Từ tháng 7 âm lịch trở đi, những người làm trống bước vào mùa phục vụ Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Ở các gia đình có truyền thống làm trống tại Đồng Nai, công việc làm ăn thời điểm này lại chộn rộn hẳn lên. Làm trống đã mang lại cho người làm nghề một cuộc sống khá giả hơn.
Từ tháng 7 âm lịch trở đi, những người làm trống bước vào mùa phục vụ Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Ở các gia đình có truyền thống làm trống tại Đồng Nai, công việc làm ăn thời điểm này lại chộn rộn hẳn lên. Làm trống đã mang lại cho người làm nghề một cuộc sống khá giả hơn.
Chất lượng trống phụ thuộc nhiều vào các loại gỗ. Trong ảnh: Thợ làm trống của cơ sở anh Phạm Chí Viết. |
Gia đình đã có 3 đời làm trống, bà Lê Thị Kim (chủ tiệm trống Ba Hoàn, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) cho biết, sản phẩm trống của gia đình bà không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Tất cả các loại trống, từ trống bỏi, trống cơm đến những loại trống “khủng” (nhiều người vẫn thường gọi là trống sấm), gia đình bà đều có thể làm được.
* Tiếp nối truyền thống
Theo bà Kim, trống có 2 loại, gồm: trống đúc và trống ghép. Trống đúc làm từ một khối gỗ nguyên, người thợ phải khoét bên trong khối gỗ cho đến khi tạo thành hình chiếc trống. Làm loại trống này đòi hỏi sự kỳ công và mất nhiều thời gian. Còn làm trống dăm liền (ghép nhiều thanh gỗ lại) không mấy phức tạp, người thợ chỉ cần lắp ghép để thành trống theo ý của riêng mình.
“Để làm được một chiếc trống, đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo của người thợ. Một chiếc trống hoàn chỉnh thường qua 2 bước cơ bản là làm da và tang (thân) trống. Gỗ thường được lấy từ cây mít. Đây là loại gỗ nhẹ, khi đóng không bị cong vênh hoặc nứt. Ngoài ra, gỗ mít ít bị co giãn và có sức đàn hồi tốt nên giữ được hình dáng nguyên vẹn, khi sử dụng âm thanh không bị vỡ” - bà Kim cho hay.
Nghề làm trống vốn cần tính kiên trì, bền bỉ và đam mê, nhưng quyết định đến chất lượng của trống thì đòi hỏi sự sáng tạo và bí quyết riêng của mỗi người thợ. Khi nhất là loại trống nguyên khối thường được dùng tại đình, chùa nên phần tạo âm sắc trầm ấm phù hợp với không gian. |
Là người làm chủ 2 cơ sở làm trống lớn của gia đình, anh Phạm Chí Viết (con trai bà Kim) cho biết, mỗi người thợ đều có bí quyết để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Sau khi chuẩn bị gỗ, việc tạo dáng cũng đòi hỏi người thợ phải khéo léo và “nghệ thuật”, làm sao để trống đẹp và cân đối. Đến công đoạn làm da, da trâu được quây tròn, căng hết cỡ trên mặt trống. Da làm trống phải là da trâu cái, được đem ngâm nước, khử mùi rồi phơi khô dưới trời nắng to. “Ngoài việc chọn gỗ tốt, theo kinh nghiệm của tôi, nếu chọn da “ẩu” thì trống nhanh rách, tiếng không vang. Ở công đoạn bưng trống, phải điều chỉnh độ căng của da, đến khi nghe thử âm thanh phát tốt, người thợ dùng đinh chốt được làm từ thân tre già đóng cố định vào thân trống”- anh Viết bộc bạch.
Cơ sở Quyết Trống, do anh Phạm Minh Quyết (phường Xuân Trung, TX.Long Khánh) làm chủ, có truyền thống 4 đời làm trống ở tỉnh Hà Nam. Anh Quyết chia sẻ, 3 anh em trai trong nhà anh đều theo nghề này, nhưng chỉ có một mình anh lập nghiệp tại Đồng Nai. Vào Nam lập nghiệp, anh Quyết vẫn giữ quy trình làm trống truyền thống của gia đình.
Anh Quyết chia sẻ, gắn bó với nghề làm trống đã hơn 25 năm, mỗi cái trống hoàn thành là cả tâm huyết mà anh dồn hết vào đó. Hiện tại, đứa con trai đang học lớp 9 của anh Quyết cũng được cha chỉ dạy những bước đi cơ bản của nghề trống. Công việc này rất kén chọn người, không phải cứ ai muốn theo nghề cũng có thể trở thành thợ giỏi. Thường chỉ những người trong gia đình, dòng họ mới truyền lại cho nhau. Tuy nhiên, ngoài những bước làm cơ bản, mỗi người phải có một bí quyết riêng để không “đụng hàng” và trộn lẫn vào đâu được.
“Người làm trống cũng giống như người nghệ sĩ, phải biết thẩm âm để xác định độ vang của trống. Mỗi loại có một thứ tiếng riêng. Trống đình, trống chùa làm khác, trống dùng cho các đoàn ca nhạc, trống lân, trống hội càng khác nữa. Dù thế nào thì chắc chắn truyền thống của gia đình, quê hương không bao giờ mất. Hy vọng, đứa con trai sẽ nối nghiệp cha thật tốt” - anh Quyết hồ hởi nói.
* Bước vào mùa trống
Mùa Trung thu trước, gia đình anh Phạm Chí Viết bán ra gần 100 cái trống các loại, trong đó phần lớn là trống múa lân có kích cỡ từ 15-60cm. Vào thời gian này, cơ sở làm trống của anh làm việc khẩn trương để có sản phẩm phục vụ cho dịp Tết Trung thu. “Ngày trước, một chiếc trống lân, trống bỏi có thể sử dụng đến 15-20 năm, nhưng bây giờ chỉ dùng khoảng 10 năm đổ lại. Sự thay đổi đó không phải do chất liệu hay thợ dở, mà do người chơi thích cái mới, cái lạ. Chúng tôi xem đó là điều kiện để làm mới mình”- anh Viết cho hay.
Sau khi hoàn thành phần thô, trống được sơn màu, chạm khắc. |
Nếu ngày xưa, để đặt một cái trống ưng ý cho làng, xã, khách hàng phải lặn lội, tìm kiếm rất vất vả. Còn hiện nay, trống được đem ra sát đường lớn trưng bày, mua bán. Tùy theo từng loại trống mà giá cả khác nhau, trống đại có giá từ vài chục triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/cái, trống nhỏ từ 70-100 ngàn đồng/cái.
Ông Phan Xuân Bắc (62 tuổi, chủ tiệm trống Xuân Bắc, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) nói: “Từ tháng 7 âm lịch trở đi, người làm trống không lo thiếu việc. Những đơn hàng phục vụ cho các trường học dịp khai giảng, Tết Trung thu, kéo dài cho đến tết và các dịp lễ hội sang năm. Trống làm ở đây thuận lợi hơn so với ngoài Bắc do nguồn gỗ dồi dào, chuyện đặt mua những khối gỗ để làm trống nguyên dễ hơn”.
Ngoài bán trống cho thị trường trong khu vực, như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương…, ông Bắc còn làm theo yêu cầu của khách hàng ở các tỉnh xa, thậm chí ở tận miền Bắc. “Chúng tôi hãnh diện về nghề của mình, vì thật ra ít có nghề nào mà lịch sử của nó tồn tại lâu đến vậy. Thời hưng thịnh mà chúng tôi làm ăn khấm khá nhất là khi bắt đầu SEA games 22 năm 2003. Đợt đó, khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh về đặt hàng liên tục. Có khi khách đặt gần 20 cái một lúc, loại đường kính 50-70cm, thợ phải làm đêm làm ngày để kịp đơn hàng. Bây giờ, đơn hàng tuy có ít hơn, nhưng người làm nghề này vẫn không lo đói” - ông Bắc cho biết thêm.
Theo thời gian, thị hiếu người tiêu dùng cũng đã thay đổi khi đồ chơi Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, người làm trống phải nắm bắt tâm lý người tiêu dùng để tìm hướng sản xuất mới. Những chiếc trống có tuổi thọ thấp, nhưng chất lượng không đổi và giá cả phù hợp đang được ưa chuộng trở lại. Vậy nên, những người làm trống mới có thể gắn bó và giữ gìn nghề truyền thống.
Thanh Hải