâu đời, bà con dân tộc bản địa đặt tên cho cái hồ nước ngọt thiên nhiên nằm trên đỉnh núi cao này là hồ Tơ Nưng để nói lên khát vọng của người dân sinh sống trên vùng cao đất “khát”... nước. Người Kinh cũng dựa theo đó Việt hóa thành Biển Hồ.

Gần đây, nhiều bí ẩn của Biển Hồ đã được giải mã. Cái hồ nước hình bầu dục (được nhạc sĩ Nguyễn Cường ví là “Đôi mắt Pleiku biển hồ đầy”) có diện tích 230 hécta, nguyên là miệng một ngọn núi lửa ngừng hoạt động đã hàng trăm triệu năm để lại. Qua dùng máy hồi âm định vị cũng đã xác định Biển Hồ được hình thành bởi 3 túi trũng từ các dãy núi xung quanh. Trong đó, 2 túi lớn thông nhau qua một eo khá rộng và có độ sâu tương tự nhau là 16m; túi trũng còn lại có độ sâu khoảng 12m.

Đáy Biển Hồ được xác định là khá bằng phẳng. Toàn bộ trữ lượng nước trong Biển Hồ cũng được xác định khoảng 25-30 triệu m3 nước, xê dịch giữa mùa khô và mùa mưa. Qua phân tích chất lượng nước với kết quả “tốt nhất trong toàn bộ thủy vực”, cùng với việc xác định tài nguyên nước dồi dào, Biển Hồ đang có một vị trí chiến lược trong tiến trình phát triển TP.Pleiku và hiện đang đảm nhận vai trò cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ dân cư trong thành phố.

Biển Hồ còn là vựa cá của tỉnh Gia Lai, với sản lượng hàng trăm tấn thủy sản các loại, đồng thời còn là điểm du lịch quan trọng của tỉnh. Theo đó, sau khi đất nước “mở cửa”, Biển Hồ cũng được “quây rào” bán vé tham quan. Nhưng do làm không đến nơi đến chốn, đầu tư chuệch choạc… sau đó điểm du lịch này bị thả nổi, mặc cho mọi người vào ra.

Giống như nhiều du khách khác, tôi đến Pleiku là háo hức muốn đi Biển Hồ. Nhưng đến rồi, loay hoay chụp mấy tấm ảnh xong, tôi đành đứng tần ngần bên hàng thông xanh nhìn vẩn vơ mấy chiếc xuồng độc mộc nằm im lìm dưới triền hồ… và không thấy gì nữa, nên đành tháo lui. Tất cả chỉ trong vòng... 5 phút. Vậy mà nghe đâu, vào dịp cuối tuần, ngày lễ..., có đến hàng trăm “nam thanh nữ tú” người địa phương chở nhau lên… Biển Hồ hóng mát (từ trung tâm TP.Pleiku ra đây chỉ khoảng 7km).

Cũng may, nhờ có “thổ địa”, tôi ngồi taxi đi thêm chừng 5km qua một làng văn hóa dân tộc ở xã Tân Sơn để thưởng thức món gà nướng, thịt heo rừng nướng... cùng cơm lam do chính tay bà con người Gia Rai chế biến trong khu nhà sàn của quán Plei KơTieng, một địa chỉ quen thuộc của khách Tây đến Pleiku.

Với trên 20 dân tộc anh em cùng chung sống, Pleiku có một nền ẩm thực đa dạng sắc thái núi rừng. Trong đó, món phở khô (còn gọi là phở 2 tô) do ông chủ quán Đại Hưng “biến tấu” ra từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, nay trở thành đặc sản nổi tiếng, được chọn là một trong 10 món ngon châu Á và nằm trong “top” 50 món ngon Việt Nam. Pleiku còn có những món ngon, như: bò một nắng 2 sương chấm muối kiến vàng kèm lá é, bún mắm cua, cá chốt suối nướng, gỏi đu đủ gan bò, lụi nướng...

Ngoài cà phê, hồ tiêu... nổi tiếng, Pleiku còn có trà Biển Hồ, Bàu Cạn, bắp Xà Ró, rượu ghè... thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi: “Phố núi cao, phố núi trời gần. Đi dăm phút... coi chừng bị lạc!”.

Bùi Thuận

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều